TP.HCM: 5 huyện chuẩn bị lên quận, chuyển nông thôn mới thành đô thị văn minh

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
TP.HCM đã xây dựng Bộ tiêu chí nông thôn mới (NTM) phù hợp với quá trình đô thị hóa, và hướng đến việc chuyển từ NTM lên đô thị văn minh.
TP.HCM: 5 huyện chuẩn bị lên quận, chuyển nông thôn mới thành đô thị văn minh
Trồng hoa lan công nghệ cao tại Nhà Bè (TP.HCM). Ảnh: T.T.Đ

Xem Video: Kon Tum: Xây dựng nông thôn mới cần thiết thực, hiệu quả

Từ cuối năm 2019, tại hội nghị Thành ủy TP.HCM, 5 huyện của thành phố gồm: Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và Cần Giờ đã được đề xuất quy hoạch từ huyện lên quận. 

Đồng thời, Thành ủy cũng đề nghị lãnh đạo các huyện trao đổi với sở, ngành liên quan để tính toán lộ trình 5 năm, 10 năm để chuyển lên quận hoặc quận có nông nghiệp.

Tâm điểm Nhà Bè 

Hiện nay, TP.HCM đã xây dựng Bộ tiêu chí NTM phù hợp với quá trình đô thị hóa. Trong điều kiện số người làm nông nghiệp ngày càng giảm, như huyện Bình Chánh còn khoảng 1,2% số hộ làm nông nghiệp, huyện Nhà Bè còn 0,5% số hộ làm nông nghiệp… đến năm 2025 TP.HCM còn khoảng 38.000 lao động nông nghiệp. Vì vậy, trong quy hoạch, thành phố hướng đến việc chuyển từ NTM sang đô thị văn minh.

Với tốc độ đô thị hóa nhanh "chóng mặt", Nhà Bè sẽ là tâm điểm mới của việc nông thôn lên đô thị. Hiện, huyện này có diện tích hơn 10.000ha, trong đó đất nông nghiệp còn 350ha (chiếm 3%). 

Chỉ cần qua 5 năm nữa, tỷ lệ hộ làm nông tại Nhà Bè sẽ xuống còn 0,1%. Với những đặc trưng và lợi thế hiện có, nhiều chuyên gia nhận định Nhà Bè sẽ là huyện đầu tiên lên quận trong số 5 huyện được kiến nghị.

20 năm về trước, mảnh đất Hiệp Phước vẫn được nhiều người coi là "vùng sâu vùng xa" của thành phố. Đường nhựa chưa có, điện, nước phập phù, muốn khám bệnh phải lặn lội thật xa. Giờ đây, khi 2 khu công nghiệp Long Hậu, Hiệp Phước lần lượt được xây dựng, những cánh đồng trồng lúa nước trước đây đã biến mất. Các khu đô thị mới đang dần hình thành. 

Tới đây, huyện sẽ tiếp tục xây dựng các công trình phục vụ tuyến đường sắt Metro 4, đường 15B, dự án xây dựng điểm đầu mối trung chuyển hành khách xe buýt tại xã Phú Xuân, cầu Long Kiểng, cầu Rạch Đĩa, cầu Rạch Tôm, cầu Rạch Dơi, cầu Phú Xuân 2, cầu Phước Long; khởi công xây dựng đường Nguyễn Bình nối dài…

Trong 5 năm qua, Nhà Bè cũng đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định hàng năm từ 12 - 12,2%. Trong đó, ngành thương mại - dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn và có tốc độ tăng trưởng bình quân hàng 12,53%/năm; ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân 10,54%/năm. 

Tổng thu ngân sách nhà nước trong 5 năm qua gần 5.300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Chương trình xây dựng NTM cũng đạt kết quả tích cực. Hiện, 6/6 xã của huyện đều đạt tất cả các tiêu chí, góp phần thay đổi mạnh mẽ bộ mặt nông thôn và đời sống mọi mặt của người dân.

Chuyển lên đô thị văn minh

Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Nhà Bè vừa qua, bàn về định hướng phát triển huyện Nhà Bè lên quận, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, huyện Nhà Bè cần đổi mới phương thức quản lý, chú trọng xây dựng đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính. Đặc biệt phải chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng, quy hoạch sử dụng đất theo hướng phát triển kinh tế dịch vụ.

Theo ông Thái Quốc Dân - Phó Chánh văn phòng Điều phối NTM thành phố, chênh lệch thu nhập giữa nông thôn và thành thị của thành phố dần thu hẹp. Năm 2019, thu nhập của mỗi người dân nông thôn bình quân 63 triệu đồng, tăng 300% so với năm 2008 (15 triệu đồng/người). 

Chuẩn nghèo của thành phố được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Năm 2010, hộ nghèo tại 5 huyện hơn 42.000/291.600 hộ, chiếm 14,4%. Đầu năm 2019, số hộ nghèo có thu nhập bình quân từ dưới 1 triệu đồng/người/năm là 1.777 hộ, chiếm 0,40% trong tổng hộ dân 5 huyện.

Những năm gần đây, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của TP.HCM bình quân giảm khoảng 900ha/năm.Tuy nhiên, giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1ha đất canh tác tăng đều qua các năm, từ 158,5 triệu đồng năm 2010 lên 502 triệu đồng năm 2018, cao gấp hơn 5 lần bình quân cả nước.

Trong phong trào "Thành phố chung sức xây dựng NTM" đã huy động được 26.000 hộ dân hiến 2,9 triệu m2 đất để xây dựng, mở rộng đường giao thông nông thôn, ước tính giá trị trên 2.243 tỷ đồng, giúp diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, đời sống người dân ngày càng tốt hơn. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật