Pháp hụt hơi trong nỗ lực tiêm chủng Covid-19

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Số lượng người được tiêm chủng tại Pháp đến nay còn rất thấp, dù giới chức y tế nước này khẳng định họ vẫn đang làm tốt.
Pháp hụt hơi trong nỗ lực tiêm chủng Covid-19
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho một người dân ở Paris, Pháp, hồi tháng 9. Ảnh: Reuters.

Sau khi mắc sai lầm về chính sách khẩu trang và xét nghiệm sớm nhằm chống Covid-19, chính phủ Pháp giờ đây tiếp tục trở thành tâm điểm chỉ trích khi tốc độ triển khai chương trình tiêm chủng được cho là quá chậm chạp so với các quốc gia châu Âu khác.

Pháp vẫn bị bỏ lại phía sau dù đã thuê công ty tư vấn hàng đầu là McKinsey để đưa ra lời khuyên về công tác hậu cần. Bên cạnh đó, những nỗ lực của chính phủ nhằm thuyết phục những người không thích dùng vaccine đã bị hủy hoại bởi chính những tuyên bố công khai đầy mâu thuẫn mà họ đưa ra.

Sự chậm trễ về triển khai chiến dịch tiêm chủng đang làm dấy lên lo ngại rằng Pháp có thể tụt hậu trong nỗ lực ngăn chặn đại dịch trước đợt bùng phát Covid-19 thứ ba, đồng thời khả năng phục hồi kinh tế cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tất cả những điều này tiềm ẩn rủi ro làm tổn hại đến cơ hội tái đắc cử của Tổng thống Emmanuel Macron trong cuộc bầu cử năm 2022, chuyên gia nhận định.

"Macron hiểu rõ những thách thức hiện tại là rất lớn bởi chúng ta đang ở năm cuối nhiệm kỳ của ông ấy và đây là vấn đề cực kỳ mang tính biểu tượng", nhà khoa học xã hội Chloe Morin, người từng giữ vai trò cố vấn cho hai thủ tướng Pháp dưới thời tổng thống Francois Hollande, nhận xét.

Dù xúc tiến các nỗ lực phát triển vaccine gần như cùng lúc với những quốc gia châu Âu khác, Pháp đến nay mới chỉ tiêm chủng được cho vài trăm người, theo dữ liệu công khai mới nhất.

Khi những ý kiến chỉ trích ngày một nhiều hơn, Bộ trưởng Y tế Olivier Veran hôm 3/1 tuyên bố "hàng nghìn người" đã được tiêm vaccine, song không cung cấp con số chính xác.

Dù vậy, số người được tiêm vaccine của Pháp vẫn rất thấp so với Đức (trên 230.000 người), Italy (hơn 110.000 người) hay Đan Mạch (hơn 40.500 người) và đặc biệt là Anh (trên một triệu người).

Vài ngày sau khi Bộ trưởng Veran tuyên bố tốc độ tiêm chủng chậm là một lựa chọn có chủ đích nhằm xây dựng lòng tin vào vaccine, tờ Journal du Dimanche đưa tin Tổng thống Macron đã nói với những người thân cận rằng tốc độ này "không tương xứng" với tình hình cấp bách hiện nay và rằng mọi thứ "đang không suôn sẻ", "cần nhanh chóng thay đổi".

Những bình luận này lập tức vấp phải sự phản đối từ rất nhiều nhà quan sát bởi quyền lực tổng thống mang đến cho Macron nhiều ảnh hưởng về chính sách hơn bất kỳ ai. Ông từng tự nhận mình là tổng tư lệnh trong cuộc chiến chống Covid-19, thường xuyên họp với các quan chức chính quyền để quyết định về lệnh phong tỏa và những biện pháp quan trọng khác.

Giới chuyên gia nhận định sự chậm trễ trong việc triển khai vaccine là đòn giáng mạnh vào uy tín và niềm tự hào của Pháp với hệ thống y tế được nhận xét mang đẳng cấp thế giới. Trong khi đó, chưa công ty dược phẩm Pháp nào có thể sản xuất một loại vaccine Covid-19 được phê duyệt.

Nhận thấy cần phải thay đổi, Tổng thống Macron hôm 4/1 tổ chức một cuộc họp với Thủ tướng Jean Castex và Bộ trưởng Veran nhằm tìm cách thúc đẩy tốc độ tiêm chủng.

Dù vậy, giới chức Pháp vẫn kiên quyết bảo vệ thành tích của mình với lập luận rằng họ đang làm tương tự hoặc tốt hơn một số nước trong Liên minh châu Âu như Bỉ hay Hà Lan.

Họ bác bỏ những lời chỉ trích về thất bại trong khâu hậu cần, chỉ ra rằng chính phủ đã bắt đầu chuẩn bị cho việc triển khai vaccine trước vài tháng và đã mua 50 tủ đông đặc biệt để bảo quản vaccine hồi giữa tháng 11.

Việc thuê công ty tư vấn McKinsey cũng nằm trong kế hoạch của chính phủ để "xác định khuôn khổ hậu cần", "thiết lập tiêu chuẩn hậu cần với các nước khác" và "hỗ trợ khả năng phối hợp giữa các lực lượng chuyên trách chống dịch trong nước", một quan chức Bộ Y tế Pháp cho hay.

Giới chức y tế cho biết chính phủ triển khai chương trình tiêm chủng chậm với hy vọng tạo dựng thêm niềm tin đối với vaccine. Hồi tháng trước, chỉ 40% người dân Pháp nói họ sẽ tiêm vaccine. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với các nước châu Âu khác như Italy, Tây Ban Nha, Đức và Anh, theo khảo sát từ Ipsos.

Cũng theo thăm dò từ Ipsos, tâm lý hoài nghi vaccine của người dân Pháp bắt nguồn từ nỗi sợ hãi trước các tác dụng phụ tiềm tàng. Một số người dân vẫn chưa thể quên những tác dụng phụ không lường trước được của vaccine H1N1 hồi năm 2009.

Tuy nhiên, thái độ không sẵn sàng tiêm vaccine của người Pháp còn bắt nguồn từ việc họ không có niềm tin đối với chính phủ, theo chuyên gia thăm dò dư luận Louise Jussian. "Vấn đề ở đây mang tính chính trị nhiều hơn", Jussian nói. "Sự ủng hộ đối với vaccine đi đôi với niềm tin đặt vào chính phủ".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật