Học lực giỏi, nhưng những cử nhân này lại cất bằng đại học để... về quê chăn lợn, nuôi vịt và thành ông chủ

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bỏ lại những cơ hội công việc ở thành phố lớn, nhiều người trẻ quyết tâm về lại làng quê mở trang trại, tìm hướng đi mới cho tương lai của chính mình.
Học lực giỏi, nhưng những cử nhân này lại cất bằng đại học để... về quê chăn lợn, nuôi vịt và thành ông chủ
Chàng thanh niên Đỗ Mạnh Hùng với nỗ lực làm giàu đáng khâm phục. (Ảnh: Đại lộ)

Mới đây, câu chuyện về Bùi Thị Hà (23 tuổi, Hà Giang) – một trong 100 thủ khoa xuất sắc được vinh danh hiện đang phụ mẹ bán hoa quả, nuôi lợn đã gây xôn xao cộng đồng mạng. Tốt nghiệp bằng giỏi tại ĐH Sư phạm Hà Nội 2, Bùi Thị Hà trở về quê hương với mong muốn được thực hiện ước mơ làm nghề “gõ đầu trẻ”.

Thế nhưng, những nỗ lực trong suốt 4 năm học chưa thể giúp ích được cô gái trẻ khi hiện tại tỉnh nhà không có đợt thi tuyển giáo viên nào. Vậy là suốt 1 năm kể từ ngày ra trường, cô gái trẻ vẫn phụ mẹ bán hoa quả, nuôi lợn kiếm tiền trang trải cuộc sống và mòn mỏi chờ đợi ngày được đứng trên bục giảng.

Không chỉ riêng trường hợp của thủ khoa Bùi Thị Hà, lâu nay câu chuyện về những thạc sỹ, cử nhân đại học thất nghiệp vẫn là một câu hỏi nhức nhối.

Thế nhưng, ngược lại với hàng nghìn người vẫn chờ mong có một cơ hội việc làm ổn định, nhiều cử nhân đã mạnh dạn cất bằng đại học, bỏ công việc ổn định để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Cử nhân Thái Bình bỏ bằng đại học về quê nuôi lợn rừng

Tốt nghiệp ngành Quản trị Kinh doanh, ĐH Ngoại ngữ Tin học TPHCM, Đỗ Mạnh Hùng (sinh năm 1991) đã liều lĩnh bỏ công việc ổn định về quê mở trang trại chăn nuôi lợn rừng Thái Lan.

    

Quyết định này của chàng trai trẻ bị gia đình kịch liệt phản đối, bởi bố mẹ nào cũng mong muốn con thoát khỏi cảnh “đầu tắt, mặt tối”. Thế nhưng, Hùng lại suy nghĩ hoàn toàn khác khi cho rằng làm nông nghiệp có nhiều mặt chứ không nhất thiết gắn với con trâu, thửa ruộng.

Khởi nghiệp với không ít khó khăn và thất bại, thế nhưng chàng trai quê lúa quyết không từ bỏ mục tiêu. Theo Đại lộ đưa tin, năm 2014, trang trại của chàng trai này đã có 54 con lợn giống và nhân giống thành công khoảng 300 – 400 lợn con mỗi lứa.

Nhờ mô hình này, vào thời điểm năm 2014, Mạnh Hùng đã có thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm và trở thành ông chủ trang trại mô hình nuôi lợn rừng Thái lớn nhất tỉnh.

Thạc sĩ ở Hà Tĩnh về quê… xây trang trại nuôi lợn

Phan Công Vũ với cơ ngơi của mình. (Ảnh: Infonet)

Năm 2014, sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ tại Trường Đại học GTVT TPHCM, anh Phan Công Vũ (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) đã quyết định về quê cùng gia đình xây dựng trang trại.

    

Nhận thấy chăn nuôi lợn trên địa bàn chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, tự phát, phần lớn con giống được mua trôi nổi trên thị trường hoặc do người dân tự chọn lọc, không đảm bảo chất lượng, an toàn dịch bệnh nên Phan Công Vũ đã quyết tâm đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi lợn hiện đại, quy mô lớn.

Năm 2015, Vũ đã thành lập Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Hoàng Phát do mình đứng ra làm chủ.

Theo báo điện tử Infonet đưa tin, với kinh phí ban đầu từ số tiền tích cóp của bản thân trong mấy năm đi làm, cộng thêm vốn gia đình và vay ngân hàng, Vũ đã đầu tư một trang trại bề thế với tổng kinh phí hơn 8 tỉ đồng.

Hiện tại, HTX đã xây 3 chuồng nuôi heo thịt, mỗi chuồng 800m2 với 1.800 con lợn, mỗi năm xuất ra thị trường khoảng 450 tấn lợn thịt, lợi nhuận mỗi năm thu về khoảng1 tỉ đồng.

Bên cạnh chăn nuôi lợn, anh Phan Công Vũ còn kết hợp trồng hàng chục ha rừng theo quy mô tập trung, 2 ha chè, đào ao thả cá, chăn nuôi gà thả vườn, đầu tư vào các giống trái cây ăn quả…

Chàng trai Ninh Bình có 2 bằng đại học về quê khởi nghiệp thành tỷ phú

Chủ trang trại Phạm Văn Nhật sở hữu 2 bằng đại học nhưng quyết định từ bỏ để gây dựng cơ ngơi cho riêng mình. (Ảnh: Trang trại Việt)

    

Đó là câu chuyện của anh Phạm Văn Nhật (sinh năm 1982, xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh, Ninh Bình).

Tốt nghiệp Trường Đại học Văn hóa và Đại học Kinh tế quốc dân nhưng không muốn làm công ăn lương, chàng trai Ninh Bình đã làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Với số vốn ban đầu tích góp được, anh Phạm Văn Nhật đấu thầu 0,3ha đất ở xã Khánh Hải (Yên Khánh) rồi bỏ tiền làm trang trại nuôi các loại con đặc sản như nhím rồi tới lợn rừng...

Đối với việc chăn nuôi lợn rừng, mỗi năm gia đình anh có doanh thu 1,1 tỷ đồng. Trừ chi phí, anh thu về trên 600 triệu đồng.

Trong một lần tình cờ biết đến mô hình nuôi vịt trời, anh Phạm Văn Nhật mạnh dạn đầu tư và hơn 1 năm sau trang trại đã phát triển với quy mô 1.000 con vịt giống bố mẹ, 9.000 vịt thương phẩm/lứa, mỗi năm 4 lứa.

Với giá bán 120.000 đồng/con, năm 2015 anh thu 1,4 tỷ đồng. Trừ chi phí đầu tư, anh bỏ túi 300 triệu đồng/năm, tờ Trang trại Việt đưa tin.

Cử nhân bằng giỏi ngữ văn quê Hà Tĩnh về nhà nuôi thỏ

Cử nhân ngữ văn gác tấm bằng loại giỏi để nuôi thỏ làm giàu. (Ảnh: Thanh niên)

Tốt nghiệp cử nhân ngành ngữ văn với tấm bằng loại giỏi, Trần Thanh Cần (Sơn Phú,Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã lặng lẽ cất tấm bằng loại ưu trở về quê nuôi thỏ làm giàu.

Viết về quá trình khởi nghiệp của chàng trai Hà Tĩnh, báo Thanh niên viết: Năm  2012, anh Cần đem 15 triệu đồng tích cóp được mua gỗ, làm chuồng và ra Hà Nội mua 11 con thỏ New Zealand về nuôi thử nghiệm. Tuy nhiên, ngay lứa thỏ đầu tiên, anh đã bị thất bại hoàn toàn, đàn thỏ bỗng nhiên lăn đùng ra chết.

Thấy việc nuôi thỏ chẳng "dễ ăn" chút nào, bố mẹ anh ra sức phản đối và yêu cầu con trai tìm công việc phù hợp với chuyên ngành đã học để lập nghiệp. Nhưng với quyết tâm và đam mê của mình, dần dần anh Cần cũng thuyết phục được bố mẹ đồng ý cho vay vốn mở trang trại trên diện tích 400 m2.

Trại thỏ của anh Cần hiện nuôi 400 thỏ nái. Mỗi năm ước tính anh xuất ra thị trường khoảng 10.000 - 20.000 con thỏ giống và 2 tấn thỏ thịt. Cộng cả tiền bán thỏ và lãi lời có được từ việc thu mua thỏ, mỗi năm anh Cần thu về 1,5 - 1,7 tỉ đồng.

Cử nhân bằng giỏi ở TPHCM mở trang trại trùn quế

Sau khi ra trường, Nguyễn Văn Sang từng thất nghiệp gần 1 năm và nhờ ý chí làm giàu, anh đã sở hữu công ty cho doanh thu cả tỷ đồng mỗi năm. (Ảnh: Tiền phong)

Tốt nghiệp loại giỏi Đại học Nông lâm TPHCM, sau một năm không tìm được việc làm, Nguyễn Văn Sang (sinh năm 1990) tự mày mò nuôi trùn quế và sở hữu công ty cho doanh thu cả tỷ đồng mỗi năm.

Được biết, sau khi ra trường chàng trai sinh năm 1990 không tìm được việc làm nên đành phụ gia đình chăn nuôi. Thời điểm đó, bố mẹ Nguyễn Văn Sang cũng đã nuôi trùn quế (giun quế) từ nguồn phân bò có sẵn, nhưng không bán được. Thế là Sang thử đem trùn làm thức ăn cho gà, cho bò sữa và thấy hiệu quả rất cao.

Nhận thấy sản phẩm có tác dụng tốt trong trồng trọt và chăn nuôi, tháng 10/2014, Sang thành lập Công ty cổ phần trùn quế Củ Chi. Anh mày mò học thêm các lớp về marketing online để giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng.

Sau thất bại ban đầu khi kinh doanh quá dàn trải, Nguyễn Văn Sang quyết định chỉ tập trung cung cấp sản phẩm phân bón từ trùn quế cho người trồng rau sạch.

Năm 2015, mỗi tháng công ty cung cấp 100 tấn phân bón cho thị trường sỉ và lẻ, thu về hơn 100 triệu đồng. Anh cũng cho hay khi thị trường ổn định, sẽ hướng sang nghiên cứu sản phẩm dành cho chăn nuôi, báo Tiền phong đưa tin.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật