Người đứng thứ hai

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Không ai nghĩ rằng Jeremy Bakewell lại là loại người có thể thực hiện một vụ án mạng. Đấy là vì họ không biết đến Constance Holliday. Chỉ vì cô ấy mà từ một người đàn ông tử tế Jeremy đã biến thành một kẻ giết người.
Người đứng thứ hai
Minh họa: Lương Xuân Đoàn.

Và tất cả mọi chuyện xảy ra chỉ trong vòng thời gian biểu diễn bản giao hưởng số 9 của Beethoven. Cả đời mình, Jeremy luôn là kẻ thứ hai. Anh được sinh ra vào ngày mùng hai tháng hai. Anh là em trai của một cặp sinh đôi. Và  bao giờ Jeremy cũng đứng thứ hai sau anh trai, James Bakewell. Cùng chơi vĩ cầm, nhưng James trở thành một nhạc công nổi tiếng thế giới, Jeremy chỉ là một thành viên vô danh trong Dàn nhạc giao hưởng Hoàng gia.

Đã hơn bốn mươi tuổi rồi mà Jeremy vẫn không thể nào thoát ra khỏi vị trí hàng vĩ cầm thứ hai. Tính cách nhút nhát của anh cũng khiến Jeremy mãi độc thân. Đã có thời điểm anh mê cô Lynette Cooper, một nhạc công đàn celt. Nhưng đến khi Jeremy lấy được đủ can đảm để ngỏ lời thì Lynette đã thành một cặp với anh Lothario chơi kèn saxophone.

Jeremy đón nhận tin này với sự thất vọng trong im lặng quen thuộc. Một người bạn duy nhất chia sẻ được với Jeremy là Martin Kemble, một nghệ sỹ sáo. Martin vừa có tài năng, vừa có tính hài hước, trái ngược hẳn với Jeremy. Tuy anh hay đùa, nhưng sau mọi trò cười của Martin đều có tình bạn dành cho Jeremy.

Một ngày nọ, trong khi dàn hợp xướng đang nghỉ giữa buổi tổng duyệt, Martin thì thầm vào tai bạn mình: “Này, cậu có biết là ông Alistair sắp nghỉ hưu không?”. “Làm sao lại thế được?!” - Jeremy ngạc nhiên thốt lên - “Alistair Lumley là một trong những tay vĩ cầm giỏi nhất nước Anh. Làm sao ông ấy có thể nghỉ hưu được?!”. “Tớ nghe nói cái bệnh thấp khớp của ông ấy tệ lắm rồi. Chẳng mấy chốc mà Alistair sẽ không cầm được cây đàn nữa!”.

Sau một  cái  hít sâu, Martin đặt tay lên vai bạn mình: “Tớ nghĩ đến lúc cậu thế chỗ Alistair ở hàng vĩ cầm đầu rồi đấy. Cậu ở hàng hai đã bao nhiêu năm nay rồi!?". “Tớ ư? Cậu nghĩ tớ có đủ khả năng không?”. “Không chỉ tớ nghĩ thế đâu, mà cả anh trai cậu nữa!”.

“James?”. “Ừ! Anh ta nói thế với tớ sau buổi chúng mình cùng biểu diễn hôm nọ!”. Jeremy trở nên bối rối. Anh vừa vui vì nhận được sự công nhận của James, vừa buồn vì anh trai không thể nói thẳng điều đó với mình.

 *

Nghe lời bạn mình, hai ngày sau đó Jeremy ngồi chờ trước cửa văn phòng của nhạc trưởng Tarquin Roebuck. Đấy là lúc anh gặp nạn nhân của mình. “Chào anh! Tôi là Constance Holliday!” - Người nữ nhạc công nở nụ cười kiêu ngạo - “Anh là…”. “Jeremy Bakewell!”.

“Em trai của nhạc công nổi tiếng James Bakewell?”. “Đúng vậy!”. Nụ cười trên môi Constance nở rộng hơn nữa, làm lộ ra hàm răng sắc nhọn: “Sống dưới cái bóng của anh trai mình chắc là khó chịu lắm nhỉ?”.

Nói xong Constance đi vào phòng nhạc trưởng. Cô ta là người cạnh tranh vị trí trên hàng vĩ cầm đầu với Jeremy. Tuy phải công nhận tài năng của Constance, Jeremy vẫn cảm thấy vô cùng tức giận trước thái độ coi thường mà cô ta đối xử với mình. Anh dùng chính cơn giận đó để làm động lực cho mình. Jeremy chơi bản concerto D minor của Sibelius với sự dữ dội của một người sắp chết đuối tìm cách bơi vào bờ. Đó là một trong ít những lần Jeremy âm nhạc trở thành một. “Voila!” - Nhạc trưởng Tarquin vỗ tay. “Vậy… Tôi sẽ nhận được vị trí của Allistair ư?” - Jeremy vừa thở dốc vừa hỏi. “Tôi rất tiếc, Jeremy à. Màn biểu diễn của anh và Constance ngang ngửa với nhau. Tuy vậy, Constance lại nhỉnh hơn anh một chút về mặt kinh nghiệm. Vả lại… Chà… Alistair trực tiếp đề cử cô ta với tôi!”. “Chẳng lẽ tôi không có cơ hội nào nữa?”.

Nhận ra sự thất vọng trên mặt Jeremy, vị nhạc trưởng an ủi: “Tôi sẽ ngay lập tức để anh lên hàng đầu một khi có chỗ trống!”.

*

Những ngày sau đó, Jeremy sống mà đầu óc như để đi đâu. Anh chỉ chợt tỉnh cơn mơ ngày sau mấy lời khiêu khích của Constance: “Nhà Bakewell đã có một nhạc công thiên tài rồi. Có thêm một người nữa thì thật không công bằng. Anh được ngồi ở hàng thứ hai là tốt lắm rồi còn gì!”.

Jeremy không phải là người duy nhất khó chịu với Constance Holliday. Mọi người trong dàn nhạc cũng cảm thấy như anh. Chỉ nhờ có tài năng thiên bẩm mà cô ta mới giữ được vị trí của mình. Một buổi biểu diễn nọ, trong khi những ngón tay của Constance đang kéo cây vĩ theo bản giao hưởng số 9 của Beethoven, Jeremy lại một lần nữa phải công nhận tài năng mà cô ta may mắn có được. Anh đi đến kết luận rằng cách duy nhất để đẩy Constance đi là phải giết cô ta.

Thế nhưng làm thế nào để giết chết Constance Holliday?! Biết bao nhiêu ý tưởng nảy lên trong đầu Jeremy, từ khí gas, cyanua đến rắn độc. Jeremy xem xét từng ý tưởng một trong khi phải hứng chịu sự kiêu ngạo và độc ác của Constance hằng ngày, lấy sự xúc phạm nuôi ngọn lửa trong lòng mình.

Cơ hội cuối cùng cũng đến khi cả dàn giao hưởng có một buổi công diễn ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Sau buổi biểu diễn, các nhạc công được tự do nghỉ ngơi vài ngày. Jeremy, Constance và một nhóm đồng nghiệp thuê một con thuyền để thăm vịnh Bosporus. Tuy vậy, một chiếc thuyền là không đủ, nên Jeremy và Constance đành ngồi trên con thuyền thứ hai.

Ngồi còn chưa nóng chỗ, Jeremy đã hỏi: “Constance, cô có biết bơi không?”. “Không! Bàn tay tôi đẹp thế này thì sao lại cho ngâm nước được!” - Người nữ nhạc công giơ những ngón tay thanh mảnh của mình lên - “Mà này, tôi nghe anh trai anh nói là sự nghiệp của anh đang thụt lùi?”. “James ư?” - Jeremy lơ đãng trả lời. Anh còn đang mải lên kế hoạch giết người. “Đúng vậy! Hai anh thật chẳng giống một cặp sinh đôi chút nào!”. “Vậy à?”. “Những giải thưởng của anh trai anh nhiều không kể. Còn anh thì không có nổi một cái huy chương!”.

Nếu như bình thường thì Jeremy đã giận đến mức không nói nên lời. Tuy thế, trên mặt anh lại không hiện ra bất kỳ cảm xúc nào. Anh bình thản hỏi mượn chiếc máy ảnh đeo trên cổ Constance, rồi ngỏ lời chụp cho cô ta một bức hình kỷ niệm. “Cô làm ơn lùi về phía sau một chút!”. Lúc này Constance đang chống tay vào hông đứng ngay sát thành tàu. Cô ta ngần ngại: “Tôi phải đứng đâu đây?”.

“Cứ ngồi lên lan can tàu ấy!”. “Như thế thì nguy hiểm quá. Lỡ tôi ngã xuống nước thì sao?”. “Không sao, không sao. Cô chỉ cần ngồi như thế này là được!”.

Jeremy giả vờ giúp Constance chỉnh tư thế ngồi của mình, rồi lấy tay đẩy cô ta về phía sau. Đang ngồi trên lan can chiếc tàu tròng trành nên chỉ một cái đẩy nhẹ cũng khiến Constance rơi xuống nước. Làm xong việc đó, Jeremy kêu toáng lên: “Cứu! Cứu! Có người ngã khỏi tàu!”. Mấy người thuỷ thủ và hành khách khác trên tàu ngớ người quay sang nhìn Jeremy, vẻ như không hiểu chuyện gì vừa xảy ra.

“Cứu bạn tôi với! Cô ấy ngã xuống nước rồi!” - Jeremy vừa hét vừa lấy tay ném những cái phao xuống nước. Anh cố ý ném chúng càng xa chỗ Constance ngã xuống càng tốt. Trong đầu Jeremy cứ đinh ninh rằng chắc hẳn người nữ nhạc công đã chết chìm rồi. Cô ta không biết bơi, mà lại còn mặc váy nữa nên thể nào cũng sẽ chìm xuống nước như tảng đá.

Thế nhưng Jeremy đã nhầm. Làn gió đem đến bên tai anh tiếng kêu cứu của Constance: “Cứu tôi với! Jeremy! Cứu tôi với!”. Chỉ vì tiếng kêu đó mà chân Jeremy đông cứng lại. Anh hết nhìn về phía sau tàu, rồi lại nhìn xuống chiếc phao cuối cùng trên tay mình. Nếu mà Constance chết đuối hôm nay, thì nhiều thứ sẽ mở ra với Jeremy, nhất là vị trí trong hàng vĩ cầm đầu tiên. Không ai nhìn thấy anh thực hiện tội ác, còn các đồng nghiệp của Jeremy chắc cũng sẽ không tra hỏi anh vì ai cũng ghét Constance cả.

Tuy vậy, tiếng kêu cứu văng vẳng trong tai lại đánh thức một ngọn lửa le lói trong lòng Jeremy, ngọn lửa của sự dũng cảm, quyết đoán và vị tha. Sau một tiếng chửi thề, người nhạc công lấy hết can đảm của mình ôm lấy cái phao mà nhảy xuống biển. Vì quen bơi từ nhỏ mà chẳng mấy chốc anh đã đến được chỗ Constance đang vùng vẫy, choàng cái phao lên người cô, rồi sau đó kéo cô ta về con tàu trong sự hò reo cổ vũ của đám đông.

Trong khi cả hai người được kéo lên tàu, Jeremy thầm chửi mình. Thể nào Constance cũng sẽ khai với cảnh sát rằng anh đã đẩy cô ta xuống nước. Thế là toi đời sự nghiệp của anh, rồi lại còn thêm mấy chục năm trong tù nữa. Giá như anh cứ để Constance chết đuối thì đâu đến nỗi. Thế nhưng một khi Constance mở mắt sau khi được làm hô hấp, cô ta ôm chầm lấy cổ Jeremy và lặp đi lặp lại: “Người hùng của em!”.

Và thế là lần đầu tiên trong đời, Jeremy trở thành tâm điểm chú ý. Một khi dàn giao hưởng nghe thấy tin anh cứu sống Constance, họ sẽ vây lấy anh. Đàn ông  sẽ  bắt tay anh; còn đàn bà thì hôn má anh. Nhạc trưởng Tarquin rơm rớm nước mắt cứ vài phút lại ôm lấy anh. Còn Constance, đôi má vẫn còn đỏ au, nháy mắt luôn với anh - và Jeremy cuối cùng cũng nhận ra cô ta xinh đẹp đến mức nào.

Giữa khúc khải hoàn, Martin choàng tay qua vai bạn mình và thì thầm vào tai anh: “Jeremy, thể nào cậu cũng lên báo đấy!”. “Thật ư?”.

*

Lại một lần nữa Martin đoán sai tương lai vì những lý do không ai ngờ đến. Nội trong ngày Jeremy cứu sống Constance, một trận động đất tàn phá miền đông Thổ Nhĩ Kỳ, một cuộc đảo chính bất thành xảy ra ở Ankara, và đại diện của đất nước này đi dự cuộc thi ca sỹ Eurovision giành giải nhất. Đó là tất cả những điều mà báo chí Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm đến. Jeremy lật qua lật lại những tờ báo nhưng không tìm thấy một chữ nào về hành động dũng cảm của mình.

Constance cố tìm cách động viên Jeremy: “Anh thử tìm kỹ lại đi. Biết đâu người ta lại viết về anh ở trang thứ hai tính từ mặt sau đi lên?”.

Jeremy sẽ không ngạc nhiên đâu nếu điều đó xảy ra.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật