Biden chịu áp lực ‘cương nhu’ với Trung Quốc

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dù muốn thể hiện khác biệt với chính quyền Trump, Biden khó thúc đẩy chính sách mềm mỏng với Trung Quốc trong quá trình tranh cử.
Biden chịu áp lực ‘cương nhu’ với Trung Quốc
Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden phát biểu tại thành phố Wilmington, bang Delaware, Mỹ, hôm 28/7. Ảnh: Reuters.

Joe Biden, ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, tiếp tục dẫn trước đối thủ Donald Trump trong các cuộc thăm dò khi cuộc bầu cử tháng 11 đang tới gần. Tuy nhiên, Biden tới nay vẫn chưa thể hiện rõ ràng ông sẽ giải quyết những vấn đề chủ chốt trong chính sách đối ngoại của nước Mỹ như thế nào, đặc biệt là quan hệ với Trung Quốc.

Hôm 22/7, đảng Dân chủ công bố dự thảo cương lĩnh năm 2020. Theo Christian Le Miere, chuyên gia về chính sách đối ngoại, người sáng lập tổ chức tư vấn Arcipel, tài liệu này về cơ bản giúp mọi người mường tượng về những chính sách của nước Mỹ nếu Biden đắc cử, đặc biệt là khi phe Dân chủ chiếm ưu thế trong quốc hội. Do đó, đây có lẽ là chỉ dấu tốt nhất để dự đoán về chính sách đối ngoại với Trung Quốc của Biden.

Dự thảo cương lĩnh của đảng Dân chủ hướng tới mục đích tạo sự phân biệt rạch ròi giữa họ và chính quyền Trump. Xuyên suốt nhiệm kỳ của mình, Trump được đánh giá chỉ đi theo một hướng duy nhất là giảm ràng buộc với Trung Quốc cả về kinh tế và ngoại giao, đồng thời ngăn Bắc Kinh mở rộng tầm ảnh hưởng kinh tế và địa chính trị toàn cầu.

Thông qua chiến tranh thương mại, kêu gọi đồng minh loại bỏ công ty Trung Quốc khỏi mạng 5G, và gần đây nhất là trừng phạt giới chức Trung Quốc vì chính sách với Tân Cương, chính quyền Trump không ngừng gây áp lực lên Bắc Kinh. Washington cũng tăng cường hoạt động quân sự tại những điểm nóng quan trọng trong khu vực như Biển Đông.

Ngược lại, đảng Dân chủ tuyên bố trong dự thảo cương lĩnh rằng họ "sẽ không dựa vào những cuộc chiến thuế quan đơn phương, thất sách" hoặc rơi vào "bẫy chiến tranh Lạnh mới".

Dự thảo cương lĩnh cũng cho thấy phe Dân chủ không chú trọng lĩnh vực quân sự trong cạnh tranh Mỹ - Trung, ngay cả khi họ tuyên bố sẽ "răn đe và đáp trả hành vi khiêu khích" trên Biển Đông và eo biển Đài Loan.

Trong khi chính quyền Trump dường như ngày càng nỗ lực quay lưng với Bắc Kinh, với động thái bất ngờ là đóng cửa tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, bang Texas, chính quyền Biden nhiều khả năng sẽ cố gắng giảm căng thẳng và tìm kiếm những lĩnh vực hợp tác chung, đặc biệt là các vấn đề xuyên quốc gia như biến đổi khí hậu, kiểm soát hạt nhân, hay ứng phó với Covid-19.

Tuy nhiên, bên cạnh việc nêu bật điểm khác biệt với chính quyền hiện tại, dự thảo cương lĩnh của đảng Dân chủ còn nỗ lực nhấn mạnh những nét tương đồng. Mặc dù cố gắng vạch ra kế hoạch tránh quân sự hóa quá mức chính sách với Trung Quốc, tài liệu cũng khẳng định một chính phủ Dân chủ sẽ "đáp trả rạch ròi, mạnh mẽ và nhất quán" mỗi khi xuất hiện lo ngại về hành vi của Trung Quốc.

Đảng Dân chủ cố gắng thể hiện sự "diều hâu" đối với một số vấn đề nhất định trong bối cảnh lưỡng đảng ngày càng nhất trí coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược chính, thay vì chỉ là đối thủ cạnh tranh kinh tế. Với sự trỗi dậy của Covid-19, việc đối phó Trung Quốc càng trở nên phù hợp về mặt chính trị, Le Miere nhận định.

"Do đó, chính sách của Biden cần đạt được sự cân bằng giữa thái độ cứng rắn của chính quyền Trump và quan điểm hòa giải của cựu tổng thống Barack Obama", chuyên gia này nêu ý kiến.

Dưới thời Obama, điểm nổi bật trong quan hệ song phương là chính sách kiểm soát sự trỗi dậy của Trung Quốc và tránh căng thẳng quân sự, như việc Mỹ chỉ tiến hành vài chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông, đồng thời nỗ lực đảm bảo Bắc Kinh đóng vai trò là một "tay chơi có trách nhiệm" trong hệ thống quốc tế.

Chính quyền Obama thường chỉ lên tiếng chỉ trích các hành động của Trung Quốc, như vụ tin tặc xâm nhập hệ thống của Văn phòng Quản lý Nhân sự Mỹ hồi năm 2014, chiếm quyền truy cập hồ sơ cá nhân của 4 triệu nhân viên liên bang Mỹ cùng bạn bè và gia đình họ, nhưng không có các hành động đáp trả mạnh mẽ như dưới thời Trump.

Theo Le Miere, Biden biết rằng chính sách mềm mỏng như vậy không còn khả thi về mặt chính trị. Trump và phe Cộng hòa biến Trung Quốc thành đối tượng công kích chính, đồng thời không ngừng gọi nCoV là "virus Trung Quốc", được cho là nhằm chĩa mũi dùi vào Bắc Kinh trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

Họ cũng tận dụng vấn đề này để khắc họa hình ảnh Bideo là một "người mềm yếu" với Trung Quốc. "Biden Bắc Kinh" thậm chí trở thành biệt danh mà các hãng truyền thông ủng hộ Trump sử dụng để mỉa mai thái độ quá hòa hoãn với Trung Quốc của ứng viên đảng Dân chủ.

Nhằm đương đầu với đòn công kích từ đối phương, phe Dân chủ tìm cách tạo dựng cho đảng, cũng như ứng viên của họ, hình ảnh cứng rắn với Trung Quốc "đúng nơi đúng lúc", như vấn đề thương mại, nhưng sẵn sàng thỏa hiệp khi cần thiết.

"Vì vậy, nếu Biden đắc cử, căng thẳng song phương có khả năng giảm rõ rệt khi hai bên đều cố gắng tìm điểm chung trong các lĩnh vực cùng có lợi", Le Miere nhận định. Ngay cả khi Washington ngày càng coi Bắc Kinh là mối đe dọa, chính quyền của Biden vẫn có thể biến Bắc Kinh thành đối tác cần thiết, dựa trên quy mô nền kinh tế rộng lớn của họ.

Giữa lúc Mỹ đang chật vật vực dậy nền kinh tế sau những thiệt hại nặng nề của đại dịch, Trung Quốc có thể trở thành khách hàng chủ chốt mua sản phẩm của họ, hoặc là nhà đầu tư tiềm năng. Các mục tiêu khác của Biden, như hồi sinh hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, cũng sẽ cần sự hợp tác và thiện chí của Trung Quốc.

Do vậy, Le Miere nhận định nếu Biden đắc cử, cuộc chia tay ngoại giao với Bắc Kinh mà chính quyền Trump đang theo đuổi có khả năng chấm dứt, đồng thời nhiều hình thức hợp tác Mỹ - Trung sẽ bắt đầu.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật