Ngày rất dài

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Từ lâu, Nâu không dám soi gương, không biết mình mang gương mặt con quỷ nào. Chắc chắn là một con quỷ cái hung dữ, yêu chồng đến độ ai động đến chồng cũng thành tình địch, cũng quyết “ăn thua“...
Ngày rất dài
Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Nắng xiên khoai chiếu ran rát lên mặt. Nâu lặng lẽ, cắm cúi cuốc, cào, lật cỏ trên khoảnh ruộng lạc. "Án gì đấy?". Nâu giật mình ngẩng lên. Trái với giọng nói có âm sắc nhẹ nhàng là một thâ‌n hìn‌h phốp pháp, thấp đậm, từ hôm qua đến giờ chỉ đưa mắt nhìn Nâu.

Nâu lại cúi mặt. "Giết người!". "Mấy năm?". "Dạ, bảy!". "Sao nhẹ thế?". "Ngộ sát!". "Tình địch chứ gì?". Nâu chợt khựng lại, dừng tay.

Lặng im. Nâu gầy gò lọt thỏm trong bộ áo kẻ sọc, vẫn cắm cúi cào đất.

Đêm qua, Nâu lại thức giấc, mắt chong nhìn vào màn đêm, tiếng thở dài, tiếng ngáy của những bạn tù khiến cô không ngủ lại được.

Phòng Nâu ở gần 25 người, án nặng có, nhẹ có. Đa số ai cũng ít trò chuyện, tự giác tuân thủ nội quy. Lạ thay, Nâu không nhìn thấy ai mang vẻ mặt ác quỷ, ngoài vẻ trầm tư, thậm chí có những gương mặt hiền khô đến nghẹt thở.

Từ lâu, Nâu không dám soi gương, không biết mình mang gương mặt con quỷ nào. Chắc chắn là một con quỷ cái hung dữ, yêu chồng đến độ ai động đến chồng cũng thành tình địch, cũng quyết "ăn thua"...

Đêm hổ thẹn. Đêm sám hối muộn màng. Đêm vò võ, chậm chạp nhích từng giây tích tắc. Bao giờ cho hết hai nghìn năm trăm ngày đây? Lân gà trống nuôi hai con nhỏ trong hai nghìn năm trăm ngày ra sao? Hai con trứng nước ngày mẹ đi, hai nghìn năm trăm ngày trở về, chúng còn nhận ra mình không?

Hai giọt nước từ từ lăn xuống hai bên thái dương, thấm bết vào chân tóc. Cảm giác bất an. Cảm giác lơ lửng. Bao lần, Nâu cứ ước, sau một đêm thức dậy sẽ chẳng còn nhớ bất cứ điều gì, một thân một mình ích kỷ, như thế sẽ bình yên hơn. Nhưng không được! Choán ngợp đầu óc Nâu vẫn là hình bóng Lân bấn bíu với hai con nhỏ...

*

Nâu không nhớ Lân bắt đầu đi sớm về khuya từ khi nào, bởi lúc nào anh cũng về khuya đi sớm. Và lúc nào cũng có lý do chính đáng. Rồi những câu chuyện vô hồn càng lúc một nhiều. Là vợ, Nâu có giác quan thứ sáu, rằng Lân đang có gì đó giấu mình. Yêu nhau ba năm rồi lấy nhau, Nâu chưa một lần dùng điện thoại chồng kiểm tra và đó cũng là lý do khiến Lân không đề phòng.

Hôm ấy, như mọi ngày, Lân sạc pin điện thoại rồi đi tắm. Nâu đang ủi quần áo, nghe điện thoại báo tin nhắn, ma xui quỷ khiến thế nào cô lại tiện tay cầm máy điện thoại lên. Dòng tin nhắn rõ mồn một, cứ nhảy múa trước mắt: "Anh! Em thấy trong người... lo lo...".

Là sao? Bị ai phát hiện? Hay đã hôi cơm hôi cá? Nâu suýt đánh rơi chiếc điện thoại, lảo đảo ngồi phịch xuống mép giường.

Nâu chìa tin nhắn ấy khi Lân vừa từ phòng tắm bước ra. Gương mặt anh thoáng chút bối rối, lo lắng. Rất nhanh, Lân lấy lại vẻ bình thản, không kịp cho Nâu chất vấn hỏi han câu gì: "Cái Linh ấy mà, dạo này nó hay... tâm trạng!".

Như không hề quan tâm đến câu nói ỡm ờ trong điện thoại, lại không hề biết Nâu đang run rẩy với đủ thứ cảm xúc, Lân mở ti vi, chăm chú vào màn hình đang chuyển động. Anh nói tiếp, không nhìn Nâu đang đứng trơ như phỗng: "Tối nay, cả nhà mình đi ăn món gì ngon ngon tí, em hỉ?".

Suốt cả bữa ăn, Nâu rối rắm với mớ tâm trạng mâu thuẫn. Có thật đó chỉ là một câu trêu đùa? Hay Lân đã quá thâm siêu khi ứng xử với tình thế? Linh là cấp dưới của Lân, bố mẹ mất sớm, chỉ còn hai chị em, nhà ở xa nơi làm việc nên hai chị em ở chung phòng trọ, tiện cho việc đi lại.

Ở cơ quan, vốn thông minh nhanh nhẹn, Linh giúp Lân khá nhiều việc, hai người trở nên thân thiết, cộng thêm hoàn cảnh côi cút của Linh, khiến Lân cảm kích. Thi thoảng Linh vẫn đến phụ giúp mỗi khi nhà Nâu có việc hay dịp lễ, tết. Xinh xắn, trẻ trung. Váy ngắn, hoặc quần vo quá gối, bắt mặt bỏ trái lẹ làng. Mẫu người như thế, thiếu gì vệ tinh vây quanh! Mình đa nghi quá chăng? Nâu gạt đi chút nghi ngờ vừa mới nhen nhóm, và bật cười mỉa mai cái tính ghen tuông cố hữu, như bầu nham thạch sẵn sàng phun trào bất cứ lúc nào.

Việc sinh đứa con thứ hai đã lấy đi của Nâu không biết bao nhiêu sức lực. Cô bị tàn phá bởi nỗi đau, do một sơ suất nhỏ của bác sĩ, chân trái thường xuyên bị tê bì như chuột rút khiến cho việc đi lại khó khăn. Cần quá nhiều cố gắng để Nâu có thể di chuyển. Lúc lắc cái chân, từ bên này sang bên kia, ra khỏi giường, kể cả cho con bú... mọi thứ dường như lấy hết cả sức lực ý chí của Nâu.

Nhưng, đau đớn này chẳng bõ bèn, thấm vào đâu so với nỗi đau ngày Nâu biết rõ Lân phản bội. Hôm đó, sau cuộc nhậu tổng kết cơ quan, Lân về nhà nằm vật ra với cơn say bí tỉ. Điện thoại báo tin nhắn. Lại của Linh. Cái gì thế này? "8h. Đồi trăng. Lần cuối...". Mọi cảm xúc như đông cứng lại. Lân vẫn ngủ say trong tiếng ngáy đều đều, không hay biết Nâu đang quay cuồng trong cơn bão tố. Cơm tối xong Lân đi. Suốt đêm, cô thao thức, hình dung, mường tượng. "Đồi trăng ở chỗ nào?", sáng hôm sau cô hỏi thẳng Lân. Anh thản nhiên như không: "Chỗ đồi cát cao nhất, sát mép biển. Trăng rất sáng...".

Khi Lân chuẩn bị mọi thứ để đi làm, Nâu mở dòng tin nhắn ấy của Linh, cố nói nhỏ, giọng như gió thoảng: "Anh nói đi, từ khi nào? Vì sao?". Là Nâu ám chỉ các cuộc hẹn hò của họ ở Đồi trăng nào đó. Hình như Lân tái mặt. Hình như Lân nói lí nhí: "Anh xin lỗi… nhưng mọi việc không như em nghĩ". "Anh phải chờ tôi bắt được trai trên gái dưới mới chịu nhận à?". "Bây giờ anh có giải thích thế nào thì em cũng sẽ không nghe, thời gian rồi sẽ rõ em ạ".

Ngày xưa, Lân mê Nâu quên cả dép. Với làn da nông quê, bố cô đặt tên con gái rượu là Nâu. Nhưng khi vào đại học, dàn da nâu như phát sáng. Cứ tươi ngời mịn mượt, khinh thường nắng gió, khiến ai cũng ấn tượng. Tận trên lớp cuối, Lân không mấy khi rời lớp năm đầu của Nâu. Hình như cuộc đời trai trẻ của anh không có gì thu hút, ngoài cô gái tên Nâu. Chờ cô tốt nghiệp, anh xin cưới ngay. Và ngày nào cũng như tuần trăng mật, anh say vợ như điếu đổ. Anh gọi yêu cô là Trái Dâu. Có lẽ xuất phát từ câu dân gian "Nước da trái dâu, gần lâu không chán!"? Nghe ngồ ngộ, nhưng thinh thích...

Lại tin nhắn từ số điện thoại Linh: "Vẫn chỗ cũ...". "Là sao, anh nói đi?". Nâu điên người, bật máy đưa cho chồng. Lân liếc qua, thản nhiên: "Là Linh vẫn còn ở chỗ cũ, chưa chuyển...". Câu trả lời của chồng khiến Nâu anh ách. Mọi thứ quá trần trụi, quá rõ ràng, quá trơ trẽn. Vợ chồng bao năm đầu gối tay ấp, đã hai mặt con. Nâu nhìn lại tình cảnh của mình, nước mắt cứ thế tuôn trào, con bé mới ba tháng tuổi vừa day bú vừa nhìn mẹ ngơ ngác.

Vậy ra, Lân và Linh đã từ lâu, có lẽ từ khi con Cún mới ba tuổi, và Nâu đang mang thai bé Sóc. Nâu nhớ những ngày ốm nghén, rồi mang bụng bầu to tướng nặng nề, cho đến những ngày nằm ổ sinh con, Lân hầu như không đòi hỏi chuyện vợ chồng, chỉ một vài lần thi thoảng sau những cuộc nhậu Lân không làm chủ được mình. Nghĩ anh tâm lý cho vợ mà phải chịu nhịn, Nâu thương chồng lắm, cô tìm cách bù đắp cho chồng bằng việc chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ, quần áo lúc nào cũng chỉn chu…

Cảm giác bình yên, có lẽ đó là mong muốn của hầu hết đàn bà trên thế gian khi có một gia đình. Thế nhưng, từ giây phút Nâu biết chồng phản bội, cô như chiếc lá mỏng giữa cơn lốc xoáy. Sự bình yên dù là trong một giấc ngủ vô thức cũng không thể có. Trong lòng Nâu là muôn vàn cảm giác tồi tệ, là đau đớn, là thất vọng ê chề, là tủi hổ, là cô đơn cùng cực. Cô không nhớ mình đã khóc bao nhiêu, đã tự dằn vặt và tổn thương mình thế nào. Nâu chỉ biết, tim cô như bị kim đâm bởi câu hỏi, sao chồng có thể phản bội? Mà thật ra đó là một câu hỏi chẳng bao giờ có thể trả lời được. phản bội là phản bội, chẳng có lý do nào khác.

Nâu tiều tụy như tàu lá héo. Cô không biết mình chịu đựng nỗi đau này bao lâu, vết thương bao giờ thì lành. Không khí ảm đạm bao trùm cả ngôi nhà. Nâu và Lân, hễ cứ nói chuyện gì ra là cãi nhau, những lời hằn học chát chúa đánh tan những buổi trưa yên tĩnh, đánh tan sự bình lặng lâu nay của hai đứa con. Cô hoang hoải. Cô đơn. Nghi ngờ tất cả.

Hôm sau, khi Lân đã đi làm, Nâu thu dọn đồ đạc, ôm con về nhà mẹ đẻ, để lại mảnh giấy vẻn vẹn mấy chữ: "Em đưa con về ngoại ít hôm. Chúng ta cần thời gian để suy nghĩ!". Nâu không nói lý do với mẹ, mẹ Nâu tâm lý nên không hỏi sâu. Có lẽ vì đã trải đời, bà hiểu những sóng gió đang xảy ra với gia đình con gái, và Nâu đang cần một khoảng lặng. Không vặn vẹo hỏi han, bà âm thầm cơm nước, bà cháu thủ thỉ đủ chuyện. Con bé chỉ vui với bà một lúc, và bao giờ cuối câu chuyện cũng hỏi một câu: "Sao bố không về đón cháu hả bà?", rồi thỉnh thoảng ngồi thần ra, lủi thủi một mình. Nâu phân vân giằng xé, ngổn ngang tâm trạng. Nhìn con gái chưa đầy bốn tuổi, mấy hôm nay trông cứ như bà cụ non, Nâu nghe tim mình se thắt. Cứ kết thúc để nhẹ nhàng cho riêng mình, hay là nghĩ cho gia đình mình từng vun vén? Thế nào cũng khó khăn với Nâu.

Được mấy hôm, Lân lao về ngoại, xin đón mẹ con Nâu cùng lời xin lỗi vì bận quá nhiều việc. Anh bảo không chịu nổi khi phải xa mấy mẹ con Nâu, rồi như van lơn trước vợ, anh nói sẽ bù đắp cho Nâu. Nâu muốn hét to lên, rằng anh thật tồi tệ, rằng anh không xứng đáng được tha thứ. Rằng lúc Nâu chịu đựng nỗi đau sinh nở, vất vả nuôi con, một mình lê lết vượt qua nỗi đau thể xác, thì anh ở đâu, ở đâu?

Nhưng mọi lời nói nghẹn ứ ở cổ không bật ra thành lời. Bởi dáng vẻ thất thểu, hốc hác, râu ria lởm chởm của Lân, khiến cô ứa nước mắt. Cứ như cả tháng nay anh không hề ngủ, không cạo râu, không thay quần áo. Cô khốn khổ như đứng ở ngã ba đường, tiếp tục ở lại thì đau, mà đi thì không nỡ. Mà nào Nâu thích thế! Cô cũng muốn tin chồng lắm, nhưng sao mọi thứ cứ lập lờ, trắng không ra trắng, đen chẳng ra đen? Không! Cô không về! Cảm giác bị hành hạ, bị lừa dối, bị coi thường, bị bỏ rơi, còn đầy ứ trong cổ…

Ăn xong bữa tối, mẹ ngồi vào góc giường, nơi ba mẹ con Nâu đang nằm. "Sao con không dứt khoát đi, giữ thì giữ, buông thì buông.

Mẹ nghĩ, nếu con không tha thứ được cho chồng, thì không buông được cho mình đâu. Rồi còn hai đứa con, nó sẽ thế nào nếu không có bố…". "Chắc chúng con ly dị thôi, nghĩ đến những gì anh ấy đã đối xử với con, con không cam lòng…".

Nước mắt Nâu lại trào ra khi nghe mẹ phân tích thiệt hơn. Nào phải Nâu không nghĩ cho mình, cho chồng, cho con. Nhưng lòng dạ Nâu đâu phải sắt đá mà nỗi đau sâu mấy cũng không để lại vết. Nâu lại cứ ước, giá mà cả trong lòng và đầu óc đều trống rỗng, không phải chọn, không phải nghĩ ngợi điều gì.

Nâu vùi mình, khóc chán chê mấy hôm. Nâu dậy sớm, sững sờ, hiện lên trong gương là một khuôn mặt hốc hác, đôi mắt trũng sâu.

Mẹ ân cần đặt tô cháo trước mặt Nâu, rủ rỉ: "Thế đủ rồi con ạ, già néo thì đứt dây. Đàn ông ai chẳng máu ba thê bảy thiếp vụng trộm? Con nên cho chồng một cơ hội… Đấy, con nhìn lại mình xem, có người đàn ông nào yêu nỗi một người đàn bà trong bộ dạng thảm hại này không?".

Rồi bà nấu lá cho Nâu gội đầu, pha thêm tinh dầu vào nồi nước cho Nâu tắm. Nâu làm một cách máy móc, không một chút sức sống.

Những ngày qua, Nâu sống như chết, không ngủ được, càng không thể ý thức được mình. Mùi hương từ nồi nước lá chanh, mùi sả lan khắp phòng, Nâu thấy người tỉnh táo hẳn ra. Ba bà cháu đang đùa vui, tiếng con chị trêu em lanh lảnh, cô em mới ba tháng tuổi chẳng hiểu chị đang nói gì cũng huơ huơ tay, mắt lúng liếng ra chiều hưởng ứng. Nâu nghe tim mình nhoi nhói, khi nghĩ đến tình cảnh chia ly. Có lẽ mẹ nói đúng, chén bát trong chạn còn có khi xô…

Lân đón ba mẹ con ở bến xe. Mắt Nâu cay cay nhìn con bé Cún cứ quấn lấy bố, Lân cũng cưng nựng chiều chuộng con hết mực. Đêm, Lân quàng tay ôm lấy Trái Dâu của mình. Mặc kệ nước mắt lã chã, cô gối đầu lên cánh tay, vùi đầu vào ngực chồng, ôm chặt như sợ Lân lại vuột mất lần nữa.

Tâm trạng phấn chấn, yêu đời hẳn lên. Nâu chăm chút mọi thứ, kể cả cho bản thân. Cô cắt tóc, mua sắm, kiên trì thuốc thang cho đôi chân chóng bình phục. Cô vui với những gì mình có, và yêu mọi thứ ở mình nhiều hơn. Nâu thấy mình cứng cáp trước cuộc đời.

Nhất quyết không để cái tổ ấm của mình tan vỡ vì người đàn bà khác...

Cuộc sống gia đình, chồng con trở lại như cũ. Và tự bao giờ, việc lén mở tin nhắn của chồng thành thói cũ trong Nâu. Người đời chúa ghét chuyện lén đọc tin nhắn trong máy người khác. Coi cấm kỵ. Nhưng, mặc! Với Nâu, Lân là của riêng cô, máu thịt giao hòa, phải rõ ràng mọi nẻo, không góc khuất. Mà lạ, hình như Lân cũng đã trơ lì, coi các tin nhắn chẳng có gì bí mật cả. Sáng, anh vẫn bỏ máy trên bàn ăn, vào buồng vệ sinh tắm táp thoải mái. Màn hình lần này, lại chấp chới tin mới: "Anh đến ngay đi! Lâm đã lên nhà. Em... thấy khó chịu trong người!". Vừa ăn sáng, Lân vừa liếc sang màn hình điện thoại Nâu đã mở sẵn. Anh không mảy may phản ứng, mang vội quần áo, đánh xe đi ngay, mặc Nâu mở to mắt với những câu hỏi đầy nghi kỵ...

Có chồng, mà không biết giữ, đừng có trách! Không biết ai đã nói câu này? Hay Nâu đã đọc ở đâu trong một cuốn sách? Không nhớ! Nhưng giờ nó cứ vang lên rền rã bên tai cô. Xoáy xiết trong óc cô. Không! Các người đang hú hí ở đâu? Cái tổ con chuồn chuồn của các người ở đâu? Đâu là chỗ "Anh đến ngay đi!"? Mặc những cơn gió lạnh buốt táp vào mặt. Mặc những vốc nước mưa quất ràn rạt.

Nâu cứ cắm cổ chạy. Đôi chân như guồng máy, quay tít vô thức. Cổ họng khô khát, muốn tắc thở. Đầu óc nóng như than hầm. Hình ảnh hai người xoắn xuýt yêu đương trong cơn hoan lạc vụng trộm không bờ không bến, khiến ý nghĩ Nâu như bốc cháy...

Nâu vẫn cắm cúi mải miết chạy. Đôi chân như lắp bánh xe. Người hừng hực ngọn đuốc. Nâu không biết mình chạy đi đâu. Cũng không biết đã chạy bao lâu. Nhưng cái đập vào mắt Nâu, là một cánh cửa khép hờ của một căn phòng nhỏ. Một cái gì thôi thúc cực độ, khiến Nâu giật mạnh, mở toang cánh cửa...

Quả không sai! Căn phòng của Linh, ngư‌ời tìn‌h không che giấu của chồng Nâu đây. Cái tổ uyên ương của đôi gian phu dâ‌m phụ hiện ra như chiếc bánh được bóc lá trần trụi. Tênh hênh giữa thanh thiên bạch nhật. Bất giác, Nâu cúi mặt xuống theo bản năng, tránh cái hình ảnh Lân đang ôm hôn ngư‌ời tìn‌h. Linh nửa nằm nửa ngồi, tựa lưng vào chiếc gối ép thành giường. Chiếc vỏ chăn hoa mỏng kéo đắp nửa người, nổi rõ cái bụng lùm lùm. Lân cúi người bên cạnh thiếu nữ, vẻ nâng niu. Khuôn mặt Linh khuất lấp bởi khuôn mặt Lân.

Lẽ nào không đúng, họ đang trao nhau nụ hôn dài, và đắm đuối...

Mọi chuyện bày ra trước mắt. Không cần, không kịp che đậy. Với Nâu, sao giống một trò chơi thử thách cảm giác mạnh. Không muốn lui ra, cũng không muốn chứng kiến cảnh ấy, người đàn bà trong Nâu chợt hét lên: "Khô...ô... ông!". Cô gần như bay tới, gạt phăng Lân ra một bên, và lao vào túm đầu kẻ tình địch, giúi mạnh liên tục mấy cái vào thành giường. Những cái giúi giải tỏa nỗi hờn ghen chứa chất bấy lâu. Nó đã đời làm sao! Và hả hê nữa! Không hả hê sao được, khi người đàn bà hai con yếu đuối, đánh bại được con yêu tinh xinh đẹp cướp chồng!

Cơn ghen tức càng bốc lên ngùn ngụt khi gương mặt ngư‌ời tìn‌h của chồng Nâu tỉnh bơ như không. Và mảy may không thèm động tay động chân đánh trả. Như thế có uất ức không? Mày là loại người gì, mà động tay động chân vào tao sợ bẩn? Nâu chồm lên. Nhưng Lân đã kịp kéo giật người cô ra, đánh một bạt tai nảy đom đóm mắt. Nâu gầm lên: "Anh... Anh dám…?". "Cô điên rồi!". Gần như không thèm để ý đến Nâu, Lân lao đến đưa hai tay đỡ thân trên của Linh. Người cô ấy mềm oặt và không chút tự chủ, anh đặt Linh nằm thẳng ra giường. Anh nói, như nói cho mình nghe: "Cô ấy đã đi rồi!".

Giờ thì hai gương mặt của hai người đàn bà đều giống nhau. Kẻ thắng trận mặt cắt không ra hạt máu, cũng đang mếu máo vì sợ hãi.

Người ra đi mặt xanh xao, cũng méo mó trong cơn đau đớn lúc lâm chung. Lân vừa vuốt mắt cho Linh, vừa nắn khuôn mặt trở về bình thường khi thân thể cô còn nóng ấm. Căn phòng lặng ngắt, chỉ có tiếng khóc sụt sùi của Nâu ăn năn vì quá ghen tuông hồ đồ, gây ra cái chết oan khuất cho Linh...

Phiên tòa được mở trong cơn bấn loạn và hoang mang của Nâu. Lân chẳng thể giúp được gì, vì anh là chồng Nâu, lại liên can đến cả hai phía. Nâu phó thác tất thảy cho luật sư của mình. Chiếc điện thoại là một trong những vật chứng được lưu ý. Và bỗng nhiên, người phải trả lời nhiều câu hỏi nhất, không ngờ lại là Lân. Nâu thấy ù đặc cả hai tai, và cảm giác như mình thành người ngoài cuộc.

Một cuộc hỏi đáp diễn ra giữa chủ tọa phiên tòa với Lân, hoặc sự đối đáp của Lân với luật sư của Nâu. Tai Nâu lùng bùng, không nhớ rõ. "Đồi trăng là đồi nào? 8h là gì?" "Là một động cát cao ở cạnh bờ biển. Đêm trăng rất đẹp. Linh gọi là Đồi trăng. Cô ấy thích ngồi trên đó ngắm trăng!.". "Như vậy, hai người đã hẹn nhau lên đó nhiều lần?". "Vâng! Chúng tôi đã lên hai lần trước đó. Những lần trước có Lâm, em gái Linh. Lâm thường nắm tay, kéo chị gái lên. Dốc cát cao, leo ngược lên rất khó. Hai lần sau này Lâm bất lực, không kéo nổi chị gái lên được, họ phải nhờ tôi!". "Thế sao lại là lần cuối?". "Vì càng ngày... Linh càng yếu!". "Thế còn... "vẫn chỗ cũ", có phải là nơi hai người hẹn hò bấy lâu?". "Không phải! Trước đó, ban quản lý khu tập thể định chuyển Linh đến căn phòng thoáng mát hơn, nhưng cô ấy thấy di chuyển lỉnh kỉnh, nên vẫn ở lại chỗ cũ". "Còn câu giục "Anh đến ngay đi! Lâm đã lên nhà. Em...", có phải là thời điểm cô em gái đi vắng, hai người có thể gặp nhau thuận lợi không?".

"Hoàn toàn ngược lại! Lâm bấy lâu ở đây chăm chị ốm, nay về gấp báo gia đình lo hậu sự. Linh còn lại một mình, và thấy trong người chuyển biến xấu, nên nhắn tôi đến gấp!". "Trong tờ khai của bị can Nâu có ghi, khi đến căn phòng ấy, thấy anh đang hôn cô Linh thắm thiết?". "Nhầm! Linh đã tụt lưỡi, nói rất khó nghe. Tôi phải ghé sát tai vào miệng cô ấy, cốt nghe được lời trăng trối cuối cùng...". "Sao anh không nói với vợ ngay từ đầu, để vợ nghi ngờ?". "Là… lỗi của tôi… Linh không có tội!".

Nâu mở to mắt, như vỡ ra điều hệ trọng. Một sự thật cô giờ mới biết. Sao chồng cô không nói ngay từ đầu, để cho đầu óc vốn ghen tuông cuồng quẫn của cô tha hồ tưởng tượng, đơm đặt, thêu dệt? Cô thật có lỗi với Linh. Một lỗi lầm tày trời. Giờ mình làm mình chịu, kêu mà ai thương?! Nâu đang định nhận mọi tội trạng do mình gây ra, chợt chủ tọa phiên tòa cao giọng: "Cho công bố kết quả của bộ phận khám nghiệm t‌ử th‌i!". Thư ký phiên tòa nghiêm trang và rành rọt, đọc nguyên văn kết luận pháp y: "nạn nhân t‌ử von‌g do khối u ung thư gan đến thời điểm phát vỡ! Dù vậy, bị can Nâu cũng bị liên đới, là tác nhân trực tiếp, cùng thời điểm…".

Bản án được tuyên. Như có tảng đá chẹn ngang ngực. Nâu nghẹn ngào. Khóc không thành tiếng. Kết cục trần trụi nhấn Nâu lặn ngụp dưới vực sâu của đau đớn, thất vọng, ân hận…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật