Chuyện làng thương vợ có 1-0-2 ở Huế: mọi việc cứ để chồng lo

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đàn ông ở “làng thương vợ“ sẽ đảm nhiệm việc đồng áng hay công việc nặng nhọc, trong khi những người vợ chỉ cần ở nhà cơm nước, chăm sóc con cái.
Chuyện làng thương vợ có 1-0-2 ở Huế: mọi việc cứ để chồng lo
Tìm được người thương yêu, san sẻ việc nhà là niềm hạnh phúc với mỗi người phụ nữ (Ảnh minh họa: Pinterest)

Với mỗi người phụ nữ, tìm được một nửa kia hoàn hảo, yêu thương, chiều chuộng, chăm sóc bản thân và gia đình là điều vô cùng hạnh phúc, đáng quý.

Tại Huế, có một ngôi làng mà mỗi người phụ nữ đều cảm thấy hạnh phúc, thậm chí còn khiến cho nhiều chị em khác phải cảm thấy ganh tị khi thấy tình cảm mà những người chồng dành cho một nửa của mình - đó là "Làng thương vợ". 

Làng thương vợ "có 1-0-2" ở Huế mộng mơ

Ngôi làng đặc biệt nói trên là làng Công Lương, nằm ở xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế. Giống như mọi làng quê yên bình khác, nơi đây cũng có những hộ gia đình thuần nông, gắn bó với ruộng đồng và chăm chỉ làm việc mỗi ngày. Tuy nhiên, điều đặc biệt của ngôi làng này chính là ở chỗ mọi công việc đồng áng đều sẽ do một tay những "đấng mày râu" đảm nhiệm. 

Công việc đồng áng do một tay những người đàn ông đảm nhiệm (Ảnh: ngoisao.net)

Hình ảnh những người đàn ông đi làm việc đồng áng chẳng còn xa lạ tại làng Công Lương (Ảnh: Lost Bird)

Chia sẻ trên Dân Trí, bà H.T.D (66 tuổi) tự hào kể về ngôi làng đặc biệt nơi mình đang sinh sống: "Nhiều đời nay, phụ nữ không bao giờ phải làm bất cứ công việc nặng nhọc nào. Ở đây, công việc đồng áng thường chỉ có đàn ông làm thôi. Phụ nữ trong làng chẳng bao giờ phải ra đồng cả."

Trong khi đó, một người đàn ông của làng thì lại cho biết thông thường những người phụ nữ trong nhà chỉ cần chuẩn bị nông cụ, hoặc ra đồng để đưa cơm cho chồng mà thôi. Người này cũng vui vẻ kể rằng có chị em lúc ra đến đồng còn bị lạc, bởi chẳng biết ruộng nhà mình ở chỗ nào hay rộng, hẹp ra sao.

Những người đàn ông làng Công Lương chăm chỉ làm việc trên cánh đồng (Ảnh: Dân Trí)

Thương vợ là truyền thống từ lâu đời

Được biết ở làng Công Lương, những người phụ nữ ngoài việc sinh con dưỡng cái thì ít khi phải làm những công việc nặng nhọc trong gia đình. Từ khi sinh ra, lớn lên tới tận lúc gả chồng, họ không phải ra đồng làm ruộng, bán mặt cho đất bán lưng cho trời như phụ nữ ở nhiều nơi. Họ chỉ cần cơm nước, chăn nuôi mấy con lợn, con gà và làm vài việc nhẹ nhàng khác. Ở một số gia đình, việc bếp núc cũng được những người đàn ông trong nhà tranh làm, bởi họ không muốn vợ con mình phải vất vả.

Một người đàn ông trong làng ra đồng cấy lúa (Ảnh: ngoisao.net)

Theo lời chia sẻ từ những người trong làng, việc thương vợ, làm hết mọi việc cho những người phụ nữ của mình đã là truyền thống của làng từ bao đời nay. Người phụ nữ của làng Công Lương được có những "đặc quyền, đặc lợi" hơn hẳn người ở nơi khác. Vốn dĩ họ chẳng phải là người phụ nữ lười biếng, nhác việc nhà, mà thực chất chỉ là họ được sống ở nơi mà những người đàn ông đều hết mực thương yêu vợ con của mình.

Những người phụ nữ làng Công Lương thảnh thơi chuyện trò vì chẳng phải lo việc đồng áng (Ảnh: Dân Trí)

Từ khi thành lập làng, chưa có đôi vợ chồng nào ly hôn

Chia sẻ về các đấng mày râu trong làng mình, đa phần những người phụ nữ đều không giấu được sự tự hào. Họ khẳng định đàn ông làng Công Lương đều là những người cực mẫu mực, chăm làm lụng và hiếm khi có cảnh ngồi rượu chè như các nơi khác. Ngoài ra, thương vợ chính là điều khiến những người phụ nữ tự hào về chồng mình hơn cả. 

Người đàn ông làng Công Lương ra ao rửa bát, giặt đồ giúp vợ (Ảnh: Báo )

Ông chồng vui vẻ khi giặt đồ giúp vợ mình (Ảnh: Lost Bird)

Trả lời trên tạp chí Văn Hiến Việt Nam, trưởng thôn cho biết làng có vài trăm hộ dân, tuy nhiên chưa bao giờ các gia đình xảy ra cãi vã, xích mích gì với nhau. Các cặp vợ chồng đều rất hạnh phúc, yêu thương nhau hết mực. Đặc biệt hơn nữa là từ khi làng được thành lập cho tới nay, chưa bao giờ có chuyện chồng "thượng cẳng chân hạ cẳng tay" với vợ hay chuyện các cặp đôi viết đơn đòi ly hôn.

Một người đàn ông giúp vợ cả chuyện bếp núc trong nhà (Ảnh: Tin miền Trung)

Nét hạnh phúc của một cặp vợ chồng của làng Công Lương (Ảnh: vanhien.vn)

Có thể thấy, thương vợ là điều hiển nhiên với mỗi người đàn ông sống ở làng Công Lương. Với họ, việc được chăm sóc, đỡ đần cho vợ con mình, giúp đỡ vợ con làm việc nặng nhọc đã trở thành thói quen, chẳng nề hà việc khó, việc nặng, miễn là để cho vợ con được an nhàn, thảnh thơi là họ đã cảm thấy vô cùng vui vẻ. 

Bạn thấy sao về "làng thương vợ" nằm tại xứ Huế mộng mơ này? Chia sẻ thêm với những suy nghĩ của bạn về ngôi làng "có 1-0-2" này nhé!  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật