Làng biệt thự ven núi

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cách đây hơn 10 năm, không ai nghĩ thôn Me, xã Nghĩa Trung (Việt Yên) lại đổi thay như hôm nay. Đường bê tông trải dài đến tận ngõ xóm, ô tô tấp nập, nhà tầng khang trang mọc lên san sát. Ông Nguyễn Văn Thọ, trưởng thôn khẳng định: “Tất cả là nhờ nghề cai thầu xây dựng và buôn cá”.
Làng biệt thự ven núi
Một góc thôn Me.

Năng động làm giàu

Nhấp ngụm trà, ông Thọ kể: Thôn Me những năm trước đìu hiu bởi địa bàn rộng, dân cư sống rải rác trên các triền núi. Đường sá đi lại khó khăn, đồng ruộng bạc màu nên bà con quanh năm đầu tắt mặt tối mà cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám. Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, một số người trong thôn bắt đầu đi làm thợ xây, cứ thế người trước bảo người sau rồi cả làng đi làm thợ. 

Lâu dần, có kinh nghiệm, đội ngũ này cũng trở thành những cai thầu có tiếng trong vùng. Cả thôn có 324 hộ thì có một nửa có người làm “cai” xây dựng, đứng đầu một nhóm thợ từ 6 người trở lên. Có gia đình mấy anh em trai, cả vợ chồng, bố con đều làm thợ. Ngoài ra còn khoảng 30 hộ làm nghề buôn cá.

Qua câu chuyện với trưởng thôn được biết người phát động phong trào đi xây ở làng quê thuần nông này là ông Phạm Văn Tiu (SN 1953). Đến thăm nhà vị “tiền bối” của cánh thợ thôn Me, ấn tượng đầu tiên là ngôi nhà hai tầng khang trang, bề thế, thiết kế có sân rộng phía trước. 

Một ngôi nhà khang trang tại thôn Me.

Vừa trông cháu, bà Nguyễn Thị Đoan - vợ ông Tiu kể: “Chúng tôi lấy nhau năm 1971, lúc bấy giờ nhà nghèo, bố mẹ đã có tuổi, các em chồng vẫn còn nhỏ. Rồi lần lượt tôi sinh 6 người con. Cả nhà có mấy sào ruộng, lo đủ ăn cho ngần ấy miệng đã khó, nói gì đến nuôi con ăn học. Các cụ bảo “đói đầu gối cũng phải bò”, ông nhà tôi lăn lộn đủ nghề mà vẫn không khá. Mãi đến năm 1985, ông ấy đi theo cánh thợ xây ở Từ Sơn (Bắc Ninh) thì cuộc sống mới đỡ vất vả”.

Ngày ấy, ông Tiu vừa làm vừa theo học trung cấp xây dựng, rồi đầu quân cho Công ty Xây dựng Hương Giang (Bắc Ninh). Khoảng thời gian này, ngoài thi công công trình do công ty nhận thầu, ông tranh thủ nhận các công trình, hạng mục nhỏ làm thêm. Một mình không làm xuể nên ông về quê kéo theo đám thanh niên trong làng đi làm cùng. Tiếp lời vợ, ông Tiu kể: “Năm đó có tầm 40-50 người cùng tôi đi làm. 

Ngay như nhà tôi, ba em trai cũng cùng đi, hai chú làm xây còn chú út đi nấu cơm thợ. Thế mà đến nay cũng đã là thợ cứng cả rồi”. Hồi đó, không chỉ là người đi trước truyền kinh nghiệm cho người sau mà anh em còn được theo học lớp đào tạo do công ty tổ chức nên ngoài tay nghề, họ còn có thêm nhiều kiến thức về ngành xây dựng. Cứ thế, cánh thợ thôn Me đi khắp nơi, lúc ở Hà Nội, Thái Nguyên, khi thì Quảng Bình, TP Hồ Chí Minh. Có những chuyến đi kéo dài hàng 3-4 tháng.

Chỉ sau 5 năm làm cai thầu, cuộc sống gia đình ông Tiu đã ổn, không phải lo ăn từng bữa như trước, dần dần có của ăn của để. Kinh tế khá giả, năm 2012, ông xây ngôi nhà hai tầng khang trang đầu tiên của thôn Me. Cánh thợ ông Tiu dẫn dắt năm xưa nay đã trở thành lão luyện, cai xây dựng có tiếng trong vùng như ông: Phạm Văn Chiến, Phạm Văn Tuyên, Nguyễn Hữu Hùng, Phạm Văn Thắng...

Đến giờ họ cũng không thể nhớ nổi mình đã xây dựng bao nhiêu căn nhà, công trình. “Trước đây, nghèo khó lắm, làm ruộng không đủ trang trải cuộc sống. Chỉ biết là nhờ nghề thợ xây mà cuộc sống của gia đình khá lên. Gia đình tôi có 6 anh em trai thì cả 6 đều làm thợ, rồi làm “cai”, ông Phạm Văn Chiến, người có hơn 30 năm làm nghề thợ xây cho biết.

Không chỉ đi lên từ nghề thợ xây, với tư duy “phi thương bất phú”, nhiều người dân thôn Me đi mua cá trong vùng rồi bắt mối, phân phối tới các điểm buôn. Buôn cá có tiếng của vùng phải kể đến vợ chồng ông Nguyễn Văn Quỳnh (SN 1963) và bà Nguyễn Thị Lượng (SN 1963). Còn nhớ năm 2000, hai vợ chồng chở nhau trên chiếc xe máy “Min khờ” đi khắp nơi thu mua cá rồi lại chở lên các chợ ở Thái Nguyên, Hà Nội đổ buôn. 

Sau vài năm, ông bà tích cóp tiền, mua chiếc xe tải nhỏ để tiện làm ăn. Bà Lượng chia sẻ: “Tôi mua cả ao, sau đó báo khách. Mình ở giữa thì ăn chênh lệch. Thời gian đầu, chưa có kinh nghiệm trả giá nên cũng nhiều lần lỗ vốn vì lúc mua của chủ ao một giá nhưng khi bán lại bị thấp hơn”. Khách của ông bà có ở khắp nơi từ Lục Ngạn, Sơn Động đến Hà Nội, Thái Nguyên. Hiện nay ông bà vẫn duy trì nghề này và thuê 10 ha diện tích đất mặt nước cấy lúa không ăn chắc của thôn để nuôi cá thịt, đạt sản lượng gần 30 tấn cá/năm. Trừ chi phí, trung bình mỗi năm ông bà thu lãi gần 1 tỷ đồng từ mô hình kinh doanh tổng hợp.

Góp sức làm đẹp quê hương

Thôn Me đã “thay da, đổi thịt”. Nhìn những ngôi biệt thự, nhà cao tầng san sát nơi đây ai nấy đều trầm trồ, ngưỡng mộ. Tất cả đều do chính bàn tay của những người thợ trong thôn làm nên.

Nhiều hộ dân trong thôn giàu lên nhờ nuôi và kinh doanh cá thương phẩm.

Theo những người thợ ở đây, dù là lao động chân tay nhưng người thợ xây phải biết tính toán chính xác nguyên vật liệu cần thiết cho mỗi công trình, rồi khéo léo, tỉ mỉ trong từng công đoạn. Và hơn cả, phải lấy chữ tín làm đầu. Đặc biệt là những người làm “cai” cần phải tính toán nhận công trình gối nhau, việc đều để bảo đảm ngày công và thu nhập cho anh em. Có vậy họ mới yên tâm làm việc và gắn bó với mình.

Tạo dựng được uy tín, thương hiệu, nhiều người thợ thôn Me lập các tổ, nhóm xây dựng để góp phần phát triển nghề. Hiện tại, thôn có khoảng 50% hộ có người làm “cai” xây dựng, phụ trách các tổ, nhóm thợ. Bình quân mỗi tổ từ 5-20 lao động, là người địa phương và ở các vùng lân cận. Mức thu nhập của mỗi thợ chính nếu làm đủ công mỗi tháng 10-16 triệu đồng (bao ăn cả ngày). Nhiều gia đình, con cháu “nối nghiệp” cha mẹ, năng động chuyển đổi để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Thôn có 324 hộ thì có tới một nửa số hộ có người làm “cai” xây dựng, đứng đầu một nhóm thợ từ 6 người trở lên. Có gia đình mấy anh em trai, cả vợ chồng, bố con đều làm thợ. Ngoài ra còn khoảng 30 hộ làm nghề buôn cá.

Những người thợ trẻ của thôn không chỉ biết xây mà họ biết hoàn thiện công trình. Từ sơn, lắp điện nước đến làm trần thạch cao… Nói vậy bởi có những đội thợ sẽ tự mình làm được hết công đoạn song cơ bản họ liên kết với nhau, mỗi người một phần việc. “Khách hàng đa phần muốn thuê trọn gói thì dễ quản lý và có sự phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện công trình thuận lợi hơn. Do vậy, việc đa dạng nghề, liên kết giữa các tổ, đội thợ trong thôn là điều tất yếu”, anh Nguyễn Hữu Hiệp, một “cai” xây dựng trẻ tuổi cho biết.

Cái khó “ló” cái khôn, người dân thôn Me đã năng động tìm hướng làm ăn, vươn lên xây dựng đời sống mới. Khi có “của ăn, của để”, họ quay về góp sức làm đẹp quê hương. Năm ngoái, nhờ Nhà nước hỗ trợ một phần, nhân dân trong thôn bảo nhau góp tiền (hơn 700 nghìn đồng/khẩu), hiến đất, góp ngày công hoàn thành những km đường bê tông cuối cùng của thôn. Làng quê phong quang, sạch đẹp.

Những tốp thợ thôn Me dù đi tứ xứ nhưng khi quê hương cần đều sẵn lòng giúp sức. Hầu hết những công trình phúc lợi trong thôn đều do họ tự tay thi công. Như năm 2018, thôn xây dựng lại chùa Phượng Hoàng. Mỗi người một việc, chung sức làm đẹp quê hương.

Theo lời của trưởng thôn Nguyễn Văn Thọ thì nghề thợ xây, kinh doanh cá đã giúp người dân thôn Me có cuộc sống sung túc hơn, số hộ giàu, khá trong thôn chiếm hơn 80%, nhiều năm liền thôn đạt danh hiệu văn hóa. Từ mấy chục hộ nghèo nay cả thôn chỉ còn 6 hộ. Kinh tế khá giả, bà con sôi nổi tham gia các môn thể thao, sinh hoạt văn nghệ với hàng chục câu lạc bộ bóng chuyền hơi, khiêu vũ. No ấm hiện hữu khắp trong nhà, ngoài ngõ.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật