Ứng xử thế nào khi sếp quản lý kiểu “vi mô”?

Duongnguyen Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hiểu một cách nôm na, quản lý vi mô chính là cấp trên giám sát và điều khiển chặt chẽ mọi công việc của cấp dưới. Làm việc với kiểu sếp này, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy áp lực và mất dần đi sự sáng tạo cũng như hứng thú trong công việc. Vậy làm sao để “sống sót” với cách quản lý này? Hãy cùng tham khảo một số mẹo nhỏ dưới đây nhé.
Ứng xử thế nào khi sếp quản lý kiểu “vi mô”?
Ảnh minh họa

Cố gắng đứng trên lập trường của người quản lý

Mỗi công ty, mỗi lĩnh vực sẽ có những công việc khác nhau, mỗi vị sếp quản lý cũng sẽ có những cách quản lý khác nhau. Để đứng được ở vị trí này, chắc hẳn cấp trên của bạn đã trải qua nhiều thử thách và hiện tại cũng chịu nhiều áp lực trong công việc. Nếu họ đã chọn cách quản lý này thì chắc hẳn sẽ có lí do riêng. Hãy cố gắng tìm hiểu nguyên nhân khiến sếp có hành vi như thế. Bằng cách tự nhắc mình “Có lẽ sếp đang chịu quá nhiều áp lực!”, “Đây là thói quen quản lý của sếp!” hay bạn có thể nghĩ rằng việc quản lý vi mô chính là xuất phát từ việc sếp đặt nhiều kỳ vọng vào mình. Sự thấu hiểu, đồng cảm sẽ giúp bạn thoải mái chấp nhận sự thật, cũng là để mối quan hệ giữa sếp và nhân viên xích lại gần nhau hơn.

Chứng minh rằng bạn là người đáng tin cậy

Chứng minh điều này bằng cách đơn giản là cập nhật thông tin thường xuyên tiến độ công việc để người quản lý biết bạn đang làm gì, gặp những khó khăn hay thuận lợi nào. Bên cạnh đó, hãy cố gắng hoàn thành tốt tất cả các nhiệm vụ được giao. Nếu đạt được điều nay, người quản lý cũng dần hiểu rằng bạn không cần phải bị giám sát thường xuyên.

Rèn luyện tính cẩn thận, tỉ mỉ

Đây là điều mà bất cứ nhà tuyển dụng nào cũng mong muốn có được ở ứng viên và là yếu tố bạn cần có để thích nghi với sếp quản lý vi mô. Hãy từng bước nắm bắt tính tình, cũng như những yêu cầu hàng ngày của sếp, thực hiện tốt nhất những yêu cầu mà ngay cả khi sếp chưa kịp nói với bạn. Ví dụ như khi sếp muốn bạn nắm thông tin về số lượng khách hàng đến công ty trong ngày mai, thay vì chỉ đi lấy con số sếp cần, bạn nên tìm hiểu thêm thời gian khách ghé thăm, khách sạn khách sẽ lưu trú, sở thích hay thói quen mỗi ngày của khách hàng… Hãy tự mình dự đoán được yêu cầu, cũng như câu hỏi sếp có thể đặt ra. Sự chủ động này sẽ khiến cho bạn có nhiều “điểm cộng” trong mắt sếp.

Tuân thủ các quy tắc

Thực tế rằng nhân viên không thể thay đổi cách quản lý của sếp, nhưng hoàn toàn có thể thay đổi thái độ của họ từ việc chủ động tuân thủ các quy tắc. Bởi chung quy điều sếp cần ở nhân viên chính là “trách nhiệm – uy tín”. Việc sếp quản lý vi mô cũng chính là thử thách để bạn phát triển nghề nghiệp, tự cảm nhận được mình là một phần của tổ chức. Đó là “chiến thuật” cần thiết để nhân viên cùng nhà quản lý phát triển, nâng cao năng suất.

Góp ý khi thích hợp

Quản lý vi mô thường tác động rất tiêu cực đến nhân viên, làm họ xuống tinh thần, thiếu tự tin, kìm hãm sự sáng tạo. Nhưng thường các nhà quản lý không thể nhận ra hành vi của họ ảnh hưởng đến nhân viên như thế nào.

Nếu bạn cảm thấy rằng cách quản lý vi mô của sếp đang ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành công việc, thì hãy giải quyết vấn đề một cách nhẹ nhàng và kín đáo. Bạn cần giải thích một cách lịch sự rằng hành vi của họ khiến bạn cảm thấy không thoải mái cùng với một số ví dụ cụ thể. Bạn cũng nên thể hiện rằng bạn có thể hoàn thành công việc hiệu quả hơn khi cảm thấy được trao quyền và làm việc độc lập. Với một thái độ chân thành và trân trọng, cuộc trò chuyện này thực sự có thể cải thiện tình hình của bạn.

Mọi thứ sẽ không thể thay đổi chỉ sau một đêm, nhưng theo thời gian các chiến lược này sẽ giúp bạn không cảm thấy khó chịu với việc quản lý vi mô, mối quan hệ công việc của bạn và sếp trở nên dễ chịu hơn đồng thời năng cao được hiệu suất làm việc. Chúc bạn thành công!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật