Miền yêu dấu

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bố tôi là một ông y sỹ sản khoa lãng mạn. Bố chơi đàn măng đô lin rất hay và đánh bóng bàn rất giỏi. Năm tôi 5 tuổi, bố vót một đôi que đan bằng cật tre và mua một cuộn len để dạy tôi đan. Ngón tay vụng về của tôi nhể từng mũi len, bố im lặng ngồi bên cạnh. Bố không dạy đàn cho tôi.
Miền yêu dấu
Minh họa: Đào Quốc Huy.

Bạn của bố có chú Thanh, chú kém bố nhiều tuổi. Chú là thầy giáo dạy văn. Chú thường đến nhà tôi chơi. Bố pha một ấm trà rồi hai người ngồi nói chuyện. Câu chuyện của bố và chú không rổn rang. Hai người thường ngồi trầm ngâm, chú nói năng nhỏ nhẹ thành ra bố tôi cũng nhẹ giọng. Bố tôi thường nói đến những câu chuyện to tát.

17 tuổi tôi lên Thủ đô học đại học. Một chân trời mới mở ra trước mắt. Tôi bỏ lại sau lưng những câu chuyện từng nghe lỏm được của bố và chú Thanh. Chú đang có mơ ước tự tay dóng máy tuốt lúa cho bà con nông dân đỡ vất vả phải kéo trục đá. Câu chuyện đó quá xa vời đối với tôi. Tôi học để trở thành cô giáo dạy văn.

Một năm tôi chỉ về nhà vào dịp Tết và hè. Cũng không xa xôi gì lắm nhưng chúng tôi phải chăm chỉ học hành cho tương lai. Mỗi lần về nhà trong câu chuyện của bố mẹ thường có tên chú Thanh. Bố nói, không có chú Thanh kèm cho thì làm sao thằng Bình nhà mình thi được vào cấp ba.

Tôi bắt đầu ấn tượng về chú Thanh. Vào quãng tôi học năm thứ ba, bỗng một hôm bố đi xe cấp cứu của bệnh viện vào trường đón tôi về nhà. Lần đầu tiên được đi xe riêng, dẫu là xe cấp cứu tôi có cảm giác rất oách. Tất cả các phòng của ký túc xá đều ngó cổ ra nhìn cái xe, có một con bé áo vàng buộc hai bím tóc bằng nơ đỏ, miệng mỉm cười rõ tươi ưỡn ngực bước lên xe. Bác Cấp ở cùng dãy tập thể nhà tôi lái xe cấp cứu. Bác thân thiết với nhà tôi. Tôi thường hay vác rá sang nhà bác vay gạo. Trên xe cấp cứu có ba bình ô xi.

Ngày đó tôi rất sợ cái bình ô xi này, tôi chỉ sợ nó phát nổ. Chúng tôi đi vòng lên phố, qua đường Láng như đi vào một khu rừng, hai bên đường rặng cây xà cừ to cao sừng sững. Làng Vạn Phúc xanh rợp bóng tre và ù ù tiếng máy tiện.

Dường như bố tôi đã quen thuộc với nơi này. Bố không cần hỏi đường. Bố đến đúng nhà cần đến. Bố nói tôi cứ ngồi yên trên xe. Chủ nhà khuân những cục sắt nặng cho vào xe cứu thương. Bố tôi trả tiền cho chủ nhà. Xong việc, xe cứu thương bon bon về nhà. Những cục sắt đó được bố tôi để dưới gậm giường. Tôi hỏi bố ậm ừ không nói.

Bốn năm học đại học như một giấc mơ đẹp, để khi tỉnh giấc mơ, chúng tôi đều nuối tiếc. Tôi ở lại Thủ đô để tìm việc. Tôi cùng cô bạn thân thuê nhà trọ rồi xin đi dạy học, nhưng nơi nào cũng đã đủ giáo viên. Chúng tôi kiếm sống bằng cách đi dạy kèm học sinh tại nhà. Hai đứa vạ vật ở Thủ đô gần hai năm thì oải. Hương về quê Lạng Sơn còn tôi về Nam Định. Bố xin cho tôi vào dạy văn ở một trường cấp hai. Tôi vẫn sống cùng với bố mẹ, hai đứa em sau tôi, một đứa học đại học, một đứa đi bộ đội.

Tôi đã chững chạc nên thường được bố giao việc tiếp khách thay bố mẹ. Câu chuyện mơ hồ về chú Thanh và những cục sắt dưới gậm giường trở nên rõ rệt. Chú Thanh đã thực hiện được giấc mơ. Chú đã đóng được máy tuốt lúa đạp chân để bán cho bà con nông dân. Những cục sắt bố để dưới gậm giường chính là cái trục của máy tuốt lúa. Chú Thanh chỉ cho bố nơi bán cái trục đó để bố kết hợp đưa bệnh nhân lên Hà Nội rồi khi về thì mua trục. Mỗi lần kết hợp như thế cũng có được chút tiền bằng cả tháng lương của ông y sỹ.

Mấy bận chú Thanh đến, bố mẹ đi vắng chỉ mình tôi ở nhà chú vẫn vào ngồi chơi. Tôi pha trà mời chú. Chú hỏi tôi:

- An có thích công việc của mình không?

- Hình như là không chú ạ.

- Tại sao lại hình như?

- Tất cả mọi thứ đều mơ hồ chú ạ.

- Vậy cháu thích làm gì nhất?

- Đọc sách thôi. Không bao giờ chán.

Bận sau chú đến mang cho tôi một chồng sách. Những cuốn sách không còn mới nữa.

- Chú không biết cháu có thích chúng không? Những cuốn sách này chú đã đọc và yêu thích chúng nên giữ lại.

Tôi đọc những cuốn sách của chú quên ăn quên ngủ. Ác xê nhia găm vào trí não của tôi như thể tôi sờ mó được cô ấy.

Lần sau chú đến tôi gom những cuốn sách lại để trả cho chú. Chú nói, cháu thích thì giữ chúng lại đi, có lẽ chú đã già để giữ lại chúng. Tôi cười lớn, chú còn đẹp trai thế kia cơ mà, ối cô phải lòng chú đấy. Chú cũng cười lớn. Chú tặng cho tôi một cuốn sổ tay rất đẹp.

- Để cháu chép thơ vào đấy nhé.

- Ối sao chú biết ạ.

- Cháu đã cho nó vào những cái lọ pê ni xi lin rồi cất trong hòm quần áo đúng không?

- Lại bố cháu tìm thấy rồi. Xấu hổ chết đi được.

Ngày ấy những căn nhà luôn mở cửa, điện mất thường xuyên. Tôi ngồi buồn như chiều tháng Mười, ngọn đèn dầu hất lên trán một quầng sáng đỏ. Tôi vẫn không biết tôi đang cần gì.

Tiếng bố vang lên phía cửa:

- Chú Thanh vào nhà đi, sao cứ đứng đấy.

- Em vừa đến thấy mất điện nên ngại vào nhà.

- Cứ vào đi, tí nữa là có điện ấy mà. Vào đi.

- Thôi em về, lần sau em qua.

Chú Thanh dứt khoát không vào nhà chơi, bố lầm bẩm, cái chú này lạ ghê, đến cứ đứng ở cửa không vào nhà.

Tôi vẫn đều đặn lên lớp giảng bài cho học sinh theo giáo án đã soạn sẵn. Tôi dạy các em phải biết ước mơ trong khi chính tôi lại không biết tôi đang muốn gì. Thậm chí tôi còn không biết mơ tưởng đến một chàng trai nào như các cô gái cùng trang lứa.

Bố mẹ tôi về quê mấy hôm để lo việc xây mộ cho các cụ, chỉ mình tôi ở nhà. Đã hơn tám giờ tối, nhiều nhà đã đóng cửa đi ngủ. Tôi vẫn mở bung hai cánh cửa. Tôi ngồi ở bàn uống nước, để ngọn đèn dầu hạt đỗ hất quầng sáng lên mặt. Lại một tối mất điện. Tôi ngồi xem những bức ảnh của mình.

Chú Thanh bước vào nhà. Tôi đứng dậy đi pha nước. Chú bảo:

- Tối rồi chú không uống nước trà đâu, khó ngủ.

Tôi ngồi xuống thu hai tay vào lòng, hai vai tôi so lại, bóng tôi đổ dài trên tường như một cái cây cớm nắng.

- An đang xem gì đấy?

- Những bức ảnh cũ.

- Cho chú xem với.

Tôi chuyển cho chú những bức ảnh.

- Cháu cười xinh tệ.

Tôi thở dài.

- An muốn gì?

- Cháu không biết.

- Hay lấy chồng đi thôi.

- Không muốn.

- Hít thật sâu và hỏi xem mình muốn gì nào?

- Có thật dễ vậy không chú?

- An này, cháu có muốn đi chơi với chú không? Sáng mai sáu giờ cháu đứng chờ chú ở cột điện trước cửa chợ Rồng nhé.

- Vâng, cháu sẽ đi chơi với chú. Cháu sẽ đi. Nhưng đi đâu ạ?

- Chúng ta sẽ ra biển. Đồ Sơn nhé. Chúng ta sẽ đi bằng xe máy.

Đêm tôi ngủ ngon, không nghĩ nhiều về chuyến đi sáng mai.

Đúng sáu giờ sáng mới lác đác vài người ra phố. tiết thu se se lạnh. Tôi gọn gàng trong quần bò áo sơ mi dài tay, tóc cột cao, lưng đeo ba lô. Tôi ngửa mặt lên trời để nhìn những tia nắng khỏe khoắn đang chọc thủng đám mây xốp chiếu những tia đầu tiên trên mặt đất. Tôi cứ đứng, đứng rất lâu trên mặt đất và chú đã không đến.

Tôi về nhà, không một cảm xúc. Không buồn, không vui, không tức giận, không oán trách… tôi thờ ơ.

Tôi còn ở nhà mình một năm nữa chú Thanh không đến lần nào, tôi cũng không hỏi bố về chú Thanh. Tôi bắt đầu viết những bài thơ mà không giấu vào lọ pê ni xi lin. Tôi gửi chúng lên tòa soạn báo. Những bài thơ của tôi đã được đăng báo. Tôi viết những truyện ngắn. Trước khi dời nhà, như tình cờ tôi hỏi chuyện bố về chú Thanh.

- Bố ơi, sao lâu lắm chú Thanh không đến nhà mình chơi bố nhỉ.

- Chú ấy về quê chú ấy rồi.

- Về quê lấy vợ ạ?

- Con này láo nào, chú ấy lấy vợ từ đời tám hoánh. Cô ấy xinh đẹp nhưng lại vô sinh. Cách đây khoảng một năm, bố xin cho cô chú ấy một đứa con gái xinh lắm. Mẹ nó hoang thai bỏ nó lại tại bệnh viện.

- Quê chú ấy ở đâu ạ?

- Ở Hà Nội. Con trai Hà Nội gốc đấy. Giỏi giang, chăm chỉ, tử tế.

Tôi thành nhà văn. Tôi đã biết con đường mình đi như thế nào. Tôi đã biết con đường của một tác phẩm như thế nào. Tôi đã gặp một người đàn ông tôi ngưỡng mộ và lấy làm chồng. Tôi có ngôi nhà của mình và những đứa con. Tôi có hộ khẩu ở Thủ đô. Nhưng tôi không bao giờ muốn chối bỏ gốc gác. Tôi đưa gốc gác đó vào tác phẩm của mình như một thứ đặc sản. Hơn 20 năm tôi rời ngôi nhà của mẹ thì bố mất, tôi chưa một lần hỏi bố về chú Thanh.

Tôi đang viết truyện ngắn về một cô bé tuổi mới lớn trong sáng hồn nhiên. Tình yêu đầu tiên của cô là một người đàn ông lớn tuổi, một người đàn ông từng trải. Ở ngoài đời có biết bao nhiêu nguyên mẫu về cái gọi là tình yêu như thế, họ chỉ lợi dụng nhau. Các cô gái mới lớn thì cần có tiền tiêu xài, đàn ông già thì lợi dụng tấm thân trẻ. Chẳng được mấy nả thì tan. 

Tôi muốn viết một câu chu‌yện tìn‌h thật sự, một tình yêu thật sự. Tôi tìm đến những nhân vật có thật ngoài đời, họ chênh lệch tuổi như nhân vật của tôi đang dựng và vẫn sống với nhau có vẻ là hạnh phúc. Họ đã kể về câu chu‌yện tìn‌h của mình, về định kiến của xã hội, về rào cản từ gia đình. Để cuối cùng đến được với nhau thì tình yêu cũng đã hao gầy. Đó còn chưa kể đến sự khác biệt về tuổi tác quá lớn cũng ảnh hưởng đến tâm sin‌ּh l‌ּý, có được cái gọi là hạnh phúc ấy thì có hơn một người đã phải hi sinh bản ngã... 

Bỗng nhiên tôi lại nhớ đến chú Thanh. Có một hình ảnh sáng lóe trong trí não của tôi. Ngày ấy khi tôi đứng ở trước cửa chợ Rồng chờ chú Thanh đến đón, tôi cứ đứng mãi đứng mãi cho đến khi không thể đứng được nữa, tôi đã quay về. Khi tôi quay đầu bước đi thì ở phía bên kia đường có một người đàn ông dắt chiếc xe Simson màu đỏ cứ đứng nhìn theo. Bóng tôi khuất rồi ông vẫn đứng nhìn theo.

Truyện ngắn đó đã đổ, tôi không biết viết nó theo cách nào.

Tôi là dân ngụ cư nhưng tôi yêu thành phố này biết bao nhiêu. Tôi mê đắm hàng cây trên phố. Những ngày thu tôi thả bước chân vô định trên một con phố dài. Tôi gặp vô vàn những gương mặt, lẫn trong những gương mặt đó có thể có người tôi đã từng thân quen.

Nhưng chưa một lần tôi muốn được gặp lại. Chú đã tan vào tuổi thơ tươi đẹp của tôi thành một miền yêu dấu.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật