Trăng tròn trên đỉnh núi

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cơn mưa kéo dài nhiều ngày đã ngớt từ lúc nửa mùa. Không còn những âm thanh não nề của mưa rơi trên mái lá nhưng không khí ẩm mục vẫn bao phủ những ngôi nhà trong thung lũng, cho dù bây giờ là giữa buổi trưa.
Trăng tròn trên đỉnh núi
Minh họa: PHẠM HÀ.

Chị em Mai vẫn ngồi chờ bố mẹ về ăn cơm. Bữa cơm ngày mưa vùng rừng núi chỉ có cá mắm khô mẹ mua ở chợ phiên dưới huyện từ tháng trước. Bố đi vào bản từ lúc mưa chưa tạnh. Cả nửa tháng mưa trắng trời kèm theo lũ trên nguồn dội xuống, bố lo trường học mới dựng lại sẽ bị hư hỏng. Mưa tạnh hẳn mẹ cũng hớt hải cầm cuốc lên nương. Mấy sào ngô vừa trổ cờ thì mưa đổ xuống, lũ ống tràn về, nhiều nhà cửa bị cuốn đi, thân ngô mỏng mảnh có bám được vào lòng đất?

- Chị Mai ơi, sao bố mẹ lâu về vậy nhỉ, em đói lắm rồi.

Thằng Minh nhăn mặt, tay xoa xoa cái bụng lép. Năm nay nó mới bước vào lớp 4. So với những đứa cùng lứa nó có vẻ yếu ớt hơn vì hồi nhỏ hay ốm vặt. Mai thì bắt đầu vào học lớp 7, c‌ơ th‌ể đã có dấu hiệu phổng phao. Mai thương em suốt nửa tháng mưa nó chưa được ăn tí thức ăn tươi nào.

- Thôi, em ăn cơm trước đi. Đây chị gỡ phần cá nạc cho.

Vừa nói Mai vừa gỡ đầu và xương cá bỏ gọn một góc đĩa, chỗ nạc Mai bỏ vào bát cơm cho Minh. Nhìn em và từng miếng cơm rời rạc cùng cá khô trong lòng Mai dâng lên một nỗi buồn khó tả. Đang nghĩ miên man thì bố mẹ về đến. Bố dựng chiếc xe máy bê bết đất ngoài sân rồi nói với vào.

- Hai đứa sao không ăn cơm trước đi kẻo đói. Bố sửa lại chỗ lớp học bị tốc mái cùng với các chú Bộ đội Biên phòng ở trên đồn xuống, cố cho xong nên về muộn.

- Trường có bị hư hỏng nhiều không mình? Bọn trẻ đã bắt đầu năm học mới rồi-Mẹ nhìn bố lo lắng hỏi.

- Cũng may chỉ bị tốc mái chứ không bị đổ nát như mùa trước mình ạ. Tôi và các chú bộ đội đã lợp lại chắc chắn rồi, qua đợt lũ này bọn trẻ có thể bắt đầu đến lớp học.

Bố Mai là trưởng bản, thời gian chủ yếu bố dành cho công việc trên địa bàn. Một tuần đôi ba lần bố đi đi lại lại từ bản lên đồn Biên phòng để có được những thông tin về đời sống, kinh tế cũng như học cách thức làm ăn rồi về truyền đạt lại với bà con trong bản. Quãng đường hơn 40km đường núi chưa bao giờ làm bố nản lòng. Chị em Mai luôn tự hào về bố, cho dù vì bố đi suốt nên mẹ làm việc rất vất vả. Mai thường phải phụ mẹ lên nương.

Hôm sau không còn dấu hiệu của mưa, mẹ và Mai lên nương để buộc dựng lại những cây ngô bị đổ. Cả một triền ngô xanh tốt hôm nào giờ nằm ngã rạp xuống, có nhiều cây bị lũ xoáy làm trốc lên cả gốc, không thể sống lại được. Mai và mẹ nhẹ nhàng nâng những thân ngô bị đổ nhưng rễ vẫn kiên cường bám vào đất, đá. Từ bao giờ ngô đã là sự sống của vùng này. Cơm gạo, thuốc thang, học hành đều nhờ ngô mà có.

Đang làm Mai chợt nghe có tiếng thút thít của ai đó, rồi tiếng thút thít to dần thành tiếng khóc òa. Mai bước qua nương bên cạnh nhận ra cái Nụ nhà ở cuối bản. Nương ngô nhà nó giáp với nương ngô nhà Mai. Nụ cũng học cùng lớp với Mai. Nụ đang ngồi khóc nức nở. Mai chợt hiểu vì sao Nụ khóc, nương ngô nhà nó không còn nổi một cây sống sót, vì nằm trong luồng đi của lũ từ thượng nguồn ập xuống. Mai bước đến an ủi Nụ:

- Nụ đừng khóc nữa, rồi sẽ gieo trồng lại được mà.

Nụ càng khóc to hơn, vừa khóc vừa thổn thức:

- Nương ngô này bố mẹ trồng xuống rồi bảo Nụ ở nhà chăm, bố mẹ đi xuống huyện phụ hồ, đến mùa sẽ về thu hoạch, nhưng bây giờ...

Mai rơm rớm nước mắt theo bạn. Chợt giọng thằng Minh gọi với lên từ phía dưới cuối nương:

- Chị Mai ơi, đi về đi, gọi cả chị Nụ nữa, về đi có việc này hay lắm.

Nụ và Mai ngơ ngác nhìn xuống chưa hiểu có chuyện gì, thằng Minh tiếp tục:

- Bố bảo em lên gọi chị về có việc, chị Nụ cũng về luôn đi. Khi nãy em qua nhà mà không gặp chị, chỉ gặp cái Hoa-Giọng thằng Minh không giấu nổi niềm háo hức.

Lúc Nụ và Mai lẽo đẽo theo thằng Minh về đến nhà thì thấy có ba chú bộ đội và bố đang đang lấp đất vào khoảng sân để rộng thêm ra. Bố nhìn mấy đứa, giọng rổn rảng:

- Bây biết hôm nay là ngày gì không?

Nhìn Nụ và Mai có vẻ ngơ ngác, bố nói tiếp:

- Mưa lũ lâu quá nên không ai còn để ý đến đêm nay là đêm Trung thu, hai đứa bây bỏ việc đó, chuẩn bị để tối nay bản mình đón trung thu.

Nụ còn chưa hết buồn vì nương ngô bị mất trắng, cho dù đón Trung thu là niềm mơ ước của chị em nó lâu nay. Mai nói lại rằng nương ngô nhà Nụ đã mất trắng rồi, mùa tới không biết nhà nó sẽ thế nào. Một chú bộ đội lớn tuổi lên tiếng:

- Các cháu đừng lo, cứ chuẩn bị đón tết Trung thu cho vui vẻ, đồn biên phòng của các chú đã chuẩn bị cho việc cùng bà con khắc phục hậu quả của lũ rồi. Ngày mai, bộ đội sẽ giúp bà con dựng lại nhà và ổn định lại kinh tế. Ngô sẽ gieo trồng lại được mà. Ngô sẽ lại trổ bắp trên khắp các nương rẫy vùng này thôi.

Nghe chú bộ đội nói vậy, Mai và Nụ cảm thấy háo hức trong lòng, nỗi buồn chợt tan biết hết, khuôn mặt chúng bừng sáng và hồn nhiên như lứa tuổi của mình.

- Vậy bây giờ chúng con phải làm gì ạ?-Mai nói nhanh như sợ lời chú bộ đội vừa nói sẽ tan đi mất.

- Bây giờ hai đứa đến các nhà trong bản và thông báo tối nay bố mẹ đưa bọn trẻ đến tập trung ở nhà trưởng bản. Nhưng không nói là để ăn Tết Trung thu nhé, các chú muốn đây là món quà bất ngờ cho các bạn. Hai đứa lớn nhất và hiểu việc nhất nên các chú nhờ nhé!

Mai và Nụ thấy chúng vụt lớn lên và quan trọng biết chừng nào. Cho dù Trung thu là tết của chúng, chúng đã mong đợi, háo hức với bao mùa Trung thu nhưng chưa bao giờ được tổ chức Trung thu thực sự. Trước đây, năm nào sung sướng nhất cũng chỉ là được cô giáo chia cho vài cái kẹo khi đến lớp trong ngày ấy. Cho dù đã sắp bước vào tuổi thiếu nữ nhưng ý nghĩ về Trung thu vẫn làm chúng thấy bâng khuâng, náo nức lạ lùng.

Đến lưng chiều thì hai đứa đi hết các nhà trong bản. Nơi đây chưa có điện và điện thoại nên thường khi có việc gì bố Mai phải đến tận nhà thông báo. Mai nghe bố nói Nhà nước đã có chủ trương sắp tới “điện sẽ vượt đèo để lên với bà con”. Điều vui là dân bản tuy còn rất khó khăn nhưng luôn đoàn kết, mỗi khi bố Mai thông báo họp bản thì nhà ai cũng có mặt, ai cũng muốn nghe thông tin từ vị trưởng bản đem về.

Lúc hai đứa quay về thì không còn thấy các chú bộ đội đâu, hỏi thằng Minh thì nó lắc đầu ra điều bí mật lắm. Khoảng sân trước nhà đã được đắp nới rộng ra, màu đất đỏ như đang bừng lên một niềm vui mới. Mẹ cũng đã kịp về từ nương, bố giục Mai nấu cơm ăn sớm kẻo mọi người đến. Nụ cũng vội về nấu cơm cho cái Hoa ăn. Khi cơm nước vừa xong xuôi, trời chạng vạng tối thì các chú bộ đội quay lại nhà Mai với lỉnh kỉnh đồ được chuyển xuống từ chiếc xe máy cũ. Một chú nhìn lên trời nói giọng vui vẻ:

- Không mưa nữa đã là may lắm rồi nhưng e là đêm nay không có trăng.

Mai nhìn lên trời, đúng là không có dấu hiệu của mưa nhưng bầu trời một màu trắng nhờ nhờ chứ không cao trong. Vậy là Trung thu sẽ thiếu trăng rồi. Mọi chiếc đèn trong nhà được huy động thắp lên, các chú bộ đội có thêm hai chiếc đèn pin. Bố đem ba chiếc chiếu trải ra khoảng sân rộng. Ba chú bộ đội lần lượt đem các túi đựng đồ cởi ra. Chị em Mai không tin vào mắt mình khi nhận ra trong đó là những gói kẹo, gói bánh với đủ màu sắc, còn có cả những chiếc đèn ông sao nhỏ xinh đang nhấp nháy giữa bóng tối và ánh sáng. Thằng Minh hét lên vui sướng, niềm vui quá đỗi lớn so với trí tưởng tượng của nó.

Khi những đưa trẻ trong bản đã được người lớn đưa đến đầy đủ thì những chiếc đèn được thắp lên soi sáng vào mâm cỗ Trung thu đã bày biện ra trước sân. Lũ trẻ đồng thanh ồ lên sung sướng, những người lớn thì im lặng. Đợt mưa lũ vừa qua vẫn còn in hằn trong những đôi mắt lo âu. Đợi khi lũ trẻ im tiếng, chú bộ đội lớn tuổi nhất dõng dạc nói:

- Thưa bà con, đây là món quà Trung thu nhỏ bé mà đồn Biên phòng và một số tổ chức dưới xuôi gửi lên, chia sẻ với trẻ em vùng cao, vùng lũ. Đợt mưa lũ vừa qua đã làm thiệt hại nhiều của bà con, ngày mai bộ đội sẽ giúp bà con khắc phục. Còn đêm nay chúng ta hãy cho các cháu một đêm Trung thu ấm áp.

Có giọng cười, có tiếng khóc của ai đó nén đi. Lũ trẻ được các chú bộ đội hướng dẫn ngồi vào chiếu, thắp nến lên và phá cỗ Trung thu. Có lẽ đây là lần đầu tiên chúng được nhìn thấy những ngọn nến lung linh và huyền diệu đến thế. Tiếng nhai bánh kẹo của chúng làm cho người lớn chợt thấy rưng rưng. Một chú bộ đội bắt nhịp cho chúng hát, những giọng hát to nhỏ, lạc nhịp hòa vào nhau tạo nên một sức sống mới lạ, một không gian ấm áp. Những đứa bé quá chưa biết hát, đôi mắt hấp háy nhìn xung quanh. Đêm trung thu với chúng như một giấc mơ.

Những người đàn ông ngồi trong nhà uống nước nói chuyện, những người phụ nữ và những đứa lớn hơn thì ngồi cạnh lũ nhỏ để chia cho chúng ăn. Chợt giọng ai đó thốt lên:

- Trăng kìa!

Mọi người cùng ngẩng lên, nơi ngọn núi cao nhất, một vầng trăng tròn vành vạnh, lung linh vừa nhô ra từ những đám mây bạc. Lũ trẻ xôn xao, chỉ trỏ, ánh trăng như màu nhiệm cho những ước mơ trẻ thơ của chúng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật