Bóng nghiệp

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hắn thoát sinh từ chị. Hắn được ví như một chú tắc kè hoa có vị độc luôn thăng biến xuất thần những hành động, cảm xúc mỗi khi chị đứng trước ống quay hay dưới ánh đèn sân khấu. Hắn còn là kẻ có phép mầu mê hoặc người khác, làm sáng danh tên tuổi của chị.
Bóng nghiệp
Minh họa: Lê Tiến Vượng 

Dù đi đâu, đến bất kỳ chỗ nào, hắn đều làm cho mọi người xoắn lại phấn khích, trầm trồ, ngưỡng mộ chị bằng những ngữ cảm từ ngạc nhiên đến sung sướng: "Ôi!.. A!… Òa!... Wuầy!... Nhìn kìa!... Chị ấy lộng lẫy như một ngôi sao màn bạc thế giới". 

Người ta chen chân để tận mắt thấy một diễn viên bằng da, bằng thịt, chân giẫm đất, đầu đội nắng. Không phải những hình ghép, những chuyển động ảo chỉ nhấp chuột, bấm "out" là biến trắng màn hình. Họ hân hoan nhớ từng nét, thuộc từng vai của chị. Họ bình chọn chị trong top nghệ sĩ tài năng hàng đầu của đất nước.

Giữa vây quanh ồn ào, chị nhún vẻ khiêm nhường nhưng khuôn mặt ngẩng cao, ánh mắt lướt sóng. Và không quên hàm ơn một nụ cười tỏa nắng. Chỉ vài đường phiêu ảo ấy đã phác họa nên một chân dung nghệ sĩ quyền lực, bản lĩnh tự tin. 

Khoảnh khắc tỏa sáng ấy như đỉnh cao vẫy gọi những khát vọng khôn cùng, cháy lên những ngọn lửa nhiệt hứng của người nghệ sĩ.

Khoảnh khắc ấy, chị đã bắn vút mũi tên cuối cùng của vị thần tình yêu làm rỉ máu trái tim những fan hâm mộ. 

Phải chăng, đó là mê khúc cám dỗ ngọt ngào trong khúc cong, trong trò chơi zích zắc của nghệ thuật? Mê cung ấy là một thế giới khác. Một bầu trời khác. Bầu trời ấy của những ngôi sao lớn! Thế giới ấy của những tài năng siêu thực! Bầu trời ấy, thế giới ấy đã chắp cánh thiên thần bay lên cho tâm hồn nghệ sĩ.

Quãng thời gian này, Hắn đang song nhập cùng chị đứng trên đỉnh cao của sự nghiệp. Bộ phim "Trái đắng ngọt ngào" do chị đóng vai chính được chiếu trong khung giờ vàng của truyền hình trung ương. Hiệu ứng xã hội rôm rả. Mấy chục trang báo, gần chục show truyền hình ca ngợi hết lời. Không chỉ báo chí, truyền hình ca ngợi mà cả xã hội quan tâm. 

Từ mấy bà hàng chợ, mấy ông bảo vệ, trông xe, đến các cuộc hội họp, công sở, đâu đâu cũng thấy nói chuyện mẹ chồng, nàng dâu.

Bàn tán, khen, chê đủ các cung bậc tâm trạng, cảm xúc. Rồi còn đưa chuyện lên comment trên Facebook, Zalo. Tên nhân vật bà Thạnh. Tên diễn viên Ngọc Điệp nổi bần bật. Nghệ thuật nói về đời thường, tranh luận gay gắt với đời thường là nghệ thuật đã bám được đất sống màu mỡ. 

Cho dù người yêu, kẻ ghét, thậm chí tức tối, phẫn nộ song vai diễn đã thành công. Nhân vật đã được khai sinh, ghi dấu ấn vào đời sống. Chị còn hy vọng phim sẽ giật giải Cánh diều Vàng và tham dự liên hoan phim quốc tế. Nhưng niềm vui ấy đã vụt mất khi chuyện phim trường và vai diễn mẹ chồng đã nổi sóng trong chính ngôi nhà của chị.

Bữa cơm tối ấy, khi cả nhà đã ăn xong, con trai chị bất ngờ thông báo với bố mẹ:

- Bố mẹ ạ, con và Hạnh có thể sẽ chia tay. Trước đợt đi công tác, con và Hạnh sẽ nói chuyện để dứt khoát.

Vừa nghe xong, chị đã giẫy nảy lên:

- Sao có chuyện vô lý thế? 

- Bình thường mà mẹ! Không hợp nhau thì chia tay. Thế thôi!

- Nghe quá đơn giản! Sắp cưới rồi, bây giờ lại bảo là không hợp? Thế nào mới là hợp? Mẹ không thể tin nổi!... Bọn con bây giờ cứ thích cưới là cưới, thích  bỏ là bỏ! Loạn!

- Chúng con có quá nhiều chuyện. Giờ…. lại thêm chuyện của mẹ nữa.

- Sao? Chuyện gì của mẹ? Mẹ đã làm gì không phải?

- Con đã nói mẹ rồi! Mẹ phải chọn vai. Vai diễn nào mẹ cũng kham, cũng nhận… Đấy, mẹ xem, cả xã hội đang ném đá vào cái vai bà Thạnh, cái bà mẹ chồng gớm ghiếc ấy. Hạnh sợ sau này lại xảy xích mích mẹ chồng, nàng dâu.  

- Đấy là phim thành công nhất của mẹ, mẹ không tin lại có chuyện đó.

- Cũng còn nhiều chuyện khác nữa, nhưng cũng nhân cớ này Hạnh kiếm chuyện… Mà mẹ cũng thật lạ… Từ bé, con đã bị bạn bè móc thối vì mẹ đóng toàn những vai xấu xa độc ác. Mẹ còn đóng cả cave, đóng cả ăn mày, ăn xin. Chúng nó còn giễu là thằng Xính ke, thằng Long lợn, thằng Rợm lòi. Con đã phải nghỉ học không dám đến lớp. Giờ mẹ lại thế này.

- Tấn! Con lại cố chấp mẹ. Con không chịu hiểu đó là vai diễn, là phim ảnh…

Không khí căng lên làm cả hai mẹ con đều dừng lại im lặng. Chị Điệp thừ thẫn nhớ lại chuyện cũ.

Quả thật, lúc đầu chị đã không dám nhận vai. Song, chị cũng không nỡ khi đạo diễn Trí Anh thuyết phục:

- Vấn đề, nhân vật hợp với cô, hợp diễn xuất! Cô có đất để bứt phá! Nói như bọn trẻ là tha hồ xõa, tha hồ bung lụa… Mà cô lạ thật! Từ xưa đến nay, chưa bao giờ cô từ chối vai diễn. Cô toàn gờm những vai đến phát khiếp... Thế mà, giờ, cô định bỏ cuộc. Cái đứa bản lĩnh, quyết liệt, hăm hở ngày xưa nó còn yêu cô hay nó chết hèn, chết mục rồi?... Từ lâu, Tôi đã quá chán kiểu làm phim èo uột, cẩu thả. Thế mà cũng nâng lên Cành Cọ Vàng, Cánh diều Bạc. Thật khôi hài!… Nói thẳng một câu cho vuông luôn: - Cái thằng Trí Anh này đếch cần giải! Nhưng chí ít, phim của nó phải làm cho tử tế. Phải tử tế mới có đất sống!

- Đúng là kịch bản hay, nhân vật độc đáo, cá tính, nhưng nhiều phân cảnh nhân vật quá đành hanh. Em sợ nghịch vai, không "vào" được. Thôi, em không dám nhận vai này đâu. Rồi lại thành tiếng mẹ chồng sát thủ!

- Mẹ chồng sát thủ! Ha ha… Sát thủ đầu mưng mủ! Hay! Rồi cả thiên hạ sẽ ném đá vào mẹ chồng sát thủ! Ha ha…

Bất ngờ, đạo diễn Trí Anh phấn khích cười sảng khoái. Chị rất thích phong cách làm việc của anh ấy. Sống rất nghệ sĩ, la đà rượu chè nhưng vào việc thì bản lĩnh, quyết liệt đến cùng. Luôn nghĩ là bạn của chồng nhưng một thời chị đã mê anh đến khốn khổ khốn nạn. Ái tình của người đàn bà làm nghệ thuật cũng điên cuồng, vật vã như bão quét vậy. Cuối cùng, anh đã lôi được chị vào vai bà Thạnh. Một vai diễn thành công để đời cho chị. 

Tuy nhiên, chị cũng không hiểu tại sao con dâu tương lai của chị lại có cách suy luận đánh đồng nghệ thuật với đời sống như vậy. Hay tại bản tính quyết liệt, thẳng thắn của chị nên mọi người đã vận nhân vật vào con người chị? Chuyện cơm chẳng lành, canh không ngọt, ghen tuông hay xảy ra với các gia đình nghệ sĩ đã đành. Song, chuyện này lại ảnh hưởng hạnh phúc của con cái mới là điều chị phải suy nghĩ.

Thấy vợ ngồi thờ thẫn, anh Minh chồng chị lại tìm cách để chị khuây khỏa. Anh rất tâm lý và chiều vợ. Cả hai anh chị đều yêu nghề, say với nghề. Anh là đạo diễn nên mỗi lần chị nhận vai mới, anh đều góp ý tỉ mỉ cho chị. Câu chuyện nghề là câu chuyện thường trực trong gia đình. Dường như máu nghề nghiệp nổi lên, để giảm bớt  không khí nặng nề, anh lại vẫn tiếp tục câu chuyện phim của chị.

- Cái Hạnh nó sợ mẹ mày cũng đúng thôi. Đến bố cũng ngại vai diễn của mẹ! Khiếp nhất mấy pha gây chiến với nàng dâu. Phải công nhận, vai diễn quá ư là sắc ngọt. Thành công cũng xứng đáng, nhưng thực chất, nội dung phim này chưa đạt.

Anh Minh nhướng hẳn mặt sang nói với con:

- Phim của bác Trí Anh nhưng đánh giá phải công bằng. Tuy dư luận, báo chí hết lời ca ngợi nhưng phim vẫn chưa thoát, nội dung ôm đồm, quan hệ chồng chéo. Không chỉ nhân vật, cả người xem cũng cảm thấy càng đi sâu vấn đề, càng phức tạp mà không giải quyết được rõ ngọn ngành. 

Quanh đi, quẩn lại vẫn là mấy cái chuyện lặt vặt đấu khẩu, bán dưa lê, buôn dưa chuột tùm lum. Cảnh quay thì đơn điệu, hết trong nhà, lại ra ngoài sân, hết phòng ăn, lại đến phòng ngủ. Hết thành thị, lại về nông thôn. Hết nông thôn, lại dồn thành thị. Mấy chục tập liền, quá mỏi!… 

Ngồi ôm màn hình, choán gần hai tiếng đồng hồ, phải bày binh bố trận như trước một bàn tiệc. Các nhịp đoạn phải khai phóng, giải tỏa, cởi hết biên độ, phải đánh thức lục phủ, ngũ tạng, thỏ‌a mã‌n mỹ cảm. Tay mân mê, chim động đậy!… Phải như tay tiểu tư sản trong truyện ông Nam Cao, vừa nghe truyện, vừa hút thuốc, ngả ngớn, sang chảnh. Nghe hay, lão vỗ chim, vỗ đùi đen đét chửi: - Tiên sư tay Tào Tháo! Hay!

- Anh trạng vừa thôi để người khác còn có đất sống!

Anh Minh vẫn tiếp tục một cách hào hứng:

- Nghệ thuật đích thực không chỉ chạm vào cảm xúc, mà còn đẩy cảm xúc thăng hoa. Nếu không, nghệ thuật chỉ thứ nước lọc pha muối đánh loãng, lừa cảm giác, nếm mặn lại tưởng nước biển!

Bỗng có chuông điện thoại. Chị Điệp buông tiếng thở dài với chiếc điện thoại. Thoạt nhìn màn hình, chị nhíu mày lại vẻ lo lắng: - Alô! Em nghe đây!... Nói chuyện điện thoại xong, chị thả phịch xuống ghế. Người phờ ra như vừa bị bắt vía.

- Sao thế vợ?

- Phim dừng phát sóng!

- Vì sao?

- Dừng là dừng! Anh đi mà hỏi vì sao?

Cả một hội đồng thẩm định ngồi duyệt phim, giờ lại bảo phim có vấn đề…. Vấn đề cái con khỉ gì? Chắc dân tình ném đá, sợ vỡ ghế nên cho dừng. Thời buổi, ghế thì ít, đít thì nhiều!... Hay do quan hệ?

Anh Minh im đét như ngồi trước tổ kiến lửa. Một lúc, anh mới thủng thẳng:

- Sao em phải khổ sở thế?! Dừng phát sóng lại càng hay, phim càng "hot"!

Chị Điệp chưa kịp vặc lại. Anh Minh đã lấn tiếng:

- Anh lạ gì tiểu xảo, chiêu trò scandal, PR, best seller của mấy ông truyền thông, nhà đài! Càng cấm, càng dừng, thì họ lại càng xô vào vì tò mò, vì thỏ‌a mã‌n tính hiếu kỳ. Nghệ thuật không chỉ là sự hồn nhiên thuần túy mà nó còn bao hàm những mưu toan ghê gớm!

- Anh vừa nói cái gì ghê gớm?

- Anh bảo: Nghệ thuật bao hàm những mưu toan ghê gớm chứ không chỉ là sự hồn nhiên thuần túy. Đấy là bản chất của nghệ thuật. Nền kinh tế thị trường càng ngày càng lách sâu vào những mưu toan của nghệ thuật.

Chị Điệp không còn tâm trí để tranh luận với chồng. Cuối cùng, chị chỉ muốn ai trả lời cho chị một cách rõ ràng rằng bộ phim đã thành công hay thất bại? Thành công thực sự hay chỉ là kết quả của những con sóng PR nhân tạo gây ảo sốt để câu khách? Nếu thất bại thì vì sao, nguyên nhân do đâu? Do kịch bản hay diễn viên? Hay do cách làm quá chuối suội, cốt dựng cho xong?... 

Nghi ngờ, xét đoán, giờ chị như kẻ bị mất phương hướng. Chẳng còn biết tin vào đâu? Tin vào cái gì. Tin vào thành công hay thất bại? Cảm giác như tự đánh lừa mình, tự huyễn hoặc mình. Như quả bóng đang bay cao tự dưng vỡ nổ tan. Phim đã dừng chiếu thì chỉ còn chờ ngày cất kho. Có lẽ, chị phải chấp nhận sự thật. Sự thật của sự thất bại. Sự thật của kẻ đã đuối sức, không rặng nổi thân nghiệp của kẻ khác. Không thể ám nổi cái sắc màu đầy chất mỹ cảm của con tắc kè hoa. 

Hóa ra, bấy lâu nay, chị chỉ là kẻ ngờ nghệch ngụp lặn trong con sóng PR nhân tạo. Ảo tưởng về một đỉnh cao đã tan tành mây khói. Tại sao, cái bóng hào quang ấy lúc nào cũng lấp lánh, cũng mời mọc, bám riết như kẻ ăn đời ở kiếp, như sống kiếp này để trả nợ kiếp trước. 

Giờ chị đã nhận ra, đang từ ông hoàng bà chúa, đang từ kẻ có quyền lực tối cao của nghệ thuật, chỉ một tiếng thét dài cũng làm bừng dậy lương tâm, ý chí hàng trăm, hàng nghìn trái tim đang thổn thức vui, buồn, yêu, ghét. Song chỉ trong tích tắc, khi ánh đèn sân khấu tắt phụt, thì tất cả trở thành kẻ trắng tay. 

Thật thảm hại khi lớp son phấn của sơn son thiếp vàng bị bong tróc, gỡ ra, chị lại trở về bên máng cám lợn sứt, vẫn là một cô Thắm, cô Nhài thôn quê dân dã. Chị chẳng là ai hết! Chị chẳng là gì cả! Chị chỉ là kẻ phân thân, thay vai cho những thế nhân hiện hữu và vô minh! Những nhân thế lạ kỳ và bí ẩn đến và đi, đi và đến, xuất hiện rồi biến mất.

Chạy ra khỏi kinh thành xa hoa rực rỡ kỳ ảo chỉ trong một đêm dựng lên rồi hạ xuống, chị lại thoắt hiện trước ống kính với những lời thoại đều đều, sáo rỗng, khuôn mặt trơ thuột, hành động quấy quá, cẩu thả. Vậy mà, công nghệ PR đã nâng lên như một hiện tượng phim trường, như một best seller, rồi tiếp tục sẽ nâng lên Cánh diều Vàng, Cánh diều Bạc cũng nên. 

Đây là sự đánh tráo của nghệ thuật. Sự đánh tráo của nghệ thuật đồng nghĩa với sự xuống dốc đạo đức nghề của nghệ sĩ. Họ đã bằng lòng với những thước phim ấy. Vẫn những con người trước đây nhiều đêm đã làm cả sân khấu vang dậy như nổi sóng. Vậy mà, giờ đây, những con người ấy nhưng đã đổi khác. 

Tất cả đã chạy theo sức mạnh của đồng tiền. Phấn đấu danh hiệu này, giải thưởng kia, chẳng phải là động cơ để đánh bóng, lăng xê tên tuổi, để nâng show diễn, nâng mức cát sê sao? Thật thảm hại khi nhiều diễn viên vào cảnh còn chưa thuộc lời thoại. Chạy theo đồng tiền, chạy theo các show diễn ngoài, còn trí tâm đâu, nhiệt huyết đâu để dành cho vở diễn thành công, còn sức lực đâu cày sâu cuốc bẫm mảnh ruộng tưởng nhỏ hẹp nhưng vô cùng rộng lớn ấy. Đó là bi kịch của đồng tiền, bi kịch nghề nghiệp mà nhiều nghệ sĩ đã không rút chân ra được. 

Tuy nhiên, bi kịch nghề nghiệp, tiền bạc mỗi người đều vượt qua theo một cách nào đó vì họ biết cần phải nén xuống bởi còn những bi kịch khác luôn rình rập, đó là bi kịch của gia đình, của hôn nhân tan vỡ. Song, cái đáng sợ hơn đối với người làm nghệ thuật mà nhiều khi không giải thích được đó là của số phận hay của vai diễn. 

Bóng nghiệp luôn ám ảnh dai dẳng, trùm lấp như một định mệnh. Mấy chục năm làm nghề, đã qua thời tuổi trẻ nhưng chị vẫn ám ảnh số phận của Hà trong phim "Sinh tử". Thời ấy, có nhiều thứ phải lo toan vất vả, phải cố gắng, hết lăn lộn trên sân khấu lại quay quắt vào phim đến hằng tháng trời liền phải xa nhà. Nhiều đêm tỉnh dậy, chợt nhớ ra phải gọi điện thoại về cho chồng không sợ chồng sẽ quên mất mình. 

Cũng nhiều lúc sóng gió đã xảy ra nhưng may mắn chị đã vượt qua được hết. Chị chỉ sợ bi kịch sẽ lặp lại bi kịch gia đình của Hà. Hay chính Hà đã buông tha cho chị. Vai diễn ấy chị đã dành giải diễn viên chính xuất sắc của phim. Hình như, không chỉ có một, mà có rất nhiều những bóng lớn của những vai diễn quanh quẩn vây bọc chỉ chờ cơ hội kết vận vào, rực rỡ vinh quang thì hiếm nhưng bi kịch đau khổ thì nhiều. 

Bữa cơm tối nay, con trai chị đã làm chị nhớ cảnh cuối của phim đã được đánh giá cao nhưng đó là một bi kịch đã luôn ám ảnh suốt thời tuổi trẻ của chị. Cảnh quay cũng giống như bữa tối nay.

-  Mẹ! Mẹ cho con xin tiền!

- Lại tiền! Con tiêu gì mà tiêu lắm thế? Mẹ không có.

- Mẹ không có thì ai có. Mẹ không cho, con sẽ chết trước mặt mẹ ngay bây giờ.

Đứa con trai giơ con dao lưỡi gí sát vào cổ nó. Lưỡi dao sáng loáng sắc lạnh làm người phụ nữ tuổi còn rất trẻ mặt tái mét, tay chân run lẩy bẩy đến nỗi khuỵu cả người xuống. Rồi người đàn bà ấy bỗng gào khóc dữ dội:

- Mẹ van con, mẹ lạy con, con đừng làm thế nữa, mẹ sẽ cho…

Vừa lúc đó, Thành xộc từ trong nhà ra (anh Quân đóng vai Thành). Nhìn thấy cảnh tượng, Thành cười khẩy một cách lạnh lùng.

- Mày giỏi mày đâm đi. Mày chết luôn đi tao chôn. Mày lại giở bài cũ ra với mẹ mày à?

Rồi Thành nhìn sang Hà một cách khinh bỉ:

- Đấy, cô thấy chưa? Hậu quả đấy! Quả báo một cách nhãn tiền đấy! Tất cả! Tất cả chỉ tại cô!

Hà lúc này đã hết run rẩy nhưng mặt vẫn xám lại.

- Tại sao cái gì anh cũng đổ tại tôi! Gia đình sống không hạnh phúc cũng tại tôi. Con hư hỏng cũng tại tôi là sao?!

- Phải! Tại cô! Từ nhiều năm nay, chứ không phải đến bây giờ mới xảy ra thế này. Vì sao con cô bỏ học? Vì sao con cô sa vào ăn chơi hư hỏng, chính là tại cô. Hằng tháng trời liền, cô đi cả ngày, cả đêm, cô còn thời gian tâm trí nào để quan tâm gì đến chồng đến con, đến cái gia đình này. Đã vậy, cô còn bất chấp tai tiếng, hạ thấp nhân phẩm của mình. Từ lâu, tôi đã phải ngậm bồ hòn làm ngọt khi cô bất chấp cả những vai diễn điên điên dở dở, ăn mày ăn xin, cave, con nghiện… Cô không còn phân biệt nổi cao thượng hay thấp hèn, cô chỉ chạy theo danh vọng. Cô còn công khai ngả ngớn, hôn hít cuồng nộ trước mắt thiên hạ. Cô đã bôi tro, trát trấu. Cô làm nhục tôi!

- Anh im đi! Anh không được xúc phạm tới tôi! Tôi đã phải trả giá, phải hy sinh, phải đánh đổi để có được những vai diễn ấy...

- Hừm, cô nhìn lại đi. Sự trả giá, sự hy sinh đánh đổi của cô ngay trước mắt lù lù ra đấy. Rồi ba bảy hai mốt ngày nữa cô vào tù, vào trại cai nghiện mà thăm nó… Cả tôi nữa, giờ, tôi chẳng còn gì với cô nữa. Đã đến lúc, cô không còn chỗ đứng ở cái gia đình này nữa.

Bỗng một tiếng thét kinh hồn. Cả hai kinh hoàng nhìn ra sân. Thằng bé đã tự đâm một nhát trúng cổ. Nó đang giãy giụa lồng lộn dưới nền đất. Cả hai cuống cuồng sợ hãi chạy ra ôm lấy con. Tiếng xe cấp cứu rú rít inh ỏi.   Tiếng khóc hoảng loạn trong cái đêm tối kinh hoàng ấy. Tất cả như những dấu chấm hết. Những dấu chấm đặt vào chỗ nào cũng đúng.

- Mẹ, mẹ nghĩ gì đấy?

Chị bàng hoàng sực tỉnh. May quá, thằng Tấn, con trai chị bằng da bằng thịt chứ không phải đứa nghịch tử trong hồi ức chị vừa trải qua. Con trai chị vừa hoàn thành luận văn thạc sĩ của môt trường đại học danh tiếng. Chị chợt nhận ra, nghệ thuật cũng như đời thường phồn tạp, muôn màu muôn vẻ chứ không phải như những quy chụp ám ảnh trong tâm trí chị. 

Chị nhớ lại đạo diễn Trí Anh đã nói: - "Trong bóng tối của nghệ thuật, mỗi người phải tận hiến, hy sinh, phải bén tới được ngọn lửa của Tổ nghề, mới thoát ra khỏi cái bóng nhỏ bé của mình và toả sáng em ạ".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật