Giới nhượng quyền lạc quan về triển vọng sau Covid-19

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo một số chuyên gia, nhượng quyền thương mại hiện là mô hình có khả năng phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng thời kỳ hậu Covid-19.
Giới nhượng quyền lạc quan về triển vọng sau Covid-19
Một điểm bán của Kebab Torki ngoài kinh doanh bánh mỳ kebab còn bán thêm buger. Ảnh: Quốc Thạch.

Quý IV/2020, sau thời gian dừng kế hoạch nhượng quyền thứ cấp vì Covid-19, GS25 Việt Nam cho biết sẽ tái khởi động chương trình này từ 2021. Vào Việt Nam năm 2018 thông qua liên doanh Sonkim Land và GS Retail Hàn Quốc, chuỗi này có tham vọng đạt 2.000 cửa hàng toàn quốc đến 2028.

Hiện nay, chuỗi có trên 100 cửa hàng. Với tình hình dịch bệnh được kiểm soát, họ bắt đầu tự tin quay lại kế hoạch nhượng quyền thứ cấp đang bị chậm một năm so với kế hoạch ban đầu.

Kebab Torki - một thương hiệu bánh mỳ kebab, thì quyết tâm mở rộng mạng lưới trong suốt năm qua. "Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn khi đại dịch xảy ra nên đã thay đổi môi hình kinh doanh. Vì vậy, chúng tôi phát triển thêm các sản phẩm phụ như gà rán, burger, pizza... trên cùng điểm bán cho đối tác nhượng quyền mà không tính thêm phí", Lê Quốc Thạch, Nhà sáng lập Kebab Torki, chia sẻ.

Kết quả, chuỗi bánh mỳ này có thêm hơn 100 điểm bán năm qua, đưa tổng số điểm bán đến hiện tại là hơn 300. Đánh giá về triển vọng 2021, Thạch cho rằng kinh doanh nhượng quyền với khung chi phí thấp sẽ bùng nổ hơn. "Khi kinh tế khó khăn như hiện tại, nhà đầu tư càng lựa chọn thương hiệu có mức đầu tư thấp hơn", anh nhận định.

Chia sẻ tại một sự kiện ngày 22/1, ông Nguyễn Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) đánh giá, mô hình kinh doanh bằng hình thức nhượng quyền thương mại ngày càng phổ biến tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

"Việt Nam cũng được dự báo là điểm đến của nhiều thương hiệu quốc tế nổi tiếng trong thời gian tới", ông Tuấn nói và cho biết Hiệp hội Nhượng quyền Thương mại quốc tế (IFA) xem Việt Nam là thị trường nhượng quyền hấp dẫn tại Đông Nam Á.

Trong đó, các lĩnh vực được đánh giá cao như: thực phẩm và đồ uống, giáo dục, y tế và dinh dưỡng, dịch vụ kinh doanh, khách sạn, thời trang, làm đẹp và chăm sóc da, giải trí, dịch vụ trẻ em và cửa hàng tiện lợi.

Theo bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Retail & Franchise Asia, thành viên sáng lập và điều hành World Franchise as‌sociates, trước Covid-19, Việt Nam đã có các thương hiệu nhượng quyền lâu năm thành công như: Trung Nguyen Coffee, Pho 24, T&T, Cafe Bobby Brewers, Kinh Do Bakery, Wrap and Roll, Café Cong, AQ Silk, Shop and Go, Highland’s Coffee...

Vị chuyên gia này dự báo, thời kỳ hậu Covid-19, hoạt động nhượng quyền có thể phát triển mạnh ở các mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ, O2O (Online – to – Ofline), DevOps (mô hình làm việc kết hợp giữa kỹ sư phát triển phần mềm với bộ phận kỹ sư hệ thống, nhân viên bảo mật, kỹ sư mạng, kỹ sư hạ tầng...nhằm mục đích rút ngắn vòng đời phát triển sản phẩm), mô hình linh hoạt hay những mô hình có mức đầu tư thấp và hoàn vốn nhanh.

Bà Nguyễn Phi Vân chia sẻ tại buổi hội thảo "Khởi nghiệp với mô hình nhượng quyền thương mại" do ITPC tổ chức hôm 22/1. Ảnh: ITPC.

Lý giải nhượng quyền có thể là mô hình triển vọng sau Covid-19, ông Lê Đăng Khoa, Chủ tịch Le Group Ventures cho biết, môi trường kinh doanh hiện tại có tính cạnh tranh cao, và đi kèm những biến cố bất định như Covid-19.

Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp cần các giải pháp linh hoạt, chuyển dịch mô hình kinh doanh, đa dạng hóa kênh doanh thu nhằm phân tán rủi ro, nắm bắt cơ hội và dễ xoay chuyển trong mọi tình huống. "Và nhượng quyền thương mại hiện cũng đang nổi lên là mô hình có khả năng phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng thời kỳ hậu Covid-19", ông nói.

Dù triển vọng nhưng các chuyên gia cũng đưa ra vài khuyến nghị với những đơn vị, cá nhân muốn kinh doanh thông qua mua nhượng quyền.

Về mặt chiến lược, theo bà Phi Vân, nên lựa chọn đầu tư nhượng quyền vào những ngành phục vụ nhu cầu cơ bản; những mô hình linh hoạt; đa dạng kênh doanh thu; đầu tư vừa phải và thu hồi vốn nhanh; ứng dụng nền tảng quản trị số vào hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh đó, để có một mô hình nhượng quyền bền vững, doanh nghiệp phải quan tâm tới 5 yếu tố bao gồm: thương hiệu và mô hình, nền tảng vận hành, nhân sự và đào tạo, hệ thống và chuỗi cung ứng, nền tảng công nghệ.

Về mặt pháp lý, hoạt động nhượng quyền thương mại đang được điều chỉnh bởi Luật Thương mại năm 2005, sửa đổi năm 2017 và 2019. Phân loại theo hành vi thì hợp đồng nhượng quyền có các hình thức: nhượng quyền riêng lẻ, nhượng quyền độc quyền và nhượng quyền phát triển khu vực.

Bà Trần Thị Hương, Luật sư, Nhà sáng lập và điều hành Công ty Tư vấn Đầu tư và Sở hữu trí tuệ Rachel, Phó Ban Đối ngoại Trung tâm Hòa giải thương mại quốc tế VICMC, nhận định, doanh nghiệp vốn thấy khó khăn khi gặp phải vấn đề pháp lý trong kinh doanh, mảng nhượng quyền còn mới mẻ nên có thể càng khó hơn.

Vì vậy, bà Hương lưu ý khi soạn thảo và đàm phán hợp đồng nhượng quyền, cần hiểu bản chất của hợp đồng nhượng quyền là hợp đồng cho thuê.

Người tham gia nhượng quyền cần lưu ý đến ngôn ngữ hợp đồng; các điều khoản đảm bảo chất lượng; kênh truyền thông sản phẩm, dịch vụ; nguồn nguyên liệu thay thế; điều khoản chuyển tiếp về quyền; gia hạn hợp đồng; quy định về hạn chế kinh doanh; các điều khoản bảo mật thông tin; quyền sở hữu trí tuệ.

Cũng theo bà Hương, trước khi nhượng quyền phải đăng ký với Bộ Công Thương. "Đây là bước khởi đầu quan trọng để một hoạt động nhượng quyền chính thức được triển khai hợp pháp tại thị trường Việt Nam", vị chuyên gia nói.

Thành lập từ năm 1995, Napoli có được hơn 3.000 cửa hàng nhượng quyền trong và ngoài nước, bên cạnh mảng kinh doanh sản phẩm cà phê tại các kênh bán lẻ và xuất khẩu. Ông Nguyễn Đức Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Napoli chia sẻ thêm rằng, doanh nghiệp khi kinh doanh nhượng quyền cần nắm rõ đơn vị nhượng quyền có thể hỗ trợ được những gì. "Chẳng hạn đối với dịch vụ nước uống, việc lựa chọn mặt bằng, thiết kế phù hợp góp phần lớn tạo sự thành công cho doanh nghiệp", ông nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật