Gìn giữ Di sản - Kỳ quan Vịnh Hạ Long cho muôn đời sau

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Được Mẹ thiên nhiên ưu ái ban tặng cho một ’tài sản vô giá’ của nhân loại, Quảng Ninh đã luôn nỗ lực để quản lý, bảo vệ và khai thác có hiệu quả giá trị của Vịnh Hạ Long.
Gìn giữ Di sản - Kỳ quan Vịnh Hạ Long cho muôn đời sau
Một góc Vịnh Hạ Long nhìn từ trên cao. Ảnh tư liệu

Trong hơn nửa thế kỷ qua, kể từ khi Vịnh Hạ Long được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích - Danh thắng cấp quốc gia vào năm 1962, đặc biệt kể từ khi được Tổ chức UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ nhất (năm 1994) và lần thứ hai (năm 2000), những giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản – Kỳ quan thiên nhiên thế giới đã và đang được Quảng Ninh gìn giữ, phát huy.

Những giá trị ngoại hạng

Vịnh Hạ Long là dạng địa hình đảo xen lẫn các trũng biển, các vùng bãi triều có sú vẹt mọc và các đảo đá vôi vách dựng đứng rất tương phản nhau. Các đảo đá chủ yếu là đảo đá vôi (trên 90%), có độ cao khác nhau (từ 50-200m). Vịnh có diện tích 1.553 km2 bao gồm 1.969 hòn đảo (trong đó 980 hòn đảo đã có tên). Ở Vịnh Hạ Long, bao trùm nhiều giá trị, đó là giá trị về thẩm mĩ, địa chất - địa mạo, đa dạng sinh học, văn hóa - lịch sử. Mà đáng nói, ở khía cạnh nào, cũng thấy được sự xuất sắc, những giá trị đặc biệt.

Hàng ngàn đảo đá dù vô danh hay đã đặt tên đều chứa đựng trong mình những trầm tích của lịch sử. Bởi vậy mà từ xa xưa, đại thi hào dân tộc Nguyễn Trãi đã từng ngợi khen Vịnh Hạ Long là “Kỳ quan đất dựng giữa trời cao” bởi vẻ đẹp vừa hùng vĩ lại vừa nên thơ.

Hàng trăm đảo đá, mỗi đảo mang một hình dáng khác nhau hết sức sinh động, thậm chí đã được đặt tên riêng, như: Hòn Đầu Người, hòn Rồng, hòn Lã Vọng, hòn Cánh Buồm, hòn Gà Chọi, hòn Lư Hương…

Làng chài Cửa Vạn nằm trong vùng lõi của Vịnh Hạ Long, từng được website du lịch nổi tiếng thế giới Journeyetc.com bình chọn là 1 trong 16 ngôi làng cổ đẹp nhất thế giới. Ảnh: Hùng Sơn.

Các nhà khoa học đã chứng minh, sự hiện diện của Vịnh Hạ Long và những hòn đảo trên Vịnh, là những minh chứng độc đáo về lịch sử phát triển của trái đất, bao gồm đặc điểm địa chất và quá trình vận động, phát triển liên tục của dạng địa hình Karst, hệ Fengcong và Fengling. Địa hình đặc biệt của Vịnh Hạ Long có liên quan chặt chẽ tới lịch sử khí hậu và quá trình vận động kiến tạo của trái đất. Những hòn đảo ở đây là mẫu hình khá lý tưởng về Karst hình thành trong điều kiện nhiệt đới, ẩm. Toàn bộ khu vực Vịnh Hạ Long là một cảnh quan Karst qua nhiều triệu năm, với các tháp Karst hình chóp, hình tháp, bị bào mòn, tạo nên cảnh đẹp nổi bật, độc đáo toàn thế giới. Hơn nữa, Vịnh Hạ Long còn là một trong những khu vực đá vôi kast trên biển rộng lớn nhất trên thế giới.

Về đa dạng sinh học, có lẽ hiếm khu vực vịnh nào lại mang nhiều giá trị đa dạng sinh học như Vịnh Hạ Long. Đây là “kho” lưu trữ nguồn gen, nuôi dưỡng và sinh trưởng của gần 3.000 loài động, thực vật với 1.260 loài trên cạn và 1.553 loài sống dưới nước. Trong đó có 102 loài quý hiếm đang bị đe dọa ở các cấp độ khác nhau theo Sách đỏ Việt Nam, Công ước CITES, Danh lục đỏ của IUCN (Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế) và 17 loài thực vật đặc hữu thuộc VHL, như: Cọ Hạ Long, Thiên Tuế Hạ Long, Nhài Hạ Long, Ngũ gia bì Hạ Long...

Khách du lịch tham quan làng chài Cửa Vạn bằng dịch vụ chèo đò.

Vịnh Hạ Long còn là một trong những cái nôi cư trú của người Việt cổ với 3 nền văn hóa tiền sử kế tiếp nhau: Văn hóa Soi Nhụ, văn hóa Cái Bèo và văn hóa Hạ Long cách ngày nay từ 18.000 đến 3.500 năm. Đây là nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa, khảo cổ, minh chứng sinh động cho quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam tại vùng Đông Bắc tổ quốc.

Với những giá trị đặc biệt như vậy, năm 1962, Vịnh Hạ Long được Nhà nước xếp hạng là Di tích danh thắng quốc gia. Trong các năm 1994 và 2000, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã 2 lần công nhận Vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên Thế giới về giá trị cảnh quan và giá trị địa chất, địa mạo. Năm 2009, Chính phủ Việt Nam xếp hạng Vịnh Hạ Long là Di tích quốc gia đặc biệt. Và năm 2011, Vịnh Hạ Long được bầu chọn trở thành một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, thêm một lần nữa khẳng định giá trị mang tính toàn cầu của Vịnh Hạ Long.

Bảo tồn món quà vô giá của Mẹ thiên nhiên

Cán bộ Ban Quản lý Vịnh Hạ Long phối hợp với các chuyên gia khảo sát, giám sát và nhân giống cây cọ Hạ Long - một loài thực vật đặc hữu của hệ sinh thái trên Vịnh Hạ Long, năm 2018. Ảnh: Thu Trang.

Ngay sau khi trở thành Di sản thiên nhiên thế giới, Vịnh Hạ Long đã được xác định là nguồn tài nguyên vô giá cần phải bảo vệ vững chắc và lâu dài. Tỉnh đã dành nhiều nguồn lực, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để bảo tồn, gìn giữ, tôn tạo và phát huy di sản Vịnh Hạ Long. Đặc biệt là thực hiện đầy đủ, đúng các điều khoản của Công ước quốc tế về bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Đầu tiên phải kể đến việc thành lập Ban Quản lý Vịnh Hạ Long vào năm 1995 để chuyên trách thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý, bảo tồn Vịnh Hạ Long. Từ thời điểm đó, hàng loạt các cơ chế, chính sách, giải pháp, cách thức quản lý mang tính đồng bộ đã được Ban Quản lý Vịnh Hạ Long tham mưu cho UBND tỉnh. Từ việc nghiên cứu, đánh giá các giá trị, tiềm năng của Di sản, đến thực hiện các đề tài khoa học, dự án về bảo tồn, phát huy bền vững giá trị Di sản.

Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã chủ động phối hợp, liên kết với các chuyên gia quốc tế, các viện nghiên cứu, trường đại học, các nhà khoa học và các ban, ngành liên quan, triển khai các hoạt động nghiên cứu, giám sát đa dạng sinh học, tập trung vào 2 nội dung chính: Khảo sát, điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học Vịnh Hạ Long; triển khai các hoạt động giám sát, bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học. Cụ thể, trong các năm 2008 và 2015, qua hoạt động giám sát các rạn san hô trên Vịnh Hạ Long, Ban Quản lý Vịnh đã tổng hợp được bộ cơ sở dữ liệu về thành phần với 212 loài, 66 giống thuộc 11 họ của bộ san hô cứng Scleractinia và 1.315 loài sinh vật sống trong quần xã rạn san hô. Từ kết quả giám sát, năm 2016, Ban đã thực hiện khoanh vùng và cắm biển bảo tồn hai khu vực có độ phủ san hô cao trên Vịnh Hạ Long tại các khu vực Cống Đỏ, Hang Trai, để bảo tồn nguyên trạng giá trị đa dạng sinh học hệ sinh thái rạn san hô.

Cán bộ Ban Quản lý Vịnh Hạ Long chăm sóc cây giống tại Khu bảo tồn động, thực vật Vịnh Hạ Long trên đảo Soi Sim. Ảnh: Thu Trang.

Trong các năm 2013, 2015, 2016 và 2018, Ban đã tiến hành giám sát hiện trạng phân bố của các loài thực vật đặc hữu trên Vịnh; điều tra bổ sung, đánh giá đa dạng thực vật bậc cao có mạch và tìm kiếm các loài thực vật có hoạt tính sinh học tại các đảo trên Vịnh; giám sát hiện trạng phân bố của các loài thực vật đặc hữu (Cọ Hạ Long) và một số loài thực vật có giá trị khác, như cây Bông mộc và Lan hài vệ nữ hoa vàng. Qua đó, xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu về thực vật trên các đảo. Đặc biệt, trong quá trình giám sát đã ghi nhận thêm 1 loài mới cho khoa học và 01 loài mới cho hệ thực vật Việt Nam tại Vịnh Hạ Long. Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cũng tích cực phối hợp với các đơn vị tổ chức giám sát hệ sinh thái rừng ngập mặn; quan trắc chất lượng môi trường nước; tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn các nguy cơ… góp phần bảo vệ tính nguyên vẹn của giá trị đa dạng sinh học trên Vịnh.

Cùng với đó là hàng loạt những giải pháp mang tính đột phá, căn bản thể hiện trách nhiệm và sự quyết tâm trong việc ưu tiên bảo vệ tài nguyên, môi trường và các giá trị của Di sản. Điển hình như việc chấm dứt hoàn toàn hoạt động bốc xếp, chuyển tải hàng hóa rời (clinker, xi măng, dăm gỗ) trên Vịnh Hạ Long; ban hành quy định cấm các hoạt động khai thác thủy sản trong khu vực vùng lõi Di sản, di dời nhà máy tuyển than ra khỏi khu vực ven bờ Vịnh Hạ Long; ban hành quy định đặc thù về quản lý tàu du lịch hoạt động trên Vịnh; tổ chức thu gom, xử lý rác thải trôi nổi trên Vịnh và mới đây là phát động phong trào không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trên Vịnh...

Làng chài Vung Viêng với làn nước xanh như ngọc khi nhìn từ trên cao. (Ảnh: Hùng Sơn).

Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể

Năm 2014, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện việc di dời toàn bộ dân cư sinh sống tại các làng chài trên Vịnh Hạ Long lên bờ sinh sống ổn định tại khu tái định cư nằm tại phường Hà Phong (TP Hạ Long), đồng thời nghiên cứu ban hành kế hoạch, thực hiện Dự án bảo tồn và phát huy đối với một số giá trị văn hóa tiêu biểu của làng chài trên Vịnh Hạ Long.

Đến nay, Dự án Bảo tồn và phát huy đối với một số giá trị văn hóa tiêu biểu của làng chài trên Vịnh Hạ Long đã hoàn thành sắp xếp 20 nhà bè bảo tồn, tái hiện mô hình lớp học nổi; biên tập, dàn dựng 2 kịch bản hát giao duyên và truyền dạy 23 thành viên là các thế hệ trẻ dân làng, hướng dẫn viên của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, các doanh nghiệp chèo đò trên Vịnh Hạ Long; xây dựng phim tài liệu "Văn hóa làng - Di sản giữa lòng sản xuất"; sưu tầm bổ sung trên 50 hiện vật, hàng trăm bức ảnh về đời sống của người dân làng chài cư trú trên Vịnh.

dịch vụ chèo đò phục vụ du khách tham quan những ngôi nhà nổi tại làng chài Cửa Vạn đã tạo sinh kế cho nhiều ngư dân của làng chài cũ. Ảnh: Minh Hà.

Ngoài trưng bày triển lãm cố định những hiện vật thu thập được tại Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn, Ban Quản lý Vịnh cũng tổ chức các buổi triển lãm giới thiệu về đời sống vật chất, tinh thần của ngư dân theo chủ đề, như: Phát triển du lịch bền vững từ giá trị lịch sử văn hóa trên Vịnh Hạ Long, ngư cụ đánh bắt truyền thống của ngư dân…; tổ chức các buổi trưng bày theo chuyên đề có sự thay đổi theo từng sự kiện, thời điểm lịch sử và cuộc sống hàng ngày của cộng đồng dân cư. Đồng thời, Ban phối hợp tổ chức các hoạt động trải nghiệm cuộc sống làng chài cho du khách ngay trên Vịnh.

Không chỉ tạo nên một không gian văn hóa sinh động, Dự án đã thật sự tạo ra những dịch vụ, sản phẩm du lịch hấp dẫn từ những giá trị văn hóa phi vật thể lâu đời của Vịnh Hạ Long. Tiêu biểu như việc phục dựng hoạt động hát giao duyên, một nét văn hóa đặc trưng của ngư dân trên Vịnh. Hiện nay, nhiều con em làng chài được tuyển chọn, được học về hát, về diễn xuất để tham gia biểu diễn phục vụ du khách. Giữa mênh mông sóng nước và bao la đá núi, những câu hát giao duyên miên man hòa vào tiếng sóng, bài ca về biển cả, về cuộc sống lênh đênh, chắc chắn sẽ đọng mãi trong tâm trí những du khách đến với Hạ Long. Từ nhiều nội dung của Dự án bảo tồn, nhịp sống thường nhật của những người dân quanh năm bám biển được phục dựng vẹn nguyên, mang tới những xúc cảm lạ lẫm cùng những trải nghiệm khó quên cho những vị khách du lịch. Từ đó khẳng định thêm rằng, Vịnh Hạ Long không chỉ đẹp bởi cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, mà còn từ chính nét quyến rũ riêng có của văn hóa bản địa nơi đây…

Du khách thích thú trải nhiệm hoạt động làm ngư cụ dưới sự hướng dẫn của những cư dân làng chài.

Ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, nhân chuyến thăm và làm việc tại Quảng Ninh tháng 11/2020, đã chia sẻ: Các chuyên gia của Ủy ban Di sản thế giới (thuộc UNESCO) đã đánh giá cao nỗ lực của Quảng Ninh trong việc xây dựng được kế hoạch tổng thể mới quản lý, bảo tồn Vịnh Hạ Long trong dài hạn và có điều chỉnh trong từng năm, nhất là những tiến bộ của Quảng Ninh trong việc giữ gìn môi trường Vịnh, giảm thiểu tác động môi trường và các khu công nghiệp xung quanh Vịnh. Đặc biệt, Quảng Ninh đã di dời được hàng trăm hộ dân lên bờ và ổn định cuộc sống cho họ. Đây thực sự là một kỳ tích trong mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời vừa trân trọng giá trị của tự nhiên, vừa gắn kết tự nhiên với cộng đồng dân cư trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, di sản thiên nhiên nhằm phát triển bền vững ngành du lịch của Quảng Ninh...

Những làn điệu giao duyên trên biển - hình thức diễn xướng độc đáo được cư dân vạn chài sáng tạo, trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn, riêng có của Vịnh Hạ Long. Ảnh: Minh Hà.

Có thể khẳng định, sau hơn 20 năm, tính từ khi Vịnh Hạ Long được Tổ chức UNESCO vinh danh là Di sản thế giới lần thứ hai về giá trị địa chất - địa mạo vào năm 2000, Vịnh Hạ Long đã thực sự trở thành thương hiệu của du lịch Quảng Ninh, là niềm tự hào của Nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh nói riêng, của cả nước nói chung và là điểm đến được lựa chọn hàng đầu của du khách trong nước và quốc tế. Đó là sự khẳng định, minh chứng cho sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh trong việc chăm lo, thực hiện tốt công tác bảo tồn, gìn giữ và biết khai thác, phát huy tốt giá trị đặc biệt của Vịnh Hạ Long, gìn giữ Di sản - Kỳ quan vô giá này cho muôn đời sau.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật