Trung Quốc và Ấn Độ khó đạt được thỏa thuận về vấn đề biên giới

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau 8 tháng, cuộc đối đầu biên giới giữa hàng vạn binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc trên dãy Himalaya vẫn chưa được giải quyết.
Trung Quốc và Ấn Độ khó đạt được thỏa thuận về vấn đề biên giới
Khí tài của quân đội Trung Quốc gần biên giới Ấn Độ. (Nguồn: SCMP)

Các cuộc đối thoại giữa hai bên đã bị gián đoạn trong 2 tháng – khoảng thời gian gián đoạn dài nhất kể từ tháng 5, trong khi cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đang tiến hành củng cố lực lượng trong khu vực.

Một vài hình ảnh chưa được kiểm chứng được lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy, xe tăng và phương tiện cơ giới của hai nước dàn hàng ngang cách nhau chỉ vài mét.

Ngày 11/1, Tư lệnh Lục quân Ấn Độ M.M. Naravane khẳng định, New Delhi “sẵn sàng cho cuộc đối đầu lâu dài”, trong khi quân đội nước này “giữ vững vị trí cho đến khi cần”. Trong khi đó, Tham mưu trưởng Quốc phòng Ấn Độ Bipin Rawat và Tư lệnh Không quân R.K.S. Bhaduria vừa tới thăm những vị trí tiền tiêu tại đường ranh giới kiểm soát giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

’Thay đổi hoàn toàn tình cảm dân tộc với Trung Quốc’, Ấn Độ chi 3,4 tỷ USD mua vũ khí Mỹ

Cùng thời điểm này, các video lan truyền trên mạng cho thấy, quân đội Trung Quốc đang tiến hành tập trận trong khu vực. Theo các nhà phân tích, địa điểm tập trận chỉ cách vùng Depsang của Ấn Độ 36km.

Trong khi căng thẳng vẫn đang gia tăng và các cuộc đàm phán ít khả năng được nối lại trong tương lai gần, cuộc đối đầu có thể sẽ kéo dài qua mùa Đông khắc nghiệt ở dãy Himalaya, nơi mà nhiệt độ có thể xuống đến âm 40 độ C.

Tháng 11 vừa qua, truyền thông Ấn Độ đưa tin, hai bên sắp đạt được thỏa thuận rút quân, nhưng phía Trung Quốc nhanh chóng bác bỏ thông tin này. Chỉ huy quân sự hai bên không tiếp xúc với nhau kể từ ngày 6/11.

Nhân tố Mỹ trong căng thẳng Trung-Ấn

Các nhà phân tích Ấn Độ tin rằng, sự gián đoạn này là bước đi chiến lược của Bắc Kinh trong khi chờ đợi chính sách của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden. “Nếu chính sách của Tổng thống Biden với Trung Quốc cứng rắn như dưới thời Tổng thống Trump, nước này sẽ không muốn mở thêm mặt trận với Ấn Độ”, chuyên gia quốc phòng C. Uday Bhaskar phân tích.

Hai sự kiện gần đây có thể tác động đến tính toán của Trung Quốc. Tuần trước, Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ Kenneth Juster tiết lộ, hai nước đã “phối hợp chặt chẽ” trong suốt cuộc đối đầu Ấn-Trung, để giúp Ấn Độ chống lại cái gọi là “hành động gây hấn liên tiếp của Trung Quốc ở biên giới”.

Truyền thông Ấn Độ cũng đưa tin, New Delhi dựa vào Washington để có được hình ảnh vệ tinh, cũng như trong thiết bị chống rét cho binh sĩ nước này tại Himalaya.

Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới được giải mật của Mỹ cũng thể hiện quan điểm của Washington, cho rằng New Delhi “chiếm ưu thế ở Nam Á” và một nước Ấn Độ mạnh sẽ “giữ vai trò đối trọng với Trung Quốc”.

Quân đội Ấn Độ tuyên bố bắt giam binh sĩ Trung Quốc tại biên giới tranh chấp

Theo bản chiến lược này, trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ - Ấn được đẩy mạnh, Washington nên thúc đẩy sự trỗi dậy và năng lực của New Delhi để trở thành đối tác an ninh và quốc phòng chính của Mỹ.

Mối quan hệ ấm áp giữa hai đối thủ không làm Trung Quốc thoải mái. Đáp trả tuyên bố của đại sứ Mỹ Kenneth Juster, Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ Tôn Vệ Đông đăng trên Twitter: “Chúng tôi kiên quyết phản đối bất cứ bên thứ ba nào can thiệp vào vấn đề biên giới Trung-Ấn và hy vọng quan hệ của Mỹ với các nước không nhằm vào quốc gia nào khác”.

Về phần mình, chuyên gia quốc phòng C. Uday Bhaskar cho rằng, Bắc Kinh không muốn căng thẳng với Ấn Độ leo thang. “Trung Quốc muốn giữ hình ảnh của một “cường quốc nguyên trạng”, sẵn sàng đàm phán và có quan hệ bình thường với các quốc gia khác. Thách thức Ấn Độ không phải là việc nên làm lúc này”, ông Bhakas nêu rõ.

Lợi ích của sự bế tắc

Tuy vậy, một số nhà phân tích cho rằng, tình thế bế tắc hiện tại có lợi về chiến thuật cho cả hai bên.

Chuẩn tướng Deepak Sinha, người có nhiều kinh nghiệm chống bạo loạn và đổ bộ đường không, cho rằng, thế bế tắc có lợi cho Trung Quốc về lâu dài. Theo ông, việc Trung Quốc đóng quân gần nhiều vị trí nhạ‌y cả‌m của Ấn Độ không phải là tin tốt với New Delhi. “Quân đội Trung Quốc đã tiến gần những vị trí nhạ‌y cả‌m như Depsang, nên họ không cần phải làm gì khác. Thay vào đó, họ có thể chờ đợi cơ hội trong khoảng thời gian từ 2-3 năm tới để mang đến thách thức về mặt quân sự cho Ấn Độ.

Trong khi đó, Manoj Joshi, chuyên gia từ Quỹ Nghiên cứu quan sát New Delhi cho rằng, Trung Quốc “có thể không muốn giải quyết vấn đề” trong tương lai gần do các chi phí mà Ấn Độ phải gánh chịu. “Trung Quốc đã kéo Ấn Độ vào một cuộc đối đầu tốn kém và lâu dài”, ông nói.

     

Căng thẳng Bắc Kinh-New Delhi, Đại sứ Mỹ lần đầu xác nhận Mỹ-Ấn hợp tác quân sự, nói về kế hoạch Ấn Độ mua S-400

Ở chiều ngược lại, một số ý kiến chỉ ra cuộc đối đầu sẽ có lợi cho hình ảnh của Ấn Độ, đặc biệt là trong mắt các quốc gia châu Á khác.

Trong bài viết trên tờ Hindustan Times, Giáo sư quan hệ quốc tế Harsh Pant tại Đại học King’s College, London cho rằng: “Bằng việc đối đầu về quân sự với Trung Quốc trên dãy Himalaya, Ấn Độ cho các quốc gia khác thấy rằng, chịu khuất phục trước Trung Quốc không phải là lựa chọn duy nhất”.

Nhìn chung, giới phân tích tin rằng, Ấn Độ sẽ không có hành vi gây hấn. Thay vào đó, việc Ấn Độ trao trả binh sĩ Trung Quốc bị bắt giữ tại Chushul là thông điệp gửi tới Bắc Kinh rằng, New Delhi không muốn làm trầm trọng thêm tình hình, kể cả khi họ có cơ hội, theo ông Bhaskar.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật