Nâng lô có bảo vệ nhà đầu tư cá nhân?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Việc dự kiến tăng lô giao dịch từ 100 lên 1.000 CP, ở một góc nhìn khác khi HOSE cho biết việc điều chỉnh này để bảo vệ NĐT cá nhân, khi họ sẽ chuyển sang đầu tư chứng chỉ quỹ phát hành bởi các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp. Nhưng đây chỉ là một phần của bức ghép hình puzzle.
Nâng lô có bảo vệ nhà đầu tư cá nhân?
Ảnh minh họa

Quỹ đầu tư nào dành cho cá nhân?

Trên thị trường tài chính, tùy theo các tiêu chí có nhiều loại quỹ đầu tư khác nhau. Có thể liệt kê ra như quỹ ETF, quỹ tương hỗ, quỹ hưu trí, quỹ đóng, ủy thác đầu tư, quỹ chuyên đầu tư trái phiếu, quỹ chuyên đầu tư CP, quỹ chuyên đầu tư các chỉ số CK.

Sự đa dạng phong phú của các quỹ đầu tư nhằm đáp ứng rất nhiều nhu cầu khác nhau của NĐT cá nhân và tổ chức. Nhưng nói rằng đầu tư chứng chỉ quỹ để bảo vệ lợi ích NĐT nhỏ lẻ và giảm nghẽn lệnh cho sàn giao dịch, cần thiết phải xem lại.

Thứ nhất, nhiều chứng chỉ quỹ được niêm yết như CP, nên vẫn phải giao dịch theo lô. Những quỹ có danh mục toàn là CP bluechip mức giá thường sẽ cao, như quỹ ETF của Vanguard chuyên về CP công nghệ hiện có giá xoay quanh 350-370USD.

Ngoài ra, nhiều quỹ còn có quy định mức đầu tư tối thiểu 500USD, 5.000USD, thậm chí hàng chục ngàn USD, nên không thể tiếp cận được với tất cả NĐT cá nhân.

Thứ hai, chứng chỉ quỹ cũng là một loại CK nên dĩ nhiên cũng ẩn chứa rủi ro. Và mức độ rủi ro không chỉ phụ thuộc các yếu tố chung của thị trường, còn ở doanh nghiệp quản lý quỹ. Chính vì vậy, các quỹ đầu tư đều có các chỉ số đo lường rủi ro, hiệu quả như tất cả các loại CK khác, từ Alpha, Beta, Max Drawdown, R2, VaR đến Sharpe ratio, Information ratio...

Ngoài ra khác với CP hay các loại CK khác, đầu tư vào quỹ NĐT phải mất thêm chi phí quản lý quỹ, và điều này có khi là ma trận đối với nhiều NĐT cá nhân. Nhiều quỹ đầu tư không minh bạch vấn đề này, không công bố công khai tổng chi phí ròng cho NĐT nhỏ lẻ được biết.

Thứ ba, lợi nhuận hay hiệu quả của đầu tư vào quỹ hoàn toàn nằm ngoài khả năng kiểm soát của NĐT, khi giao quyền quyết định cho người quản lý quỹ. Do đó, NĐT cá nhân cần theo dõi hiệu quả của quỹ đầu tư trong khoảng thời gian nhất định, thường 3 hay 5 năm, thông qua các chỉ báo rủi ro, hiệu quả, hay các chỉ số hiệu quả đã có điều chỉnh rủi ro.


Triển vọng cho quỹ đầu tư ở Việt Nam?

Việc nâng lô giao dịch từ 100 lên 1.000 CP thực sự không phải bảo vệ quyền lợi NĐT nhỏ lẻ, mà có chủ ý uốn nắn họ từ đầu tư CP sang đầu tư chứng chỉ quỹ.

Theo số liệu từ Eikon (Thomson Reuteurs), hiện có 47 quỹ niêm yết ở Việt Nam, số lượng quỹ có trên 5 năm tuổi là 19, trên 3 tuổi là 29 và trên 1 tuổi là 41. Số lượng quỹ như vậy so với tổng số CP niêm yết chỉ khoảng 7%.

Tuy vậy, hiệu quả đầu tư của các quỹ có sự chênh lệch đáng kể. Nếu tính khung thời gian 3 năm trở lại đây, tỷ suất sinh lời của các quỹ niêm yết ở Việt Nam 4,5%/năm, có quỹ tỷ suất sinh lời âm nhưng có quỹ đạt mức cao nhất 9%/năm.

Đối với những quỹ có thâm niên trên 5 năm, tỷ suất sinh lợi trung bình của 5 năm gần đây 12%/năm, đặc biệt có quỹ đạt mức trung bình 17,5%/năm.

Điều này cho thấy việc đầu tư vào các quỹ cũng ẩn chứa nhiều mức độ rủi ro khác nhau. Thêm vào đó, lợi nhuận ròng của NĐT vào quỹ phải cấn trừ các chi phí thực tế đã phát sinh. Đây cũng là lý do ở nhiều thị trường các quỹ đầu tư không chỉ cạnh tranh với nhau về hiệu quả sinh lời gộp, còn cạnh tranh ở tổng chi phí ròng, mức đầu tư tối thiểu, sự linh động trong việc quản lý, chuyển đổi, thanh lý quỹ.

Ở nhiều thị trường phát triển, phần lớn vốn hóa của thị trường là nắm giữ bởi người dân. Bởi bên cạnh việc đầu tư trực tiếp vào CP, người dân còn đầu tư vào các quỹ tương hỗ, quỹ ETF và quỹ hưu trí. Các quỹ này, một cách gián tiếp lại đầu tư thay người dân vào TTCK.

Như vậy, để phát triển ngành quỹ đầu tư chuyên nghiệp, không thể uốn NĐT cá nhân từ CP sang chứng chỉ quỹ, vì họ biết tính toán chi phí cơ hội của mình, chưa kể rất nhiều quỹ đầu tư không cần niêm yết.

Thực tế ở các thị trường phát triển, quỹ đầu tư chuyên nghiệp phát triển được là sự đồng bộ của nhiều chính sách khác nhau, trong đó quan trọng nhất là chính sách thuế thu nhập cá nhân. Rất nhiều nước có chương trình hưu trí bổ sung, dạng DC (Defined Contribution), người lao động đóng một phần vào quỹ hưu trí tự nguyện, bên sử dụng lao động bổ sung phần còn lại.

Phần đóng của người lao động được khấu trừ vào thu nhập cơ sở để tính thuế thu nhập cá nhân, có ấn định mức tối đa được giảm trừ. Liên quan đến thuế thu nhập cá nhân, có những quỹ bảo hiểm nhân thọ, khi người dân đầu tư vào các chứng chỉ quỹ được công nhận, nếu giữ sau một số năm nhất định (như ở Pháp sau 4 năm và có lợi nhất nếu sau 8 năm), phần lãi từ hợp đồng sẽ được áp dụng thuế suất ưu đãi. 

Tiếp đến là sự minh bạch, hiệu quả của thị trường và các quy định bảo vệ NĐT cá nhân chặt chẽ. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Financial Economics của Cumming, Johan và Li năm 2011 với dữ liệu của 42 TTCK, cho thấy các quy định chặt chẽ của Luật CK sẽ làm tăng sự tin tưởng của NĐT cá nhân, khi kiểm soát và hạn chế các vấn nạn như thao túng thị trường, giao dịch nội gián và vấn đề xung đột lợi ích người đại diện trung gian.

Luật Dodd-Frank của Mỹ và  quy định MiFID của EU là những minh chứng cho việc quản lý giám sát tốt sẽ thúc đẩy thị trường phát triển.

Như vậy, việc nâng lô giao dịch từ 100 lên 1.000 CP thực sự không phải là bảo vệ quyền lợi NĐT nhỏ lẻ khi có chủ ý uốn nắn họ từ đầu tư CP sang đầu tư chứng chỉ quỹ.

Thêm vào đó, ngành quỹ đầu tư chuyên nghiệp chỉ có thể phát triển khi có các chính sách phù hợp về thuế thu nhập cá nhân, Luật CK và các quy định Pháp Luật thực sự bảo vệ quyền lợi NĐT cá nhân, vì một TTCK minh bạch và hiệu quả.

TS. Võ Đình Trí, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, IPAG Business School Paris, và AVSE Global

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật