Nguồn gốc nghi thức bông hồng cài áo trong lễ Vu Lan

Duongnguyen Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nghi thức bông hồng cài áo trong lễ Vu Lan do thiền sư Thích Nhất Hạnh đưa vào Việt Nam gần 60 năm trước nhằm tưởng nhớ công ơn sinh thành của cha mẹ.
Nguồn gốc nghi thức bông hồng cài áo trong lễ Vu Lan
Hòa thượng Thích Hải Ấn, trụ trì chùa Từ Đàm. Ảnh: Võ Thạnh

Vào ngày lễ Vu Lan, nhiều chùa ngoài việc làm lễ tự tứ cho chư tăng kết thúc 3 tháng an cư cũng hay tổ chức nghi thức bông hồng cài áo cho phật tử. Hòa thượng Thích Hải Ấn, trụ trì chùa Từ Đàm (Thừa Thiên Huế), Phó ban văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã lý giải nguồn gốc và ý nghĩa của nghi thức này.

- Thưa Hòa thượng, nghi thức bông hồng cài áo trong lễ Vu Lan xuất phát từ đâu?

- Đại lễ Vu Lan báo hiếu là một trong những nghi lễ quan trọng của những người con theo đạo Phật. Ngày rằm tháng 7 đánh dấu chư tăng kết thúc 3 tháng an cư tỏa sáng công hạnh. Trước đây, vào ngày Vu Lan, các chùa chỉ tổ chức lễ cầu siêu, tụng kinh Vu Lan cho phật tử và nói về câu chuyện hiếu lễ của Mục Kiền Liên tôn giả, không có nghi thức bông hồng cài áo.

Nghi thức bông hồng cài áo trong ngày lễ Vu Lan do thiền sư Thích Nhất Hạnh đưa vào sau này. Năm 1962, thiền sư xuất bản tùy bút "bông hồng cài áo", nói về việc ngài được một sinh viên Nhật cài bông hoa cẩm chướng màu trắng vào khuy áo tràng trong ngày mẹ của phương Tây. Thiền sư mất mẹ nên được cài hoa cẩm chướng màu trắng.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh thấy việc cài hoa trên ngực áo để tưởng nhớ mẹ mang ý nghĩa rất hay nên đã áp dụng nghi thức bông hồng cài áo vào ngày lễ Vu Lan. Sau đó, nhiều chùa ở Việt Nam tổ chức nghi thức này cho phật tử trong ngày Vu Lan báo hiếu. Đến nay, nghi thức đã trở thành truyền thống tốt đẹp của phật tử Việt Nam.

- Việc cài bông hồng màu hồng, màu trắng, màu vàng của Phật tử, tăng ni trong ngày lễ Vu Lan hàm chứa ý nghĩa gì?

- Vào ngày lễ Vu Lan, phật tử thường đến chùa cúng dường chư tăng, tụng kinh niệm Phật. Nhà chùa cũng tổ chức nghi lễ bông hồng cài áo cho phật tử. Bông hồng được làm bằng vải với ba màu đặc trưng, hồng, trắng và vàng.

Những phật tử tham dự lễ Vu Lan nếu còn mẹ sẽ được cài bông hồng màu hồng, với ý nghĩa tự hào còn mẹ. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng rằng mình còn mẹ, phải cố gắng làm vui lòng mẹ khi còn sống.

Phật tử được cài hoa hồng màu trắng chứng tỏ mẹ đã không còn. Nhìn hoa màu trắng, phật tử sẽ tưởng nhớ đến cha mẹ mình, làm điều thiện để chia sẻ năng lượng cho đấng sinh thành.

Riêng hoa hồng màu vàng được phật tử cài lên ngực cho chư tăng khi tham dự lễ Vu Lan, tượng trưng cho sự tiếp nối, mừng ngày hoan hỷ sau ba tháng an cư. Việc này do Việt Nam mình phát triển thêm.

Phật tử cài hoa hồng màu vàng cho chư tăng trong ngày Vu Lan. Ảnh: Võ Thạnh

- Mùa Vu Lan báo hiếu, con cháu muốn tưởng nhớ cha mẹ thì nên làm gì?

- Rằm tháng 7 có thể nói là tháng đẹp nhất trong năm khi những người con học theo hiếu lễ của Mục Kiền Liên tôn giả hướng về cha mẹ. Trước đây, người dân thường lập trai đàn chẩn tế, bày mâm cỗ dâng lên ông bà tổ tiên. Song tôi nghĩ, con cháu hướng về cha mẹ quan trọng nhất là tâm thành.

Nếu còn cha mẹ, ta hãy luôn trân trọng những giây phút được ở bên không chỉ là ngày Vu Lan mà suốt cả cuộc đời. Hãy trân quý, sống làm sao cho cha mẹ cảm thấy vui vẻ nhất. Trong ngày Vu Lan, người con có thể tặng món quà nhỏ cho cha mẹ mình.

Những người đã mất cha mẹ thì hãy làm điều lành để có năng lượng chia sẻ đến cha mẹ. Đến ngày Vu Lan, người dân có thể lên chùa tụng kinh, niệm Phật cầu siêu cho họ. Ngay tại gia đình, người dân cũng nên trang hoàng, sửa soạn bàn thờ tổ tiên sao cho ấm cúng với hương hoa, nên ăn chay, niệm Phật.

Không chỉ cúng dường cho đức Phật, chư tăng, người dân cũng nên bố thí cho người nghèo để tạo công đức, chia sẻ năng lượng cho cha mẹ mình nơi chín suối.

Chư tăng chùa Từ Đàm tụng kinh, đi thiền hành. Ảnh: Võ Thạnh

- Năm nay do Covid-19, người dân được khuyến cáo không tụ tập, nhà chùa cũng tổ chức lễ Vu Lan gọn nhẹ, vậy phật tử muốn hành lễ thì nên làm thế nào?

- Như tôi đã nói, Vu Lan báo hiếu là nét đẹp truyền thống của những người con theo đạo Phật. Mong rằng các phật tử giữ gìn lòng hiếu thảo của người con Phật như Mục Kiền Liên tôn giả.

Trong lúc đại dịch, thay vì tổ chức trai đàng, chẩn tế tốn kém, đốt vàng mã gây ô nhiễm môi trường không đúng theo giáo lý nhà Phật, người dân hãy tăng cường làm điều thiện lành, như quyên góp, bố thí cho những người nghèo, người gặp khó khăn trong đại dịch để tích công đức. Phật tử có thể đem những vật dụng của mình san sẻ cho người khác. Khi mình bố thí, cúng dường coi như đã xóa bỏ bản ngã tham sân si. Làm từ thiện không phải cho người khác mà cũng cho chính mình.

Phật tử và người dân nên tuân thủ quy định phòng chống Covid-19 mà chính quyền đưa ra, nên thanh tịnh tu tập ở nhà. Riêng tại chùa Từ Đàm, các hòa thượng sẽ làm lễ tự tứ, tụng kính cầu nguyện. Lễ Vu Lan sẽ làm gói gọn trong phạm vi chư tăng trong chùa.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật