4 món đặc sản “chất lừ” chế từ trái xấu xấu, đen đen nhưng ăn cực đã

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Quách ghém cùng mắm, quách dầm sinh tố, rượu quách đặc sản và lẩu gà nấu trái quách là 4 món đặc sản “chất lừ“ được chế từ trái nhiều người nghe qua tên đã “hết hồn“, vỏ trái xấu xấu, ruột đen đen, ghê ghê, nhưng mùi lại cực thơm, và ăn thì rất ngon.
4 món đặc sản “chất lừ” chế từ trái xấu xấu, đen đen nhưng ăn cực đã
Ảnh minh họa

Ở đồng bằng sông Cửu Long, cây quách được trồng nhiều ở Trà Vinh, Sóc Trăng và An Giang, đặc biệt là những khu vực có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.  Loại cây này thường được trồng gần nhà ở của người dân để che bóng mát. Trong đó, trái quách có mặt trên đất Trà Vinh đã hơn nửa thế kỷ. Quách là loại cây cao từ 7-8m, lá nhỏ và thân giống như cây cần thăng. Trồng khoảng 7 năm, cây mới cho trái.

Cầu Kè là một huyện của tỉnh Trà Vinh được rất nhiều người biết đến với loại trái cây đặc sản là trái dừa sáp và loại củ cải muối ngon nổi tiếng với thương hiệu Xá Bấu Cầu Kè nhưng bên cạnh đó còn có một loại trái cây có tên rất lạ và cũng rất ngon và không kém phần nổi tiếng, đó là trái quách.

Ai lần đầu tiên nghe cái tên này cũng đều khá tò mò về loại trái cây lạ này. Bởi đây là một loại trái cây khá hiếm không phải vùng đất nào cũng có.

Cây quách già hàng chục tuổi, mới năm cho hàng trăm trái. Du khách phương xa lần đầu đến với Trà Vinh có lẽ sẽ bị thu hút khi nhìn thấy những cây cao cao, trồng trước nhà dân, có dáng thẳng đứng nhưng lại thanh mảnh và đẹp, trên cây có rất nhiều trái tròn màu trắng xám đó là trái quách.

Trước đây, cây quách chỉ được trồng ở đồng bào dân tộc Khrme, dần dần hương vị độc đáo riêng của trái quách đã hấp dẫn nhiều người. Ngày nay, người dân Trà Vinh trồng trái quách đại trà hơn, mỗi nhà trồng vài cây, lấy bóng mát và trái. Đặc biệt trong khuôn viên các chùa Khrme, cây quách được trồng nhiều và thành hàng.

Khi quách đến mùa, đi dọc các con đường của tỉnh Trà Vinh ta cũng đều bắt gặp những sề quách được bày bán ven đường.

Tuy nhiên địa phương trồng nhiều trái quách nhất và lâu đời nhất là huyện Cầu Kè. Cây quách được trồng xen các loại cây ăn trái bởi loại cây này thân to, tán rộng được trồng thành hàng, đặc biệt những trái quách treo lủng lẳng trông như những trái bóng nhựa trên cây.

Người trồng quách có kinh nghiệm không mất công leo cây, bẻ trái. Bắt đầu chín là trái quách tự rụng. Mặc dù rơi từ trên rất cao xuống đất nhưng trái quách không hề dập vỡ và khi chớm chín thì trái còn rất cứng. Để bảo vệ trái quách chín rụng không bị vỡ và bán được giá, người trồng quách thường tạo nền đất mềm xung quanh cây quách hoặc rải một lớp rơm khô để khi trái quách rụng xuống sẽ không bị vỡ. 

Loại trái đặc biệt này được chế biến thành nhiều món đặc sản như quách ghém cùng mắm. Mắm cá sặc, cá chốt hay cá trẽn trộn đường tỏi, ớt là loại thức chấm hấp dẫn được dùng với các loại rau sống như xà lách, cải thảo, bông súng... kèm thêm vài lát khế chua hoặc chuối chát để đậm vị. Thêm vào đó, người ta còn nạo cơm quách ra làm nhân cuốn chung trong rau và chấm mắm.

Đối với phụ nữ thì món quách trộn cùng mắm hay dầm đá đường là món ăn giải nhiệt số một được mọi người yêu thích, còn đối với cánh mày râu quách ngâm rượu thì đã trở thành đặc sản. 

Để dầm nước đá đường, chỉ cần nạo ruột trái cho vào ly đánh nhừ. Cho đường cát và nước đá bào vào, ta sẽ được một món giải nhiệt ngày hè tuyệt hảo và đáng nhớ. Múc một muỗng quách cho vào miệng, mùi thơm của quách phảng phất lên cánh mũi, vị chua thanh làm mặt lưỡi tê mê. Vị ngọt của đường, vị béo của sữa lan thấm khắp vòm họng, thật là dễ chịu. Nhưng sảng khoái nhất là khi thưởng thức trái quách vào những trưa hè oi bức. Vị chua của quách khiến cái nóng của mặt trời nhanh chóng biến đi.

Ở Cầu Kè, người ta còn chế biến quách thành một loại rượu được coi là đặc sản. Vì, uống rượu này sẽ thưởng thức hương vị thơm đặc trưng của quách mà còn có lợi cho những người bị cao huyết áp, đau nhức, bổ thận… Muốn có rượu thuốc này, người ta dùng muỗng cạo lấy cơm trái quách ngâm trong hũ rượu nếp hoặc rượu gạo nguyên chất. Để có rượu ngon hơn, người ta bổ trái quách thành vài ba mảnh, ngâm rượu. Nhưng, theo nhiều người sành rượu thì đục vài ba lỗ trên vỏ trái quách rồi thả vào hũ rượu. Theo họ, ngâm như vậy sẽ có nước rượu trong, không đục như hai cách trên.

Ngoài ra, còn có một món lạ cực ngon được chế biến từ trái quách đó là lẩu gà nấu trái quách. Xuất phát từ đặc điểm và mùi vị hấp dẫn của trái quách, có quán ăn đã nghiên cứu kỹ cách nấu để biến tấu món lẩu chua gà, thay vì dùng lá giang, đọt cóc hoặc trái tầm ruột làm chất chua. Cơm trái quách theo đó được sử dụng làm nước lèo khiến cho người ăn thích thú. Với món lẩu trái quách thịt gà là thành phần chủ lực, giàu chất bổ dưỡng, nhưng nước súp cũng giữ một vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và giá trị thẩm mỹ đối với món ăn. Nước súp càng thơm ngon, nồi lẩu càng thăng hoa.

Đặc biệt, món lẩu trái quách hấp dẫn nhất là ăn chung với bún, vừa chua thanh, vừa ngọt nhẹ, mùi vị thơm tho, cay nồng, rất dễ đánh thức vị giác. 

Ngoài tác dụng giải nhiệt, trái quách còn giúp trị táo bón. Theo dân gian, cắt mỏng trái quách non rồi mang phơi khô có thể dùng để chữa trị tiêu chảy, lá quách chữa trị viêm phế quản. 

Nhờ vị ngon đặc biệt, loại trái cây này được đi "chu du" khắp nơi. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật