Nghệ nhân Nhân dân xứ Quảng: Xác lập 4 kỷ lục Guiness quốc gia

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nghệ nhân Trần Văn Anh (Ngọc Minh) - sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nghề kim hoàn; từ nhỏ đã ước mơ sau này sẽ trở thành một nghệ nhân xuất sắc chuyên nghề trang sức để góp phần làm đẹp cho đời...
Nghệ nhân Nhân dân xứ Quảng: Xác lập 4 kỷ lục Guiness quốc gia
Nghệ nhân Ngọc Minh bên tấm bản đồ Thiên Long Việt Đồ, được Sách Kỷ lục Guiness quốc gia ghi danh

Năm 1984, tốt nghiệp Trường Mỹ thuật TP. HCM, anh trở lại quê hương, bắt đầu chuyên tâm theo đuổi nghề kim hoàn.

Ước mơ cùng ý chí hoài bão lớn - đã giúp chàng sinh viên trẻ phát huy được tư chất, năng khiếu thiên phú của bản thân. Trải qua chặng đường đầy gian nan thử thách, đến nay anh đã trở thành một nghệ nhân có tiếng tăm trong nghề kim hoàn xứ Quảng.

Không chỉ thành danh trong nghề mình đã chọn để thỏa niềm đam mê và cống hiến, nghệ nhân Ngọc Minh còn được nhiều người biết đến với mệnh danh “con người sinh ra để lập nhiều kỷ lục”.

Bởi vì, trong anh luôn ẩn chứa một tình yêu lớn dành cho những di vật, di sản văn hóa, lịch sử của dân tộc… Những năm qua, nghệ nhân này đã lập 4 kỷ lục Guiness quốc gia.

Kỷ lục 1: Nhẫn bạc lớn nhất - Quảng Nam nhị tú.

Đó là chiếc nhẫn làm bằng bạc, nặng 1,2 kg với đường kính 21 cm, được đặt tên Quảng Nam nhị tú.

Bởi trên tác phẩm được nghệ nhân khắc họa, chạm trổ hình ảnh 2 di sản văn hóa thế giới là chùa Cầu (Hội An, Quảng Nam) và thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam).

Trên đỉnh của chiếc nhẫn được tác giả khắc với dòng chữ song ngữ Việt – Anh “Quảng Nam - một điểm đến 2 di sản văn hóa thế giới” - nhằm mục đích giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước về với xứ Quảng để tham quan những di sản văn hóa nổi tiếng này.

Qua đây, anh muốn thể hiện tấm lòng người con được sinh ra và lớn lên trên đất xứ Quảng, dù đi đâu, làm gì, thành đạt ra sao, thì quê hương vẫn như bầu sữa ngọt lành của mẹ.

Kỷ lục 2: Tác phẩm thư pháp “Đến với Tâm”, “Về với Nhẫn”.

Chỉ dùng một lưỡi cưa nhỏ mà nghệ nhân Ngọc Minh đã chế tác những con chữ nhỏ đến từng mi li mét trên các chất liệu khác nhau như gỗ, sừng, kim loại…

“Đến với Tâm” - tác phẩm với 108 chữ tâm, có hình dáng, kiểu chữ thư pháp không giống nhau, tượng trưng như 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc. Một thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm đó là mỗi con người chúng ta trong xã hội này, đều có một thế mạnh khác nhau, như 108 người ở Lương Sơn, người giỏi mặt này yếu mặt khác thì hỗ trợ, bù đắp cho nhau để hoàn thành công việc.

“Về với Nhẫn” - tác phẩm được chế tác, tương tự như chữ tâm, nhưng chỉ khác nhau về thông điệp đi cùng: 100 chữ tâm có thể gọi là thiên tâm, khuyên răn con người khi làm bất cứ chuyện gì cũng cần đưa chữ tâm đi cùng và được sắp xếp theo hình ánh hào quang tỏa ra xung quanh.

Tác giả luôn tin ở đời có quy luật nhân quả nên nếu có thiện tâm ắt thành đại nghiệp.

Hai tác phẩm này, được đặt trên trường kỷ có hoa văn con rùa nâng 2 bức thư pháp, với chiều cao 4 m, rộng 2 m. Tác phẩm, được công nhận Kỷ lục Guiness quốc gia vào ngày 25/3/2009.

Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận 4 kỷ lục cho nghệ nhân xứ Quảng

Kỷ lục 3: Tấm bản đồ - Thiên Long Việt Đồ.

Qua những kỷ lục được đánh giá rất cao như tạo thêm nguồn động lực vô bờ cho nghệ nhân Ngọc Minh tiếp tục nảy sinh ý tưởng vô cùng độc đáo khác. Đó là tác phẩm “Thiên Long Việt Đồ”.

Khi mọi người dân nước Việt hướng về ngày Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, thì nghệ nhân Ngọc Minh cũng đã mang tới ngày đại lễ một tuyệt tác: Tấm bản đồ Việt Nam 2 mặt, với chiều cao 6 m, chiều rộng 3 m, được ghép từ 1.000 con rồng có tư thế, kích thước khác nhau (trong đó có 999 con mộc long và 1 con kim long được làm bằng vàng 9999, nặng 1,8 kg).

Đỉnh đầu con rồng là Hà Giang, phần đuôi được chia làm 9 nhánh biểu tượng cho dòng Cửu Long Giang. Tấm bản đồ này, vừa thể hiện giá trị xã hội rộng lớn, vừa thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc.

Một mặt tấm bản đồ là hình dáng con rồng đang bay lên - nói về giấc mơ của Lý Thái Tổ cách đây 1000 năm, khi Người quyết định dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La và thấy rồng bay lên, do đó, đổi tên thành kinh đô Thăng Long. Mặt kia hình ảnh tấm bản đồ, khi đất trước, chúng ta đang bị chia cắt 2 miền, mỗi thôn bản, xóm làng được tượng trưng bằng một con rồng, bên cạnh các đảo lớn nhỏ đều được đại diện hình dáng rồng khác nhau.

Nghệ nhân mất 3 năm trời (2006 – 2009) mới hoàn thành tác phẩm độc đáo này.

Kỷ lục 4: Cuốn sách nặng nhất.

Cuốn sách được làm bằng chất liệu mica, trong đó in lại tất cả các bài báo viết về cuộc đời chính nghệ nhân và các bài thơ do anh sáng tác.

Bởi anh muốn lưu lại cho con cháu mai sau biết về cuộc đời mình đã trải qua thăng trầm gian khổ như thế nào.

Cuốn sách được gác lên kệ gỗ phải nhiều người mới nhấc lên nổi, vì nó nặng tới… 1,2 tấn - đã được Sách Kỷ lục quốc gia ghi nhận là cuốn sách nặng nhất.

Đam mê, yêu nghề - là động lực giúp nghệ nhân Ngọc Minh vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống thường nhật, cũng như trong nghề.

Đến hôm nay, có thể khẳng định, sự thành công của anh đó là tạo ra những sản phẩm có giá trị cao về tay nghề, về dòng kim hoàn mỹ nghệ trang sức, góp phần làm đẹp cho đời. Điều đáng nói, thành công của nghệ nhân còn nằm ở việc không ngừng suy nghĩ, cho ra những ý tưởng để rồi tự tay mình tạo ra những kỷ lục.

Chính vì lòng kiên nhẫn, đam mê, yêu nghề mà vào giữa năm 2011, nghệ nhận Ngọc Minh đã vinh dự được UBMTTQ Việt Nam phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân quốc gia”.

Đây thực sự là phần thưởng tinh thần vô giá cho những cống hiến, lòng đam mê - sáng tạo của nghệ nhân này…

Trong sâu thẳm ánh mắt nghệ nhân Ngọc Minh toát lên một niềm tin mãnh liệt và đam mê cháy bỏng với tình yêu dành cho nghề. Mong rằng, ở chặng đường phía trước, nghệ nhân tiếp tục “cháy” hết mình với đam mê nghề để dâng cho đời những tác phẩm trang sức có tính nghệ thuật cao. Đặc biệt, mong nghệ nhân lập thêm nhiều kỷ lục để gửi vào đó những thông điệp mang nhiều ý nghĩa xã hội rộng lớn, cũng như giá trị nhân văn sâu sắc như anh đã từng cống hiến.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật