Chín cây muỗm nghìn năm ở đền Voi Phục

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thủ đô Hà Nội là thành phố nhiều cây xanh, trong đó có nhiều cây cổ thụ gắn với các vùng đất, di tích lịch sử, đình chùa nổi tiếng.
Chín cây muỗm nghìn năm ở đền Voi Phục
Các cây muỗm tại đền Voi Phục - Thụy Khuê khi bị sâu đục thân năm 2013. Ảnh: VACNE

Hơn chục năm qua, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) đã trao bằng chứng nhận “Cây di sản Việt Nam” cho một số cây cổ thụ có giá trị, coi đó như là một trong những hình ảnh tượng trưng cho vùng đất Thăng Long nghìn xưa văn hiến. Xuân, Tết trồng cây, bàn cây di sản hướng đến 1 tỷ cây xanh là chuyện nên làm.

Kỳ 1: Chín cây muỗm nghìn năm ở đền Voi Phục

Voi Phục là một ngôi đền trong Thăng Long tứ trấn của thành Thăng Long xưa. Ngoài cửa đền có hai con voi quỳ phục dưới đất nên gọi là đền Voi Phục. Trong đền, có chín cây muỗm được lưu truyền trồng sau khi xây đền, đến nay đã ngót nghìn năm tuổi. Đây là những cây được VACNE công nhận là cây di sản Việt Nam đầu tiên của Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Tùng bên “cụ” muỗm duy nhất còn sống tại đền Voi Phục-Thụy Khuê. Ảnh: Kiến Nghĩa

Vinh danh

Khi đến tìm hiểu về những “cụ” muỗm này, chúng tôi xác định cần tới đền Voi Phục trên phố Thụy Khuê. Bởi Hà Nội có hai đền Voi Phục, một tại phố Thụy Khuê (gốc tích xưa thuộc làng Thụy Chương), một tại đường Kim Mã (xưa thuộc làng Thủ Lệ). Ông Nguyễn Văn Tùng, 88 tuổi, Trưởng ban Quản lý đền Voi Phục - Thụy Khuê cho biết, ngôi đền này được xây dựng để thờ Linh Lang đại vương, hoàng tử thứ tư của vua Lý Thánh Tông.

Tương truyền, xưa kia hoàng tử Linh Lang đã có công trong cuộc kháng chiến chống quân xâ‌m lượ‌c nhà Tống, đã hy sinh vào thế kỷ 11. Sau khi hoàng tử mất, người dân đã lập đền thờ Linh Lang đại vương tại nhiều nơi trên đất Thăng Long, trong đó có đền Voi Phục - Thủ Lệ và Voi Phục - Thụy Khuê, đến nay đều có tuổi đời đã gần 10 thế kỷ. “Đền Voi Phục- Thụy Khuê được xếp hạng di tích kiến trúc, nghệ thuật Quốc gia năm 1986”- ông Tùng nói.

Ông Nguyễn Văn Tùng cho hay, theo truyền thống của nước ta, mỗi khi xây dựng đình, đền hoặc chùa, bao giờ các cụ cũng trồng các cây như đa, bồ đề và muỗm. Tại đền Voi Phục-Thụy Khuê, sau khi xây dựng đền, các cụ chọn trồng cây muỗm, vì đó là loại cây dễ sống, cho bóng mát và phù hợp với chất đất tại đây.

“Sở dĩ trồng tại đây 9 cây, vì theo quan niệm của văn hóa phương Đông, số 9 là trường cửu, tượng trưng cho sự viên mãn, tròn đầy của ngôi đền thiêng”- ông Tùng nói. Rồi vị Trưởng Ban quản lý đền Voi Phục - Thụy Khuê chia sẻ, ông vốn sinh ra lại vùng đất này, nên ngay từ nhỏ đã thấy những cây muỗm xanh tốt, cao sừng sững trong đền.

Sau này, có dịp đứng trên nhà cao tầng nhìn xuống, ông Tùng thấy tán rộng lớn của những cây muỗm cổ thụ này như thể cửu long tranh châu (chín con rồng tranh ngọc). Viên ngọc ở đây chính là ngôi đền thờ Linh Lang đại vương.

Gần một ngàn năm qua, những cây muỗm trong đền Voi Phục chẳng những làm nên sự uy nghiêm mà còn đem lại bóng mát, hoa trái cho ngôi đền cổ. Vào mùa hè, sân đền hầu như không có nắng bởi tán cây đan cài, chỉ khi trời nắng chói chang mới có chút nắng lọt qua kẽ lá. Có thời điểm nắng nóng trên 40 độ, mọi người ngồi trong đền vẫn không cần dùng đến quạt.

Vào mùa xuân, hoa muỗm nở trắng đền, tỏa hương thoang thoảng. Mỗi khi có đợt gió mạnh từ Hồ Tây thổi vào, hoa rụng trắng mái đền, sân đền và khuôn viên trước sau. Đến khi muỗm chín, quả sai trĩu trịt, trông thật đẹp mắt.

Trước khi đến đền Voi Phục-Thụy Khuê, chúng tôi đã tới VACNE làm việc để biết về các cây được vinh danh “cây di sản” trên địa bàn Thủ đô.

Ông Phùng Quang Chính, Phó Chủ tịch VACNE cho biết: “Năm 2010, để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, chúng tôi đã tiến hành xem xét các cây cổ thụ trên địa bàn Thủ đô để vinh danh là cây di sản Việt Nam. VACNE thấy chín cây muỗm trong đền Voi Phục nổi trội hơn cả, nên đã vinh danh là các cây di sản Việt Nam đầu tiên của Hà Nội”.

Theo chân ông Tùng, chúng tôi đến thăm cây muỗm cuối cùng còn sống. Cây hiện khỏe mạnh, gốc to vài người ôm, lá xanh tươi. “Qua kiểm tra, cây muỗm này không bị sâu bệnh như những cây khác. Sau khi tám cây muỗm bị chết, chúng tôi đã trồng thế những cây mới vào đó. Các cây muỗm mới phát triển tốt, năm nào cũng có quả”- ông Tùng chia sẻ.

Tiếc nuối

Tại buổi gặp ông Nguyễn Văn Tùng hôm đó, vừa vào câu chuyện, ông đã nói với chúng tôi là đối với cây cổ thụ lâu đời, phương hướng bảo vệ cây rất quan trọng. Rồi bùi ngùi, vị Trưởng Ban quản lý với thâm niên 35 năm trông coi đền Voi Phục - Thụy Khuê chia sẻ rằng, các ông không phải là người có kiến thức về lâm nghiệp hay trồng trọt, nên không biết chăm sóc cây.

Bao năm qua cây vẫn sống trong đền, các ông chỉ biết trông coi không cho người ngoài vào hái quả, bẻ cành…, không hề biết đến tình hình “sức khỏe” của cây. Ông Tùng cho biết, sau khi 9 cây muỗm được vinh danh, một năm sau bắt đầu phát hiện có cây lá không phát triển tươi tốt như trước.

Tới năm 2013, vài cây muỗm khác có biểu hiện tương tự nên ông Tùng đã báo cáo sự việc với VACNE. VACNE cử người đến kiểm tra, phát hiện tình trạng nấm trên thân cây nên đã lấy mẫu về kiểm tra. Sau đó, VACNE đã giới thiệu các chuyên gia từ viện Lâm nghiệp Việt Nam tới chữa trị cho cây.

Qua xem xét, viện Lâm nghiệp Việt Nam đề xuất mời chuyên gia của Úc tới để xử lý trình trạng của cây. Các chuyên gia đã tiêm thuốc trực tiếp vào thân để diệt sâu bệnh và cung cấp thêm chất dinh dưỡng cho cây. Ban đầu, các cây đã xanh trở lại, nhưng sau một thời gian lại bị héo rồi rụng hết lá. Cùng lúc đó, một số cây muỗm khác cũng bị héo lá và lại được chữa trị tiếp như những cây trước. Nhưng đến năm 2014, tám cây muỗm bị bệnh đều không cứu chữa được, nên hiện chỉ còn duy nhất một cây còn sống.

Nghe câu chuyện trên, chúng tôi hỏi vào năm 2011, đền Voi Phục-Thụy Khuê được trùng tu lớn, liệu điều này có làm ảnh hưởng tới những cây muỗm? Nghe vậy, ông Tùng trả lời việc trùng tu nếu có cũng ảnh hưởng không đáng kể, còn nguyên nhân chủ yếu là do các cây muỗm đã già, nhiều cây bị sâu ăn rỗng ruột bên trong mà không biết.

“Sau khi cây chết, chúng tôi xin phép các cấp có trách nhiệm được hạ cây để trồng thế những cây muỗm mới vào vị trí đó. Khi cưa cây, mới biết nhiều thân cây đã bị sâu ăn rỗng. Chúng tôi chỉ là những người trông coi đền, không có chuyên môn chăm sóc cây, nên khi cây bị sâu ăn bên trong đã không thể phát hiện ra. Kinh nghiệm rút ra là cần phải có giải pháp để chăm sóc, phát hiện sâu bệnh nhằm kéo dài tuổi thọ cho các cây cổ thụ”- ông Tùng nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật