Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt của LHQ lên Iran

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngoại trưởng Mike Pompeo tối 19/9 thông báo Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc lên Iran, bất chấp phản đối từ Hội đồng Bảo an.
Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt của LHQ lên Iran
Ngoại trưởng Mike Pompeo phát biểu trước phóng viên sau một cuộc họp với các thành viên Hội đồng Bảo An tại Liên Hợp Quốc ngày 20/8. Ảnh: AP.

Động thái mới nhất này là một phần trong chiến lược của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm "gây áp lực tối đa" lên Tehran. Nó được đưa ra sau khi Mỹ không thể gia hạn lệnh cấm vận vũ khí thông thường đối với Iran, dự kiến hết hạn vào tháng tới, thể theo thỏa thuận hạt nhân Iran.

"Mỹ có hành động quyết đoán này bởi, ngoài việc Iran không thực hiện các cam kết trong Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA), Hội đồng Bảo an cũng không thể gia hạn lệnh cấm vũ khí của Liên Hợp Quốc đối với Iran, vốn đã có hiệu lực 13 năm", Ngoại trưởng Pompeo cho biết trong thông báo. "Theo các quyền của chúng tôi..., chúng tôi bắt đầu quá trình khôi phục gần như tất cả những lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, bao gồm cả lệnh cấm vận vũ khí. Kết quả là thế giới sẽ an toàn hơn".

Nhà Trắng dự kiến ban hành một sắc lệnh hành pháp vào ngày 21/9 nêu rõ cách thức Mỹ sẽ thực thi các lệnh trừng phạt đã được khôi phục và Bộ Tài chính Mỹ sẽ liệt kê những hình thức trừng phạt đối với các cá nhân và tổ chức vi phạm.

"Mỹ hy vọng tất cả các nước thành viên Liên Hợp Quốc tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ của họ để thực hiện các biện pháp này", Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố.

Tuy nhiên, động thái từ phía chính quyền Mỹ đã vấp phải phản đối từ các thành viên khác trong Hội đồng Bảo an. Theo họ, Mỹ đã mất đi vị thế pháp lý để có thể tái áp đặt các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc lên Iran khi Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm 2018.

Trong thư gửi Hội đồng Bảo an ngày 19/9, Iran nói rằng hành động của Mỹ là "vô hiệu, không có giá trị pháp lý và hiệu lực, do đó hoàn toàn không thể chấp nhận được".

JCPOA được Iran ký với 6 cường quốc gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc vào năm 2015 sau 15 năm đàm phán ngoại giao. Theo thỏa thuận, Iran sẽ hạn chế các hoạt động hạt nhân để đổi lấy việc giảm bớt lệnh trừng phạt quốc tế.

Tổng thống Trump năm 2018 tuyên bố rút khỏi thỏa thuận vì "không hiệu quả", đồng thời thực hiện chiến dịch gây áp lực tối đa với Iran bằng cách áp đặt nhiều lệnh trừng phạt với nước này, bất chấp sự phản đối của các nước còn lại trong thỏa thuận.

Kể từ khi Mỹ rút khỏi JCPOA năm 2018, Iran cũng từ bỏ một số cam kết trong thỏa thuận để đáp trả. Căng thẳng hai nước thêm trầm trọng sau khi Washington không kích hạ sát tướng Qassem Soleimani đầu năm nay, khiến Tehran trả đũa bằng đòn tập kích tên lửa nhằm vào căn cứ có lính Mỹ đồn trú ở Iraq.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật