Iran bắt giữ tàu chở dầu Hàn Quốc: Nhằm giảm sức ép cấm vận?

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày 4/1, một tàu chở dầu treo cờ Hàn Quốc đã bị Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) bắt giữ tại Eo biển Hormuz. Liên quan đến vụ việc này, Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông cáo cáo buộc Tehran có hành vi đe dọa tự do hàng hải, coi đây là cách để thoát ra khỏi các lệnh trừng phạt kinh tế.
Iran bắt giữ tàu chở dầu Hàn Quốc: Nhằm giảm sức ép cấm vận?
Hình ảnh do hãng tin Tasnim, Iran công bố cho thấy tàu chở dầu Hàn Quốc bị áp giải bởi các tàu thuyền của Vệ binh Cách mạng Iran về một cảng của Iran.

Ngày 4/1, các phương tiện truyền thông tại Trung Đông đưa tin, một tàu cắm cờ Hàn Quốc đã bị bắt sau khi đi vào vùng biển Iran khi đang trên đường tới Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Tàu này đang trên hải trình từ Arab Saudi tới Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cùng thủy thủ đoàn gồm 20 người là công dân của nhiều nước.

Sau đó cùng ngày, truyền hình quốc gia Iran cho hay tàu MT Hankuk Chemi treo cờ Hàn Quốc đã bị nhà chức trách Iran chặn lai với cáo buộc gây "ô nhiễm dầu" trên Vùng Vịnh và Eo biển Hormuz. Hãng tin bán chính thức Fars của Iran cũng khẳng định, Lực lượng Hải quân thuộc Vệ binh Cách mạng Iran đã bắt giữ con tàu.

Tuy nhiên, DM Shipping - công ty chủ quản của tàu MT Hankuk Chemi, có trụ sở tại thành phố Đông Nam Busan, đã bác bỏ cáo buộc tàu này gây ô nhiễm vùng biển tại vịnh Persia. Theo các nguồn tin phía Hàn Quốc, trên tàu có 20 thành viên thủy thủ đoàn, trong đó có 5 người Hàn Quốc.

Tàu MT Hankuk Chemi bị áp giải về cảng Iran.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha đã xúc tiến những nỗ lực ngoại giao nhằm đảm bảo tàu trên được trả tự do. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc xác nhận, tàu trên di chuyển vào lãnh hải Iran theo yêu cầu của nhà chức trách quốc gia vùng Vịnh này.

Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Hàn Quốc tại Iran cũng khẳng định các thành viên thủy thủ đoàn vẫn an toàn, đồng thời yêu cầu phía Iran sớm thả tàu trên. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố sẽ phối hợp với các bộ ngoại giao và ngư nghiệp, cũng như lực lượng hải quân đa quốc gia hoạt động tại các vùng biển gần đó để xử lý vụ việc.

Theo các nguồn tin, tàu hiện bị giữ tại thành phố cảng Bandar Abbas thuộc tỉnh Hormuz. Thủy thủ đoàn người Hàn Quốc và một số nước Đông Nam Á đến thời điểm hiện nay đều an toàn. Hạm đội 5 của Mỹ đóng tại Bahrain cho biết đang giám sát chặt chẽ tình hình.

Nhằm đối phó với căng thẳng gia tăng sau khi Iran bắt giữ tàu chở dầu MT Hankuk Chemi, đơn vị chống cướp biển của Hàn Quốc (Đơn vị Cheonghae) đã được triển khai và bắt đầu hoạt động tại Eo biển Hormuz, Hãng thông tấn Yonhap ngày 5/1 đưa tin.

Được biết, hồi tháng 1/2020, giới chức Hàn Quốc từng thông báo có kế hoạch triển khai một đơn vị đặc nhiệm chống cướp biển (Đơn vị Cheonghae Unit) đến khu vực Eo biển Hormuz. Lực lượng này trước đó tập trung vào các sứ mạng chống cướp biển ở Vịnh Aden, hợp tác với Lực lượng Đặc nhiệm phối hợp 151 do Hải quân Mỹ dẫn đầu, ở khu vực trong và xung quanh Eo Hormuz.

Đây không phải lần đầu tiên Iran bắt giữ một tàu chở dầu treo cờ nước ngoài. Tháng 7/2019, IRGC cũng đã bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero treo cờ Anh với cáo buộc vi phạm Luật hàng hải.

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là sự việc xảy ra ngay trong bối cảnh Iran tuyên bố nước này đã nối lại hoạt động làm giàu uranium tại cơ sở hạt nhân Fordow. Trước đó, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ngày 1/1 cho biết, Iran đã thông báo với IAEA về kế hoạch sản xuất urani với độ làm giàu lên tới 20% mức tinh khiết, vượt xa ngưỡng cam kết theo thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Iran ký với các cường quốc năm 2015.

Ảnh chụp từ trên cao cơ sở hạt nhân Fordow của Iran. Ảnh: AP

Vụ bắt tàu chở dầu diễn ra trong bối cảnh Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc dự kiến trong tuần này sẽ có chuyến thăm Iran để thảo luận vụ chính quyền Seoul phong tỏa tài sản của Iran. Hiện, các ngân hàng tại Hàn Quốc đã đóng băng khoản tiền 7 tỉ USD của Iran theo lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt chống Tehran. Tháng trước, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iran cho biết, phía Hàn Quốc không cho phép chuyển tiền, nhận tiền lãi, mà còn bắt Iran phải trả phí đối với khoản tiền đang bị giam.

Theo một số nhà phân tích, đây cũng là lý do mà khi sự việc xảy ra, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 4/1 đã cho rằng, Chính phủ Iran tiếp tục đe dọa tự do hàng hải ở Vùng Vịnh như là một phần trong ý định buộc cộng đồng quốc tế giảm sức ép cấm vận chống Tehan. “Chúng tôi chia sẻ lời kêu gọi của Hàn Quốc, yêu cầu Iran thả ngay tàu trở dầu”, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ nói.

Trong diễn biến mới nhất, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, đang xem xét liệu chuyến thăm của một quan chức ngoại giao cấp cao nước này đến Tehran vào ngày 9/1 tới có diễn ra theo kế hoạch hay không.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật