Người cha nhảy múa trên phố Sài Gòn nuôi 3 người con ăn học: ‘Năm nay tôi được về quê đón Tết rồi’

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tiếng nhạc xập xình, đèn đường và đèn xe bật sáng,… sân khấu ngã tư’ đã sẵn sàng cho buổi biểu diễn. Chú Ba Chánh lại bắt đầu nhún nhảy theo nhịp nhạc khiến bao người đi qua bật cười.
Người cha nhảy múa trên phố Sài Gòn nuôi 3 người con ăn học: ‘Năm nay tôi được về quê đón Tết rồi’
Chú Chánh vẫn hàng ngày nhảy múa vừa mưu sinh, vừa tìm niềm vui cho đời

Xem Video: Những “người cha” mang quân hàm xanh

Sài Gòn những ngày cuối năm, dòng người đông đúc, vội vã theo guồng quay cuộc sống. Ở một góc ngã tư đường, cứ tầm 6 giờ chiều, dòng người đông đúc ấy lại bị thu hút bởi một người đàn ông. Người đàn ông đó không phải là một nghệ sĩ, cũng chẳng phải là người nổi tiếng,… nhưng lại thu hút đám đông bởi những bước nhảy hài hước ngay trên đường phố của mình.

Người đàn ông này tên là Nguyễn Văn Chánh (Ba Chánh, 48 tuổi) quê ở An Nhơn, Bình Định. Khoảng gần 2 năm trước, câu chuyện của chú Ba Chánh hàng ngày nhảy múa trên đường phố kiếm tiền nuôi ba người con ăn học giỏi giang nổi tiếng khắp mạng xã hội, lấy đi không ít nước mắt của mọi người.

Clip: Chú Ba Chánh chia sẻ về cuộc sống của mình

Gặp lại chú Ba Chánh trong một chiều tối. Ở góc ngã tư đường Nguyễn Thái Học và Trần Hưng Đạo quen thuộc, chú Chánh vẫn mải mê nhún nhảy theo điệu nhạc xuân với gương mặt tươi cười. Nhiều người đi qua không khỏi tò mò, thích thú.

Hàng ngày cố gắng vì con

Chú Chánh mưu sinh bằng nghề bán bánh và đồ ăn vặt đến nay đã 15 năm. Sỡ dĩ chú nhảy múa giữa phố như vậy là để vừa thu hút khách hàng ghé mua bánh, vừa mang lại niềm vui, tiếng cười đến mọi người. Suốt 15 năm nay, chú vừa nhảy vừa bán, tích góp từng đồng tiền lẻ để nuôi 3 người con đang tuổi ăn học ở quê nhà.

’Chú thì không ăn học nhiều, hồi đó học tới lớp 9 là nghỉ. Giờ thấy con mình ham học, học cũng giỏi nên chú mới cố gắng làm ăn nuôi 3 đứa ăn học. Miễn sao tụi nó có nhận thức, học hành đến nơi đến chốn là cực mấy chú cũng chịu. Cứ con mình còn chịu học là chú chịu được hết’ - chú Chánh chia sẻ.

Người đàn ông hài hước xem hàng ngày lấy niềm vui để mưu sinh

’Sân khấu’ vẫn là một góc ngã tư đường, hiệu ứng ánh sáng vẫn là đèn đường đèn xe. Chú Ba Chánh bật nhạc và nhảy múa. Người qua kẻ lại bị thu hút, có người tỏ vẻ thích thú dừng xe mua ủng hộ vài gói bánh, có người ngó nhìn rồi chạy vụt đi. Và cũng không thiếu những người nhìn chú với ánh mắt kỳ thị cùng nụ cười mỉm chi xem thường.

Có lẽ vì đã quá quen với những hình ảnh như vậy, chú Chánh cũng chỉ cười trừ rồi bộc bạch: ’Chú thì vui tính, có gì khó khăn cũng phải vui vẻ vượt qua. Nhiều người không biết họ nghĩ chú khùng điên, có vấn đề. Nhưng chú không quan tâm đâu, chú chỉ quan tâm nhưng người yêu mến mình và con mình được đi học.

Cứ mùa nào thì mở nhạc nấy, mùa xuân mở nhà xuân, mùa hè mở nhạc hè, mùa mưa mở nhạc mùa mưa,… Vừa nhảy tìm niềm vui, vừa bán kiếm tiền, ai nói gì mặc kệ, mình sống tốt là được’.

Diện lên người ta áo dài xanh, đội thêm chiếc mũ đen, ’ông béo’ Chánh bắt đầu nhảy múa

Nhiều người qua đường không khỏi tò mò, thích thú

Cuộc sống mưu sinh nơi ’đất khách quê người’ chưa bao giờ là dễ, ấy thế mà, năm nay lại càng khó thêm gấp bội vì ảnh hưởng dịch bệnh. Đại dịch Covid-19 khiến chú Chánh buôn bán ế ẩm, mưu sinh ở ngoài đường cũng bị giám sát nghiêm ngặt hơn nhiều.

’Năm nay khó khăn nhất vẫn là Covid, lúc dịch bùng phát chú không buôn bán được. Có những thời điểm phải ngưng hẳn để đảm bảo an toàn. Giờ dịch kiểm soát được rồi nên họ cũng thư thư ra quay lại bán nên cũng phải cảm ơn chính quyền nhiều lắm’ - chú Chánh kể.

Sau 18h, chú Chánh quay về góc tư đường Nguyễn Thái Học bán bánh

Niềm vui ngày cuối năm

Mặc dù buôn bán gặp khó khăn, nhưng chú Chánh không nản chí. Vẫn hàng ngày nhảy múa trên đường, dù ngày đó bán được nhiều hay ít, với chú, được mang lại tiếng cười cho mọi người thì đã có được niềm vui. Kiếm được bao nhiêu tiền thì gửi về quê bấy nhiêu nuôi con ăn học.

Không phụ sự kỳ vọng của ba mẹ, cả ba người con của chú đều nhiều năm liền đạt thành tích tốt, học lực khá giỏi. Người con gái lớn vừa mới tốt nghiệp đại học cũng đã có được việc làm phụ cho ba mẹ nuôi hai em. Hai em nhỏ thì vẫn ngày đêm miệt mài đèn sách, noi gương theo chị.

Cứ nhắc đến con mình, chú Chánh không giấu nổi niềm tự hào trong ánh mắt. ’Con mình nó học giỏi, mấy năm liền thi cử có thành tích tốt. Nên nhiều lúc chú cũng hay khoe. Mà càng khoe thì phải càng cố gắng làm việc để nuôi chúng nó thành tài’.

Cứ nhắc đến con là chú Ba Chánh cười tít hết cả mắt đầy tự hào

Hiện tại, vợ chú Chánh là cô Nguyễn Thị Nghĩa cũng đã vào Sài Gòn mưu sinh cùng chú. Hàng ngày, hai vợ chồng cô chú chạy xe máy đi bán bánh ở khắp các con đường lớn ở Sài Gòn.

Tiền dư bán hàng được đều gửi về nuôi các con ăn học, một năm về quê ở Bình Định không được mấy lần, mỗi lần về lại tốn thêm một khoản chi phí lớn. Vốn đã chẳng dư dả gì, nên mỗi lần Tết đến, chú Chánh lại lo đau đáu. Cũng đã có đôi lần, chú định không về quê ăn Tết. 

Cô Nghĩa - vợ chú Chánh, hàng ngày rong ruổi cùng chồng khắp nơi bán bánh

Chồng thì nhảy, vợ thì bán, cứ thế bầu bạn bên nhau nơi ’đất khách quê người’

Những ngày gần đây, câu chuyện của chú lại nổi tiếng trên khắp các diễn đàn mạng xã hội. Phần vì yêu thích sự hài hước, nụ cười của chú Chánh, phần vì cảm động sự hy sinh của người cha. Đã có thêm nhiều người đến thăm và ủng hộ, nụ cười trên môi chú Ba Chánh thêm tươi hơn, động tác nhảy múa cũng nhanh nhẹn hẳn vì có thêm tiền trang trải ngày Tết đến.

Chú vừa nhảy vừa cười nói: ’Mới có hai bạn trẻ bên đoàn thanh niên, họ tìm chú để lấy thông tin, làm thủ tục để tặng miễn phí vé máy bay Tết về quê. Chú vui lắm, vậy là được về quê ăn Tết với các con rồi. Cũng đỡ tốn một số tiền, qua Tết lại vào bán tiếp, nhảy múa kiếm tiền nuôi con đến khi nào con nó trưởng thành thì thôi. Cực mấy chú cũng chịu’.

Những gói bánh ’tuổi thơ’ được bán bởi một người đàn ông mang đầy tiếng cười

Nhiều người ghé qua mua ủng hộ chú vì quá dễ thương

Bạn Yến Ngọc (ngụ Quận 7, TP.HCM) chia sẻ: ’Mình là khách hay ghé mua bánh ở đây ăn. Chú bán rẻ, một bị to mà chỉ có 20 ngàn. Chú cũng dễ thương và hài hước nữa nên mình thấy thương, ghé lại mua ủng hộ chú’.

Mùa xuân đang đến dần, tiếng nhạc vui tươi xập xình nơi góc tư đường cũng khiến người ta nôn nao. Nơi góc tư ấy, có một người cha vẫn hàng ngày nhảy múa, chạy đua kiếm tiền đón cái Tết đang đến gần. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật