Giọt máu

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cụ Lừng bà bỗng nhiên trở thành tâm điểm của mọi sự chú ý. Không lẽ hai cụ còn để sót một người con của mình ở đâu đó?..
Giọt máu
Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Cụ Lừng chuyển bệnh. Tiên lượng xấu. Chân tay co cứng đến nỗi chẳng tài nào duỗi ra được. Duy nhất là bàn tay phải. Bàn tay phải của cụ Lừng với những ngón tay chum chúm như thể đang lần nắm thứ gì đó. Đã có người suy nghĩ, cụ Lừng mà đi được sớm ngày nào cụ đỡ cực ngày đó. Không hiểu sao một người có tiếng là hiền lành tốt tính như cụ mà lại bị "giời hành". Trời "đọa đầy" cụ như vầy thật bất công.

Ông Khánh, một người cùng quê Hải Dương, nhà phía đối diện, hằng ngày ông Khánh thường qua lại hỏi thăm, nhìn thấy những cử chỉ đó của cụ Lừng thì nói luôn:

- Cụ nhà ta đang bắt chuồn chuồn.

- Bắt chuồn chuồn là gì hả bác Khánh? - Ông Tuấn, con trai trưởng của cụ Lừng chưa hiểu, hỏi lại.

- Chú cho gọi mọi người về gặp mặt chào cụ, nhỡ cụ có đi nay mai cũng mát.

Ông Tuấn thưa lại ý mà ông Khánh đã gợi với cụ Lừng bà. Cụ Lừng bà gật đầu. Và thế là các người em trai, em gái của cụ Lừng đều đã được mời đến nhà. Mọi người xúm xít túc trực bên giường cụ. Thức thì tất cả cùng thức, đứng thì tất cả cùng đứng và chẳng ai chịu lảng qua chỗ khác hay tính chuyện phân công nhau thay phiên canh chừng. Cụ Lừng sắp đi xa mãi mãi. Nghĩa tử là nghĩa tận.

Chẳng ai nỡ lòng mà vắng mặt trước giây phút ông cụ lâm chung.

Năm nay, tính theo tuổi ta thì cụ Lừng đã sang tuổi tám mươi mốt. Nếu tính đến thời điểm hiện giờ thì cụ Lừng là người thọ nhất họ Trần làng Muội Sảng. Những người ở làng nói vui: "Cụ Lừng lên Hà Nội sống vui vẻ đủ đầy với con cháu nên mới thọ thế. Chứ ở làng này xưa nay mấy ai vượt qua cái tuổi bảy mươi".

Sáng nay hình như đôi môi khô bợt của cụ khẽ động đậy, rồi chuyển rõ là cụ mấp máy như đang muốn nói điều gì. Người đầu tiên phát hiện ra đôi môi của cụ Lừng mấp máy lại chính là ông Khánh hàng xóm. Ba ngày ba đêm túc trực canh chừng bên giường cụ đã làm mọi người rũ ra mệt mỏi nên cụ mấp máy vành môi nào ai để ý.

Ông Khánh hàng xóm bước lại cạnh giường, ông đẩy lưng ông Tuấn dịch sang bên và giơ ngón tay trỏ lên miệng ra hiệu cho mọi người im lặng. Ông Khánh nghiêng đầu, mồm ha há và đôi chân mày của ông nhiu nhíu. Ông Khánh đang cố gắng để có thể lĩnh hội được đôi môi mấp máy kia phát ra âm thanh gì. Rất khó đoán được thành ý chứ nói gì đến đoán thành một câu nói. Mọi người đứng súm sít, yên ắng cùng chờ đợi.

Lát sau ông Khánh đứng thẳng dậy. Ông vuốt vuốt lại vạt áo, cài lại cúc cổ, khẽ hắng giọng thăm dò. Sự chờ đợi trong im lặng đến nỗi có thể nghe được tiếng "xoạ‌ּch xoạ‌ּch" phát ra từ chiếc đồng hồ cơ mà ông Khánh đang đeo ở cổ tay trái. Tiếng "xoạ‌ּch xoạ‌ּch" chẳng khác nào âm thanh đếm ngược thời gian. Căng thẳng và khó hiểu bao trùm.

Ông Khánh đưa mắt nhìn về phía cụ Lừng bà. Từ hôm cụ Lừng chuyển bệnh đến giờ, cụ Lừng bà như người khác lạ. Cụ Lừng bà hầu như không ăn, chỉ uống chút nước cầm hơi. Cụ Lừng bà tuy không trực tiếp lau rửa cho cụ ông nhưng cụ luôn ở gần bên. Ba hôm cụ Lừng chuyển tiên lượng xấu cũng là ba hôm cụ Lừng bà thức cùng con cháu.

Ông Khánh cẩn trọng nhìn cụ Lừng bà đón ý. Cụ Lừng bà vẫn ngồi bên mép giường cụ ông, bàn tay cụ Lừng bà rờ rờ rồi nắm giữ bàn tay phải đang chum chúm của cụ Lừng ông. Ánh mắt cụ Lừng bà mệt mỏi. Da mặt cụ Lừng bà bàng bạc. Cử chỉ của cụ Lừng bà đờ đẫn.

Không nói thì ai cũng hiểu, tận sâu thẳm trong lòng cụ Lừng bà đang âm thầm một nỗi đau tột cùng. Nỗi chia lìa đã được tiên lượng trước. Hồi kháng chiến, cụ Lừng ông và cụ Lừng bà đều là những thanh niên thôn quê hồ hởi tham gia kháng chiến. Họ ở hai huyện khác nhau nhưng gặp nhau sau những bận bí mật cải trang thành "cô bán dầu, bán kim chỉ", "anh giáo chức tề" về cơ sở trong vùng địch nắm dân bám địa bàn. Họ gặp nhau trong những lần được tập trung học tập hay họp nghe phổ biến tình hình.

Yêu nhau trong kháng chiến nên họ cũng thường xuyên xa nhau. Cả đến khi cưới nhau rồi hai người vẫn thường xuyên xa cách. Mỗi người mỗi cơ quan. Mỗi người mỗi công việc. Kháng chiến thành công thì lại tiếp tục vắng xa, do người đi học nghiệp vụ, do người đi công tác trên những công trường xa. Có con thì con cũng mỗi đứa gửi nuôi mỗi nơi. Tận khi cả hai về hưu mới sống chung đúng nghĩa trong một mái nhà. Nhưng lúc đó thì lại thiếu vắng các con. Thằng đi bộ đội. Đứa đi lấy chồng. Nửa thế kỷ làm chồng vợ nhưng chưa khi nào thấy hai người to tiếng.

Yêu thương và bền chặt cho đến tận bây giờ. Câu chu‌yện tìn‌h yêu của hai cụ êm và đẹp đến nỗi con cháu của hai cụ phải thán phục.

Bởi vậy nên khi ông Khánh hàng xóm đưa mắt nhìn cụ Lừng bà thăm dò thì tất thẩy mọi ánh mắt đều hướng về phía cụ bà, tất cả như trông chờ ở cụ Lừng bà.

- Con nói ra cụ bà cùng các cụ thông cảm. Tôi nói ra các cô các chú thông cảm.

Ông Khánh cẩn thận rào đón bằng những câu kiểu như xin lỗi trước. Mắt ông để ý theo dõi thái độ của cụ Lừng bà. Mọi người nín lặng khó hiểu. Không biết ông Khánh đã nghe được cụ Lừng nói điều gì? Không biết điều ông Khánh nghe được nó quan trọng đến đâu?

Nhà này xưa nay không hề xảy ra điều tiếng về "miếng hơn miếng kém".

Tuy hai cụ đã về hưu, của cải hầu như không có gì nhiều nhưng các cụ đều đã phân xử chuyện nhà đâu vào đấy. Các con trai gái của hai cụ đều biết bảo ban nhau.Vậy thì điều gì mà cụ Lừng còn băn khoăn đợi lúc sắp đi xa mới nói ra? Không hiểu ý nguyện cuối cùng của cụ Lừng đã nói với ông Khánh là ý nguyện gì?

- Cụ nhà mình chưa thể đi được. Cụ còn nặng nợ nên chưa thể đi được.

Câu nói của ông Khánh làm mọi người vô cùng kinh ngạc. Vài ánh mắt nhìn ông Khánh với vẻ không hài lòng. Cụ Lừng nức tiếng cả họ cả làng. Cả đời cụ chỉ có cống hiến chung chứ có màng tư lợi gì cho cá nhân mình đâu. Điều đó người bàng quan nhất cũng biết.

Cái nhà ông Khánh này hơi quá đáng. Chắc gì cụ đã nói được câu gì. Có khi ông Khánh này khéo vẽ ra chuyện gì đây?

- Ông cụ nhà tôi còn nặng nợ?

Hết sức kiềm chế nỗi bực dọc đang bắt đầu dấy lên trong lòng, ông Tuấn con trai trưởng của cụ Lừng nhã nhặn hỏi lại. Câu hỏi của ông Tuấn cũng là câu hỏi chung của mọi người. Ông cụ nhà mình đạo đức như vậy thử hỏi còn nặng nợ điều gì? Mà cụ nặng nợ ai kia chứ? Mấy người em của cụ Lừng đưa mắt nhìn bà chị dâu của mình đang ngồi thụp mệt mỏi. Cụ Lừng bà run run. Hình như cụ thấy giận mà không nói ra được.

- Cụ nhà mình… Vâng, các cô các chú xem xem còn... thiếu ai không? Còn thiếu người nên cụ chưa thể dứt lòng đi được.

Ông Khánh nói tỉnh queo, câu hỏi tuy như vu vơ nhưng cũng làm mọi người có mặt giật mình. Người này nhìn người kia, có ai đó lẩm nhẩm như đang điểm đếm.

- Đủ cả.

Vẫn là ông Tuấn, người con trai trưởng đáp lời. Ông Khánh nhớn mắt vẻ chưa tin.

- Vừa nãy tôi... nghe cụ nói, còn vắng một người… người con... chưa thấy về… thăm cụ.

Bàng hoàng, bất ngờ và cảm thấy khó lọt tai trước câu chuyện đúng là hoang đường mà ông Khánh đưa ra, mọi người đều há hốc mồm không hiểu nổi. Thực như một gáo nước lạnh giội giữa tiết đông chí. Đầu thì nghe nói là cụ Lừng "còn nặng nợ" mọi người đã khó chịu cái nhà ông hàng xóm ăn nói hồ đồ. Nay lại nghe nói "còn vắng một người con chưa về thăm cụ" thì thật quá đáng, thật nghe không trôi được. Ông Tuấn nóng bừng mặt giận dữ. Cụ Lừng bà đã run lại thêm run rẩy. Mọi người im lặng.

Cụ Lừng bà bỗng nhiên trở thành tâm điểm của mọi sự chú ý. Không lẽ hai cụ còn để sót một người con của mình ở đâu đó? Hồi mới cưới nhau, hai cụ có sinh hạ được một cô con gái. Nhưng bệnh tật đã mang đi người con gái đầu của hai cụ ngay khi kháng chiến còn chưa thành công. Hay còn gì nữa? Chả hồi xưa ư, lúc đó khó khăn hai cụ từng phải gửi nuôi mấy người con những mấy chỗ đó sao?

Hai cụ khi đó vì bận công tác mà nỡ quên mất một người con của mình mà không đón về? Không thể có chuyện đó. Xưa nay chưa hề nghe thấy một tí tẹo lăn tăn nào. Giờ đứng bên giường cụ Lừng đủ hai người con trai, đủ hai người con gái, các cháu nội ngoại chẳng vắng một ai. Vậy còn thiếu một người con là nghĩa thế nào?

Hồi lâu cụ Lừng bà ngẩng lên, đôi mắt cụ mờ đẫm nước mắt. Hình như cụ đã hiểu những ánh nhìn đầy nghi ngờ của con của cháu. Cụ Lừng bà lắc đầu. Vậy là giả thiết hai cụ bỏ quên một người con của mình bị loại bỏ. Nhưng còn câu nói của cụ Lừng thông qua miệng lưỡi ông Khánh thì sao?

*

- Chuyện cứ như đùa nhưng… nhưng mà cũng… cũng có thể lắm.

Bà Lan, người con dâu thứ hai của hai cụ lên tiếng phá tan bầu không khí trầm u đang đang nặng nề tưởng ngột ngạt.

- Mợ… mợ không được hàm hồ.

Bà Thanh, người con gái cả của cụ Lừng nói át.

- Ai biết được lòng dạ đàn ông - bà Lan chẳng buông - Họ có chịu thiệt bao giờ. Cụ nhà mình hồi trẻ sáng láng như vậy thiếu gì gái mê.

- Mợ….mợ quá lắm. Mợ về nhà này làm dâu thì biết gì mà nói.

- Bác Thanh ơi, bác không nghe ông Khánh đã nói thế sao?

- Tại ông đấy. Ông… ông ở đâu vào phá nhà này.

Bà Thanh quay sang chỏ tay vào mặt ông Khánh. Mặt bà Thanh đanh sắc khiến ông Khánh hoảng sợ. Ông Khánh lui người như để né tránh cú vả vào mặt.

- Thì… thì chính cụ… cụ đã nói… nói với tôi như vậy.

Mọi người không ai nhắc ai nhưng đều kéo hết sang phòng khách. Không lẽ cứ đứng cả bên giường ông cụ mà "tranh luận", mà to tiếng. Quả tình nhìn cụ Lừng vật vã định đi mấy lần mà không đi nổi, con cháu anh em nào chả xót. Quả tình thấy cụ bệnh tình đã mấy năm không phục hồi được ai mà không cám cảnh. Nói dại chứ cụ Lừng đi được và đi sớm cũng đáng gọi là điều mừng.

- Chú có ý kiến thế này các cháu nghe xem sao.

Cụ Danh, người em trai kế cụ Lừng nhưng kém cụ Lừng gần một giáp bấy giờ mới phát biểu. Đúng là "mất cha cậy chú" vào thời điểm này có vẻ hợp.

- Hồi đó chú còn bé lắm nên cũng không được nghe rõ ràng, nhưng đâu như… bố các cháu dạo chưa kháng chiến có yêu… yêu một cô bên huyện Tứ Kỳ.

- Tôi… tôi thấy đúng vậy.

Cụ Phúc, người em gái duy nhất của cụ Lừng rụt rè góp lời. Cụ đảo mắt nhanh nhìn bà chị dâu của mình đang ngồi im lặng trên chiếc ghế nhựa có tựa được đặt ngay cửa ra vào. Câu nói của hai người em cụ Lừng chẳng khác nào một lời công nhận. Nhưng giả như có chuyện các cụ từ hồi xửa hồi xưa yêu nhau với chuyện cụ Lừng bây giờ còn "một người con chưa về" có vẻ không liên quan. Ngày xưa các cụ yêu nhau "nhát" và "xa xôi" chứ đâu có như bọn trẻ hiện nay.

- Thưa cô. Thưa chú. Chúng cháu không dám trách nhưng các cụ nghe chuyện thấy thế nào thì nói cho rõ. Nói "đâu như" cháu cảm thấy thế nào ấy. Thực tình chúng cháu thấy bố chúng cháu bệnh tật nằm một chỗ đã lâu cũng thương. Mong cho bố chúng cháu đi thanh thản cũng là ý nguyện.

Ông Tuấn thong thả nhấn từng câu nói một. Bà Lan nguýt bà Thanh ý nói "chưa chi chị đã mắng tôi". Bà Thanh gí tay bấu sườn ông Tú, người con út của cụ Lừng và là chồng bà Lan, ý bảo "cậu phải dậy vợ cậu, mợ ấy là con dâu biết gì mà góp". Ông Tú chắp tay đứng im, thể như không đếm xỉa lời nhắc của chị cả, ông chờ nghe câu chuyện của cụ Danh.

- Hồi xưa chú có nghe đâu như…

- Có chắc thì cụ mới nói. Chứ đâu như thì đừng có vội - Ông Tuấn nói chen miệng.

- Đâu như hồi làm giáo học ở bên huyện Tứ Kỳ, bố các cháu có được mời về nhà dạy chữ quốc ngữ cho một cô gái con nhà giàu có bên đó. Cô gái năm đó còn rất trẻ, hình như mới đôi tám thôi. Chú nhớ có lần cùng ông nội các cháu sang bên Tứ Kỳ, gọi là sang đó tìm bố các cháu về làng giúp làng làm cái giấy gì đấy. À chú nhớ rồi. Cái giấy kiện, chả là làng mình gửi quan huyện kiện địa chủ Thám, cậy tiền ức hiế‌p dân làng, địa chủ Thám âm mưu lấy cả ruộng chùa làm ruộng nhà mình. Hồi đó những người biết chữ ít lắm nên bố các cháu phải về làng làm giúp. Chú đã nhìn thấy cô gái con nhà giàu. Cô này xinh lắm. Da trắng, môi đỏ và tóc dài tới gót chân ấy.

- Thế thì đã có gì để nói - Ông Tuấn chen vào.

- Chú thấy bố các cháu và cô gái ấy nhìn nhau tình tứ lắm. Chắc họ yêu nhau nên mới nhìn nhau tình tứ.

- Ôi giời. Bây giờ mà cứ nhìn nhau tình tứ thì có mà yêu cả tỉnh.

Bà Lan vừa nói vừa cười đỏ cả mặt. Đúng là cô con dâu út có khác, trẻ hơn nên cũng ăn nói táo tợn hơn. Bà Thanh nhìn tức lắm. Ông cụ đang nằm phòng bên kia vật vã không đi nổi, còn bên này cái đứa con dâu "trời đánh" này còn cười cợt, đúng là…

- Rồi cách mạng thành công…

- Cụ cứ kề cà. Cách mạng thành công thì liên quan gì. Cách mạng cho anh giáo học gốc nông dân yêu cô gái con nhà giàu á? Con thấy chú cũng mơ mộng đấy.

Bà Thanh liếc xéo giận dữ.

- Cách mạng thành công thì cả hai người đều tham gia phong trào diệt dốt, phong trào xóa nạn mù chữ do Bác Hồ kêu gọi. Quan trọng là bố các cháu ở luôn bên Tứ Kỳ kia. Đâu như ở trong nhà hay ở nhờ nhà cô gái đó.

- À.

Cả bốn người con của cụ Lừng đều đồng thanh "à". Câu chuyện xem ra bắt đầu gây chú ý đây. Bà Xuyến, vợ ông Tuấn, trước nay khiêm nhường giờ cũng hăng hái. Bà Xuyến nói góp.

- Đúng là lửa gần rơm. Thời nào cũng thế nhỉ?

- Lại thêm bà nữa.

Ông Tuấn quay lại mắng át vợ. Ông hướng thẳng vào mặt ông chú ruột của mình chờ đợi.

- Rồi cuối năm bốn sáu rục rịch đánh nhau. Quân Pháp đã chiếm Hải Phòng. Xe nhà binh Pháp chạy rầm rầm ngoài quốc lộ. chiến tranh chỉ chờ từng ngày.

- Sau đó thì sao hả chú?

- Đâu như…

- Lại đâu như.

- Thì chú cũng chỉ nghe đâu như thôi. Đâu như gia đình cô gái đó đưa cả nhà chạy vào Thanh tản cư sớm. Lại đâu như họ dinh tê về thành luôn khi người Pháp chiếm xong Hà Nội. Đâu như họ mở tiệm vàng ở phố Hàng… Mành hay Hàng Nón gì đó.

- Chuyện có vậy?

- Ừ. Đâu như….

- Chú còn "đâu như" gì đây?

- Đâu như họ yêu nhau thì phải.

- Chú chả nói họ yêu nhau từ trước đó sao.

- Chú đoán là... đâu như họ có… có con với nhau như bác Khánh đây nói thế.

- Tóm lại là những điều chú vừa kể ra chú còn biết thêm gì nữa?

- Hết.

- Có thế mà chú cũng tưởng tượng được rồi suy luận thì kể cũng tài.

- Cứ giả dụ vậy. Nếu đúng thế thì may mắn chứ sao.

- May mắn?

- May mắn là… họ nhà mình thêm con thêm của. Các cháu xem cử người đi tìm anh ấy về… Có anh ấy về thì may ra bố các cháu mới đi được. Chú không mê tín nhưng cũng thấy mấy trường hợp còn vắng con vắng cháu mà cha mẹ nằm đó đi chẳng đặng. Có người tìm được về là đi luôn. Nói ra các cháu đừng đổ lỗi. Chắc có chuyện đó nên bố các cháu mới vật vã như vậy. Bố các cháu tiếng là người đạo đức….

- Chú nói bố cháu không… có đạo đức nên mới khổ sở không chết được?

- Chú không có ý đó. Nhưng. Đấy ba bốn hôm nay rồi mà nào có đi được. Thôi cứ thử cử người đi tìm xem sao.

- Tìm người tưởng tượng á... có mà tìm kim đáy bể.

- Ơ mẹ đâu rồi?

Tiếng bà Lan kêu thất thanh khiến câu chuyện chuyển hướng. Mọi người chạy sang bên phòng cụ Lừng nằm. Không thấy cụ Lừng bà đâu. Bảo thằng cháu ngoại lớn chạy ra ngoài ngõ xem sao. Nó chạy về nói đã hỏi khắp nơi mà cũng không thấy. Chờ đến trưa vẫn không thấy cụ Lừng bà về ăn cơm. Mọi người lo lắng đến hốt hoảng. Không biết cụ bà đi đâu mới chết chứ. Tuổi già như cụ lại cộng với bệnh đau lưng thử hỏi cụ Lừng bà đi đứng thế nào giữa trời rét mướt thế này? Đúng là cũng tại cái nhà ông Khánh hàng xóm kia. Hồ đồ và chẳng ý tứ gì cả khiến cụ Lừng bà phật ý. Cũng tại những người em của cụ Lừng nữa. Cứ hồn nhiên mà tưởng tượng ra chuyện hồi xửa hồi xưa. Hai cụ ở với nhau những năm mươi năm thì hỏi còn có chuyện gì mà không hay, còn có điều gì còn giấu giếm nhau nữa. Cứ cho như là ngày trước kháng chiến, cụ Lừng với cô gái nhà giàu kia có phải lòng nhau đi chăng nữa thì chuyện cũng đã "tám đời" rồi. Cụ Lừng bà vẫn còn ghen với chuyện đâu đâu ấy ư? Già gần đất xa trời rồi còn hờn với dỗi cho nhọc thân. Mà cũng tại các người con của hai cụ. Họ cũng chỉ vì mong muốn cha mình được ra đi thanh thản mà hóng hớt vào câu chuyện để mẹ của họ buồn phiền bỏ đi.

Thật đúng là. Người chờ chết nằm đó. Người còn sống bỗng nhiên bỏ đi chẳng nói đi đâu.

*

Buổi sáng của ngày thứ bảy. Nặng nề và căng thẳng. Từ chiều của ba hôm trước, việc túc trực bên giường cụ Lừng dồn hết vào ba người em của cụ Lừng, dồn hết vào hai ông con rể cùng hai bà con dâu của cụ Lừng. Những người con của cụ Lừng ngay đầu giờ chiều đã chia thành hai nhóm bổ đi tìm cụ Lừng bà. Ông Tuấn với bà Ngọc bổ về tỉnh, về huyện, về làng. Bà Thanh với ông Tú nháo nhào quanh Hà Nội. Chỉ có những người đó mới biết chỗ nào cụ Lừng bà có thể lui tới. Chỉ có những người đó mới biết cụ Lừng bà có ai là bạn là bè. Họ đi đã sang ngày thứ ba mà chưa có tin tức khả dĩ.

Nói dại chứ việc cụ bà đột nhiên biến mất giữa lúc "nước sôi lửa bỏng" thế này khác nào nhà chưa có tang mà đã có đám. Ông Khánh hàng xóm chạy qua chạy lại nhiều hơn. Nói thật chứ ông Khánh cũng có lỗi.

Cụ Danh uể oải bước lại bên giường người anh trưởng của mình. Ba ngày và ba đêm cụ đâu dám chợp mắt. Lo cho anh mình và thương cho chị dâu mình bây giờ không biết trú ngụ nơi đâu. Cụ tự thân cũng thấy mình có lỗi.

- Vậy mà tuần nay bác cứ thử lòng chúng em. Bác cứ dùng dằng mà trêu chúng em. Hì hì. Bác thế này thì còn lâu mới chết. Tết nhất đến nơi rồi. Bác cứ thọ cho em xong cái tết này thì bác có đi cũng được.

Cụ Danh nói to, giọng chẳng cần ý tứ cứ hay phải nói kiểu tránh né. Câu nói của cụ Danh làm mọi người cùng chạy ùa đến bên cụ Lừng. Trên giường, cụ Lừng chừng như hồi tỉnh, những cử động ngón chân ngón tay khá rõ ràng, thần sắc vẻ như trở về trên nét mặt.

Nhìn cảnh đó ai cũng thấy trong lòng mình nhẹ vợi hẳn đi. Thực tình ai cũng mừng. Mừng vì lẽ cả bốn người con ruột của cụ với cụ bà hiện đều vắng. Cụ Lừng tỉnh lại thì còn gì hơn nữa.

Không khí chợt ấm áp lạ. tiết cuối đông cộng thêm sự lo lắng đã làm mọi người mấy hôm nay ai cũng rét run. Ông Khánh có lẽ là người mừng hơn cả. Từ bữa cụ Lừng bà bỏ đi đâu mất ông Khánh luôn mặc cảm mình là người có lỗi. Ông có thanh minh bao nhiêu cũng không làm vơi đi nỗi bực tức của mọi người.

Cụ Lừng vẫn nằm nghiêng. Chân tay còn co quắp nhưng cảm như người cụ đang ấm dần lên. Nhịp thở tuy còn khò khè nhưng nghe đã rõ cho thấy cụ thực sự hồi tỉnh. Kể cũng lạ, đã gần một tuần cụ Lừng không hề ăn, không hề uống, không hề được tiếp thêm thứ sức lực nào mà cụ chợt hồi tỉnh khác gì có phép diệu kỳ. Cụ Phúc, người em gái duy nhất của cụ Lừng, tui tủi mà dấm dứt khóc khi thấy hai cánh đi tìm đều cùng trở về một lúc. Không thấy có cụ Lừng bà cùng về.

- Ôi chị. Chị đã về ạ.

Cụ Đức, người em út của cụ Lừng đang ngồi buồn thiu chợt hấp tấp nhao dậy. Phía ngoài cửa nhà, cụ Lừng bà xuất hiện bất ngờ và lặng lẽ đến nỗi chỉ có mỗi cụ Đức là người kịp nhận ra, không một ai có phản ứng. Tất cả mọi người còn lại đều trố mắt "á" nhìn.

Không ai dám cất lời hỏi rằng những ngày qua cụ đã đi đâu, không ai dám nói rằng những ngày qua mọi người lo lắng cho cụ đến mất ăn mất ngủ. Cụ Lừng bà chẳng nói chẳng rằng, cụ thong thả bước từng bước vào nhà, cứ như cụ chưa hề đi đâu hay chưa hề làm một chuyện gì. Cụ Lừng bà chẳng thiết nhìn một ai, dường như tâm trí của cụ Lừng bà lúc này chỉ có một điểm nhìn duy nhất, cụ chậm từng bước lại bên giường cụ ông. Cụ Đức nhanh nhẩu đến bên cụ Lừng bà, cụ dìu bà chị dâu của mình ngồi bên cụ Lừng.

Cụ Lừng bà cúi xuống nắm thật chặt bàn tay của cụ Lừng. Mắt cụ nhắm lại như để suy nghĩ sẽ nói một quyết định nào đó. Rất lâu như thế. Dường như cụ Lừng cũng cảm nhận được hơi ấm đang truyền sang mình từ bàn tay của người đã cùng mình đi suốt năm mươi năm qua, đôi môi cụ Lừng khẽ mấp máy.

- Kìa cháu… không… con lại đây đi.

Cụ Lừng bà ngẩng lên và quay ra phía cửa. Mọi người bấy giờ mới để ý thấy bên ngoài cửa có một người đàn ông chừng năm mươi nhăm tuổi. Chắc người đàn ông này đã đứng ở đó từ khi cụ Lừng bà bước vào nhà. Một người đàn ông dong dỏng với bộ quần áo tuy tối màu đang đứng chần chừ bên cửa nhưng cung cách xem ra khá khiêm tốn và lịch thiệp. Ông ta lưỡng lự giây lát rồi mạnh dạn bước hẳn vào nhà. Không ai bảo ai nhưng tất cả đều tự giác dẹp lối cho người đàn ông đó. Ông ta cúi khum người trước giường cụ Lừng, vẻ mặt như người có lỗi. Cụ Lừng bà với tay người đàn ông đó. Cụ ấp bàn tay của người đàn ông đó lên bàn tay cụ Lừng.

Im lặng. Nghe rõ từng tiếng thở của từng người. Bàn tay của người đàn ông đặt từ từ nắm rồi giữ chặt lấy bàn tay cụ Lừng. Chính giây phút đó, cả người cụ Lừng đang co quắp bỗng duỗi thẳng ra.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật