Nữ giáo viên biến đá thành tiền

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trung tâm tiếng Anh phải đóng cửa vì Covid-19, “bà chủ“ Hồng Lan stress nên tìm đến vẽ để giải tỏa và phát hiện ra nghề mới đầy tiềm năng.
Nữ giáo viên biến đá thành tiền
Một sản phẩm đang được trưng bày tại cửa hàng của chị Hồng Lan.

"Hai năm trước, tôi tình cờ gặp một số bức tranh vẽ trên đá cuội. Lúc đó tôi vừa phấn khích vừa bất ngờ nên tìm hiểu cách làm từ các nghệ sỹ nước ngoài với mục đích thư giãn lúc rảnh rỗi", chị Nguyễn Thị Hồng Lan, 49 tuổi, kể về "cuộc gặp gỡ định mệnh" của mình với những viên đá.

Thời gian đầu, có ngày chị ngồi đến 10 tiếng để nghiền ngẫm thứ nghệ thuật mới lạ. Tác phẩm đầu tiên là con bọ rùa trên đá học từ một nghệ sỹ người Canada. Chị Lan chụp lại và đăng lên trang cá nhân khoe. Mọi người đều tỏ ra thích thú với tác phẩm này, thậm chí có người hỏi mua nhưng chị không bán.

Mọi việc thay đổi kể từ tháng 3/2020 khi trung tâm ngoại ngữ của chị buộc phải đóng cửa vì Covid-19. Mất nguồn thu, không việc làm nên chị bị stress, bèn rủ một giáo viên người Phillipines cùng vẽ cho đỡ buồn. Càng vẽ, người phụ nữ này càng mê mẩn. Lan nhận ra, nếu biết cách tận dụng và phát triển đúng hướng thì vẽ tranh trên đá sẽ là hướng đi mới có thể kiếm tiền. "Quan trọng là loại hình mới này cần tiếp cận theo hướng khác, không thể giữ mãi tư duy truyền thống là vẽ rồi ngồi đợi người tới mua", chị tâm sự.

Lan tìm đến các con sông suối ở trong tỉnh tìm nguyên vật liệu nhưng số lượng không được nhiều do đá cuội ở Bà Rịa - Vũng Tàu có bề mặt lớn nhưng lại sần sùi, vẽ khó nên nhanh hỏng bút. Chị phải tìm kiếm những hòn đá chất lượng tốt, bề mặt mịn, mẫu hình đa dạng khắp nơi rồi nhập về. Đá để vẽ được rửa sạch, làm sạch bề mặt rồi hong thật khô vì nếu phơi không kỹ dễ xảy ra nấm mốc, tróc sơn sau khi vẽ.

Từ hình dáng viên đá sơ khai, người vẽ phải dùng con mắt nghệ thuật để tạo hình tác phẩm, khó nhất là phải tận dụng được góc cạnh của viên đá để biến bức tranh trên đó "thật và sống động" như một tác phẩm 3D. Tác phẩm sau khi hoàn thành được phủ một lớp sơn epoxy, chờ thêm một ngày để sơn khô, màu sắc có độ bền chắc vĩnh viễn, không bị tác động bởi thời tiết hay nhiệt độ môi trường bên ngoài.

Quy trình nghe đơn giản nhưng ngày đầu để cho ra đời một tác phẩm hoàn thiện, Lan phải trả giá không ít. "Thời kỳ đầu tôi vừa học vẽ, vừa học cách giữ màu đẹp cho sản phẩm. Nếu tính tiền thì mất tới hàng trăm triệu vì công nghệ phủ bảo vệ đá trang trí Việt Nam khi đó chưa ai đạt được chất lượng hoàn hảo như của nước ngoài". Chị Lan đã phải mua hàng chục loại sơn về thử. Từ sơn phủ bóng xe hơi đến các loại dùng cho xây dựng. Nhiều đêm người phụ nữ này mất ngủ vì tác phẩm mất nhiều công vẽ nhưng phủ xong lại bị loang màu, hỏng toàn bộ.

Không ít lần chị Lan định bỏ cuộc, nhưng được 1-2 ngày lại nhớ, lại lao vào bàn vẽ. Thấy cô giáo đam mê với nghề mới, nhiều học viên ở trung tâm thường xuyên nhắn tin, gọi điện động viên, tăng thêm quyết tâm cho chị.

Hơn một năm vừa học vừa làm, lại kiêm nhiệm quản lý trung tâm ngoại ngữ, tháng 2/2021, Lan quyết định mở một cửa hàng bán tranh đá cuội tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Đội ngũ thợ của chị là những giáo viên trong trung tâm tiếng Anh nhằm tạo thêm thu nhập mùa dịch cho họ. Giáng sinh năm 2020, những thầy cô giáo này đã làm trên 1.000 viên đá tặng tất cả các học viên của trung tâm. Khi cửa hàng được thành lập, Lan còn mở thêm lớp vẽ trên đá miễn phí, dạy bằng tiếng Anh cho học viên. Sản phẩm được bày bán, vừa tạo thu nhập cho những bạn có năng khiếu, vừa khuyến khích các em học tập.

Chị Hồng Lan vốn là giáo viên tiếng Anh, có tình yêu với đá cuội từ khi dịch Covid-19 bùng phát năm 2020.

Thời gian đầu, bố mẹ Lan còn phản đối gay gắt vì đang là giáo viên lại đột ngột rẽ ngang sang nghề "không liên quan" nhưng thấy con gái đam mê, sản phẩm làm ra đẹp mắt nên ông bà không còn ý kiến. Chồng chị làm ngành đá hoa cương nên cũng giúp trong việc làm đế, chân cho các sản phẩm. "Tuy vậy, ảnh vẫn rất lo vì tôi dành quá nhiều thời gian cho nó. Tuy nhiên biết được đam mê cũng như mục đích mở cửa hàng của vợ, sau này anh cũng ủng hộ", chị nói.

Ngay từ đầu người phụ nữ này xác định cần có thương hiệu cho sản phẩm của mình, bởi Bà Rịa Vũng Tàu là đất du lịch, cần khách hàng nhớ tới. Nếu chỉ tập trung bán khi chưa có thương hiệu, sau một thời gian, khả năng cao sản phẩm sẽ bị sao chép, lãi thấp lại khó phân loại khách hàng.

Với 1.000 sản phẩm có mặt trong cửa hàng, Lan phân chia thành ba phân khúc: thấp, trung và cao cấp. Dòng tranh phân khúc thấp dành cho học sinh, sinh viên ở mức giá 50.000-100.000 đồng. Dòng tầm trung vẽ 3D, giá dao động 100.000-500.000 đồng với đối tượng khách hàng là dân công sở, văn phòng. Với những người có thu nhập tốt, chị giới thiệu tới dòng tranh tầm cao có giá thấp nhất 2 triệu, cao nhất lên tới 50 triệu một tác phẩm. Lời lãi thu được, Lan xoay vòng tái đầu tư cho cửa hàng, bán online và giới thiệu sản phẩm.

Trong tương lai, người phụ nữ này dự định tiếp tục mở rộng quy mô cửa hàng để mang sản phẩm giá trị cao ’Made in VietNam’ giới thiệu tới du khách nước ngoài khi đến Bà Rịa-Vũng Tàu.

"Tôi kiên trì với nghề còn nguyên nhân nữa là muốn gợi ý cho các bạn trẻ muốn khởi nghiệp: Cho dù không được đào tạo bài bản về ngành nghề, cũng có thể mày mò sáng tạo và khởi nghiệp thành công", chị nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật