Chàng trai Đắk Lắk bỏ phố vào rừng, thay đổi diện mạo cho cả một buôn làng

Lumia Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Rời xa thành phố ồn ào với công việc ổn định, Nguyễn Văn Nhã (28 tuổi - Đắk Lắk) quyết định vào rừng khoan giếng, dựng nhà, thực hiện nhiều dự án thiện nguyện.
Chàng trai Đắk Lắk bỏ phố vào rừng, thay đổi diện mạo cho cả một buôn làng
Từng tốt nghiệp cử nhân ngành Cơ điện tử tại ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM song Nhã lại “bỏ phố, về rừng“ làm du lịch và thực hiện các dự án thiện nguyện.

Vào rừng làm du lịch, thay đổi diện mạo cho cả buôn làng

Từng tốt nghiệp cử nhân ngành Cơ điện tử tại ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nhưng Nhã đã sớm chuyển sang hướng kinh doanh, làm nhiều ngành nghề khác nhau: in ấn, mở quán cafe, homestay và làm du lịch.

"Ngay từ thời sinh viên tôi đã tập kinh doanh, sau đó mở xưởng in nhỏ quà tặng cho học sinh, sinh viên. Tôi vừa học vừa gắn bó với nghề in, đồng thời đi phụ tour vào cuối tuần ở Sài Gòn", Nhã chia sẻ.

Đến năm 2016, chàng trai Đắk Lắk và một số người bạn thành lập nhóm du lịch thiện nguyện mang tên "Thích tour". Cả nhóm cùng khám phá nhiều vùng đất mới bằng xe đạp, thực hiện chương trình tình nguyện tại các địa điểm từng qua.

Cách đây một năm, Nhã chuyển sang làm việc trong công ty thiên về mảng F&B, công việc ổn định, mang lại mức lương đủ để trang trải cuộc sống phố thị. Cuối tuần, Nhã vẫn tranh thủ thời gian dẫn tour du lịch để thỏ‌a mã‌n niềm đam mê.

Quyết định bỏ phố về rừng của Nhã bắt đầu từ sau đợt dịch Covid-19 đầu tiên năm 2020. Chàng trai Đắk Lắk rời Đà Lạt về làng Ma Bó, xã Đa Quyn nơi có dân tộc Churu sinh sống, làng nằm ven rừng giáp ranh giữa Lâm Đồng và Ninh Thuận.

Nhã biết đến vùng đất này từ năm 2016, sau chuyến đi trekking Tà Năng - Phan Dũng kết hợp với các chương trình thiện nguyện của Thích Tour.

"Bản thân tôi thích rừng núi và cuộc sống đơn giản của người đồng bào nơi đây, nên lựa chọn làng là điểm dừng chân".

Nhớ lại quãng thời gian đầu đến làng, chàng trai sinh năm 1993 nhắc lại hành trình khoan giếng tìm nước, dựng nhà để ở. Do làng Ma Bó, 100% người dân tộc, Nhã là người kinh đầu tiên nên cả làng cảnh giác, dè chừng.

Để khoan giếng, dựng nhà, chàng trai phải thuê nhân công mức giá cao, mua và vận chuyển vật liệu với chi phí lớn hơn bình thường. Sau đó, Nhã bắt đầu tìm hiểu về lối sống, phong tục của người Churu, chủ động làm quen, chia sẻ giếng nước với dân làng.

Ngôi nhà với thiết kế độc đáo tại làng Ma Bó, xã Đa Quyn.

Quyết định bỏ phố về rừng của Nhã đều nhận được sự ủng hộ của gia đình và bạn bè. Nhưng khó khăn bước đầu của vùng đất lạ đôi khi làm chàng trai Đắk Lắk đắn đo: "Có nhiều người hỏi ’liệu mọi thứ có ổn không?’, tôi nghĩ tất nhiên việc gì bắt đầu mà không có khó khăn, cứ như vậy tôi cố gắng từng ngày để hoàn thiện, chứ không từ bỏ".

Sau một năm, chàng trai Đắk Lắk đem lại một diện mạo mới cho làng Ma Bó và đồng bào dân tộc Churu. Không còn những mảnh đất đỏ trống rỗng, khô cằn Nhã xây dựng nhiều căn homestay gỗ độc đáo, giếng nước khoan cung cấp đủ cho dân làng cùng dùng.

Ở đây, Nhã thực hiện du lịch cộng đồng, khách được trực tiếp trải nghiệm cuộc sống mới mẻ của văn hóa người Churu. Bắt đầu lại việc chạy tour các chương trình như: trekking, bilking xuyên rừng với sự hỗ trợ của đồng bào địa phương, Nhã đã nhận được nhiều phải hồi tích cực từ khách hàng.

Các tour du lịch được anh chàng Đắk Lắk gây ấn tượng mạnh khi mở tại một vùng đất mới, dân làng gần gũi, thân thiện khác hẳn với thời gian đầu tiên khi Nhã lập nghiệp.

Khởi đầu may mắn, Nguyễn Văn Nhã tiếp tục thành lập công ty du lịch đặt trụ sở tại Sài Gòn, có nhân viên trực tiếp hỗ trợ, tư vấn cho khách hàng. Khu dân cư thưa thớt như làng Ma Bó trở nên nhộn nhịp, rộn rã tiếng cười nói của dân làng bên những ngôi nhà gỗ mới được dựng.

Niềm vui là sự cho đi

Không dừng lại ở phát triển du lịch, chàng trai Đắk Lắk còn dành tình cảm đặc biệt với bà con, trẻ em dân tộc Churu.

"Ngay từ lần đầu đến Ma Bó, tôi đã có cảm giác đây là quê hương thứ hai của mình. Tôi còn nhớ những ngày chia sẻ từng gánh nước giếng với bà con, chúng tôi coi nhau như gia đình, đi rừng có lá gì ăn được họ đều hái chia cho tôi một ít".

Xuất phát điểm từ gia đình không có điều kiện, Nhã hiểu và cảm thông với những đứa trẻ làng Ma Bó. Từng có ước mơ tự tay xây dựng một thư viện miễn phí, nay Nhã đã thực hiện nó dành tặng cho trẻ em dân tộc Churu khó khăn sống ven rừng.

Thư viện "Tổ sách bồ câu" được Nhã xây dựng với cách thiết kế mới mẻ, bắt mắt, đây là nơi trẻ em Churu trong làng được tự tay trang trí, làm đẹp không gian. Những cuốn sách miễn phí được sắp xếp gọn gàng, bày kín các kệ gỗ, với đủ thể loại.

Cuộc gặp gỡ và trò chuyện của du khách tới thăm làng Ma Bó.

Nhã cho biết thêm: "Sắp tới tôi sẽ có mở các lớp dạy tiếng Anh, kèm thêm văn hóa, năng khiếu cho các bé vào cuối tuần với sự hỗ trợ của các bạ‌n tìn‌h nguyện viên từ Sài Gòn".

Cuộc sống yên bình trong rừng, hàng ngày được dân làng ghé thăm, cho rau Nhã chưa từng nghĩ đến việc rời bỏ ngôi làng. Mỗi ngày trôi qua, điều khiến chàng trai Đắk Lắk trăn trở làm sao để cải thiện chất lượng cuộc sống người dân làng Ma Bó.

Các hoạt động thiện nguyện dành cho các em nhỏ làng Ma Bó.

"Trong tương lai, tại đây ngoài các dự án về thư viện và lớp học tôi đang kết nối với các nhóm thiên về mây tre đan, tôi muốn đưa người về hướng dẫn bà con khu vực nơi đây học cách làm để giúp họ có được công việc ổn định".

Với những kết quả bước đầu, Nhã đang tiếp tục xây dựng kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng, chủ động liên kết với các công ty, trường học để làm nhiều chương trình trải nghiệm hoạt động tại địa phương.

Chàng trai sinh năm 1993 quan niệm: "Vừa làm kinh tế, vừa phải hướng đến cộng đồng, mọi người đều có thể cùng phát triển". Kinh nghiệm về kinh doanh, du lịch Nhã vẫn hàng ngày trau dồi, hơn hết là tình yêu thương với làng Ma Bó và dân tộc Churu trở thành bước đà cho những dự định tương lai.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật