Nợ bạn không trả nhưng vẫn check-in sang chảnh, đi du lịch đều

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bạn bè nhờ mừng cưới hộ, lúc đi vay thì ngọt nhạt nhờ cậy, lúc bị đòi thì trở mặt lạnh tanh, người đi vay thì ăn chơi, tiêu xài phung phí, kẻ cho vay thì tiết kiệm từng đồng... là những nỗi khổ mà nhiều người đang phải đối diện chỉ vì cho bạn bè, người thân vay tiền.
Nợ bạn không trả nhưng vẫn check-in sang chảnh, đi du lịch đều
Cả chục bạn  nhờ mừng cưới hộ nhưng không nhắc tới chuyện trả tiền khiến khổ chủ méo mặt gồng gánh (Ảnh minh họa)

Xem Video: Khi bạn thân của bạn không trả tiền nợ

//

Câu chuyện cho người thân quen mượn tiền có vẻ như là một chủ đề gây nhiều bức xúc đối với mọi người. Sau bài viết “Ngán ngẩm khi cho người thân vay tiền: Bị block, "cạch mặt" vì nhắn tin đòi nợ”, được đăng tải, chúng tôi nhận được rất nhiều chia sẻ của độc giả xoay quanh “vấn nạn” này.

Méo mặt vì bạn nhờ mừng hộ đám cưới: Mỗi lần đi đám cưới, tốn cả vài triệu đồng

Câu chuyện nhờ mừng hộ đám cưới có lẽ là một nỗi khổ không của riêng ai. Chắc hẳn rất nhiều người đã từng ít nhất rơi vào hoàn cảnh này. Ngày vui của người bạn cuối cùng lại trở thành “cơn ác mộng” với  người bạn đi chúc mừng. Trường hợp của anh Nguyễn Đức (27 tuổi, Hà Nội) là một ví dụ điển hình.

Anh Đức kể, tính tới giờ, cộng tiền của tất cả các đám cưới của bạn bè mà anh đã đi dễ phải tới vài chục triệu đồng. Lý do không phải là vì anh mừng nhiều tiền mà bởi vì toàn phải “gánh”cho bạn bè nhờ mừng hộ.

“Tính mình nhiệt tình nên hầu như bạn nào cưới, mời mình đều đi. Chuyện chẳng có gì đáng nói nếu như đám bạn không vì thế mà thi nhau nhờ vả mình mừng cưới hộ. Hồi đầu mình rất vô tư thoải mái, cứ có bạn điện nhờ gửi phong bì hộ là mình đồng ý ngay. Mình chỉ nghĩ chúng bạn bận rộn không về được thì mình đại diện thay. Nhưng đó thực sự là một sai lầm.

Mỗi một đám cưới mà mình đi, có khi phải tới 5, 7 bạn nhờ mừng giúp. Mình toàn phải ứng tiền ra với lời hứa hẹn của các bạn: Mày mừng phong bì hộ tao, mai tao chuyển khoản cho nha. Vậy là một đám cưới, sơ sơ mỗi bạn mừng 500 nghìn thôi thì mình cũng phải tốn vài triệu để ứng” – Đức chia sẻ.

Nhưng điều đáng nói là ở chỗ, sau khi nhờ được “hiệp hội những người bạn này” lặn mất tăm, không thấy ai chủ động trả tiền cho anh Đức cả. Những lần đầu gặp tình huống như thế anh Đức cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì cảnh bạn bè với nhau, đòi thì lại ngại, hơn nữa số tiền không nhiều, mỗi người cũng chỉ vài trăm. Tuy nhiên, tình trạng đó diễn ra quá nhiều khiến anh vô cùng bực bội, khó chịu. Cá biệt, có những bạn còn nhờ tới 3,4 lần, của 3,4 đám cưới nhưng lần nào vào nhờ cũng không nhắc gì tới chuyện vay trước đó luôn.

Anh Đức nói: “Bản thân mình là đàn ông, con trai, đi đòi tiền vài trăm bạc cũng thấy ngại. Thậm chí có lần mình nhắn tin cho 1 bạn gái học cùng cấp 3 – người nhờ mình mừng hộ phong bì, bạn ấy còn độp vào mặt mình câu nói: ‘Gớm, có mấy trăm bạc mà ông cũng phải nhắn tin đòi. Tôi quên thôi chứ không định quỵt của ông’. Nghe xong mình nóng hết cả mặt. Bạn gái đó có chuyển tiền trả nhưng tôi cay cú vô cùng. Tiền của mình bỏ ra, tới cả năm trời không được trả lại, khi nhắc khéo thì lại bị nói như kiểu loại đàn ông ki bo, chắc tay vậy”.

Kể từ sau lần đó, anh cạch tới già. Anh Đức phải viết “tâm thư” lên trang cá nhân với nội dung về việc sẽ không mừng cưới hộ ai nữa, trừ khi các bạn chủ động gửi tiền trước hộ, còn không xin phép miễn: “Mình biết viết thế nhiều người sẽ đánh giá, có khi còn nói xấu sau lưng bảo mình không hào phóng nhưng dính quá nhiều lần rồi khiến mình không còn muốn bận tâm nữa. Mình nghĩ nếu họ là bạn của mình, trân trọng mình thì phải hiểu là mình đã quá tốt và tử tế với họ chứ không phải vì mình đòi tiền mà đánh giá mình không tốt. Cho tới giờ, mình cũng còn quá nhiều người nợ chưa thèm trả tiền mừng cưới hộ nên tốt nhất là từ chối thẳng vì không thể chịu cảnh như thế mãi được”.

Lúc vay thì bạn hết lời nhờ vả, khi đòi tiền như quỳ lạy van xin bạn

Vẫn trong chủ đề nhạ‌y cả‌m này, chị Hồng Vân (32 tuổi, Quảng Ninh) lại phải đối diện với một tình huống trớ trêu khác. Chị tự đánh giá câu chuyện của mình là: Khổ nhục. Bởi lẽ lúc đi hỏi vay, bạn viết tâm sự dài như văn tế, kể lể đủ sự tình, mọi cái khổ, ấy vậy mà đến khi muốn lấy lại tiền lại cứ phải chạy theo bạn như ăn xin, cầu khẩn.

Chị kể cách đây 3 năm, chị có cho cô bạn thân mượn một khoản tiền gần 50 triệu. Lúc đó cô bạn ấy cần vốn làm ăn, chị có ít tiền tiết kiệm dư giả nên cũng cho bạn mượn, không lấy một đồng tiền lãi nào. Bạn hứa sau 1 năm nhất định sẽ trả, còn không quên kèm theo câu nói đầy xúc động “Tao cảm ơn mày nhiều lắm, việc mày giúp tao thế này, ơn đó không bao giờ tao quên”.

Lúc vay thì bạn ngọt nhạt, lựa lời, khi bị đòi thì lạnh tanh, người cho vay như đi xin dù là tiền của mình (Ảnh minh họa)

Ấy vậy mà hơn 1 năm qua đi, cô bạn ấy không rõ là trí nhớ kém hay là cố tình mà… quên thật. Khoản tiền không hề được bạn nhắc đến việc trả. Chị Vân lúc này đã lấy chồng, sinh con, cuộc sống có nhiều khoản phải chi tiêu nên bí bách hơn trước. Chị nhắn tin nhắc bạn về khoản tiền đó. Nào ngờ lúc này, “bộ mặt thật” của bạn mới hiện ra.

“Thú thật khi đòi mình ngại lắm. Tiền của mình mà cứ như thể mình đang làm cái chuyện thất đức vì đòi nợ bạn vậy. Mình nhắn tin nhã nhặn, nói qua về cuộc sống hiện tại có nhiều cái phải lo nên muốn lấy lại tiền. Bạn mình chỉ nhắn lại cộc lốc: Bao giờ mày cần?” khiến mình thực sự sốc”.

Sau đó là liên tiếp những màn “lầy” của cô bạn thân khiến chị Vân đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Chị kể đi đòi tiền mà cứ như đi cầu xin đợi của bố thí. Hôm thì bạn trả lời: “Tao đang về quê có chút việc, tuần này bận lắm, đợi sang tuần tao lên thành phố rồi tao gửi”; Khi thì lại “Được rồi, tao biết rồi, con tao đang ốm, đợi mấy hôm nữa tao chuyển”; hoặc “Tao đang đi đám cưới, ồn quá, mày không phải giục đâu, tao thu xếp được thời gian tao đi gửi ngay”…

Cứ như vậy, ròng rã tới cả vài tháng trời chị Vân mới nhận được tiền. Chị cứ phải chạy theo lịch trình của bạn như thể mình là người nhờ cậy chứ không phải là chủ nợ. Nhận được tiền rồi, chị còn bị bạn nhắn cho 1 câu đầy ẩn ý: “Xong nhé, giờ không phải tối ngày đi giục nữa nhé”.

Người cho vay thì ăn kham, ăn khổ, kẻ khất nợ thì tối ngày check in sang chảnh

Đây cũng là một trong những tình huống mà nhiều người gặp phải. Đòi tiền lần nào bạn cũng than nghèo, kể khổ, gặp phải tình huống nguy cấp nhưng thực tế thì ăn tiêu không tiếc tay, tỏ ra sang chảnh ngút trời.

Không giấu nổi sự bức xúc, Mai Ngân (23 tuổi, Hà Nội) bực bội kể: “Mình cũng từ tỉnh lẻ lên thành phố học, mới ra trường đi làm được một thời gian. Mình có tiết kiệm được một khoản, gần 20 triệu. Cô bạn học cùng mình trước kia đã hỏi vay tiền mình với lí do mẹ bị ốm phải đưa đi cấp cứu. Hoàn cản như vậy dĩ nhiên mình không thể nào bỏ mặc được. Mình rút sạch tiền cho bạn vay, thậm chí còn phải đi mượn thêm đồng nghiệp 3 triệu cho tròn 20 triệu để bạn có tiền lo liệu cho mẹ. Nhưng cuối cùng, lòng tốt của mình đặt không đúng chỗ”.

Người cho vay thì tiêu dè tiết kiệm, người đi vay thì ăn chơi trác táng (Ảnh minh họa)

Sau khi cho bạn vay tiền, Ngân cứ nghĩ mẹ bạn ổn định thì bạn sẽ thu xếp trả nợ cho mình nhưng cô bạn đó gần như không đoái hoài gì đến. Ngân thấy bạn vẫn ngày ngày lên mạng check in đi ăn buffet sang chảnh, đi du lịch, rồi xem phim, quán bar… như kiểu một tiểu thư con nhà giàu chính hiệu. Thấy vậy Ngân bèn nhắn tin đòi tiền bạn.

“Lần nào mình đòi tiền bạn cũng khóc mếu, than khổ. Lúc thì bảo mới bị đuổi việc, lúc thì bảo đang thất tình, khi thì bị đứa ở cùng lừa mất tiền… Mình có cảm giác như thiên hạ này có bao nhiêu đen đủi đều rơi hết xuống dầu bạn vậy. Tiền thì bạn ấy tìm đủ mọi cách khất không chịu trả nhưng đời sống lại ăn chơi sang chảnh. Trong khi vì cho bạn vay tiền, mình phải tằn tiện từng đồng một. Sau chuyện này, nhất định mình không bao giờ cho vay tiền dễ dãi như vậy  nữa. Đồng tiền làm ra có đơn giản đâu”.

Mỗi người một nỗi khổ khác nhau khi cho người thân, bạn bè vay tiền. Trong xã hội hiện đại nhưng vẫn có rất nhiều người đang có lối hành xử kém văn minh và phụ sự chân thành, giúp đỡ của chính những người từng rất quý tọng mình.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật