Chứng khoán toàn cầu lao dốc, giá dầu giảm

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ trong phiên đầu tuần khi nhà đầu tư lo chủng nCoV mới tại Anh ảnh hưởng đà phục hồi kinh tế.
Chứng khoán toàn cầu lao dốc, giá dầu giảm
Ảnh minh họa

Trước khi thị trường chứng khoán Mỹ mở cửa, hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500 giảm 1,6%, dù tuần trước kết thúc ở gần mức cao kỷ lục. Chỉ số công nghiệp Dow Jones cũng báo trước đà giảm gần 400 điểm. Trong khi đó, các hợp đồng tương lai liên quan đến nhóm cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn giảm 1%.

Mở cửa phiên giao dịch, các chỉ số chính của Phố Wall đồng loạt giảm. Đến 21h50 theo giờ Hà Nội, các chỉ số chính của thị trường này đã mất hơn 1%.

Tại châu Âu, các thị trường lớn cùng chìm trong sắc đỏ sau khi nhiều nước áp dụng biện pháp hạn chế với du khách đến từ Anh vì sợ chủng nCoV mới lây lan. Chỉ số FTSE 100 của sàn chứng khoán London, DAX của thị trường Đức hay CAC 40 Index của Pháp đều giảm trên 2%.

"Nhà đầu tư đang chuẩn bị tinh thần cho một khởi đầu đầy thách thức của năm 2021", Brian O’Reilly, trưởng bộ phận chiến lược thị trường của Mediolanum International Funds, nhận xét. "Thị trường cổ phiếu đứng trước nguy cơ điều chỉnh, đặc biệt khi dữ liệu mới cũng cho thấy hoạt động kinh tế đang chậm lại tại Mỹ".

Giá dầu cũng giảm trước lo ngại những biện pháp hạn chế mới đối với việc đi lại và vận tải của châu Âu sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu nhiên liệu vào năm 2021. Dầu thô Brent và WTI cùng giảm hơn 4%.

"Rõ ràng đã có sự sợ hãi từ phía các nhà hoạch định chính sách", Paul Donovan, kinh tế trưởng tại UBS Global Wealth Management, nhận xét. "Với thực tế là chủng virus mới lây lan nhanh, có lẽ các biện pháp hạn chế sẽ mở rộng hơn trong thời gian dài hơn. Điều đó sẽ gây ra những hậu quả với kinh tế".

Chính phủ Anh cho biết chủng nCoV mới dường như lây lan nhanh hơn 70% so với các biến thể trước đó. Các nhà đầu tư lo ngại việc đóng cửa biên giới có nguy cơ gây thêm căng thẳng cho các nền kinh tế châu Âu, vốn đang phải vật lộn với các biện pháp hạn chế được đưa ra để kiểm soát đại dịch vào mùa đông.

"Điều này sẽ khiến cho tình hình trong ngắn hạn trở nên tồi tệ hơn nhiều so với những gì nó đã xảy ra", Nicholas Brooks, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế và đầu tư tại Intermediate Capital Group, đánh giá.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật