Nguy cơ tuyệt chủng các loài do biến đổi khí hậu

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhiều loài động vật và thực vật độc đáo, chỉ sinh sống ở những địa điểm thắng cảnh kỳ vĩ nhất thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng nếu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục tăng lên, theo một nghiên cứu khoa học mới được công bố trên tạp chí Biological Conservation (Bảo tồn Sinh học).
Nguy cơ tuyệt chủng các loài do biến đổi khí hậu
Gấu Bắc Cực, một trong các loài động vật đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do tác động của biến đổi khí hậu

Các nhà khoa học cảnh báo biến đổi khí hậu, nếu không được kiểm soát, có thể phá hủy những báu vật thiên nhiên ở những "điểm nóng đa dạng sinh học" trên thế giới. 

Một nhóm các nhà khoa học toàn cầu đã phân tích gần 300 điểm nóng đa dạng sinh học trên đất liền và trên biển. Đây là những địa điểm tập trung số lượng các loài động thực vật đặc biệt cao. Nhiều điểm nóng trong số này có các loài ’đặc hữu’, chỉ sinh sống ở duy nhất một vị trí địa lý, chẳng hạn như một hòn đảo hoặc một quốc gia. 

Họ phát hiện ra rằng nếu hành tinh nóng lên trên 3°C thì một phần ba số loài đặc hữu sống trên đất liền và khoảng một nửa số loài đặc hữu sống ở biển sẽ đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Ở vùng núi, 84% động vật và thực vật đặc hữu phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng ở mức nhiệt độ này, trong khi trên các hòn đảo, con số này lên đến 100%. Nhìn chung, 92% loài đặc hữu trên đất liền và 95% loài đặc hữu ở biển phải đối mặt với những hậu quả tiêu cực ở mức tăng 3°C, chẳng hạn như giảm thiểu về số lượng. Các chính sách hiện tại đang đưa thế giới đi theo hướng nóng lên khoảng 3°C này.

Trong các loài đặc hữu, có cả một số loài động vật và thực vật mang tính biểu tượng nhất thế giới. Những loài đặc hữu bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu bao gồm tất cả các loài vượn cáo chỉ tồn tại ở Madagascar; sếu xanh – vốn là loài chim quốc gia của Nam Phi; và báo tuyết, một trong những loài động vật độc đáo nhất của dãy Himalaya.

Nghiên cứu cho thấy rằng so với các loài phổ biến rộng rãi, các loài đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng cao gấp 2,7 lần nếu tình trạng nhiệt độ tăng không được kiểm soát. Do chỉ được tìm thấy ở một nơi nhất định và nếu biến đổi khí hậu làm thay đổi môi trường sống riêng biệt của chúng, các loài này chắc chắn sẽ biến mất khỏi bề mặt Trái đất. Nếu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục tăng thì những nơi như các đảo Caribe, Madagascar và Sri Lanka có thể phải chứng kiến hầu hết các loài thực vật đặc hữu của mình tuyệt chủng ngay sau năm 2050. Các vùng nhiệt đới đặc biệt dễ bị tổn thương, với hơn 60% các loài đặc hữu nhiệt đới đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng dưới tác động của riêng biến đổi khí hậu.

Nhưng mọi thứ chưa hẳn đã chấm dứt. Nếu các quốc gia cắt giảm lượng khí thải phù hợp với Thỏa thuận Paris thì hầu hết các loài đặc hữu này sẽ vẫn tồn tại. Tổng cộng, 2% các loài đất đặc hữu và 2% các loài sinh vật biển đặc hữu đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng nếu nhiệt độ tăng mức 1,5ºC, và 4% ở 2ºC. Những cam kết mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo toàn cầu trước hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu ở Glasgow vào cuối năm nay có thể đưa thế giới đi đúng hướng đáp ứng Thỏa thuận Paris, và tránh được nguy cơ những báu vật thiên nhiên quý giá nhất của thế giới bị hủy diệt trên diện rộng.

Stella Manes, tác giả chính của nghiên cứu và là nhà nghiên cứu tại Đại học Liên bang Rio de Janeiro, cho biết: “Biến đổi khí hậu đe dọa các khu vực vốn hết sức phong phú các loài sinh vật độc đáo, không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Nguy cơ biến mất vĩnh viễn những loài này sẽ tăng hơn gấp 10 lần nếu chúng ta bỏ lỡ các mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Đa dạng sinh học có nhiều giá trị quý giá hơn là chỉ để ngắm nghía. Sự đa dạng của các loài càng cao thì sức khoẻ của thiên nhiên càng tốt, đồng thời bảo vệ khỏi các mối đe dọa như biến đổi khí hậu. Thiên nhiên khoẻ mạnh sẽ cung cấp những nguồn sống không thể thiếu cho con người, chẳng hạn như nước, thực phẩm, vật liệu, bảo vệ chúng ta khỏi thiên tai, mang đến giá trị thư giãn giải trí và kết nối văn hóa và tinh thần.”

Wolfgang Kiessling, chuyên gia hàng hải từ Đại học Friedrich-Alexander Erlangen- Nũrnberg và là tác giả của nghiên cứu cho biết: "Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng một thế giới một màu và có thể rất nhàm chán đang chờ đợi chúng ta phía trước do biến đổi khí hậu. Các sinh vật du nhập sẽ hưởng lợi, trong khi các loài bản địa đóng góp cho vẻ đặc biệt của những điểm nóng sẽ bị biến mất." 
 
Mark Costello, chuyên gia hàng hải từ Đại học Nord và Đại học Auckland, đồng thời là tác giả của nghiên cứu cho biết: "Nghiên cứu này phát hiện ra rằng các loài quý hiếm về mặt địa lý, đặc biệt là những loài sống trên đảo và núi, đã và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do biến đổi khí hậu hiện nay. Theo đặc tính tự nhiên, những loài này không thể dễ dàng di chuyển đến những môi trường thuận lợi hơn. Các phân tích chỉ ra rằng 20% của tất cả các loài sẽ bị đe dọa tuyệt chủng do biến đổi khí hậu trong những thập kỷ tới, trừ khi chúng ta hành động ngay bây giờ."
 
Còn theo Shobha S. Maharaj, chuyên gia về đảo từ Tạp chí Khoa học Môi trường và Năng lượng Tái tạo Caribe, đồng thời là tác giả của nghiên cứu: “Nghiên cứu này cho thấy nguy cơ tuyệt chủng do biến đổi khí hậu đối với các loài quý hiếm sống ở vùng đảo cao hơn 8 lần so với các khu vực đất liền. Sự hiếm có về mặt địa lý của những loài này khiến chúng có giá trị toàn cầu với tự nhiên.

Những loài như vậy không thể di chuyển dễ dàng đến những môi trường thuận lợi hơn và kết cục tuyệt chủng của chúng có thể dẫn đến tình trạng suy giảm các loài không cân xứng trên toàn cầu”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật