Muốn bán mình cho Microsoft, TikTok bị người dùng Trung Quốc chỉ trích

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chối bỏ nguồn gốc Trung Quốc và làm mọi cách để bán TikTok cho doanh nghiệp Mỹ, ByteDance khiến người dùng nội địa phẫn nộ.
Muốn bán mình cho Microsoft, TikTok bị người dùng Trung Quốc chỉ trích
Quyết tâm chối bỏ nguồn gốc Trung Quốc, CEO của ByteDance bị chỉ trích là “kẻ phản quốc“. Ảnh: New York Times.

Ngày 18/5, ByteDance chiêu mộ cựu giám đốc Disney Kevin Mayer để giữ vai trò tân CEO của TikTok, đây được nhận định là sự thay đổi nhân sự nhằm chứng minh nền tảng video này không phải của Trung Quốc và không có bất kỳ mối liên hệ nào với chính quyền.

Ngày 2/8, dưới áp lực từ các nhà lập pháp và công chúng Mỹ, ByteDance miễn cưỡng đưa ra 2 hướng phát triển cho TikTok.

"Chúng tôi bị Ủy ban Đầu tư nước ngoài Mỹ (CFIUS) ép buộc phải bán cho một doanh nghiệp của Mỹ, hoặc sẽ bị cấm tại thị trường này", Zhang Yiming, CEO của ByteDance (công ty mẹ của TikTok) viết trên trang cá nhân chính thức.

"Chúng tôi không hài lòng với quyết định của CFIUS vì TikTok luôn cam kết về sự an toàn cho người dùng, tính công bằng của nền tảng và minh bạch thông tin. Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô như hiện tại, chúng tôi hiểu quyết định của chính phủ Mỹ", Zhang chia sẻ thêm.

Người dùng Trung Quốc chỉ trích

Đối diện với những khó khăn mà công ty đang gặp phải, CEO của ByteDance cho biết "sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu trở thành tập đoàn toàn cầu" kể cả việc phải bán TikTok cho "một công ty của Mỹ".

Bài diễn văn của Zhang ngay lập tức bị chỉ trích bởi rất nhiều người dùng Internet Trung Quốc. Trên mạng xã hội Weibo, hàng trăm người dùng đã bình luận bên dưới bức thư của ông là "đồ hèn", "kẻ phục tùng nước Mỹ" và nhiều danh xưng khác.

"Zhang Yiming chấp nhận bán TikTok dễ dàng như vậy, tại sao Zhang không tranh luận lại với nước Mỹ", một trong những bình luận phổ biến nhất với hơn 3.600 lượt tương tác.

Làn sóng người dùng phẫn nộ tiếp tục tìm lại những bài đăng từ năm 2010 trên trang mạng xã hội Weibo của Zhang. Họ gọi ông là "người trí thức của công chúng", một cụm từ có ý xúc phạm những doanh nhân chạy theo các giá trị của phương Tây. Zhang sau đó đã khóa tạm thời tài khoản cá nhân của ông.

"Người dùng mạng xã hội Trung Quốc cho rằng TikTok bị ảnh hưởng bởi những căng thẳng kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ trong thời gian gần đây. Họ tin nền tảng chia sẻ video đủ sức để đe dọa sự thống trị của Facebook và Twitter tại thị trường Mỹ", Rich Bishop, CEO của AppInChina nói.

Khác với sự thịnh nộ của người dùng Internet tại Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh chỉ đơn thuần phủ nhận cáo buộc của chính phủ Mỹ. Phát ngôn viên chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng Mỹ đã "bịa đặt vô lý" khi không đưa ra bất kỳ dẫn chứng hay báo cáo về việc TikTok làm ảnh hưởng tới an ninh của quốc gia này.

Sẽ là thương vụ thiệt thòi cho TikTok

Một số startup và nhà đầu tư Trung Quốc cho rằng nếu Microsoft mua lại TikTok, ByteDance sẽ chịu nhiều thiệt thòi trong thương vụ tỷ USD này.

"Tôi nghĩ người dùng Mỹ vẫn muốn sử dụng TikTok nên vụ đầu tư sẽ là một cách để giải quyết bài toán cấm hoàn toàn ứng dụng. Tuy nhiên, tôi không nghĩ đó là điều ByteDance muốn", William Bao Bean, đối tác của China Accelerator nhận định.

Trong khi đó, đại diện của AppInChina cho biết Microsoft chính là công ty được hưởng lợi nhiều hơn nếu thương vụ mua lại TikTok được hiện thực hóa.

"Microsoft là một công ty khá trung lập ở Trung Quốc. Công ty từ Mỹ sẽ hưởng lợi rất nhiều khi mua được TikTok và bước chân vào thị trường mạng xã hội. ByteDance sẽ có tiền, trong khi Microsoft và chính quyền Bắc Kinh vẫn có thể giữ một mối quan hệ bình thường như trước", Bishop nhận định.

Microsoft sẽ hưởng lợi nhiều hơn nếu thương vụ mua lại TikTok thành hiện thực. Ảnh: Middle East Online.

Theo Reuters, các nhà đầu tư cho công ty mẹ của TikTok là ByteDance đang định giá công ty này khoảng 50 tỷ USD. Tuy nhiên, việc bị chính phủ Mỹ ép bán sớm cho Microsoft trước ngày 15/9 có thể làm giá trị của nền tảng chia sẻ video giảm đi nhiều.

Chỉ trong một tuần đầu tháng 8, Microsoft liên tiếp thể hiện động thái quyết tâm mua ứng dụng TikTok. Trước lời cảnh báo cuối cùng của tổng thống Mỹ vào ngày 31/7, CEO Satya Nadella đã trực tiếp thuyết phục ông Trump để thương vụ mua lại ứng dụng được tiếp tục diễn ra với thời hạn 45 ngày.

Nếu thương vụ hợp nhất TikTok vào Microsoft được thực hiện, Microsoft ngay lập tức sở hữu một nền tảng chia sẻ video với hơn 100 triệu người dùng tại thị trường Mỹ, chính thức cạnh tranh trong lĩnh vực mạng xã hội với các ông lớn khác như Facebook, YouTube, Snap, Twitter...

Trong bức thư Zhang viết trên trang cá nhân, ông nhấn mạnh: "TikTok sẽ không biến mất đi đâu cả".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật