Đi tìm hương xưa cũ

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Một khi chu‌yện tìn‌h đã đi qua, trách ai cũng không quan trọng, kết thúc là kết thúc. Chẳng phải là mãi mãi không vẹn tròn sao?
Đi tìm hương xưa cũ
Ảnh minh họa

Mùa hoa sữa năm nay đến muộn, tôi đứng một mình trên lan can bệnh viện nhìn qua đường, nơi ấy có hai cây hoa sữa đã đứng với nhau được 10 năm, mọi năm vào thời điểm này chúng đã trắng xóa những bông hoa thơm nưng nức, năm nay lại mới chỉ lác đác vài chùm, lơ thơ theo chiều gió khiến tôi không khỏi có chút chạnh lòng, có chút buồn và trống hoác trong tâm hồn.

- Ô, lại đứng ngóng nữ sinh nữa sao? Năm nay bao nhiêu tuổi rồi có biết không?

- Ha ha đừng nói là vẫn muốn gặm cỏ non đấy...

- ...

Suốt 10 năm qua tôi đã quá quen với những tiếng cười như thế, họ cười tôi vì cho rằng tôi có sở thích lạ, thích đứng ở lan can vào những giờ cao điểm ngắm những cô nàng mặc áo dài trắng lướt xe đạp ngang qua đến mức ’quên’ cả lấy vợ. Chỉ có tôi biết rõ nhất, dù có thêm bao năm tháng đi qua, tôi có lẽ vẫn đứng ở góc hành lang này để có thể thấy thật rõ bóng dáng em hòa lẫn trong những bông hoa trắng tinh khôi ấy.

Tôi nhớ em.

***

Lần đầu gặp gỡ- em chọc giận tôi

Tôi của năm ấy đã gần 30 tuổi, đã đi qua vài mối tình, tự nhận mình có chút từng trải nhưng vẫn còn chút trẻ con nên không muốn bị buộc chân. Là bác sĩ trong bệnh viện ở cái thị trấn nhỏ này, công việc không rảnh, cũng không bận. Như lúc này, có thể rảnh rỗi ngồi dưới hai cây hoa sữa mới lớn, bên ly cà phê lành lạnh đá mà nói chuyện thế giới với mấy cạ quen.

- Bác Liễu ơi, bánh kem của cháu xong chưa ạ.

Tiếng của em cứ như thế lọt vào tai tôi lảnh lót như tiếng chuông ngân vang lên trong cái nắng cuối hè. Và em xuất hiện với hai cái bím tóc dài bên chiếc xe đạp mini màu nho sẫm. Nhìn hai bím tóc lúc lắc ngó nghiêng, tôi đoán chắc em là nữ sinh, em lại phối quần bò đơn giản với cái áo phông không thể đơn giản hơn thế thì chắc chắn là dạng đơn thuần, da mặt chắc mỏng lắm. Tôi không nhịn được nghiêm túc lên tiếng:

- Cô bé à, cô Liễu mới ra ngoài, có phải em đến lấy bánh sinh nhật không? Cô gửi ở chỗ anh đấy, dặn anh ai đến lấy thì đưa.

Sự thật là bé con ấy rất dễ bị lừa, tròn mắt nhìn sang tôi, hoang mang hỏi:

- Gửi ở chỗ anh thật ạ? Vậy anh để đâu rồi ạ ? Vừa nói vừa nhìn lên cái bàn chất đầy ly cà phê và gạc tàn thu‌ốc l‌á vẻ tìm kiếm.

- Anh để ở nơi bí mật rồi, theo anh đi rồi anh sẽ đưa cho.

Tôi đưa tay ra như mời gọi, còn phụ họa thêm mấy cái nháy mắt khiến cả bàn cười ồ lên. Phải công nhận là việc trêu ghẹo phụ nữ nhất là con gái luôn khiến lũ đàn ông chúng tôi cảm thấy rất vui sướng. Đặc biệt là bé ngoan, một tiếng ạ, hai tiếng ạ... thật ngọt chết đi được. Tôi tràn đầy hả hê nhìn em nhận ra mình bị trêu nên phải quay mặt đi. Tôi còn mong chờ em đỏ mặt, tay chân luống cuống nhưng cuối cùng tiếng cười của chúng tôi cũng tắt đi khi em chỉ mím môi nhìn vào quán, coi chúng tôi như chưa tồn tại. Lúc ấy, có cô bé trong quán đi ra nói em đợi khoảng 15 phút gì đó mới có bánh. Em gật đầu, quay xe đạp, ngồi lên xe, đặt chân lên pê-đan, quay lại liếc ánh mắt về đúng mặt tôi, cười thật tươi khiến cả lũ chúng tôi sững sờ há hốc miệng, trước khi quay đầu, lăn bánh xe đi mất chỉ để lại 1 câu:

- Cháu nói này chú! Chú có tuổi rồi nên giữ miệng 1 chút, trêu chọc con nít là không đứng đắn đâu.

Ha ha ha... Cả bàn cà phê sau vài giây im ắng bỗng cười đến mức muốn bay cả mái nhà, mấy người bạn còn không ngừng gọi tôi: chú à! Chú gì ơi! Chú gì ời! ... làm tôi đen mặt gặm nhấm nỗi đau bị ’con nít’ động chạm tuổi tác. Tôi nuốt hận, ngồi im nghĩ ngợi là khi cô bé ấy quay lại đây tôi nên xử lý thế nào?

Nhưng trước khi cô bé ấy quay lại, tôi đã phải quay lại bệnh viện tiếp tục ca trực của mình, về sau này tôi cũng không nhớ đến việc xử lý ấy nữa...vì từ lần thứ hai gặp lại tôi còn mải để dành tâm trí...làm cái đuôi của em.

***

Lần thứ hai gặp - tôi bị đánh trúng

Sau hôm ấy, tôi hỏi lũ bạn xem em có quay lại lấy bánh không? chúng tủm tỉm cười bí hiểm đồng loạt lắc đầu, bận bịu công việc tôi quên luôn chu‌yện ấ‌y. Đến một hôm, khi tôi đau khổ đứng đợi lấy tài liệu ở dãy hành lang ngay mặt đường lớn, lơ đãng nhìn qua quán cà phê và cái tiệm bánh mới chợt nhớ ra món nợ cũ. Đang phiêu diêu, Ân khoác tay tôi:

- Tài liệu đây, chẳng mấy khi hân hạnh đón cậu lên chốn này. Sao, y tá Liên nghỉ à?

- Ừm, cậu thì nhàn rồi, chỉ việc xếp mấy cái giấy mà được lên đây hít khí trời.

Ân đang ha ha cười, chợt vỗ vai tôi:

- Không chỉ hít khí trời đâu, còn có thể tranh thủ ngắm nghía nhiều thứ ác chiến cơ.

Ân khoát tay chỉ về đầu đường, ở đấy thấp thoáng mấy bóng áo trắng đang phấp phới đạp xe về phía chúng tôi. Tôi cũng nhếch miệng cười, chỉ là mấy nữ sinh thôi, ngày nào mà chẳng thấy. Đang định quay lại trêu đứa bạn, tôi bỗng tròn mắt, chẳng phải cô bé bánh kem sao? Tôi nhoài người ra ra khỏi ban công xác định cho kĩ. Đúng là cô ấy, nhưng...khác quá, mái tóc dài được vén gọn thả ra sau, nhẹ nhàng bay, nắng trải xuống làm vài lọn ánh lên, áo dài bó sát người, hai tà mỏng mảnh đón gió phồng lên như cánh bướm chập chờn bay lượn. Em đang trò chuyện với bạn, cười lấp lánh.Vào thời khắc này, tôi như bị một đòn, đứng hình, cứ thế ngây ngốc nhìn theo dáng em lướt qua rồi biến mât trên đầu dốc.

- Sao nào? Ân huých tay tôi cười gian xảo.

Tôi vẫn nhìn theo hướng ấy, hỏi ngu ngơ:

- Ân, mấy giờ thì tan học?

...

Tôi còn nhớ rõ, Ân của ngày hôm đó kinh ngạc đến thế nào vì chúng tôi đã ở tuổi nào rồi, còn có thể thích nữ sinh sao? Còn tôi của hôm đó vừa làm việc vừa thấp thỏm, canh chừng khoảng thời gian cuối tiết 4 là hì hục leo cầu thang lên tầng 2, gần mặt đất nhất để có thể nhìn thấy em. Tôi hi vọng chờ đợi, chờ đợi khoảnh khắc em lướt qua trước mắt tôi dịu dàng như ban sớm, khoảnh khắc em khuấy lên sự rung động trong tôi. Và tôi đã không nhìn thấy em, có thể em học tiết năm, có thể em đi con đường tắt nào khác, có thể tôi đã không nhận ra em giữa tấp nập những áo trắng cánh mỏng dập dìu giờ tan học hôm ấy. Tự nhủ lòng là không may, ngày mai tôi sẽ lại tiếp tục leo lên hành lang này, leo lên hành lang của thứ cảm xúc không tên ngứa ngứa trong lồng ngực. Thành quả đạt được của chờ đợi hẳn phải rất ngọt ngào.

***

Lần gặp thứ 3. Thu hoạch thật đáng kể

Nhiều ngày sau đó, mọi người xung quanh tôi đều biết thói quen mới kì quặc của tôi: sáng sớm, ôm cà phê lên hành lang hóng gió. Cơn gió này, đến cả Ân cũng không biết, Ân chỉ cho rằng tôi thích ngắm nữ sinh. Tôi cũng đã ngày ngày được thấy em, dù em không hề biết hay vô tình ngẩng đầu về phía tôi, tôi vẫn thấy rất ấm áp. Tôi cũng chẳng có ý định đi theo em vì...lý do tuổi tác, tôi đã qua cái tuổi đi sau xe để làm quen con gái lâu rồi. Trái lại, tôi lại có chút hưởng thụ cảm giác từ xa quan sát 1 người mà người ấy không hay biết. Tôi có thể thấy em cười tươi, có thể thấy em mím môi, thấy em lo lắng, thấy em khiến mái tóc dài bay bay chạm cả vào giấc mơ của tôi.

Một ngày chủ nhật đẹp trời, tôi đang đi đến phòng hội chẩn thì thấy có bóng người thập thò ngay cửa phòng bệnh ý như muốn tìm ai đó. Tôi đi ngang rồi chợt khựng lại, quay phắt đầu. Là em. Em hôm nay không đi học, mặc đồ rất thoải mái, quần ka ki dài, áo sơ mi có hai cái nơ trên tay áo, tóc tết lệch về một bên, đội cái mũ quả bí nhìn cực kì xinh xắn. Nhìn em đang dáo dác nhìn vào phòng bệnh. Tôi quát khẽ:

- Tìm ai?

Em giật thót mình, vội vàng quay lại. Nhìn điệu bộ sợ hãi đến cúi đầu của em tôi cố gắng nén cười lặp lại

- Tìm ai?

- Phòng chích ngừa ạ. Em vẫn cúi đầu lí nhí.

Tôi quay bước, đoán chắc em sẽ ngước lên nên đi được hai bước vội quay phắt lại. Quả nhiên thấy em luống cuống cúi gập đầu xuống. Tôi cảm thấy vô cùng vui vẻ, lại muốn hành hạ em một chút. Liền nói:

- Theo tôi. Nói xong liền rảo bước.

Tôi nghe tiếng bước chân em lẽo đẽo theo sau, tôi dẫn em đi lòng vòng qua các dãy nhà, em cứ thế yên lặng đều đều bước theo, ngoan như một con cún nhỏ. Được một lúc, tôi lại thấy có chút không nỡ, liền vòng đường khác, dẫn em về phòng chích ngừa.

- Đến rồi.

Em ngẩng lên nhìn tên phòng rồi ùa vào phòng, không liếc mắt về tôi lấy 1 cái. Được lắm, tôi cũng theo vào.

- Dì Thuận, cháu chào dì.

- Đến rồi à, sao lâu thế, dì chỉ đường rồi mà.

- Dạ, cháu đã gần đến đây thì chú này cứ bắt cháu đi theo rồi dẫn cháu đi lung tung ấy.

Nói rồi tay chỉ ngay về phía tôi, mặt nghênh lên thách thức. Tôi giật mình, đứng im, mặt đen lại. Em được lắm.

- Ai quen biết gì cô, chị, em đến nhắc chị lát nữa có cuộc họp đấy.

Tôi sau cái giây bị em đột kích đã nhanh chóng lấy bộ dạng không thể nghiêm túc hơn để truyền đạt ý kiến, sau đó nhíu mày, tỉnh bơ lờ tịt em đi. Chẳng lẽ đấu không lại em sao? Tuổi già của tôi để làm gì chứ?

Dì Thuận của em đánh mắt nhìn hai chúng tôi:

- Biết rồi, cháu lại đây.

Em tiến lại, hai người trò chuyện gì đó. Tôi chính thức bị ra rìa, lủi thủi biến mất. Nhưng không sao, chẳng phải đã tìm thấy mối liên hệ của em mà tôi rồi sao? Cứ từ từ, rồi xem em chạy đằng nào.

***

Chỉ là dịu dàng nghe em nói.

Những ngày sau khi em bước chân qua bệnh viện này là những ngày tôi bám dính lấy dì Thuận của em, dày mặt cùng dì diễn đi diễn lại một đoạn hội thoại:

- Dì...

- Tôi không phải là gì của cậu.

- Em đã xuống một cấp làm con rồi mà, dì...

- Quên đi, nó là con nhà lành, tôi không giao trứng cho ác.

- Cô ấy không phải trứng, con cũng không phải ác, chỉ có số điện thoại thì có thể làm được gì chứ? Dì phải tin con, con thực sự có việc.

- Nó thua cậu 12 tuổi, có thể có việc gì?

- Con thề là có việc thật, con năn nỉ mà...

-Không.

Đến một ngày, dì Thuận không thể chịu độ dai của con đỉa là tôi hoặc có thể đã bị tôi cảm động nên quăng vào tay tôi 1 tờ giấy. Tôi nghiệm ra rằng chai mặt là biện pháp có thể lay chuyển rất nhiều thứ. Tôi ngồi nghiêm chỉnh trước điện thoại bàn, nghiêm túc vận động đầu óc nghĩ xem giờ nào nên gọi cho em. Nếu hồi đấy di động tràn lan như bây giờ có lẽ đã không phiền phức thế. Nhưng tiếc thay, di động lại là thứ xa xỉ trong cái thị trấn nhỏ này, chỉ một cái nắp trượt cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thế nên, công cuộc tán gái ở thời đó gặp nhiều cản trở, mà lớn nhất là hai chữ phụ huynh.

- A lô! Tiếng em trong trẻo cất lên

- Quỳnh phải không?

- Dạ phải, ai vậy ạ?

- Bố mẹ cháu có nhà không?

- Dạ không ạ, nhưng có việc gì cháu có thể nhắn lại?

- À vậy thôi nhé!

- Dạ, vâng ạ!

Cúp điện thoại rồi mà tôi vẫn còn run rẩy, em cứ dạ vâng như một con vành khuyên lễ phép khiến tôi không nhịn được cười mà kết thúc sớm cuộc nói chuyện đầu tiên này.

Lần sau gọi tới, khi tôi nói mình là ai, em rất ngạc nhiên nhưng không cúp máy chỉ nghi hoặc hỏi:

- Sao chú có được số điện thoại nhà cháu?

- Chỉ cần biết em là con nhà ai rồi dò danh bạ.

- Vậy...chú muốn gì?

- Làm bạn em.

- Dạ?

- Em gọi tôi là anh thôi nhé, chỉ là muốn nghe em nói chuyện...

-...

Cái ngày của xa xôi ấy, chiếc điện thoại bàn đã trở thành cầu nối giữa em và tôi. Đôi khi tôi muốn quay lại ngày ấy để thấy mình đến đúng giờ sẽ gọi điện thoại cho em, cả một ngày dài, có lẽ cũng chỉ chờ khoảng khắc ấy, khoảng khắc âm thanh mềm mại kia sẽ cất lên như những sợi lông mỏng mảnh ve vuốt từng sợi thần kinh trong c‌ơ th‌ể. Bây giờ tôi và em đều có điện thoại di động, tôi có thể gọi cho em bất cứ khi nào nhưng tôi vẫn đúng giờ ngồi vào bàn làm việc, thẫn thờ cầm lấy ống nghe, thẫn thờ gặp lại những âm thanh hồn nhiên thủa ấy.

***

Đi bên em

Tần suất tôi gọi cho em là hai ngày một lần, em chỉ gọi tôi bằng cái tên cộc lốc, em nói bạn bè thì ngang cấp với nhau nhưng vẫn dạ vâng đầy xa cách. Chẳng hề gì, tôi cũng tự gọi em là vành khuyên. Những câu chuyện không đầu không cuối cứ thế trôi qua, em kể cho tôi nghe về những chuyện trên lớp, về ước mơ của em, về con mèo tên Ngốc cứ hay đánh thức em vào buổi sáng... Tôi vẫn ngắm em nơi lan can,vẫn đều đều gọi điện cho em. Em đã biết nơi tôi đứng nhìn nên mỗi lần đi ngang qua sẽ ngước đầu lên chỗ tôi đứng, nhìn thấy tôi vẫy tay sẽ gật đầu quay đi. Tôi không dám bước tiếp, cứ đứng tại chỗ giữ lấy niềm vui nho nhỏ của mình. Tôi sợ lỡ tôi yêu em tôi sẽ không biết phải làm thế nào. Nhưng tôi không hề biết, nỗi sợ hãi ấy lại ngấm ngầm tìm đến tôi như hạt mầm vô tình được gieo cứ thế lặng lẽ mọc rễ, đâm chồi.

Bây giờ đã là tháng 10, hai cây hoa sữa bên đường đã trổ mùa hoa đầu tiên trong những cơn gió se se lạnh, thoang thoảng đưa hương. Đây là hai cây hoa sữa được trồng đầu tiên trong thị trấn nên nhiều người không biết đến, tôi rất thích nhìn em mỗi chiều đạp xe về sẽ ngểnh cổ ngó nghiêng tìm kiếm thứ mùi là lạ ấy. Em đã kể tôi nghe về đoạn đường có mùi hương khó hiểu, hỏi tôi có biết không? Tôi cười, để em tự tìm thấy.

Cuối cấp rồi, em học thêm vào các buổi tối. Hôm nay như mọi hôm, dù trời trở lạnh,tôi vẫn ngồi bên quán cà phê bị em trêu hồi ấy, đợi em lướt qua. Gần 8h, tôi bỏ ván cờ đang chơi dở ngóng ra ngoài. Đợi 1 lúc mới thấy em đang dắt xe chầm chầm đi bộ xuống dốc. Cả đoạn đường vắng tanh chỉ có mình em dưới ánh đèn đường vàng vọt, bóng em hắt lên đường một vệt dài thẳng tắp. Tôi phân vân giữa việc đi về phía em hay im lặng trong bóng tối này. Em càng lúc càng gần tôi, tôi không muốn suy nghĩ nữa, chậm rãi bước về phía em. Sau này nghĩ lại, tôi bước thêm một bước về phía cảm xúc trong trái tim mình cũng giống như bước từ trong tối ra ánh sáng, rất chói mắt, rất choáng ngợp nhưng lại vô cùng thỏ‌a mã‌n.

- Xe hỏng sao? Tôi đút tay vào túi quần hờ hững hỏi.

- Không. Em ngước mắt nhìn rồi trả lời cụt ngủn.

- Con nít cũng có chuyện buồn sao? Tôi thăm dò

- Chỉ người trung niên mới hay buồn. Em vừa trả lời vừa lững thững bước tiếp

Người sắp trung niên tôi đây đành ngậm miệng, đi bên cạnh. Bỗng em lại ngẩng đầu hít một hơi, thì thầm:

- Thơm thật.

- Em tìm thấy rồi sao?

- Chưa, nhưng vẫn tìm.

- Đi bộ thế này có thể tìm thấy sao?

- ...uhm biết đâu có thể tìm được...

Tôi cười khẽ, hóa ra em cố chấp như thế.

Sau hôm ấy, cứ tối tối, tôi lại chờ em để cùng em đi tìm mùi hương, thật may vì em mãi không tìm thấy nên tôi cứ thế được cùng em trò chuyện trên một quãng đường ngắn ngủi suốt những ngày gió se se lạnh đưa hương bay xa ấy. Những câu chuyện đã nói có dài, có ngắn, đôi khi chỉ là im lặng, nhưng chỉ cần em không đuổi tôi thế là đủ rồi. Lúc ấy tôi luôn thắc mắc trong lòng, sao quãng đường ngắn thế mà em không thể tìm ra mùi hương bay đi từ đâu?

******

Có thể là mãi mãi

Rồi mùa hoa đầu tiên ấy cũng đi qua, tôi cũng bước qua những ngày có em bên cạnh. Tôi lại chỉ có thể ngắm em từ hành lang bệnh viện hay tối tối nhìn em lướt vội qua như lướt vội qua những tháng ngày áo trắng hồn nhiên ấy.

Ngày biết tin em được nhận giấy báo và đã đến một vùng trời mơ ước mới, tôi mới bàng hoàng chưa kịp nói thích em. Tôi lang thang qua cổng nhà em, ngôi nhà chưa một lần dám đến tôi mới thấy mình nhớ em nhiều đến vậy. Tôi chông chênh rất nhiều ngày sau đó, ngơ ngẩn tìm hình bóng em trong cái thị trấn nhỏ heo hút không còn hương vị. Ân vỗ vai tôi: "Để cánh chim nhỏ ấy bay đi". Tôi còn có thể giữ em ư, một tấm chân tình này còn chưa kịp nói thành lời. Em thậm chí còn chẳng nói với tôi một câu từ biệt, cứ thế quay lưng rời đi. Rời bỏ tôi, để lại một khoảng trời không em đau nhức nhối.

Một năm sau, khi tôi đã nguôi ngoai nỗi nhớ thì mùa hoa sữa về, bước chân tôi chùng một nhịp, chợt nhớ em đến quay quắt. Tôi đang tự hỏi em có nhớ tôi không thì , có tin nhắn: "Em tìm thấy mùi hương rồi, là hoa sữa !" Là em, là em. Tôi vội vàng gọi lại, em cười khanh khách nói tôi nghe là ngay dưới kí túc xá có trồng một hàng hoa sữa, chúng vừa nở những bông đầu tiên...

Tôi của tuổi 30 đã làm một việc khờ dại, hôm sau vội vàng xin nghỉ, bất ngờ bắt xe đến thành phố biển có hơi thở của em. Biển chiều, em nói em đang học, tôi lang thang trên bãi biển cát mịn màng trải, tôi tưởng tượng cảnh em cùng bạn bè sẽ chơi đùa trên đó, sóng bạc đầu trắng tinh sẽ hôn gót chân em. Tôi đi qua trường em, ngôi trường bên biển, ngôi trường em đang học, mỉm cười như thấy em cắm cúi ghi bài trong đó. Tôi rẽ vào kí túc xá, thuê một phòng dành cho khách ở tầng 2, tham quan nơi em ở, đứng ngắm hàng hoa sữa đang vào mùa trắng xanh những cánh hoa. Tôi không biết em ở phòng nào, tối đến tôi đứng trên lan can gọi cho em:

- Anh đang ở kí túc xá của em, đi chơi với anh nhé!

- Hả? anh đừng đùa.

- Không tin sao, anh đợi em ở cổng, em xuống nhanh đi. Tôi cười lớn.

Em cũng cười rộn ràng rồi tắt máy. Tôi hồi hộp đứng trên lan can không rời bước, tôi muốn xem em bước ra từ đâu. Em xuất hiện ngay ngã rẽ, chân váy trắng tinh khôi, tóc dài bay bay, em tươi tắn ngó quanh quất. Tôi định bụng ngắm em ngốc như vậy thêm một chút, nhưng khi vừa nhấc chân, tôi thấy em chạy lên phía trước, ào đến vòng tay một người tôi không biết tên. Em khoác tay người ấy, cười lấp lánh. Hai người sánh đôi bước dưới hàng hoa sữa ra phía cổng. Tôi chôn chân, nhìn em xa dần.

Tôi không gọi lại cho em, cũng không hỏi em vì sao lại thế? Có thể với em lúc đó, cuộc điện thoại của tôi chỉ là một trò đùa.Tôi không nhớ mình đã rời khỏi thành phố ấy như thế nào. Không nhớ mình đã vượt qua những ngày sau đó ra sao? Nhưng tôi nhớ rõ khoảnh khắc em bước ra khỏi trái tim tôi, nhẹ nhàng như khi đến. Đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu, cả một mùa hoa tôi đi bên em, em không thể tìm thấy cây hoa lạ nhưng chỉ một ngày trên mảnh đất khác, khi những mùi hương vừa rời cánh bay, em đã tìm thấy nơi bắt nguồn? Là tại tôi sao? Là tại tôi không nói cho em? Hay tại em? Em không tìm thấy hay cố tình không tìm thấy?

Một khi chu‌yện tìn‌h đã đi qua, trách ai cũng không quan trọng, kết thúc là kết thúc. Chẳng phải là mãi mãi không vẹn tròn sao?

********

Tôi vẫn một mình đứng trên lan can, cốc cà phê lạnh ngắt. 10 năm, tôi nhìn gió thổi qua khóm lá, nồng nàn đưa hương bay xa. Ngần ấy thời gian đủ đập tan khối băng trong ngực, tôi cũng tìm cho mình tình yêu mới, thời gian bên nhau có ngắn, có dài nhưng lạ thay, cứ đến mùa hoa ấy, tôi lại chìm trong kí ức về em. Tôi càng không dám nắm tay ai. Người ta nói, khi nào gặp nhau, ở bên bao lâu, yêu nhau thế nào không quan trọng. Quan trọng là khi người ấy rời đi, bạn mang người ấy trong tim được bao lâu? Mãi mãi không?

Tôi cũng không biết, nhưng cho đến giờ, người thật sự trung niên ế ẩm như tôi thi thoảng vẫn tựa cột, ngắm hoa, lẩm nhẩm vài câu thơ tôi tặng em ngày ấy:

" Mười năm trời thức trong tôi có mùi hương hoa sữa

Những bông hoa mang hình chớp lửa

Những bông hoa trắng ngát lưng trời..."

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật