Nga nộp đơn xin cấp phép vaccine Sputnik V tại EU

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp Nga Kirill Dmitriev ngày 14/1 cho biết nước này sẽ nộp đơn xin cấp phép vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 ở Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 2 tới.
Nga nộp đơn xin cấp phép vaccine Sputnik V tại EU
Ảnh minh họa

Theo ông Kirill Dmitriev, bản đánh giá của giới chuyên gia về tính hiệu quả của vaccine Sputnik V cũng sẽ sớm được công bố, song hiện nay vẫn chưa rõ liệu vaccine này có được EU chấp thuận hay không. Để vaccine được cấp phép đưa vào phân phối ở thị trường EU, công ty nghiên cứu sản xuất phải tiến hành các cuộc thảo luận sơ bộ và gửi đơn xin cấp phép lên Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA). Sau đó, Ủy ban về các sản phẩm thuốc dùng cho người (CHMP) sẽ đánh giá các bằng chứng khoa học về lợi ích và nguy cơ của vaccine trước khi đưa ra khuyến nghị về việc cấp phép vaccine lên EMA. Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ đưa ra quyết định cuối cùng dựa trên quyết định của EMA.

Người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp Nga cũng cho biết vaccine Sputnik V sẽ được sản xuất tại 7 quốc gia và Nga đang hy vọng loại vaccine này sẽ được phê duyệt tại 9 quốc gia khác. Trước đó, vaccine Sputnik V đã được cấp phép tại một số quốc gia như Argentina, Bolivia, Serbia…

*Ngày 14/1, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC Châu Phi) kêu gọi hành động khẩn cấp để sẵn sàng cung cấp vaccine cho người dân. Trước đó, ngày 13/1, Liên minh châu Phi (AU) thông báo châu lục này đã có được 270 triệu liều vaccine nhưng hầu hết các quốc gia không đủ khả năng tài chính để triển khai tiêm chủng cho toàn bộ người dân.

Giám đốc CDC Châu Phi John Nkengasong kêu gọi các chính phủ "cấp tốc chuẩn bị" triển khai các chiến dịch tiêm chủng để cứu mạng sống của người dân và giảm thiểu những thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh. Theo ông Nkengasong, CDC châu Phi đã đặt mục tiêu 60% người dân châu Phi được tiêm vaccine phòng COVID-19 vào năm 2021 và 2022. Các quốc gia phải nhanh chóng chuẩn bị các điểm lưu trữ vaccine ở các thành phố lớn, đào tạo nhân viên y tế, đảm bảo nguồn cung cấp vật liệu như kim tiêm và các hệ thống giám sát việc tiêm chủng hiệu quả. Các chính phủ sẽ có thể bắt đầu đặt hàng thông qua AU trong những ngày tới.

Theo dự báo, ít nhất 50 triệu liều vaccine sẽ được cung cấp từ tháng 4 đến tháng 6 tới. Vaccine được AU phân phối là sản phẩm của các đối tác gồm Pfizer-BioNTech, AstraZeneca và Johnson & Johnson, bên cạnh những vaccine được bảo đảm thông qua cơ chế Covax, một sáng kiến của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các đối tác tư nhân, nhằm mục đích tiếp cận công bằng với vaccine.

*Tại Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in ngày 15/1 đã giao toàn quyền phụ trách chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 ở nước này cho Giám đốc Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA). Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ông Moon đã đưa ra chỉ thị trên khi nghe Giám đốc KDCA Jeong Eun-kyeong báo cáo kế hoạch thực hiện tiêm chủng loại vaccine COVID-19.

Tổng thống Moon nhấn mạnh điều quan trọng nhất trong tiêm chủng là huy động được lòng tin mạnh mẽ từ người dân. Trước đó, Chính phủ Hàn Quốc khẳng định sẽ cung cấp vaccine COVID-19 miễn phí cho tất cả người dân nước này bắt đầu từ tháng 2/2021.    

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật