Sóng

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tại sao một đất nước tươi đẹp như Nhật Bản mà vẫn không thể quyến rũ được ông nội nhỉ? Đã có lần tôi tự hỏi như vậy, và mỗi khi cha con tôi nhắc đến chu‌yện ấ‌y, ông nội chỉ cười, rồi bảo: “Ông như con sóng đã bạc đầu trên con sông quê hương rồi, bây giờ mà lạc vào dòng sông lạ, chắc là khó ở lắm”.
Sóng
Minh họa: Phạm Minh Hải

Ông nội dắt tôi đi trên con đường nhỏ. Hai bên đường, những cây Yamazakura (*) trụi lá đang run rẩy trong cái rét tê tái. Chỉ còn vài ngày nữa là tới Noel. Mùa giáng sinh năm ấy, đất trời phủ trắng một màu. Những tuyết là tuyết!

Tiếng chuông nhà thờ thong thả rung từng hồi.

Ngày lại ngày, cũng vào giờ ấy, tiếng chuông nhà thờ lại men theo con đường vắng lặng, luồn qua từng cành tuyết lạnh buốt của mùa đông, hoặc những chùm lá xanh mướt của ngày hè, ngân xa mãi, rồi đọng dần trong tôi, để sau này trở thành một ký ức không thể nào quên.

“Ông nội ơi, ở Hà Nội có nhà thờ không?” - Tôi hỏi.

“Có chứ!” - Ông nội trả lời.

Tôi lại hỏi:

“Thế ông nội có đi lễ ở nhà thờ không?”.

Ông nội mỉm cười, nói:

“Ông chỉ lễ Tổ tiên trên bàn thờ nhà mình thôi con ạ!”.

Tôi không hiểu “Tổ tiên” là gì? Tại sao mọi người đi lễ ở nhà thờ, mà ông nội thì chỉ lễ “Tổ tiên” trên “bàn thờ” nhà mình thôi? Mà “bàn thờ” là cái gì, tôi cũng đâu có biết. Đứa trẻ mới tí tuổi đầu như tôi, lại theo ba mẹ rời quê hương từ lúc mới bập bẹ biết nói thì có nhiều thứ để mà ngỡ ngàng lắm. Cái việc người ta đi lễ ở nhà thờ cũng là do ba kể cho tôi khi bất chợt nghe tiếng chuông nhà thờ vọng đến. 

Cũng may là ba mẹ còn biết giữ gìn cho tôi được cái tiếng nói của người Việt mình. Để sau này, tôi mới hiểu được, “Tổ tiên” là cội nguồn của mỗi con người. Những người theo đạo Thiên chúa không thờ cúng “Tổ tiên”. Họ quan niệm, khi chết, linh hồn sẽ được lên Thiên đàng, được về với nước Chúa. Đó là hạnh phúc sau cùng của một kiếp đời đầy khổ hạnh mà mỗi con chiên ngoan đạo đều được Chúa ban thưởng.

Ông nội thấy tôi ngơ ngác, đưa tay xoa đầu tôi, bảo:

“Bao giờ lớn lên, con sẽ hiểu!”.

Quả nhiên, khi lớn hơn một chút thì tôi hiểu được rất nhiều điều về tập tục đi lễ. Dù đi lễ ở nhà thờ hay lễ “Tổ tiên” trên bàn thờ nhà mình, mọi người đều mong muốn được phù hộ cho bản thân và con cháu những điều may mắn. Tôi còn hiểu, người ta đi lễ không chỉ để cầu mong sự may mắn, mà còn để hướng cho cái tâm của mình đến với cái thiện, chỉ nên làm những điều thiện. Đó là mục tiêu cao cả nhất mà các bậc tối cao trên trời muốn dẫn dắt cho con chiên, Phật tử của mình đi tới…

Vào dịp Tết năm ấy, nhà tôi cũng gói bánh chưng. Ông nội đã mang lá dong và một thứ dây buộc từ Hà Nội sang. Tôi thấy mọi người trong nhà gọi đó là “cái lạt”. Gói bánh chưng mà không có lá dong và cái “dây lạt” ấy để buộc thì chẳng còn ra thể thống gì nữa. Tôi hết nhìn cái “dây lạt” lại nhìn những tàu lá dong đã được cắt vuông vức, rồi hỏi ông nội:

“Có phải ông nội trồng cây lá dong và “cây lạt” trong vườn nhà mình không?”.

“Không! Cây lá dong và cây nứa để chẻ lạt đều mọc ở rừng cả con ạ!” - Ông nội cười, trả lời tôi.

Quả thực, ở Nhật Bản, cho đến tận khi trưởng thành tôi vẫn chưa nhìn thấy cây “lá dong”, và nhất là cái “dây lạt” như vậy bao giờ.

Chả thế mà suốt cả tuổi thơ, tôi cứ hình dung chỗ mọc lá dong và loại cây để làm ra thứ “lạt” buộc bánh chưng kia chắc là phải xa lắm. Đó là một khu rừng lơ lửng tận phía chân mây lúc nào cũng ướt đẫm hơi sương và đầy bí hiểm. Có thế nên những người lớn trong nhà tôi mới bảo gói bánh chưng là không thể thiếu nó. Nếu thiếu nó thì vẫn gạo, vẫn thịt, vẫn đậu đầy đủ cả đấy mà cũng không thể thành bánh chưng được.

Cả nhà tôi háo hức ngồi chờ bánh chín. Tôi cũng được hưởng cái không khí của cả nhà mà háo hức theo, chứ lúc ấy thì tôi còn chưa rành lắm về cái Tết âm lịch của người Việt mình. 

Lúc vớt bánh, mẹ bóc, cả nhà ai cũng bảo ngon chả kém gì bánh chưng gói ở Việt Nam. Chỉ một vấn đề nho nhỏ thế thôi cũng đã gây cho tôi sự tò mò. Khi lớn hơn một chút thì tôi đã đặt nó thành một vấn đề và tự lý giải. Tại sao cũng là cái bánh chưng, dù làm ra ở Nhật Bản hay ở Việt Nam thì có gì khác nhau mà mọi người phải đem ra so sánh, nhận xét như thế? Tại sao không so sánh người này làm ngon hơn người kia cho cụ thể, mà lại hợp với cách đặt vấn đề? 

Rốt cuộc thì tôi cũng hiểu được. Lúc hiểu được thì mới thấy đó là điều không nhỏ tí nào. Hình tượng cái bánh chưng của người Việt được xây dựng bắt nguồn từ quan niệm rất cổ xưa, mang đậm tính nhân văn và mang cả tâm hồn của mỗi người Việt trong đó, không có gì thay thế được. Ngày Tết, người Việt lớn tuổi ở hải ngoại bóc bánh chưng mà vui, mà buồn, có người còn rơi cả nước mắt nữa.

Tôi nhìn cái bánh đã được bóc lá, xanh mượt, mùi thơm dìu dịu tỏa ra. Ông nội bảo, mùi thơm đó là hương của lúa. Tôi thèm đến nỗi ứa cả nước miếng. Ba, mẹ và cả tôi đều rất vui vẻ thưởng thức hương vị đặc sản quê nhà. Nhưng lúc ấy, tôi lại thấy hình như ông nội đang rất trầm tư. Hình như ông nội đang buồn thì phải? Về sau này, mỗi khi nhớ lại, tôi còn nhận thấy trong khóe mắt của ông lúc ấy chứa đựng một điều gì ẩn ý, sâu sắc lắm…

*

Sau Tết, tuyết tan. Mùa Xuân trở nên ấm áp, hoa Anh Đào bắt đầu nở rộ xung quanh nơi gia đình tôi định cư. Nhân dịp ấy, ba đưa ông nội và tôi tới thăm cung điện Hoàng gia. Ba bảo:

“Ai đến Tokyo mà không một lần tới thăm thú cái di tích nổi tiếng của đất nước quốc đảo này thì thật uổng!”.

Cung Hoàng gia Nhật Bản nằm ở trung tâm Thủ đô Tokyo. Từ nhà tôi đi tàu điện ngầm cũng phải mất tới gần nửa tiếng đồng hồ. Lúc ngoi lên được mặt đất, ông nội quay đầu nhìn xuống phía dưới, thấy sâu hun hút thì có vẻ kinh ngạc lắm. Ông bảo:

“Cứ như cả đàn kiến dưới lòng đất chui lên vậy!”.

Sở dĩ ông nội có sự ví von như thế là bởi ga tàu điện ngầm ở trung tâm Tokyo quá lớn. Kiến trúc không khác gì một thành phố hiện đại nằm sâu dưới lòng đất tới gần trăm mét. Đường tàu điện trên tất cả mọi ngả của đất nước đều đổ dồn về nơi này. Người đông như nêm. Rồi từng hàng người nối nhau trên thang máy băng chuyền để lên được mặt đất.

Hồi ấy, dù tôi có thông minh đến mấy thì cái đầu còn hết sức non nớt của tôi cũng không thể đủ tần suất để nạp hết được tất cả những gì đã xảy ra ở xung quanh. Nhưng có những chi tiết trong chuyến đi thăm Hoàng cung thì tôi không thể nào quên được.

Vừa đến cổng thành, ông nội dừng lại hồi lâu nhìn dòng sông xanh biếc bao quanh khu Hoàng thành. Tôi thấy ông cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Mặc dù còn nhỏ, nhưng tôi đã rất nhạ‌y cả‌m mỗi khi ông nội thay đổi vui buồn trên nét mặt. Tôi nắm tay ông nội, lắc lắc, rồi hỏi:

“Ông nội làm sao thế?”.

“Ờ… ờ… ông không làm sao cả!”.

Ông nội bị tôi ngắt dòng cảm xúc đột ngột thì giật mình, vội nói ừ ào cho qua chuyện rồi chỉ xuống dòng sông, nói:

“Hồi còn nhỏ, mỗi lần đi chăn Trâu, ông vẫn thường ra con sông chảy qua đầu làng ở quê mình để tắm. Dạo ấy, nước sông cũng trong vắt, chẳng kém gì con sông ở Hoàng cung này!”.

Tôi vểnh tai nghe. Thấy ông nội nói tới “con trâu” thì lấy làm lạ ghê lắm. Tivi, phim ảnh, vi tính, dạo ấy tôi sử dụng máy tính để chơi trò khá thành thạo đã giúp tôi biết được rất nhiều loài động vật, từ hổ, báo, gấu, voi, thỏ, hươu, nai, bò, dê, khỉ, chuột, ngựa… thậm chí cả những loài chỉ có ở châu lục Đen như sư tử, tê giác, nhưng con trâu thì tuyệt nhiên chưa một lần tôi được may mắn nhìn thấy.

Tôi hỏi:

“Con trâu nó như thế nào hở ông?”.

Ông nội tả về con trâu cho tôi nghe. Ông còn giảng giải cho tôi biết chuyện con trâu ở Việt Nam chuyên dùng để cày ruộng như thế nào. Vậy là tôi lại có thêm một sự ngạc nhiên nữa. Tôi nhớ lại, dạo gia đình tôi còn định cư ở thành phố Kanazawa. Hồi đó, tôi hay được ba mẹ cho ra vùng ngoại ô chơi. Ba có bạn người Nhật rất thân là bác Yasushi Canab Ono.

 Bác Ono làm ở Công ty Xuất nhập khẩu lao động Việt Nam tại Nhật Bản. Nhà bác Ono có ruộng vườn rộng lắm. Chính vì thế mà tôi đã có dịp được xem người nông dân Nhật Bản trong công việc gieo trồng như thế nào. Khi nghe ông nội kể chuyện về con trâu kéo cày thì tôi không làm sao hình dung nổi.

“Ông nội ơi, thế ông nội có phải đi cày cùng con trâu không?” - Tôi lại hỏi ông nội.

“Có! Nhưng là ngày xưa thôi. Sau này ông đi thoát ly, ra thành phố sinh sống nên không phải đi cày cùng con trâu nữa”.

Ông nội trả lời tôi, rồi quay sang nói chuyện với ba về cấu trúc của khu Hoàng thành. Tôi còn nhỏ, những câu chuyện như vậy thường chỉ dỏng tai nghe vì tò mò chứ nào có hiểu được gì. Nhưng cũng trong buổi đi chơi lần ấy, có những câu chuyện tôi còn nhớ đến tận bây giờ và không ngờ nó lại liên quan đáng kể đến công việc của tôi sau này…

Đó là khi tôi theo học chuyên ngành về Khoa học Xã hội tại một trường Đại học ở Tokyo. Tốt nghiệp đại học, tôi đã có chuyến công tác khá dài về quê hương để tìm hiểu và khai thác cuộc sống của con người Việt Nam qua từng thời kỳ phát triển, làm tư liệu cho đề tài nghiên cứu mà tôi đang ấp ủ.

Tôi xác định sẽ là một chuyến công tác rất khó khăn. Thời gian có thể làm đổi thay tất cả bởi nền khoa học thế giới đang phát triển như vũ bão. Ví như quê tôi chẳng hạn, một làng quê thuần nông nằm ở ngay cửa ngõ Thủ đô Hà Nội. Đất cát, ruộng đồng, ao hồ được san lấp làm sân golf, được “phố” hóa hết cả. Những câu chuyện mà ông nội kể khi xưa về con trâu kéo cày bây giờ chỉ còn trong hoài niệm…

Vậy mà thật bất ngờ. Chỉ đi xa hơn quê tôi vài chục cây số, những câu chuyện giống như ông nội kể từ hơn chục năm về trước vẫn còn hiện hữu gần như nguyên vẹn. Tôi không khó khăn lắm để tìm đến con trâu kéo cày. Tôi đã đứng hàng giờ xem người nông dân điều khiển con trâu bằng một sợi dây được xâu vào mũi nó và những tiếng hô “vắt” “vào” đầy uy lực. Con trâu to khỏe như thế, lại có cả bộ sừng nhọn hoắt mà cứ nhẫn nại nhấc đi từng bước, khuất phục và nặng nhọc. Từng luống đất được lật tung, thẳng tắp, không kém gì cái máy cày nhà bác Ono mà tôi đã được xem hồi nhỏ.

“Trời! Mới tài giỏi làm sao chứ!”.

Tôi kinh ngạc thốt lên và lấy làm hứng thú vô cùng.

Mấy ngày sau, tôi lại thuê taxi tới đó. Tôi muốn tìm hiểu cụ thể từng bước hoạt động trên cánh đồng này. Nhưng vừa tới nơi, tôi đã nhìn thấy những người đàn bà cúi gập người để cắm từng cây lúa xuống bùn giữa trời nắng như đổ lửa thì tôi không còn đủ kiên nhẫn đứng nhìn thêm được nữa. Một sự liên hệ giữa họ với những người phụ nữ Nhật Bản, đa phần khi lấy chồng là nghỉ việc, ở nhà để lo việc chăm sóc con cái và gia đình đã khiến tôi lặng người đi vì xúc động. Tôi lại nghĩ đến thửa ruộng nhà bác Ono. Bác chỉ tranh thủ một loáng vào ngày thứ bảy đã cày bừa xong cả mẫu ruộng, rồi lại gieo hạt luôn, cứ như một thú vui giải trí vậy.

Tôi quay về. Trên đường đi, tôi bị ám ảnh rất ghê gớm và đặt ra câu hỏi, liệu có phải vì quá đỗi tự hào về nền văn minh lúa nước mà người Việt Nam đã không muốn thay đổi phương thức làm việc, hay còn vì một lý do nào khác nữa thì tôi chịu? Chắc tôi còn phải mất nhiều thời gian nữa để tìm hiểu…

*

Ông nội vẫn sống một mình ở Hà Nội, mỗi năm chỉ sang chơi với chúng tôi ít bữa rồi lại về chứ nhất định không chịu ở lại lâu dài với gia đình tôi…

Tại sao một đất nước tươi đẹp như Nhật Bản mà vẫn không thể quyến rũ được ông nội nhỉ? Đã có lần tôi tự hỏi như vậy, và mỗi khi cha con tôi nhắc đến chu‌yện ấ‌y, ông nội chỉ cười, rồi bảo: “Ông như con sóng đã bạc đầu trên con sông quê hương rồi, bây giờ mà lạc vào dòng sông lạ, chắc là khó ở lắm”.

Bác Yasushi Canab Ono nghe tin ông nội vừa tới Tokyo đã gửi thư mời ông và gia đình tôi đến chơi. Ông nội rất quý bác Ono nên khi nghe ba báo tin như vậy thì đồng ý ngay. Dạo gia đình tôi còn ở thành phố Kanazawa, gia đình bác Ono rất hay đến chơi hoặc đón chúng tôi đến làm khách nhà Bác. Bác có con gái hơn tôi một tuổi tên là Hinako. Bác nói với ba mẹ, việc cho hai chúng tôi gần gũi nhau để bầu bạn là rất cần thiết. 

Tôi nghe ba kể lại, dạo tôi mới theo mẹ sang đoàn tụ với ba ở Kanazawa, phải mất gần nửa năm sau mới được đi học ở nhà mẫu giáo nên chẳng có bạn bè gì. Bác Ono luôn nhắc nhở ba mẹ, trẻ con như vậy là một tổn thất rất lớn về mặt tinh thần, rất dễ sinh bệnh tự kỷ. Tôi và chị Hinako trở thành đôi bạn gái thân thiết cũng bắt đầu từ dạo đó.

Vậy mà bây giờ, chúng tôi đã cùng tốt nghiệp đại học cả rồi. Chị Hinako tốt nghiệp trước tôi một năm. Nghe tin bác Ono đi đón chúng tôi thì chị cũng đề nghị được đi cùng.

Đúng hẹn, gia đình tôi đáp máy bay đi Kanazawa. Hai cha con bác Ono đứng chờ chúng tôi ở tận cửa. Đã lâu lắm, ông nội mới gặp lại bác Ono. Hai người vừa giáp mặt nhau thì cùng mừng rỡ. Bác Ono ôm chầm lấy ông nội:

“Bác có mạnh khỏe không ạ?”.

“Cảm ơn anh Ono, bác vẫn khỏe! Bác nhà và chị nhà cũng khỏe mạnh cả đấy chứ?”. Bác Ono nói tiếng Việt cũng khá sõi nên không cần tôi và ba làm phiên dịch cho hai người.

“Vâng! Cháu cảm ơn bác ạ!”.

Chị Hinako cũng mừng quýnh lên:

“Cháu chào ông ạ! Cháu chào bác ạ!”

Tôi cũng cúi gập người chào bác Ono. Chị Hinako nắm chặt lấy tay tôi, lắc lắc:

“Ôi! Yuri mới xinh đẹp làm sao?”. Yuri là tên của tôi chỉ dùng khi giao tiếp với người Nhật Bản. Chị Hinako vẫn chưa hết mừng rỡ, nói tiếp:

“Chắc là mẹ và bà nội của chị sẽ mừng lắm. Hai người vẫn luôn nhắc tới Yuri đấy!”.

“Cảm ơn chị Hinako! Cảm ơn mẹ và bà nội!”.

Tôi đáp lời chị Hinako. Bác Ono cũng nhìn tôi mỉm cười, rồi giơ tay mời ông nội và chúng tôi ra xe.

Từ sân bay Kanazawa về tới nhà bác Ono phải đi mất một đoạn đường dài trên đường cao tốc. Sau đó, rẽ xuống con đường nhỏ chạy qua cánh đồng lúa mì đang phơ phất trổ bông. Vừa nghe tiếng xe của bác Ono đưa chúng tôi về. Bà nội và mẹ của chị Hinako đã nhao ra tận cổng đón. Hai người mừng tíu tít, cúi gập người chào chúng tôi. Ông nội, ba và tôi cũng cúi gập người đáp lại.

Vừa bước qua cổng vào đến khuôn viên nhà bác Ono, tôi chợt nhận thấy có cái gì khang khác. Tôi ngơ ngác nhìn quanh rồi bỗng nhận ra thửa ruộng nhà bác Ono đã chuyển sang trồng lúa nước chứ không trồng một số cây nông vụ ngắn ngày như trước nữa. Bác Ono bảo, bác chuyển sang trồng lúa nước bởi bác muốn xây dựng trên khuôn viên này một hình tượng của Việt Nam mà bác rất yêu thích. Trên bờ, có một căn nhà vườn mới được dựng bằng khung sắt, chỉ có mái che nắng mưa chứ không có tường bao quanh, chuyên để chứa chiếc máy cày mới tinh và một chiếc máy gặt đập liên hợp. Thấy tôi chăm chú nhìn, chị Hinako bảo:

“Ba vừa mua thêm khi quyết định chuyển sang trồng lúa đấy!”.

Tôi gật đầu. Ra là vậy! Nhưng cũng chính từ những chiếc máy hiện đại của nhà bác Ono mua sắm chỉ để phục vụ cho một thửa ruộng có diện tích không quá một héc-ta, lại khiến tôi thêm một lần nữa nhớ tới cảnh đoàn người lội bì bõm trên những cánh đồng ngập nước, ngập nắng, ngập gió ở nơi quê nhà…

“Nào! Xin mời ông và mọi người vào nhà đi!”. Bà nội chị Hinako lên tiếng mời.

Ông nội nghe tôi phiên dịch xong, vội đặt bàn tay lên ngực, cúi xuống đáp lại lời mời rồi bước vào trong nhà. Chúng tôi ngồi chơi một lát. Câu chuyện giữa những con người của hai dân tộc xa lạ vậy mà thật gần gũi và rất vui vẻ. Tôi và chị Hinako ngồi bên nhau. Chúng tôi nhắc đến kỷ niệm cũ và cũng có cả những câu chuyện làm vườn cùng bà nội của chị Hinako mà tôi rất thích thú.

Bác Ono gái sắp đồ ăn ra bàn. Bữa cơm đã được chuẩn bị sẵn, toàn những món ăn Việt cả. Bác Ono gái không đi đón chúng tôi được cũng là vì thế. Bác nấu món ăn Việt rất ngon. Tôi còn nhớ, trước đây, mỗi lần ba mẹ mời gia đình bác Ono tới nhà làm khách, bác gái thường đến sớm để phụ mẹ nấu nướng. Cả gia đình bác Ono đều thích món ăn Việt. Họ luôn miệng khen: “Oishi! Oishi!” Có nghĩa là: “Ngon tuyệt! Ngon tuyệt!”.

Cơm nước xong, bác Ono mời ông nội và chúng tôi tham quan căn phòng trưng bày những kỷ vật từ Việt Nam mà theo bác là có một không hai ở Nhật Bản. Ông nội, ba và cả tôi đều vô cùng ngạc nhiên về điều này. Thôi thì đủ cả. Những kỷ vật tuy không có giá trị lớn về mặt kinh tế nhưng lại mang đậm nét văn hóa trong cuộc sống và sinh hoạt của người Việt. Bác Ono được những người lao động Việt Nam tặng. Người Việt có thói quen ra nước ngoài hay mang rất nhiều thứ, hy vọng sẽ bán cho những người dân bản địa kiếm chút lời. Nhưng thật khổ cho họ, người Nhật không bao giờ mua bất cứ hàng hóa gì không có nguồn gốc rõ ràng như dân ở các nước Đông Âu. Thế là họ đành đem cho, tặng, và bác Ono được tặng rất nhiều.

Điều làm cho cả ông nội, ba và tôi sửng sốt hơn là trong căn phòng này còn có cả bàn thờ y hệt như bàn thờ của người Việt mình. Bác Ono kê ngay ngắn ở chính giữa bức tường nhìn ra phía cửa. Trên bàn thờ cũng có đầy đủ mọi thứ. Trong cùng là chiếc đỉnh đồng được kê cao hơn tất cả, hai bên có hai cây cắm nến cũng bằng đồng, phía trước đỉnh đồng là ba chiếc bát nhang, rồi tiếp đến là khay đựng đồ lễ. Trên bàn thờ nhà bác Ono còn có cả những bức chân dung của ông nội chị Hinako và mấy người khác mà bác Ono gọi là ông, bà và các cụ…

“Nhà cháu cũng theo đạo Phật bác ạ. Nhưng ở Nhật không có tục thờ cúng Tổ tiên như thế này. Cháu thấy nét văn hóa tri ân Tổ tiên của người Việt quả là độc đáo. Chắc những người đã khuất ở dưới suối vàng cũng thấy hài lòng lắm”. Bác Ono nói với ông nội, rồi cười: “Cháu đã thành người Việt Nam rồi, phải không bác?”.

Bác Ono chỉ quyển lịch bóc khá lớn của Việt Nam, nói tiếp:

“Mồng một và ngày rằm là cháu lại thắp hương cầu xin “Tổ tiên” phù hộ cho mọi sự tốt lành”. Bác Ono lại cười. “Thế mà từ ngày lập bàn thờ, cháu cũng gặp rất nhiều may mắn trong công việc đấy bác ạ!”.

Ông nội cảm động, nói với bác Ono:

“Tôi xin phép được thắp nén nhang cho các cụ nhà?”.

Bác Ono nghe ông nội nói vậy thì vui lắm. Bác rối rít bảo:

“Vâng ạ! Vâng ạ! Cháu mời bác!”.

Qua những người Việt Nam làm việc ở Công ty, bác Ono đã tìm hiểu rất kỹ về tục thờ cúng của người Việt.

Bác rút ba nén nhang cắm trong chiếc lọ bằng đồng cũng là do người Việt mình tặng, châm lửa đưa cho ông nội. Nhìn Bác Ono làm rất thành thạo, cứ y như bác là người Việt mình vậy.

Tay ông nội run run, đỡ lấy, rồi cắm lên từng bát nhang. Ông nội cúi lạy mấy vái. Ba đứng sau ông nội, đưa tay làm hiệu cho tôi cùng đứng và cúi lạy theo. Tôi nghe miệng ông nội lẩm nhẩm những gì đó một lát, rồi lại vái thêm mấy vái nữa.

Bác Ono gái và chị Hinako cũng đứng ngay cạnh chúng tôi. Đợi cho ông nội khấn vái xong, chị Hinako ghé tai tôi thì thầm:

“Ba Ono chăm chỉ với công việc này ghê lắm đấy, Yuri ạ!”.

Ông nội đứng nhìn những nén nhang nghi ngút cháy một lát rồi mới theo chúng tôi rời căn phòng. Từ lúc ấy, tôi nhìn ba có vẻ đăm chiêu. Ba suy nghĩ gì thì tôi không thể biết chính xác, nhưng chắc chắn là có liên quan tới sự kiện vừa rồi. Gia đình tôi định cư ở Nhật Bản đã hai mươi năm trời, nhưng trong nhà vẫn không hề có bàn thờ và cũng chưa bao giờ tôi thấy ba mẹ nhắc tới việc đó…

*

Mùa xuân năm ấy, vào đúng dịp Tết tôi lại về chơi với ông nội. Bây giờ thì tôi đã chăm chỉ về thăm ông nội hơn trước nhiều. Những lần tôi về, hai ông cháu tôi cùng ở trong một căn nhà có mảnh vườn nho nhỏ xinh xinh. Tôi nhìn lên bàn thờ thì biết là ông nội rất chu đáo đến việc thờ cúng Tổ tiên. Hằng ngày, vào mỗi buổi sáng, tôi lại giúp ông thay nước, cắm hoa, bày đĩa quả để ông thắp hương.

Thật lạ, cứ sau mỗi lần như thế, tôi cảm thấy ấm cúng vô cùng và tâm hồn cũng được thanh thản ghê lắm. Khi trở về Nhật, tôi thấy nhớ da diết căn nhà ấy và ông nội đang sống một mình ở đó. Tôi nhớ cả khu vườn có những bông cúc vàng thơm ngát. Có cây khế sai trĩu quả ở góc vườn và rất nhiều loại cây ăn quả khác mà ở Nhật Bản không hề có.

Thảo nào, dạo này, cứ mỗi lần ba nhắc tới việc muốn ông nội ở lại với gia đình tôi thì ông chỉ im lặng. Tôi nghĩ đến câu nói của ông dạo nọ, và tự nhận thức được một điều, không chỉ có ông là con sóng đã lạc tới dòng sông lạ mà tất cả chúng tôi cũng đều như vậy…

(*) Yamazakura thuộc một trong sáu loại Anh Đào, còn được gọi là Bạch Sơn Sakura bởi màu trắng tinh khiết của thứ hoa này.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật