Hà Giang: Hiệu quả từ du lịch cộng đồng

Lumia Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Với vẻ đẹp hoang sơ kỳ vĩ của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì và giá trị di sản văn hóa cộng đồng của 19 dân tộc đang sinh sống… đã tạo thế mạnh để du lịch Hà Giang bứt phá.
Hà Giang: Hiệu quả từ du lịch cộng đồng
Giá trị văn hóa đặc trưng tạo sức hút với du khách

Xem Video: Hà Giang: Đường lên cổng trời Quảng Hạ đẹp như...tranh vẽ 

Toàn tỉnh hiện có 36 làng văn hóa du lịch cộng đồng, nằm rải rác trên địa bàn 11 huyện, thành phố. Gắn với mỗi làng có đặc trưng riêng theo vùng miền văn hóa và canh tác sản xuất khác nhau, tạo sự hấp dẫn cho du khách. Ông Nguyễn Hồng Hải - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang - cho biết, dù phát triển ở giai đoạn nào, dựa trên tiêu chí nào thì các làng văn hóa du lịch cộng đồng ở Hà Giang vẫn được biết đến là giá trị văn hóa truyền thống. Du khách sẽ được sinh hoạt cộng đồng, trải nghiệm phương thức canh tác sản xuất, thưởng thức văn hóa ẩm thực, nghệ thuật truyền thống các dân tộc do chính chủ thể di sản hướng dẫn và trình diễn.

5 năm trở lại đây, các làng văn hóa du lịch cộng đồng ở Hà Giang đã được kết nối trong tour, tuyến bán phục vụ cho du khách. Thông qua đó, người dân bắt đầu được hưởng lợi từ hoạt động du lịch cộng đồng như: Giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi, tiêu thụ lượng lớn sản phẩm nông - lâm sản, nghề truyền thống... góp phần nâng thu nhập bình quân hàng năm của các hộ gia đình đạt 300 triệu đồng/năm. "Từ hiệu quả đó, ý thức trong công tác bảo tồn văn hóa, xây dựng phát triển và nâng cao chất lượng du lịch cộng đồng được nâng lên, tính cạnh tranh về sản phẩm bước đầu tác động đến các chủ thể, góp phần làm cho du lịch cộng đồng ở Hà Giang ngày càng được cải thiện, đáp ứng nhu cầu của du khách" – ông Hải cho hay.

Hiện nay, làng văn hóa du lịch tiêu biểu trên địa bàn các huyện, thành phố của Hà giang đã thành lập Ban quản lý du lịch cộng đồng thôn hoặc hợp tác xã dịch vụ du lịch, nhằm thay mặt người dân trong thôn phối hợp với bên liên quan tổ chức triển khai các hoạt động phát triển và quản lý du lịch bền vững; thu hút cộng đồng tham gia, điều hành hoạt động du lịch và cung ứng dịch vụ phù hợp, công bằng, hiệu quả, đảm bảo lợi ích từ du lịch được chia sẻ đồng đều, sử dụng vào các công việc, hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa xã hội chung của thôn.

Đối với địa phương còn nhiều khó khăn như Hà Giang, việc khai thác hiệu quả mô hình du lịch cộng đồng là nhờ sự quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp gắn với phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu thị trường. Trong đó, tỉnh đã đề ra nhiệm vụ phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, ban hành các đề án về bảo tồn văn hóa gắn với du lịch. Riêng du lịch cộng đồng, đã chỉ đạo ban hành tiêu chí Panhou giai đoạn 2012 – 2018 và tuyên bố Phìn Hồ (du lịch cộng đồng gắn với dược liệu) giai đoạn 2018 – 2020, hiện nay là du lịch gắn với bảo tồn văn hóa và nông thôn mới. Bên cạnh đó, tỉnh đã hỗ trợ và giải ngân cho 272 hộ dân làm homestay, với tổng số tiền 16.285 triệu đồng tại các huyện, thành phố.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, song nhằm thực hiện mục tiêu phát triển du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2025, phát huy hơn nữa nguồn tài nguyên du lịch đặc thù, tỉnh Hà Giang sẽ triển khai thực hiện đồng bộ các quy hoạch được phê duyệt, chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật đối với những điểm du lịch cộng đồng có tiềm năng, đảm bảo điều kiện phục vụ, thu hút du khách. Đồng thời, thực hiện tốt công tác bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị văn hóa vật thể về kiến trúc, cảnh quan làng, bản, trang phục truyền thống đặc thù của đồng bào các dân tộc… 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật