Mỹ yêu cầu Trung Quốc đăng ký viện Khổng Tử là ‘phái bộ nước ngoài’

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mỹ hôm 13/8 (giờ địa phương) cho biết họ đang yêu cầu các viện Khổng Tử hoạt động tại Mỹ đăng ký vào diện “phái bộ nước ngoài“, một động thái có thể sẽ khiến căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington tiếp tục tăng nhiệt.
Mỹ yêu cầu Trung Quốc đăng ký viện Khổng Tử là ‘phái bộ nước ngoài’
Có khoảng 550 viện Khổng Tử trên khắp thế giới hiện nay. (Ảnh: SCMP)

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, trong một tuyên bố hôm 13/8, đã gọi các viện Khổng tử ở Mỹ là một phái bộ của Trung Quốc với lý do, đây là một thực thể thúc đẩy chiến dịch tạo ảnh hưởng và tuyên truyền toàn cầu của Bắc Kinh tại các trường đại học và các trường học các cấp ở Mỹ. 

David Stilwell, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về Đông Á, nói trong một cuộc họp báo rằng hàng chục viện Khổng Tử ở Mỹ sẽ không bị đóng cửa, nhưng phải thông báo chi tiết hoạt động tại Mỹ.

Như vậy, các viện Khổng Tử cũng thuộc diện "thực chất được sở hữu hoặc kiểm soát" bởi một chính phủ nước ngoài, và sẽ chịu các yêu cầu quản lý tương tự các đại sứ quán và lãnh sự quán tại Mỹ.

Ngoại trưởng Pompeo cho biết mục tiêu của động thái này là để đảm bảo các trường học Mỹ “có thể đưa ra quyết định sáng suốt về việc cho phép các chương trình do Trung Quốc tài trợ tiếp tục hoạt động hay không và hoạt động dưới hình thức nào”.

"Mỹ muốn đảm bảo rằng sinh viên nước này được tiếp cận với các chương trình văn hóa và ngôn ngữ Trung Quốc mà không có sự thao túng của Trung Quốc và những lực lượng ủy nhiệm của nước này", ông Pompeo cho biết.

Ngoại trưởng Mỹ cho biết chính quyền Trump đã ưu tiên tìm kiếm sự đối xử công bằng và có đi có lại từ Trung Quốc và Bắc Kinh đã được hưởng quyền tiếp cận tự do và cởi mở với xã hội Mỹ nhưng lại từ chối quyền tiếp cận tương tự đối với người Mỹ và những người nước ngoài khác ở Trung Quốc.

Trong số khoảng 550 viện Khổng Tử trên khắp thế giới hiện nay, có khoảng 75 viện hoạt động tại Mỹ tính đến tháng 6, và 66 trong số đó hoạt động tại các trường đại học và cao đẳng của Mỹ, theo Hiệp hội các học giả quốc gia Mỹ (NAS).

NAS cho rằng các viện này ảnh hưởng đến tự do hàn lâm, coi thường các quy tắc minh bạch của phương Tây và không phù hợp ở khuôn viên cơ sở giáo dục. Trung Quốc cũng đã lên tiếng bác bỏ các chỉ trích này, gọi nó là "chính trị hóa và vô căn cứ".

Trước đó, vào tháng 6, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố coi 4 cơ quan truyền thông lớn của Trung Quốc là các “phái bộ nước ngoài”, cáo buộc họ là những "cơ quan tuyên truyền" của Bắc Kinh.

quan hệ Mỹ-Trung đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, với việc Tổng thống Donald Trump đưa ra quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh trước chiến dịch tái tranh cử tổng thống Mỹ vào ngày 3/11.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật