Kích cầu du lịch lần 2: Vẫn hướng đến du khách nội địa và an toàn là trên hết

Lumia Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hướng đến chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”, chương trình kích cầu du lịch nội địa lần thứ 2 sẽ được triển khai vào những tháng cuối năm 2020.
Kích cầu du lịch lần 2: Vẫn hướng đến du khách nội địa và an toàn là trên hết
Ảnh minh họa

Trong lần kích cầu du lịch vừa mới khởi động vài tuần trong tháng 6, 7 thì dịch COVID-19 lần 2 bùng phát khiến ngành du lịch một lần nữa rơi vào khủng hoảng khi khách hủy tour hàng loạt, khách sạn vắng khách còn các khu du lịch, điểm đến đìu hiu.

Sau một thời gian ngưng trệ với hàng loạt tour du lịch bị hủy thì tới thời điểm này, nhiều hoạt động du lịch đã rục rịch và bắt đầu có dấu hiệu hồi sinh.

Ngày 18.9, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa lần thứ 2 và sẽ được triển khai vào những tháng cuối năm 2020. Chương trình tái kích cầu du lịch lần này hướng đến chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”. Chương trình kích cầu du lịch lần 2 tiếp tục hướng đến khách du lịch nội địa, với mục tiêu xây dựng sản phẩm du lịch vừa an toàn, vừa hấp dẫn về giá và chuyến đi có thời gian phù hợp và khuyến khích các doanh nghiệp lớn tham gia kích cầu để tạo lực thúc đẩy mạnh mẽ.

Theo ông Hoàng Nhân Chính, Tổng thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) thì ngành du lịch còn khó đoán, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên toàn thế giới.

Theo nhận định của ông Chính thì hiện có hai thị trường nguồn lớn nhất là TP.HCM và Hà Nội. Hai thành phố này chiếm tới 60-70% lượng khách đi du lịch nội địa. Kết quả khảo sát sơ bộ về tâm lý và hành vi của du khách cho thấy một số dấu hiệu đáng mừng là phần lớn khách du lịch được hỏi đã mong muốn đi du lịch dài hơn so với khảo sát sau khi đợt COVID-19 đầu tiên. Có tới 60-70% người được hỏi đã sẵn sàng đi du lịch bằng đường hàng không và đặc biệt, nhiều khách từ Hà Nội và TP.HCM sẵn sàng đi du lịch ngay trong năm nay, tức là 3 tháng tới. Đây cũng là những dấu hiệu tích cực đối với du lịch trong thời điểm này và cũng phản ánh phần nào tâm lý bớt lo âu, sợ hãi so với đợt đầu bùng dịch COVID-19.

Trong đợt kích cầu lần thứ 2, thị trường mà ngành du lịch nhắm đến vẫn là khách du lịch Việt Nam và người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

Các hoạt động kích cầu sẽ tập trung vào phát động thị trường, giới thiệu điểm đến, thu hút khách trên cơ sở Liên minh kích cầu giai đoạn trước, khuyến khích hình thành các liên minh kích cầu mới dựa trên sản phẩm phù hợp nhu cầu du lịch tham quan, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ngắn ngày, chăm sóc sức khỏe, du lịch gofl và du lịch MICE…

Về việc phát triển các sản phẩm du lịch, chương trình kích cầu tập trung vào việc xây dựng những gói kích cầu hấp dẫn về giá, đa dạng về chương trình, đảm bảo chất lượng và uy tín thương hiệu, đồng thời có những chính sách hoãn hủy, hoán đổi linh hoạt, đảm bảo quyền lợi của khách du lịch.

Hiện nhiều đơn vị lữ hành đã tung ra nhiều tour với mức giá giảm từ từ 30 - 50%. Hiện các tour trải nghiệm mùa Thu với điểm đến ở lân cận Hà Nội và các tỉnh vùng núi phía Bắc có mức giảm từ 40-50% so với cùng kỳ hàng năm. Đối với các vùng ven biển, như Thanh Hoá, Nha Trang, Quy Nhơn, Bình Thuận…, mức giá tour trung bình khoảng 4.000.000 – 6.000.000đ/tour (4 ngày 3 đêm), mức giá này đã giảm từ 30-40% so với hằng năm.

Một địa điểm biển đảo đang được tìm kiếm rất nhiều trong tour du lịch mùa Thu năm nay là Côn Đảo. Hòn đảo này cũng đang có nhiều chuyển biến để đón đầu du khách.

Ngoài ra, từ 15.9 một số đường bay quốc tế đến Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia, Lào sẽ lần lượt được mở lại. Từ 22.9, mở thêm hai đường bay Việt Nam-Campuchia, Việt Nam-Lào.

Theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong đợt kích cầu du lịch lần 2 này thì việc tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn - hấp dẫn trên các kênh truyền thông trung ương, địa phương rất quan trọng bởi sẽ góp phần xóa bỏ tâm lý e ngại đi du lịch trong bối cảnh dịch COVID-19.

Ngoài ra, việc thực hiện các hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 vẫn cần được thực hiện một cách nghiêm túc nhằm đảm bảo an toàn tại các doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch. Đồng thời, du khách khi tham gia các chuyến du lịch cũng phải thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế với 4 tiêu chí gồm khẩu trang, khử khuẩn, khai báo y tế và giữ khoảng cách an toàn tối thiểu.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật