Hé lộ chuyện ông nông dân tỉnh Tiền Giang mua 1 khúc lan giả hạc đột biến 5 cánh trắng Tiểu Vy giá 600 triệu

Lumia Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dẫn chúng tôi đến khu lan “bạc tỷ”, anh Đinh Vũ Duy (xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) khoe: “Nói thì nhiều người không tin chứ nhiều cây lan đột biến được bán bằng centimet, chỉ có một khúc thân giả hạc đột biến 5 cánh trắng Tiểu Vy mà tôi đã phải bỏ ra 600 triệu đồng để mua về”.
Hé lộ chuyện ông nông dân tỉnh Tiền Giang mua 1 khúc lan giả hạc đột biến 5 cánh trắng Tiểu Vy giá 600 triệu
Chú Hoàng Minh Long (bìa phải) cùng thành viên Câu lạc bộ Hoa lan Sông Tiền tham quan vườn lan tại huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang).

Xem Video: Cận cảnh chậu hoa lan giá 5 tỷ đồng tại Lâm Đồng

“Vua chơi lan, quan chơi trà”, câu nói này đến nay vẫn được giới chơi lan nhắc đến, để thấy đây là thú chơi cầu kỳ và một thời chỉ dành cho giới thượng lưu. Nhắc đến lan là nhắc đến những câu chuyện thú vị, mỗi người đam mê có một thế giới riêng để đồng cảm, thấu hiểu với loài hoa này.

Bài 1: Những người “si tình” với hoa lan

Hoa phong lan được mệnh danh là Nữ hoàng của các loài hoa; bởi đặc tính, màu sắc, kiểu dáng tạo nên tổng thể quý phái, sang trọng mà vô cùng tinh tế. Việc tìm kiếm và “chiều chuộng” loài hoa này cũng lắm gian truân. Vậy mà, vẫn có không ít người đam mê.

Chúng tôi đi và gặp những người “si tình” với phong lan. Họ đã trải lòng mình về “mối tình” không giới hạn với loài hoa này...

Anh Duy thường xuyên nhập cây giống hoa phong lan mới từ Thái Lan, Đài Loan về phân phối cho khách hành và để trồng tại vườn.

DÀNH CẢ THANH XUÂN ĐỂ YÊU… LAN

Được nhiều hội viên Hội Sinh vật cảnh tỉnh Tiền Giang giới thiệu người được mệnh danh là “từ điển sống về hoa lan”, chúng tôi hẹn và gặp chú Hoàng Minh Long, Phó Chủ tịch Hội Hoa lan TP Hồ Chí Minh, Cố vấn Câu lạc bộ Hoa lan Sông Tiền. 

Sau thời gian sống và làm việc ở TP Hồ Chí Minh, hiện chú Long đã trở về Tiền Giang “an dưỡng tuổi già” và tiếp tục “si tình” với lan.

Nói về cái duyên đến với lan, chú Long không ngần ngại chia sẻ: “Tôi đam mê và chơi lan đến nay cũng được 48 năm. Lúc còn là sinh viên Trường Đại học Sài Gòn, gần trường tôi học có vườn lan của một người ngoại quốc với nhiều giống lan độc lạ được mang về từ Thái Lan, Mỹ. Vậy là hằng ngày đi học, tôi chạy ngang qua để ngắm hoa lan, buổi trưa ra chợ An Đông ăn cơm cũng nhìn hoa lan, riết rồi ghiền và “si tình” với hoa lan từ lúc nào không hay. Càng lớn tuổi, tôi lại càng yêu hoa lan hơn; bởi từ loài hoa này tôi cảm nhận ra nhiều giá trị sống tốt đẹp”.

Hiện nay, lan rừng rất đa dạng, được cấy mô, lai tạo cho ra nhiều chủng loại khác nhau. Tuy nhiên, theo những “cao thủ” chơi lan, lan rừng đột biến trong tự nhiên mới là dòng quý hiếm; bởi “tố chất” có một không hai về màu sắc, mùi hương và những chuẩn mực về “cái đẹp” trong giới chơi lan.

Theo lời chú Long kể, năm 1968, sinh viên khi ấy nghèo lắm, để mua được 1 giò lan “ưng cái bụng” là phải chắt chiu cả tháng. 

Mua được giò lan nào là trong lòng vui không tả được, như được thỏa niềm đam mê. Ngày xưa hoa lan đã đẹp nhưng nay còn đẹp hơn, bởi công nghệ đã giúp lai tạo cho ra nhiều giống cây hoa phong lan đẹp, độc, lạ.

Anh Đinh Vũ Duy (bìa phải), xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) trao đổi với lãnh đạo Hội Sinh vật cảnh tỉnh Tiền Giang tham quan tại vườn lan.

Chú Long phân tích, chẳng hạn như lan Hồ Điệp có tên tiếng La-tinh là Phalaenopsis (nghĩa là bươm bướm), do hình dáng hoa giống như con bướm. 

Nguồn gốc lan Hồ Điệp ngày xưa chỉ có 33 giống trong tự nhiên. Nhưng hiện nay, những giống này đã được lai tạo ra cả ngàn loài, mỗi loài có nét đẹp riêng. 

Hay đối với lan Cattleya nguyên thủy chỉ có 65 loài, nhưng đến nay đã lai tạo ra cả ngàn loài. Trước đây, lan Cattleya mỗi năm chỉ nở một lần, nhưng ngày nay nếu chăm sóc đúng kỹ thuật có thể nở hoa từ 2 - 3 lần.

Dù là thành viên hội đồng chấm giải Festival hoa lan TP Hồ Chí Minh và các hội thi hoa lan trên cả nước, có cơ hội được thưởng ngoạn nhiều loài lan độc, lạ nhưng hễ nghe ở đâu có loài lan mới, độc, dị là chú Long tìm đến. 

Có khi chạy xe máy đi hàng trăm km mới đến nơi nhưng giá giò lan độc, lạ cao quá không đủ tiền mua nguyên giò, chỉ có thể mua 1 hoặc 2 lá mang về trồng vậy mà vui. 

Một số giống lan mới lai tạo phải đăng ký mua, thậm chí năn nỉ chia lại mới có, do tâm lý người chơi lan là luôn tìm cái đẹp, cái lạ nên thường tranh nhau để sở hữu dù giá rất cao.

Chú Long chia sẻ: “Nhiều năm qua, lương làm bao nhiêu tôi đều để dành mua lan, gặp giò lan ưng ý mà không mua cứ trăn trở mãi”. Hiện chú Long đã sưu tập và sở hữu trên 1.000 loài lan đẹp, lan quý hiếm.

Có dịp tháp tùng cùng chú Long đến một vườn lan tại huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang), nhìn cách chú quan sát, phân tích “tánh nết” của từng loài và thưởng thức vẻ đẹp của từng cánh hoa, nâng niu khi tìm được giò lan ưng ý, chúng tôi mới cảm nhận hết tình yêu của chú dành cho loài hoa này. Không những được “thăng hoa” khi ngắm nhìn hoa lan nở, mà còn rèn cho người chơi nhiều đức tính tốt đẹp, có lẽ vì thế mà gần 5 thập kỷ qua, chú Long vẫn luôn “si tình” với loài hoa này.

ĐỐT CẢ VƯỜN LAN TRỊ GIÁ HÀNG TRĂM TRIỆU

Hiện nay, ở tỉnh Tiền Giang không ít người chơi lan, nhưng những “cao thủ” chơi lan đột biến chỉ đếm trên đầu ngón tay. 

Một trong những “ông trùm” chơi lan đột biến phải kể đến anh Đinh Vũ Duy (quê Khánh Hòa, hiện lập nghiệp tại Tiền Giang). Có thể nói anh Duy sở hữu vườn lan với nhiều giống lan đẹp, lan quý hiếm, lan đột biến mà giới chơi lan Tiền Giang phải khao khát.

Nhân viên chăm sóc hoa lan chích thuốc sinh trưởng cho cây lan.

Để biết thực hư ra sao, chúng tôi đã tìm đến vườn lan rộng 3.000 m2 của anh Duy ở xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang). 

Ban đầu, anh Duy chỉ trồng lan để thỏa niềm đam mê, sau thời gian tìm hiểu và nghiên cứu, năm 2012 anh bắt đầu khởi nghiệp đầu tư vườn lan rộng hơn 300 m2 với khoảng 10.000 giò lan, chủ yếu là giống lan dendro cắt cành. 

Trồng được 2 năm, anh thấy lan cắt cành dendro không hiệu quả về kinh tế và chiếm nhiều diện tích.

Vậy là sau nhiều đêm trăn trở, anh quyết định đốt vườn lan trị giá khoảng 200 triệu đồng để đầu tư lại trồng vườn lan khác quy mô hơn và đa dạng hơn. 

Đến nay, anh đã sở hữu vườn lan “bạc tỷ” với hơn 80.000 giò lan lớn, nhỏ các loại. Trong đó, có nhiều giống lan rừng, lan lai, lan đột biến có giá trị kinh tế cao như: Dendro nắng, dendro chớp, cattleya, giả hạc, trầm, kiếm…

Anh Đinh Vũ Duy (xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) phân tích đặt tính sinh trưởng của một số loài lan.

Anh Duy chia sẻ: “Đam mê trồng lan nhưng không có nguồn thu sẽ rất khó để duy trì niềm đam mê, vì vậy tôi chia sẻ những giống lan mình tìm được cho người có nhu cầu để kiếm thêm thu nhập, nối dài niềm đam mê. Đặc biệt, càng về sau số người chơi hoa lan càng nhiều, nhu cầu càng cao nên tôi nhập hoa lan từ Thái Lan, Đài Loan... về phục vụ người mua, số còn lại trồng tại vườn lan của mình để thưởng thức”.

Dẫn chúng tôi đến khu vườn lan “bạc tỷ”, anh Duy khoe: “Nói thì nhiều người không tin chứ nhiều cây lan đột biến được bán bằng centimet, chỉ có một khúc thân lan giả hạc đột biến 5 cánh trắng Tiểu Vy mà tôi đã phải bỏ ra 600 triệu đồng để mua về”.

Đặc biệt, anh Duy còn nghiên cứu, chế tạo ra loại thuốc phục vụ cho quá trình sinh trưởng và nhân giống cây lan dễ dàng, tiết kiệm chi phí. 

Hiện anh Duy sản xuất ra 2 loại thuốc nhân giống hoa lan gồm 1 loại phun và 1 loại chích. Sản phẩm này đang được phân phối và bán rộng rãi cho những người trồng lan khắp cả nước...

Còn nữa...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật