Mạnh tay với hàng ‘xách tay’

Kem Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nghị định 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15.10 tới, với các chế tài mạnh, được kỳ vọng sẽ tạo chuyển biến tích cực trong xử lý vi phạm kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái...
Mạnh tay với hàng ‘xách tay’
Các mặt hàng mỹ phẩm “xách tay” được bày bán tại một cửa hàng ở TP.Quảng Ngãi. ẢNH: VŨ YẾN

Hiện nay, các mặt hàng được gắn mác hàng “xách tay” đang được người tiêu dùng ưa chuộng, bởi quan niệm đây là sản phẩm chất lượng cao, chính hãng, giá mềm, do không phải chịu thuế. Tuy nhiên, những mặt hàng này hiện rất khó để kiểm chứng được nguồn gốc.

Tràn lan các mặt hàng "xách tay"

Có nhu cầu mua thuốc bổ sung dinh dưỡng cho con, chị Nguyễn Thị Trang ở phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) không vào hiệu thuốc, mà đến cửa hàng kinh doanh sản phẩm dành riêng cho mẹ và bé trên đường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi). Cửa hàng này khá nổi tiếng, vì sản phẩm phong phú, nhiều hàng nước ngoài có chất lượng gồm các loại thuốc, thực phẩm chức năng, sữa bột...

Điều đáng nói là, trên bao bì của các sản phẩm này, đều ghi bằng tiếng nước ngoài, không hề có nhãn phụ tiếng Việt hướng dẫn sử dụng, hay đơn vị phân phối. Nhân viên ở đây giải thích, đó là hàng "xách tay", nên không có nhãn phụ, nhưng nếu khách hàng cần, cửa hàng có thể cung cấp hóa đơn mua hàng của các mặt hàng trên. 

Không chỉ ở các cửa hàng, với sự phát triển rầm rộ của thương mại điện tử, việc mua bán hàng "xách tay" cũng diễn ra tràn lan trên các trang mạng xã hội. Chị N.H.C ở phường Trần Phú, ngoài công việc văn phòng ở một công ty, để có thêm thu nhập, chị bán hàng “xách tay” trên Facebook cá nhân. Theo chị C, sản phẩm mà chị rao bán (chủ yếu là các loại mỹ phẩm, nước hoa của các hãng nổi tiếng của Nhật Bản và Hàn Quốc - PV) được một người bạn ở Hàn Quốc mua giúp. Thế nhưng, giá rao bán trên mạng rẻ hơn rất nhiều lần so với mặt hàng cùng thương hiệu được bán tại các siêu thị, hoặc cửa hàng lớn. Khi được hỏi tại sao lại có giá rẻ? Chị C giải thích loại hàng này không chịu thuế, phí; hàng gom từ những đợt giảm giá của các thương hiệu...

Các mặt hàng "xách tay" được buôn bán chủ yếu ở các nhóm hàng: Quần áo, giày dép, đồng hồ, túi xách thời trang, thuốc và thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm... Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan quản lý thị trường (QLTT), hầu hết các mặt hàng này thực chất đều là hàng nhập lậu, bởi không thể có việc hàng xách tay lại có số lượng hàng hóa phong phú, đa dạng như thế. Giá cả cũng không thống nhất và ổn định, cùng một sản phẩm mỗi nơi bán một giá, với mức chênh lệch đáng kể. Không loại trừ khả năng lợi dụng tâm lý ham rẻ, sính hàng ngoại của nhiều người, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái được trà trộn, phù phép gắn mác “xách tay” để đến tay người tiêu dùng.

“Hàng "xách tay" sẽ không bị xem là vi phạm, nếu cá nhân đem từ nước ngoài về với mục đích sử dụng, biếu tặng. Tuy nhiên, khi đưa ra thị trường buôn bán, thì phải khai báo rõ ràng và nộp thuế, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt nghiêm".

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh TRẦN XUÂN THƯƠNG

Nhiều chế tài mạnh

Đa số các loại thực phẩm chức năng, vi chất bổ sung dinh dưỡng dành cho trẻ em được bán ở một cửa hàng dành cho mẹ và bé không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. ẢNH: VŨ YẾNThời gian qua, nhiều vụ buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng nhái... đặc biệt là hàng không có nguồn gốc xuất xứ, với quy mô lớn được các đơn vị chức năng phát hiện, trước thực trạng trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nghị định quy định hàng nhập lậu gồm hàng thuộc danh mục cấm nhập khẩu, hoặc tạm ngừng nhập khẩu. Hàng nhập khẩu không có giấy phép nhập khẩu, không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan. Ngoài ra, hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo... cũng được xếp vào diện hàng lậu. 

Theo đó, cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt 500.000 đồng đến 50 triệu đồng, tùy giá trị hàng hóa. Còn tổ chức vi phạm kinh doanh hàng lậu, sẽ bị phạt từ 1 - 100 triệu đồng. Mức xử phạt sẽ tăng gấp đôi, tối đa 100 triệu đồng với cá nhân và 200 triệu đồng với tổ chức, nếu trực tiếp nhập lậu hàng thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc phòng bệnh... có giá trị dưới 100 triệu đồng. Do đó, bán hàng "xách tay" không có hóa đơn, chứng từ kèm theo như quy định, không làm thủ tục hải quan... cũng bị xác định là hàng hóa nhập lậu.

Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Trần Xuân Thương cho biết: Khi chưa có Nghị định 98/2020/NĐ-CP, lực lượng QLTT xử phạt đối với hàng hóa "xách tay" không có hóa đơn, chứng từ tương tự như xử lý hàng lậu. Tuy nhiên, nghị định mới quy định rõ hơn về mức độ xử phạt, mức phạt cụ thể để áp dụng đối với từng loại hàng hóa nhập lậu, trong đó hàng "xách tay" cũng không ngoại lệ, nếu không đảm bảo hóa đơn, chứng từ”.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật