Người trở lại

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chả hiểu ông Đạo có chuyện gì mà mấy lần gọi điện thoại cho tôi.
Người trở lại
Minh họa: Đinh Hương

- Vui lắm ông ạ. Nói như thế nào nhỉ, giống các cụ ngày xưa vẫn viết vậy, à, không bút nào tả xiết - ông Đạo oang oang khi tôi vừa ngồi xuống ghế.

Tôi cười:

- Gớm, vui gì vui khiếp thế, chắc ông lại gặp tình xưa nghĩa cũ - cô nàng dân quân thuở ấy…

- Không, không – ông xua xua tay – Tôi sẽ kể ông nghe. Cứ từ từ, để tôi pha ấm trà đã.

Tôi và ông Đạo cùng chung dãy phố. Tôi là dân cũ, tức là có mặt khi khu phố này mới hình thành, còn ông dân mới, định cư độ dăm năm. Tôi là “dân văn hóa”, ông là cựu chiến binh, lính pháo. Cả tôi và ông đều mê cờ tướng, ngang sức ngang tài. Chả tuần nào mà tôi và ông không gặp nhau tỉ thí. Tôi biết cách đây mấy hôm ông có hành trình về nơi trận địa xưa ở một tỉnh miền núi. Cùng đi có hai ông bạn trong Hội Cựu chiến binh phường – ông Lượng lính xe tăng, ông Giáo lính tên lửa.

- Ông không mời ông Chức đi cùng à? – Tôi hỏi.

- Mời mấy lần nhưng ông ấy tìm mọi cách chối từ. Không sao, đã có hai người làm chứng.

- Làm chứng? Việc gì mà…

- Chốc nữa tôi sẽ kể.

Ông Đạo là lính cựu luôn được nhiều nơi quanh đây mời nói chuyện về bắn máy bay Mỹ ở vùng trời miền Bắc, đặc biệt ở vòng ngoài bảo vệ Thủ đô. Mọi người rất khâm phục đơn vị ông đã dũng cảm bắn rơi hai máy bay Mỹ đầu tiên tại một tỉnh phía Bắc mà báo chí hồi đó hết sức ngợi ca. Tỉnh này trong tháng vừa rồi nhân đón nhận huân chương cao quý nhà nước đã nhắc lại kỳ tích ấy. Ông Chức - lính lái xe tải Trường Sơn - nhỏ to với nhiều người: “Ông Đạo bốc phét. Năm đó ông ta có mặt ở tỉnh ấy đâu. Giờ thấy người ta nhắc, ông nhận vơ”. Cũng có một số người nghi hoặc. Ông Đạo nghe vậy chỉ tủm tỉm cười, chả đôi co làm gì. Ông bảo, rồi có lúc chứng minh điều mình kể, đương nhiên phải có người đi cùng để ba mặt một lời, chắc chắn đi là phải có Lượng - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường và ông Giáo tổ trưởng dân phố. Mà ví thử ông không thể trở lại chỗ cũ thì cũng biết vậy vì có công lao gì lớn đâu so với đồng đội, đơn vị.

Thực ra từ chỗ chúng tôi ở đến tỉnh có trận địa cũ của ông cũng chỉ chừng bảy chục cây số. Đường sá xe cộ thuận lợi, đi lúc nào chả được. Vậy mà cả ba ông sắp xếp mãi mới đi cùng. Ông Giáo ốm đau xoành. Ông Lượng luôn bị một đàn cháu nội ngoại quấn quýt suốt ngày vì bà vợ mắt kém, tai nghễnh ngãng. Chỉ có ông Đạo rảnh rang, đi bao lâu cũng được. Nhưng lúc người này đi được thì người kia lại không.

Ông Đạo vốn nghiện chè đặc, chè hảo hạng. Ông nhấm nháp chè chả khác gì nhấm thứ rượu ngon mới mua. Thật khác hẳn cái tính tuềnh toàng, đại khái của tôi.

- Trên xe ô tô khách, ba chúng tôi chọn ngồi dãy ghế cuối cùng. Cũng lắm cảnh ngứa mắt lắm, ông ạ - ông Đạo đột ngột vào chuyện khi uống cạn chén nước - Ai đời giữa thanh thiên bạch nhật, đôi trai gái ngồi hàng ghế trên cứ ôm nhau ngả nghiêng như chốn không người. Có cậu điềm nhiên hút thu‌ốc l‌á, bị mấy người nhắc, bèn sửng cồ thách thức…

Tôi khẽ cười. Chả hiểu ông đại tá pháo binh sẽ còn kể những gỉ những gì trước khi vào câu chuyện chính. Chả lẽ vui không bút nào tả xiết, chỉ là các chuyện buồn? Ông này vốn có tính hài hước lắm.

-Tóm lại là các ông có tới nơi không, nơi các ông đã xếp lịch ở nhà? - Tôi sốt ruột.

- Đến địa phận tỉnh đó, chúng tôi đề nghị lái xe đỗ ngã ba - một đường vào tỉnh lỵ, một đường chạy thẳng lên biên giới, một đường đang thi công chả hiểu đi tới đâu… Lạ lắm ông ạ, đúng là không bút nào tả xiết. Ngã ba này hẳn mới có. Rành rành ngày xưa vào tỉnh đây là phải qua cầu sắt cũ kỹ. Vậy mà bây giờ qua ngã ba là cây cầu to đẹp, hiện đại. Vui thật. Cây cầu thuở trước đâu, dỡ bỏ hay nằm chỗ khuất nẻo nào? Tôi lớ ngớ đã đành vì từ trong quê miền Trung mới ra, đến hai ông kia cũng sững sờ do ở lâu Tây nguyên chưa tới chỗ này. Qua cầu mới là những dãy nhà chín, mười tầng sừng sững, đẹp như tranh vẽ… Bọn tôi rẽ vào quán nước cạnh đường để nghỉ ngơi và hỏi thăm nơi đến.

Cô gái chủ quán mặt hoa da phấn có đôi mắt hiêng hiếc, cất giọng nói véo von. Vài ba thanh niên ngồi quanh bàn với các cốc cà phê, rôm rả chuyện trò. Một gã đầu tóc húi cua, hai tay trần chạm trổ rồng xanh tựa như mãng xà với cái miệng gớm ghiếc đang cắm đầu vào điện thoại cầm tay, vẻ mặt câng câng lạnh lùng. Bỗng gã ngẩng đầu lạnh nhạt nhìn ông Đạo đang quay người về phía mình:

- Mấy cụ về đâu?

- Chúng tôi muốn tới tòa soạn báo tỉnh. Còn xa không anh?

- Các cụ ở đâu tới?

Ông Đạo gượng gạo kể về việc đi hôm nay. Chỉ nhìn gã, ông đã thấy khó chịu.

- Cháu sẽ cho ô tô đưa các cụ đến. Cũng gần đây thôi, độ hai cây số - gã nhoay nhoáy điện thoại - Nhanh! Khẩn trương lên các cụ!

Ông Giáo dè dặt:

- Bao tiền hở anh?

- Tiền nong gì cụ ơi. Các cụ đã đổ mồ hôi, xương máu cho quê hương cháu, có núi vàng cũng chả đổi được. Xe ô tô của cháu đấy mà. Cháu thuê tài xế…

Loáng, chiếc xe trắng như sữa lao tới, đỗ trước cửa quán.

Ông Đạo dừng lời, lặng lẽ rót nước sôi vào ấm trà ngát mùi hương.

Tôi quá bất ngờ và xúc động khi trên mảnh đất xưa một tượng đài oai phong sừng sững giữa gò đất cao với dòng chữ nổi “Chiến công không quân Mỹ”. Có hai khẩu pháo hướng lên bầu trời cùng các chiến sĩ khẩu đội…

- Đổi sang uống cà phê nhé? Không à. Ông này dễ tính thật, chè loãng thế cũng xong. Ông thấy không, đôi khi ta cứ nhầm lẫn giữa hiện tượng và bản chất. Đánh giá con người là phải qua hành động. Đấy, người thanh niên ấy, chủ xe ô tô đó. Vấn đề không phải là tiền nong… Tôi ngộ ra một điều. Vui thật. Thực tế đã chứng minh…

- Vậy ba ông đến tòa soạn?- Tôi vội cắt ngang.

- Quá tuyệt vời. Đã gần 12 giờ trưa. Hy vọng mong manh. Ai dè chính cậu thư ký tòa soạn tên là Thế biết tin qua điện thoại của ông bảo vệ đã vội vã ra tận cửa, hồ hởi tiếp. Lát sau anh chạy lên tầng khệ nệ bê xuống một chồng báo đóng bìa cứng, cùng tôi lật từng tập. Người anh ta ướt đẫm mồ hôi mà miệng cứ cười tươi roi rói… Đây rồi. Tim tôi đập thình thịch. Người nóng bừng. 16/5/1967. Chiến công đầu lập công dâng Bác. Tít bài báo nâu đỏ. Cả ba chúng tôi chụm đầu vào tờ báo. Ông Giáo dõng dạc đọc. Ba giờ chiều. 16 chiếc máy bay giặc, trong đó 4 chiếc F105 bay vào hướng trận địa đại đội 4 ở phía trước cầu do Đại đội trưởng Nguyễn Văn Đạo chỉ huy. Đạn bom địch trút xuống xung quanh. Đất, đá, cây cối tung tóe ngổn ngang. Các pháo thủ căng mắt theo sát bám chặt mục tiêu. Khi máy bay giặc lọt vào tầm bắn, Đại đội trưởng phất cờ lệnh, thét: “Bắn! Nhằm thẳng, bắn!” Hai máy bay bổ nhào xuống bị bắn hạ, bốc cháy. Một chiếc rơi ngay xuống địa phận xã cạnh cầu. Trên trang báo, hình ảnh Đại đội trưởng hiên ngang đứng dương cao cờ lệnh, phía trước là hai khẩu pháo chếch lên trời…

- Vậy là…? – Tôi ngập ngừng.

- Nhìn những dòng chữ, nước mắt tôi chỉ trực trào ra. Ký ức cứ hiện hình trước mặt. Ông biết không, đó là trận đánh đầu tiên trong đời tôi. Một trận đánh thật bi hùng. Nó ám ảnh tôi suốt bao năm tháng. Bắn hạ máy bay Mỹ trong bom đạn ngút trời. Một khẩu đội tôi trúng bom. Mấy chiến sĩ hy sinh. Tôi cũng bị thương…

Giọng ông Đạo chùng xuống. Gương mặt ông trông có vẻ khác lạ vì những nếp nhăn rúm lại và đôi mắt cứ nhìn vào cõi xa xăm.

- Anh Thế cho photo cả tờ báo ngày ấy tặng chúng tôi. Chính tôi cũng không nghĩ ra điều này. Anh em trong tòa soạn quây quần trò chuyện với chúng tôi. Lớp trẻ bây giờ hay thật, đâu như ý nghĩ thoảng qua của tôi. Vui thật…

- Các ông có tới trận địa cũ không?- Tôi hỏi

- Có chứ. Anh Thế tự lái ô tô của mình đưa chúng tôi ra trận địa xưa. Làm sao mà nhận ra chỗ cũ ấy. Cây cầu sắt cũ kỹ thuở trước, nay là cây cầu mới to đẹp có ghi sự tích thời chống Mỹ. Tôi quá bất ngờ và xúc động khi trên mảnh đất xưa một tượng đài oai phong sừng sững giữa gò đất cao với dòng chữ nổi “Chiến công không quân Mỹ”. Có hai khẩu pháo hướng lên bầu trời cùng các chiến sĩ khẩu đội… Hôm sau chúng tôi vào thăm các mẹ và các dân quân ở xã có trận địa. Rất nhiều mẹ đã không còn. Một số dân quân cũng mất. Họ đều già cả như chúng tôi…

Ông Đạo ngồi thừ. Chén nước chè nóng bỏng đã nguội ngắt từ lúc nào. Tôi để ý từ nãy đến giờ ông như quên uống. Ông đang nghĩ điều gì chợt tới. Giữa lúc tôi tưởng ông sẽ im lặng còn lâu, ông bỗng khẽ khàng:

- Vui thật. Vỡ ra bao điều…

Nói xong, ông lại ngồi như cũ với vẻ mặt trầm mặc. Tôi cố đoán xem câu nói của ông có ẩn ý gì. Mãi sau tôi mới thấy ông tươi tỉnh để nói về câu chuyện thường ngày.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật