Tiếng đàn không được chào đón

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mẹ đi chợ về đến nhà thấy cô hàng xóm đang đứng ngoài cửa, mẹ vui vẻ chào rồi hỏi có chuyện gì không? Sau một hồi rào đón cô ấy nói: “Chị có thể cho cháu lên tầng 3 đánh đàn được không?“...
Tiếng đàn không được chào đón
Ảnh minh họa

Hôm nay mẹ đưa về nhà một cây đàn piano, con mừng quá reo hò ầm ĩ cả nhà :

- Hiếu có đàn mới rồi!

Con ngồi vào say mê đánh suốt cả buổi, bố mẹ nhìn nhau cười hạnh phúc. Không gian tràn ngập tiếng đàn của con và cảm xúc của bố mẹ. Con mắc hội chứng tự kỷ nên không thể đến trường học cùng các bạn. Bố mẹ cũng mong cây đàn sẽ là một người bạn trong cuộc sống ít mầu sắc của con.

Sang ngày thứ hai con vẫn say mê đàn. Ngày thứ ba con không còn chơi nhiều nữa. Rồi một ngày con chỉ gõ vài ba tiếng, nhiều ngày sau cũng vậy. Mẹ nghĩ chắc con đã ổn định hơn với cây đàn, mẹ cũng không muốn con quá say mê mà quên đi các hoạt động khác.

Bố mẹ quyết định mời thầy về nhà dạy con cho chuyên nghiệp với mức học phí ngất trời, mẹ lo lắng lắm. Chỉ có bố đang đi làm, còn mẹ thì phải ở nhà chăm sóc con. Mẹ lo bố không gánh nổi gánh nặng này nhưng thấy bố quyết tâm nên mẹ cũng bớt lo hơn.

Sáng thứ 2 đầu tuần mẹ đi chợ về đến nhà thấy cô hàng xóm nhà kế bên đang đứng ngoài cửa, mẹ vui vẻ chào rồi hỏi có chuyện gì không? Sau một hồi rào đón cô ấy nói:

- Chị có thể cho cháu lên tầng 3 đánh đàn được không?

Mẹ ngạc nhiên:

- Sao hả em?

Cô ấy nói thẳng:

- Nói thực là cháu đàn làm mọi người trong nhà em đau đầu lắm chị ạ, mọi người đều làm việc căng thẳng nên không chịu nổi. (Nhà cô ấy có khoảng 3, 4 nhân viên kế toán)

Mắt mẹ cay cay:

- Đàn nặng quá nên chị không đưa lên tầng 3 được em thông cảm, chị sẽ cho cháu đánh ít hơn và cố gắng cho tiếng nhỏ lại.

Mẹ vào nhà lòng nặng trĩu nỗi buồn, chợt nhớ đến truyện ngắn của một nhà văn Trung Quốc nói về một người đàn ông sống ở khu nhà luôn bị quấ‌ּy rố‌ּi bởi tiếng mô tô ba bánh của nhà hàng xóm đi về rất khuya, tiếng cô gái ở tầng trên tập thổi tiêu, tiếng ho kinh niên của một cụ già tầng dưới. Người đàn ông không chịu nổi nên quyết định chuyển đến một nơi khác yên tĩnh hơn. Ông tìm đến nhà một người bạn để giãi bày nỗi khổ của mình và nhờ người bạn giúp đỡ. Người bạn hỏi người đàn ông:

“Cậu cảm thấy nơi mình ở thế nào? “

Người đàn ông đáp: “Thấy bạn ở đây yên tĩnh nên mới nhờ bạn tìm giúp một nơi"

Anh bạn gật đầu đắc ý: “Được rồi, cậu cứ ngồi chơi trong nhà mình một tiếng, cảm thụ thử xem đã".

Người đàn ông ngồi đúng một tiếng thấy thật dễ chịu, không gian ở đây đúng là yên tĩnh, nhưng sau một tiếng đồng hồ vào giờ tan tầm thì bắt đầu có tiếng ồn ã. kinh khủng nhất là từ bên tường vọng sang một thứ âm thanh mờ nhòa, tương tự nói chuyện, y như người của bộ lạc nguyên thủy hô hét bằng chất giọng đặc biệt, chói tai, hết sức khó chịu, mà không hiểu nói gì. Người đàn ông hỏi bạn tiếng gì vậy, anh bạn đáp:

“Một cậu bé chín tuổi đang học nói, cậu nghe kỹ xem nó nói gì?”

Người đàn ông lắng nghe, rõ ràng cậu bé đang nói đi nói lại một câu, nhưng không sao nghe rõ cậu nói gì, người đàn ông đoán:

“Dương cương bộc đảo tại địa” (dê vừa ngã đổ ra đất )

Anh bạn cười ha hả: “Không đúng, cậu bé nói “dương quang phổ chiếu đại địa“ (mặt trời chiếu rọi khắp nơi trên trái đất)

Nói xong anh bạn kéo cửa thông sang ban công để nghe tiếng cậu bé to hơn. Lúc này người đàn ông nghe thấy có một phụ nữ luôn uốn nắn cậu bé. Đúng là chị nói “Dương quang phổ chiếu đại địa", nhưng dù có uốn nắn thế nào đi chăng nữa, cậu bé vẫn cứ lặp đi lặp lại “Dương cương bộc đảo tại địa".

Anh bạn hỏi người đàn ông: “Nếu để cậu ở đây, ngày nào cũng nghe những tiếng như thế này, cậu cảm thấy thế nào?".

Người đàn ông lắc đầu quầy quậy: “Chịu không nổi, không những quá ồn ào mà cậu bé có học đến thế nào đi nữa cũng không học nổi, chỉ nghe cậu bé gào cũng chết khiếp".

“Nhưng trong tai mình thì tiếng cậu bé đúng là một khúc nhạc rất hay, không phải chỉ một mình mình có cảm giác ấy mà tất cả mọi người trong tòa nhà này đều có cảm giác ấy”.

Thấy người đàn ông tỏ vẻ ngạc nhiên anh bạn giải thích:

“Cậu bé này là đứa trẻ bị bỏ rơi, vừa đẻ ra đã bị câm điếc cho nên bố mẹ đẻ của cậu bé đã bỏ rơi. Người hàng xóm của mình nhặt cậu về, không những nuôi cậu mà còn tìm thầy hỏi thuốc khắp nơi chữa chạy. Từ năm bốn tuổi người hàng xóm của mình bắt đầu dạy cậu bé học nói. Chúng mình ai cũng nghĩ không làm được điều đó, nhưng người hàng xóm vẫn kiên trì dạy. Khi lên năm tuổi tự dưng một hôm cậu bé cất tiếng gọi “mẹ, mẹ" tuy giọng còn chưa rõ nhưng bọn mình đều nghe rõ. Người hàng xóm của mình lúc đó xúc động quá đã khóc, nhiều người chứng kiến cảnh đó cũng rơm rớm nước mắt. Bao nhiêu năm ngậm đắng nuốt cay cuối cùng người hàng xóm của mình cũng làm cho cậu bé nói được, cậu bảo ai mà không xúc động chu‌yện ấ‌y. Cho nên từ đó trở đi người hàng xóm của mình càng chăm chỉ dạy cậu bé nói”.

Khi người đàn ông ra về, anh bạn bảo:

“Cậu nghe giọng thằng bé rất chối tai, rất khó chịu đó là vì cậu nghe bằng tai, còn bọn mình nghe giọng cậu bé rất hay, rất vui, đó là vì bọn mình nghe bằng tình yêu thương. Chỉ cần học biết cách lắng nghe bằng tình yêu thương thì rất nhiều giọng nói, rất nhiều âm thanh trên thế gian này đều là khúc nhạc hay".

Lời nói của anh bạn đã gây rung động mạnh trong lòng người đàn ông, người đàn ông từ bỏ ý định chuyển nhà. Lạ lùng thay vẫn nghe tiếng nổ bình bịch của chiếc mô tô người đàn ông không còn cảm thấy chói tai mà cảm thấy vui mừng vì đôi vợ chồng hàng xóm đã có thêm thu nhập, tiếng tiêu của cô gái tầng trên nghe lảnh lót rất hay và người đàn ông cũng không thấy khó chịu vì tiếng ho của cụ già tầng dưới nữa.

Thượng đế cho chúng ta đôi tai là để chúng ta nghe được mọi âm thanh hỗn tạp trên thế gian, nhân loại cho ta trái tim yêu thương là để chúng ta chuyển đổi mọi âm thanh hỗn tạp thành âm thanh ngọt ngào trong sáng. Muốn hưởng thụ âm thanh ngọt ngào trong sáng thì phải học để biết lắng nghe bằng tình yêu.

Nhưng dù sao, mẹ cũng vẫn nghĩ cách trang bị thêm cách âm cho căn phòng của con. Hãy cho mọi người thêm thời gian. Lắng nghe và hiểu tự kỷ, không phải chuyện một sớm một chiều. Nhưng mẹ hy vọng rồi có ngày, trái tim mỗi người sẽ mách đường chỉ lối. Còn với mẹ, con là chàng trai chơi đàn hay nhất trên đời, Hiếu ạ!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật