Gương cầu

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Lùng đi bên tôi, chả chịu nói với tôi một câu. Không biết là đang buồn hay đang cố giấu cái giận đi. Lùng của tôi trước thế và giờ vẫn thế, không muốn đổ cái giận, cái buồn vào lòng người khác, nhất là người đó lại là tôi...
Gương cầu
Minh họa: Tô Chiêm

Người quê tôi bảo chợ biên giới tả Cháng không chỉ là nơi bán nơi mua. Chợ ấy là chợ của những cuộc đời, nơi cất giữ bí mật của những cuộc đời.

Mấy năm nay, người đã đông, hàng hóa lại còn đông nữa. Phiên chợ là người, hàng hóa, xe cộ hai bên cứ như thác như lũ chảy qua nhau. Nghe bảo lối mở gần chợ sắp nâng lên cửa khẩu. Dân bản tả Cháng và mấy bản phía dưới là Túng Chóa, Nậm Pua, Si Mã Phìn sẽ giàu như dân dưới thành phố. Cái tin ấy gió lao cũng không nhanh bằng, làm cho những người buôn bán dưới thị trấn, dưới thành phố thi nhau kéo lên nghe ngóng thế nào.

Đã có một số nhà gần chợ, ở ngay ven đường lấy dây, cây rừng đo đất, cắt bán cho người dưới thị trấn, rồi sang chợ Mã Cao bên kia biên giới mua ti vi, đầu quay, với cả dàn loa to đùng, nhạc đập ình ình suốt ngày đêm…

Tôi thì chẳng quan tâm đến những chu‌yện ấ‌y đâu. Vì nhà tôi ở mãi tận Sán Sả Hồ, đi lên tới chợ mất nửa buổi sáng. Nhưng tôi thích đi chợ, có khi chả để mua gì, chỉ là để được cùng đi với Lùng thôi. Chân Lùng leo dốc nhanh, bền hơn chân con ngựa. Tay Lùng lại luôn biết đôi chân thuôn dài, thẳng tắp của tôi đau mỏi lúc nào. Đôi tay ấm nóng, dày dặn ấy đặt vào gót chân thì gót chân hết rát, đặt vào đầu gối thì đầu gối hết mỏi. Còn cái miệng Lùng êm ngọt như nước con suối A Mu Phìn…

Hôm nay tôi lại lên chợ tả Cháng. Tôi đi sớm, không muốn người cùng bản nhìn thấy mình. Sương giăng mắc khắp núi đồi, treo ơ hờ trên những cây tống quáng, người trai Mông cao lớn lẫn vào trong sương. Lùng lại chơi trò trốn tìm với tôi. Tôi thấy lạnh như có một hơi thở buồn phủ lên khắp người mình. Những ngày trước, mỗi lần ra chỗ hẹn người yêu, thường thì hai chân tôi sẽ ríu vào nhau. Quả tim trong lồng ngực đập thình thịch, thình thịch… Đi chợ với nhau nhiều rồi mà cứ thấy thế nào ấy. Mình vừa là mình, lại vừa không phải là mình. Lạ quá mà. Nhưng lần này thì tôi không thấy như trước nữa.

Từ Sán Sả Hồ đi lên chợ tả Cháng phải qua ba con dốc, bảy khúc cua gấp. Ở mỗi khúc cua người ta trồng một cái gương to lắm.

Những người công nhân vá đường bảo đấy là gương cầu. Những cái gương giúp cho người lái xe ô tô biết tránh người, tránh xe. Đi chợ, qua được bảy cái gương là đến nơi.

Tôi và Lùng đi lên hay xuống chợ cứ chọn chỗ người ta đặt những cái gương ấy mà dừng chân. Hai đứa thích ngắm nhau trong gương.

Tôi thấy khuôn mặt vuông vức của Lùng như hồng hào hơn. Lùng thì bảo mặt tôi là ánh trăng, mắt tôi chứa hai cái hồ trên đỉnh núi sóng sánh nước, còn tóc tôi là dòng suối được ướp bởi ngàn cánh hoa rừng.

Tôi là mặt trời mọc ra từ cái gương này, làm cho Lùng bỏng rát con tim mỗi đêm. Lùng rất thích tôi hát khi hai đứa soi gương. Lùng bảo không nước suối nào êm ái, trong vắt bằng tiếng hát tôi, không ngọn gió nào cao vút bằng tiếng hát tôi, con chim rừng nào cũng sẽ ngừng hót khi tôi cất tiếng hát. Thế nên, những lúc một mình tôi hay soi vào mặt nước rồi cất tiếng hát.

*

Lùng đi bên tôi, chả chịu nói với tôi một câu. Không biết là đang buồn hay đang cố giấu cái giận đi. Lùng của tôi trước thế và giờ vẫn thế, không muốn đổ cái giận, cái buồn vào lòng người khác, nhất là người đó lại là tôi.

Chiếc gương thứ nhất.

Tôi kéo Lùng ra soi, nhưng Lùng nhất định không ra. Lùng bảo Lùng sợ gương rồi, soi vào Lùng chỉ thấy những ngày tháng cũ buồn chán thôi. Và cứ thế Lùng ngồi như một bức tượng khói, lẫn vào sương núi. Nước mắt tôi bắt đầu nhòa nhện.

Tôi cảm nhận được đôi bàn tay Lùng đang lau khô những giọt nước mắt trên mặt mình. Nhưng làm sao Lùng có thể lau khô cả một dòng suối buồn đau đang dâng ngập lòng tôi.

Lùng ôm tôi. Tôi khẽ rùng mình. Rồi Lùng thì thào vào tai tôi, như gió thoảng. Lùng lại kể câu chuyện cũ, câu chuyện về nhà Lùng, giờ với tôi có còn quan trọng nữa đâu… Tôi nghĩ thế, nhưng sợ Lùng buồn thêm, nên không ngăn Lùng…

Nhà Lùng là một nhà có thế lực trong bản trong xã. Chú Lùng làm Chủ tịch xã, bố Lùng không làm cán bộ nhưng lại có cả đàn trâu dễ đến trăm con. Nghe bảo bố Lùng cho em trai dắt năm con trâu xuống huyện thì được cái chức Chủ tịch ấy. Dân khắp vùng biết bao người cần đến quyền của chú Lùng, tiền của bố Lùng. Người ta cần thì người ta sợ. Nhiều người bảo chú với bố Lùng hai mà một, như lão Thống lý ngày xưa.

Nhà có mỗi thằng con trai đến tuổi lấy vợ, tiền thì có nhiều đấy nhưng bố Lùng nhất định không cho con trai mua xe máy để đi như những nhà nhiều tiền lắm của khác. Đấy là do bố còn giận Lùng không chịu học lên cao để làm cán bộ như chú.

Trước Lùng ăn lời bố lắm, nhưng chữ vào tai này lại chui nhanh ra khỏi tai kia. Thế là không học được hết cấp ba. Đấy là do bố Lùng sợ. Cái sợ vì nhìn vào nhà Tráng A Chanh, chủ tạp hóa khu trung tâm xã, có cái nhà hai tầng đầu tiên trong vùng. Nhà đấy có mỗi thằng con trai nên yêu chiều chưa khi nào thấy đủ. Mới tí tuổi đầu nó đòi mua xe máy, thế là mua.

Bố mua xe hôm trước, hôm sau thằng con lao xe xuống vực. Khi lôi được lên, xe thành đống mảnh vụn, người như mớ thịt băm làm chả của mấy tay người Hoa trên chợ biên giới. Từ lúc nhìn thấy thằng con thành mớ thịt băm nhừ Tráng A Chanh phát điên, còn vợ cấm khẩu luôn, đã hai năm mà tuyệt không nói một câu nào nữa.

Nhìn vào gương, tôi nhớ…

Nhiều lần đi với tôi, thấy xe máy của lũ trai bản khác rú ga trêu chọc, bóp còi inh ỏi, rồi xì khói, vèo qua, Lùng bực lắm. Mặt Lùng đỏ gay, mắt Lùng vằn lên. Lùng không phải là Lùng vừa rót vào tai tôi những lời êm ngọt nữa.

Tôi đã bảo với Lùng:

- Lùng à, chân Vì quen leo dốc. Vì chỉ muốn được đi bộ để cùng Lùng soi gương thôi!

Lùng không nói gì, nhưng nhìn mặt Lùng tôi biết Lùng không vui.

*

Làn sương mù quấn lấy váy áo tôi. Những giọt sương trong suốt trên phiến lá rớt xuống khăn, tóc tôi ướt lạnh. Mặt gương bị phủ một lớp sương mỏng, tôi phải lấy tay áo lau đi.

Trong gương là một gương mặt bơ phờ với đôi môi nhợt nhạt, làn da tai tái, mấy lọn tóc đỏ hoe xác xơ, nham nhở, đôi mắt buồn trống rỗng. Sao tôi lại thế này? Tôi muốn gào lên: “Lùng ơi, đừng làm Vì buồn mà!”. Như nghe được tiếng gào trong lòng tôi, Lùng ôm tôi. Hình như hơi thở Lùng làm mờ mặt gương cầu.

Tôi lại lấy tay áo lau gương…

Người đàn ông vạm vỡ, gương mặt xù xì, hai con mắt sắc nhọn như lưỡi dao chọc tiết lợn đang vằn những tia máu. Hàm răng ông ta nghiến lại, rồi rít lên:

- Cái thằng kia, đầu mày là đầu con trâu trong góc chuồng tối à?

Sau tiếng rít là cả cái mâm gỗ bị giáng xuống nền nhà, bát đũa rơi vỡ tung tóe. Người đàn bà và đứa gái nhỏ rúm vào một góc. Người con trai ngồi dựa vào cột nhà, mắt trừng trừng nhìn người đàn ông.

- Mẹ nó là cái máng lợn bỏ hoang. Con lợn đực nào cũng vục mõm vào được. Mày biết không, hả thằng kia?

Sau cú giáng chiếc mâm, người đàn ông lại gầm lên.

Người con trai ấy là Lùng. Người đàn ông ấy là bố Lùng.

Co rúm người, mồ hôi túa ra, tôi không dám tiếp tục nhìn vào chiếc gương thứ hai.

*

Chiếc gương thứ ba.

Giữa gương là một cái chấm đen hình nấm. Mắt tôi bị hút vào đấy. Rồi cái nấm ấy từ từ nở ra những đám mây đen. Chớp mắt mây đã vùn vụt lao về bao quanh ngôi nhà đứng chênh vênh bên sườn núi. Tôi nghe được cả tiếng sấm sét nổ rền. Mưa xối xiên hối hả. Mái nhà bắt đầu rung lên bần bật. Nước mưa bò theo những vết nứt trên những tấm pờrôximăng giọt giọt rỏ xuống.

Lại những hình ảnh lớp lớp trong gương làm tôi nhớ…

… Mẹ và bốn chị em tôi ngồi bó gối trên giường tránh mưa. Chiếc giường đã ướt một góc, rồi ướt một nửa và sắp ướt hết. Năm mẹ con tôi không chạy đi đâu cả, ôm nhau ngồi nguyên một chỗ. Thì còn có thể chạy tránh đi đâu được nữa? Ngôi nhà này chỗ nào cũng dột, từ khi người đàn ông duy nhất, người chủ ngôi nhà, ra đi. Lẽ ra, chiếc giường đã được che bởi tấm ni lông như mọi khi, nhưng cơn gió bất ngờ nào đó đã cuốn nó xuống dưới vực sâu.

…Đêm mùa thu. Sương tưới lên những trảng cỏ hanh hao. Từng đàn côn trùng bay rù rì dưới ánh sáng ảo hồ. Chị em tôi ôm nhau cuộn tròn trong đống chăn rách, mẹ tuồn ra, đi về hướng điểm trường người ta đang xây dựng. Vục dậy chong mắt nhìn, tôi không thấy mặt mẹ, chỉ lờ mờ bóng người tất tưởi chạy, chiếc váy dập dềnh như một đóa hoa đang trôi. Sáng sớm hôm sau, người đàn ông có gương mặt như cái thớt gỗ nghiến vừa thái thịt loáng mỡ vác hai tấm pờ - rô - xi - măng lẳng lặng đặt phía sau nhà tôi. Rồi cứ mỗi sáng thức dậy tôi lại thấy hai tấm mới được đặt lên phía trên. Không biết mẹ đã tất tưởi chạy bao lần trong đêm để có đủ cả hai mái nhà?

Rất lâu sau đó, vào một buổi sáng, người đàn ông gầy cao đuồn đuỗn như một cây tre đực đến, lão ta giương cặp mắt mèo xanh lét nhìn chúng tôi. Mẹ tôi từ trong bếp đi ra, lão vươn cánh tay nghều ngoào sờ mông mẹ. Mẹ quay ngoắt lại lườm lão một cái, lão vội rụt tay lại. Lúc sau, lão thoăn thoắt leo lên leo xuống như vượn, khuân những tấm pờrôximăng lên lợp. Đêm đó, trời mưa, nhà không dột, nhưng vô tình chạm vào mặt, tóc mẹ, tôi thấy tay mình ướt đẫm.

Ảo ảnh. Đêm. Xoáy tít…

Đêm. Trong ánh sáng nhập nhòa, xiên cắt qua khe vách gỗ của ánh trăng, tôi thấy thân người trùi trũi hùng hục trên tấm thân trắng lốp. Tôi không dám thở, không dám nhìn lâu. Tôi sợ mình động cựa thì đất dưới nền nhà sẽ sụt thành cái hố sâu. Nước mắt tôi chảy vào đêm đầm đìa. Sáng ra, tôi giẫm phải tấm ni lông nhớp nháp và một mảnh váy bị xé của mẹ nằm hấp hối trong góc nhà.

Đêm. Mẹ tất tưởi chạy, chìm lút vào màn sương quánh đặc. Khi trở về, mẹ lặng lẽ trút những bắp ngô vào chiếc thùng gỗ. Tiếng nấc cố nén lại nghẹn ứ trong cổ họng. Có phải mẹ đang nghĩ đến những đứa trẻ ở bản Phìn Hồ? Chúng cũng nheo nhóc như chị em tôi. Tôi biết người đàn ông ấy mùa này đang một mình trong chiếc lều canh và nương ngô nhà họ đẹp nhất bản.

Đêm…

Đêm…

*

Chiếc gương thứ tư.

Kí ức từ đáy gương như dòng suối A Mu Phìn lại thấm ngược vào lòng tôi.

Lùng thì thào bên tai tôi, rủ tôi đi trốn. Mắt tôi quắc lên, sắc lẹm nhìn xoáy vào Lùng. Cặp môi hồng cong lên thách thức. Tôi không đi đâu cả. Tôi không có tội gì. Tôi là đứa con gái sinh ra ở núi, tôi quen sống giữa rừng. Sẽ không nơi nào cho tôi một cuộc đời như ở giữa núi rừng Thèn Chu Phìn này. Dù ở đây, tôi có một người mẹ là cái máng lợn bỏ hoang mà bất cứ con lợn đực nào cũng có thể thò mõm vào, tôi có một đàn em lóc nhóc, đói khát từ đầu mùa gieo hạt đến qua mùa thu hạt.

- Đi với Lùng nhé, sang bên kia, chỉ có Lùng và Vì thôi - Lùng lại nói trong hơi thở gấp.

-…

- Chỉ cần Vì thôi, Lùng chán lắm rồi, chán tất cả rồi!

- Nếu sợ người nhà thì đừng gặp nữa! Đi với đứa gái khác có mặt đẹp, váy đẹp, có người mẹ tốt đi!…

Tôi gào lên, từng lời nghèn nghẹn, mọng nước. Lùng siết đôi bàn tay tôi, rồi ghì chặt tấm lưng nhỏ mềm của tôi. Tôi vùng ra. Tôi đứng lên nhìn mình trong gương. Qua làn nước mắt, tôi vẫn thấy đôi má hồng như hai quả đào căng ứ trên gương mặt tròn, đôi môi đỏ tươi cắn vào nhau, mái tóc đen mượt mà. Tôi cất tiếng hát trong kiêu hãnh, đau đớn. Tiếng hát kể về đứa con gái nhà nghèo, có người mẹ chả ra gì, bị người trong vùng coi khinh. Lùng ôm đầu, mười đầu ngón tay xoắn vặn vào mái tóc xanh mướt, rối bù. Tôi vẫn cứ hát...

Lời hát về những ngày mưa trong căn nhà dột, những bữa cơm lũ em tôi tranh nhau ăn mà chả có gì, những đêm nước mắt tôi thầm thĩ chảy theo con đường mẹ tất tưởi chạy trong sương trăng.

Lời hát về những lần Lùng cùng tôi lên chợ. Về lần đầu cầm tay rụt rè. Về cái ôm bỏng rát. Về nụ hôn mụ mị từ đầu đến chân.

Lời hát về một buổi sáng, trong ngôi nhà rách nát của tôi, người ta đến chửi mẹ, mắng tôi là đứa con gái hư hỏng, dùng bùa yêu để trói đời thằng con trai nhà họ Giàng.

Tôi chỉ ngừng hát khi chiếc xe ô tô đen trũi, mang biển xanh đỗ xịch lại bên chúng tôi. Người đàn ông núc ních có đôi mắt híp tịt ló mặt qua cửa kính, vừa cười vừa bảo: “Cô suy nghĩ kĩ chưa? Nhất định cô sẽ đoạt giải. Nơi của cô không phải là cái xó xỉnh này”. Khi Lùng gồng hai bàn tay, vằn mắt tiến lại phía người đàn ông thì chiếc xe lao vút đi, để lại một luồng khói xám đen.

Tờ quảng cáo kiếm tìm thí sinh tham gia cuộc thi “Người đẹp hoa mơ” người đàn ông ấy đưa cho tôi từ mấy phiên chợ trước, lại hiện lên trong đầu tôi. Tôi đã xem đi xem lại đến nhàu tờ giấy đó. Những ý nghĩ lạ lùng cứ luồn vào trong đầu như những con kiến chui vào lòng quả vả, rồi đục ruỗng những hương mật. Tôi muốn quên ánh mắt Lùng. Tôi muốn quên đôi tay Lùng. Tôi muốn quên hơi thở Lùng. Quên hết… Tôi biết mình đẹp. Tôi lại hát hay. Sao tôi bị coi thường? Sao tôi không có quyền mơ ước chứ?

*

Những vòng xoáy trong gương đưa tôi về lại mùa xuân ấy…

Gió ấm tràn về khắp các sườn núi. Mận, mơ rắc lấm tấm nụ nõn trên những nhánh khô gầy. Cải ngồng vàng rực, bung nở như pháo hoa. Vợ chồng các loài chim rừng gọi nhau về gần người làm tổ. Trong gác bếp các nhà thơm mùi thịt nai, sóc khô. Suốt ngày đêm rượu chảy tí tách từ ống trúc vào các chum sành, hương men lá làm đàn ông cho lẫn đàn bà chuếnh choáng. Lũ con gái í ới khoe nhau những chiếc váy mới thêu chuẩn bị cho hội gâu tào. Lũ con trai ồm òa gọi nhau chuốt lại ống sáo, cây khèn. Thi thoảng đã có người đi làm xa về nhà để chuẩn bị đón tết. Và sẽ còn nhiều người nữa nhớ bản Sán Sả Hồ, nhớ vùng núi rừng Thèn Chu Phìn này mà về.

Còn tôi, đã quyết định rồi. Tôi sẽ đi khỏi nơi này. Tôi chỉ quay về khi người ta phải ngước lên mà nhìn tôi. Cả đêm qua, tôi đã không ngủ. Tôi đi về cuối bản, đào một cái hố dưới gốc cây dẻ, là nơi Lùng thường hẹn tôi ra đấy nói chuyện, cũng là nơi lần điều tiên quả tim tôi nảy lên khi chạm ánh mắt lửa rượu của Lùng. Tôi úp mặt vào miệng hố, gào lên: “Vì sẽ quên Lùng!”. Nước mắt tôi theo từng lời xối xả rớt xuống đáy hố đen ngòm. Tôi gào lên đúng bảy lần như thế. Hồn vía tôi sẽ không còn nhớ gì người con trai ấy khi tôi dời cái bản này mà đi.

Tôi vẫn không rời mắt khỏi chiếc gương thứ năm. Và tim tôi nhói lên khi thấy…

Mẹ giằng lấy chiếc túi của tôi, rồi nức lên:

- Con gái ơi, mày đi thật à?

Giữ chặt chiếc túi chỉ độc một chiếc váy còn mới bên trong, tôi như không nhìn thấy mẹ và lũ em đang nhớn nhác.

- Đàn bà Mông nước mắt không quấn quanh thân, không phải đàn bà Mông. Biết đi đâu cho hết khổ, con gái ơi? - Mẹ buông chiếc túi của tôi, ngồi thụp xuống, gục vào cái cối xay ngô.

Tôi chạy qua mẹ tôi, qua lũ em ngơ ngác không hiểu chuyện gì, qua con chó ốm vẫn cố ngoáy cái đuôi và ư ử rên như muốn giữ lấy tôi. Nhưng tôi không ngoái đầu nhìn lại. Chiếc khăn quàng tuột khỏi cổ, rơi quấn vào chân, rồi mắc vào bụi cây bên đường, tôi cũng không thèm nhặt. Mẹ tôi lại nức lên. Tiếng lũ em gào gọi đập vào vạch núi vọng thành những âm thanh thê thiết, cào xé tim gan. Con chó thì tru lên ai oán…

Chiếc xe biển xanh mở cửa, tôi bước vào nhanh như một con thỏ. Người đàn ông híp tịt mắt cười với tôi. Từng bóng cây, từng ngôi nhà vùn vụt qua tôi. Có một bóng áo chàm đuổi theo. Rồi tiếng gào thét như tiếng nước từ đỉnh trời xối qua chín tầng mây lao xuống cánh rừng âm u. Thôi, về với bố mẹ đi Lùng, quên đứa con gái này đi! Đứa con gái này sẽ không buồn, không nhớ gì đâu…

*

Chiếc gương thứ sáu.

Lùng vẫn lặng lẽ bên tôi. Nước mắt Lùng hay những giọt sương đang tan ra trên các phiến lá. Tiếng Lùng thoảng trong gió, mơn man lành lạnh bên tai tôi. Lùng bảo ngày xa tôi hồn vía Lùng lúc thì bay lên tận đỉnh núi Bát Đại Sơn kia, khi lại chìm sâu dưới dòng sông Tráng Kìm cuồn cuộn. Lùng thành cái cây khô. Lùng như cái áo rách… Bố rượu vào suốt ngày chửi, chú thì coi khinh, không thèm nhìn mặt, không nói một câu với thằng cháu.

Lúc ấy, tôi có nhớ Lùng không? Tôi nhìn vào đôi mắt héo úa của mình trong gương để tìm câu trả lời cho tôi, cho Lùng…

…. “Vâng, và phần hồi hộp nhất của cuộc thi,... tôi sẽ không để quý vị và các bạn đợi lâu… Thí sinh xuất sắc nhất,… bông hoa rực rỡ nhất,… chủ nhân của chiếc vương miện “Người đẹp hoa mơ” đêm nay… Đó là thí sinh mang số báo danh… mười - tám: Vừ - Thị - Kiều - Vy!”. Khi giọng thanh thanh, nhơn nhớt của chàng MC điển trai vừa dứt, pháo giấy lấp lánh ánh bạc, ánh vàng phun xuống như mưa, đèn flash lia vào tôi không ngừng chớp lóe. Tiếng hú hét, tiếng vỗ tay vang dội như sấm… Tôi không hề bất ngờ với kết quả cuộc thi. Tôi đứng như trời trồng. Và nước mắt bắt đầu rơi. Thật đúng lúc… Ánh đèn flash lại thi nhau chớp lóe. Gần một phút trôi qua, không thấy tôi bước lên, cô MC ý nhị kéo tôi ra khỏi dàn thí sinh đang cố nở những nụ cười ma - nơ - canh. Người ta quàng trước ngực tôi dải băng đỏ, gắn lên đầu tôi chiếc vương miện mà tôi biết là đồ mĩ kí, ngoại trừ một viên ngọc trai bằng đầu ngón tay út…

“Người đẹp hoa mơ” năm trước trao cho tôi một thanh pha lê mà người ta gọi là quyền trượng rồi dắt tôi đi một vòng trên sân khấu.

“Cô ấy quá đẹp!”, “Cô ấy đã quá bất ngờ, xúc động”… Ai đó thốt lên khi thấy nước mắt tôi tiếp tục tuôn xối…

Nước mắt đã không ngăn được những gì của ngày hôm trước tôi muốn xóa nhòa…

… Hai tên cận vệ thân tín của lão Bâu hùng hổ xông ra khi Lùng gào lên, rồi đến kéo tay tôi đúng lúc tôi và lão vừa đến sảnh của một nhà hàng sang trọng. Chúng lôi Lùng ra ngoài, Lùng la hét, giãy giụa nhưng không thể thoát khỏi hai con beo gấu dữ tợn đó. Một tên vặn tay, bó‌p c‌ổ Lùng. Tên còn lại liên tiếp đấm vào mặt vào ngực Lùng. Tôi hét lên nhưng chúng không dừng tay. Chỉ đến khi mặt Lùng nhoe nhoét máu, người lả đi chúng mới buông tha. Tôi chạy ra, định gọi ai đó cứu Lùng thì lão Bâu kéo tôi ấn vào xe rồi vút đi.

Lão nhếch môi cười, đôi mắt híp tịt đầy nham hiểm: “Em không phải là Vì. Em là Kiều Vy. Em là của tôi, nhớ nghe cưng!”…

… Lờ mờ giữa cơn say, tôi nhận ra mình đang lõa lồ nằm trên chiếc giường trắng muốt, trong căn phòng lộng lẫy. Tôi định gượng dậy tìm quần áo, thì một thâ‌n hìn‌h phì nộn đè nghiến xuống. Tôi quay cuồng vì hơi rượu mạnh. Cố tỉnh táo, căng mắt nhìn, tôi nhận ra khuôn mặt ụ ự của “quan anh”. Và hơi rượu lại túa ra từ cái mồm gang thép. Rượu, sức nặng của c‌ơ th‌ể phì nộn ấy làm tôi như một cái váy bị khúc gỗ nghiến đập tơi bời trên mặt suối. Một mũi khoan xiên thúc, tôi cảm nhận những giọt máu rớt trong mơ hồ. Và rồi tôi lịm đi sau những cú thúc như tách toạc thân mình làm hai mảnh…

… “Tầm hoa mà phải dâng cho người ta hút mật. Anh nhục như con chó Vì ơi!”. Vục mặt chùn chụt trên bầu ngực tôi, lão Bâu vừa khóc vừa rít lên cái điệp khúc ấy sau mỗi lần phải dẫn tôi đi tiếp các “quan anh” của lão. Biết bao đêm nước mắt lão lạnh toát, ướt hết bầu ngực nõn mẩy của tôi, trôi cả xuống mảng bụng mượt mịn, căng săn. Biết bao đêm sau những cuộc nhớp nhơ, những con thú đã no mồi, tôi ngồi bó gối để hồn vía mình trở về những phiên chợ, cả những đêm lấp loáng bóng mẹ tất tưởi chạy tan vào trong sương trăng. Sán Sả Hồ ơi, mẹ ơi, Lùng ơi, tôi đã ra đi để tìm cuộc đời khác, và rồi nó như thế này đây… Giờ thì tôi đã là con thú sập bẫy, con cá mắc câu. Tôi biết mình không thể thoát khỏi nanh vuốt của lão Bâu. Mà đã lâu, từ sau cái đêm đầu tiên bị “quan anh” dập vùi, tôi cũng không muốn thoát ra nữa rồi…

*

Chiếc gương thứ bảy.

Chợ không còn xa nữa. Mặt trời lên cao. Sương đã tan hết. Trong gương là một quầng lửa bỏng rát. Tôi thấy mình như bị quăng vào thiêu đốt trong quầng lửa ấy. Tôi gọi Lùng, mà Lùng không nghe thấy gì nữa. Hình như Lùng không còn bên tôi…

“Đồ điếm!... Người đẹp gì mày… Hoa khôi gì mày…”. Sau mỗi câu gằn rú, người đàn bà mặt bự phấn, mí mắt xanh lè lại giật tóc tôi ra đằng sau để giáng một cái tát nảy lửa. Mắt tôi tóe vàng hoa cải. Miệng mằn mặn bởi máu. Góc phòng, lão Bâu không ngừng gào khóc, van xin. Thân thể núc ních, trắng ởn của lão đang giãy giụa như con lợn sắp bị chọc tiết trong tay ba gã đồ tể.

Tỉnh lại tôi thấy toàn thân thâm tím, nát nhừ, đôi môi sưng vều, những lọn tóc hoe vàng bị cắt vung vãi trên nền phòng. Tôi ngồi ôm gối khóc từ chiều, qua đêm, đến sáng trong khách sạn.

Khi tôi về đến ngôi nhà lão Bâu dùng tiền của các “quan anh” để mua cho tôi ở thì cổng đã thay khóa khác. Trên vỉa hè, dưới gốc cây sấu, chiếc vali của tôi vỡ nát, mớ váy áo bị cắt xé tơi bời.

Đau đớn. Tủi nhục. Tôi ngồi khóc cho đến lúc mặt trời chìm khuất để khép lại một quãng đời. Tôi không thuộc về nơi này. Trong lòng tôi không còn gì nữa. Chỉ có núi đồi bát ngát đang mơ hồ trở lại, và bóng Lùng thấp thoáng dưới những gốc cây, và giọng Lùng lẫn vào trong gió ấm…

*

Qua chiếc gương thứ bảy, nhưng tôi không vào chợ. Lùng không còn bên tôi thì chợ không là chợ nữa.

Sao Lùng lại chọn cách ấy, vài chiếc lá cho hết một kiếp người, có đáng không? Chọn quả đồi lá ngón này để đợi Vì, phải không Lùng? Hôm nay, một đoạn đời Vì, Lùng đã thấy hết rồi. Chúng mình sẽ cùng nhau đến nơi cần đến, Lùng à...

Tôi thì thầm, tim bổi hổi đập, chân bước đi như lướt trên cỏ. Cây cối, núi đồi, mây trời… hoàn toàn biến mất. Chỉ gương mặt hồng hào, vuông vức tuổi hai mươi của Lùng đang cười với tôi lúc ẩn lúc hiện giữa rực rỡ hoa vàng.

Dưới chân tôi là bảy chiếc gương cầu trong suốt.

Tôi bước qua bảy chiếc gương. Thân thể, hồn vía hoàn toàn thanh sạch.

Tôi đi về phía Lùng, phía rực rỡ hoa vàng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật