Khám phá kiến trúc độc đáo của cổ tự Hội Khánh – Bình Dương

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chùa Hội Khánh (phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) xây dựng năm 1741, được biết đến là một trong những công trình kiến trúc phật giáo tiêu biểu của tỉnh Bình Dương.
Khám phá kiến trúc độc đáo của cổ tự Hội Khánh – Bình Dương
Cổng vào Hội Khánh tự .

Xem Video: Hoàng hôn Hội Khánh Tự Thủ Dầu Một

//

Kiến trúc xây dựng đặc sắc

Cấu trúc chùa Hội Khánh - Bình Dương gồm 4 phần: Tiền điện - chánh điện, Giảng đường và Đông lang, Tây lang. Trong đó, Tiền điện - chánh điện, Giảng đường với kiến trúc có tới 92 cột gỗ quý. Đông lang và Tây lang được bố trí theo kiểu “sắp đôi” liên kết nối liền. Đây là lối kiến trúc xây dựng theo chùa cổ truyền thống còn sót lại.

Đặc biệt, bên trong Giảng đường có an trí bàn thờ Cụ Nguyễn Sinh Sắc và Hồ Chủ Tịch, hằng năm nhân ngày giỗ Cụ Nguyễn Sinh Sắc chùa luôn tổ chức lễ tưởng niệm rất trang nghiêm. Ngoài ra, nơi đây còn có 2 bức phù điêu chạm hình các vị bồ tát và tượng gỗ 18 vị La Hán, là những công trình nghệ thuật điêu khắc độc đáo của người Bình Dương xưa.

Mỗi vị trí trong chùa Hội Khánh Bình Dương đều được bố trí hài hòa. Bước vào phía trong chùa, có thể cảm nhận được kiến trúc xây dựng truyền thống gồm các gian nhà lớn nhỏ khác nhau sắp xếp theo kiểu nội định – ngoại quốc (Chánh điện có 2 căn, mỗi căn gồm 3 gian 2 mái).

Toàn cảnh chùa Hội Khánh nhìn từ trên cao.

Xung quanh sân chùa được xây dựng 9 ngôi tháp một cách công phu, tương ứng với 9 trụ trì đã viên tịch. Ngoài ra, còn có ngọn tháp 7 tầng với tầng dưới của tháp là nơi trưng bày các vật phẩm lưu niệm như chuông mõ, tượng phật.

Tuy đã trải qua nhiều đợt tái tạo và trùng tu từ những năm 1868 và gần nhất là năm 1991, nhưng theo đánh giá của các nhà nghiên cứu chùa cổ tại Bình Dương, chùa Hội Khánh vẫn giữ được phần lớn nét kiến trúc cổ kính ban đầu, cộng với phối cảnh mỹ thuật góp phần tạo nên không gian tôn nghiêm của ngôi cổ tự.

Do vậy, ngoài việc trở thành điểm viếng thăm của nhiều phật tử, Chùa Hội Khánh còn thu hút một lượng lớn khách tham quan, chụp ảnh bởi có những công trình kiến trúc lịch sử lâu đời.

Giá trị văn hoá bền vững

Không chỉ nổi tiếng về giá trị niên đại và cảnh quan kiến trúc, chùa Hội Khánh còn là nơi lưu giữ nhiều cổ vật giá trị về lĩnh vực tôn giáo, mỹ thuật như tự khí mộc bản (bản gỗ chữ nổi để khắc in), kinh sách, liễn đối, văn thơ. Theo bảo tàng Bình Dương đánh giá xếp loại năm 2002, chùa Hội Khánh là nơi lưu giữ nhiều cổ vật nhất tại Bình Dương với 126 hiện vật trên 636 hiện vật của tỉnh.

Cận cảnh tự khí mộc bản - cổ vật giá trị về lĩnh vực tôn giáo.

Trong khoảng thời gian từ năm 1923 – 1926, Chùa Hội Khánh Bình Dương còn là nơi các bậc hiền tài yêu nước từ khắp nơi tề tựu về. Trong đó, có cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh), cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh). Năm 1923 – 1926, cụ Nguyễn Sinh Sắc cùng với cụ Tú Cúc (Phan Đình viện) và Hòa thượng Từ Văn đã sáng lập ra “Hội danh dự”. Đề cao tinh thần yêu nước, yêu đồng bào và chống giặc ngoại xâm.

Năm 2013, chùa khánh thành thêm tượng Đức Bổn sư Thích Ca nhập Niết bàn, nằm trên mái chùa, dài 52m, cao 12m, an vị trên độ cao cách mặt đất 23m. Công trình nằm trong khuôn viên rộng 13.000 m², được công nhận là tượng Phật nằm dài nhất Việt Nam. Bức tượng cũng được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập là "Tượng Phật nhập Niết bàn trên mái chùa dài nhất châu Á".

Bức tượng được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập là "Tượng Phật nhập Niết bàn trên mái chùa dài nhất châu Á".

Với chiều dày về lịch sử, tôn giáo, kiến trúc, mỹ thuật và truyền thống yêu nước gắn bó với đạo pháp và dân tộc, chùa Hội Khánh Bình Dương đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia vào ngày 7/1/1993.

Chùa Hội Khánh Bình Dương đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia vào ngày 7/1/1993.

Qua đó, cho thấy chùa Hội Khánh không chỉ là công trình kiến trúc gỗ lớn nhất của tỉnh Bình Dương mà còn là một công trình mỹ thuật tôn giáo (Phật giáo) hàng đầu của miền Đông Nam Bộ về quy mô cũng như niên đại hình thành.

Một số hình ảnh của công trình mỹ thuật Phật giáo hàng đầu của miền Đông Nam Bộ :

 

 

 

 

 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật