Thiên đường đã mất

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cách giúp hay nhất là kiếm cho chị Thường 1 người chồng thật tốt để chị ấy tránh xa được cái anh chàng họ Mã kia. “Đúng là một con sâu bự nhé“, có lần Thuỷ nói đùa về người anh họ xa của mình như vậy. Cô liền bị chị Thường nghiêm mặt dằn giọng là không thích đùa bỡn kiểu cà giỡn cá mè một lứa thiếu tôn kính...
Thiên đường đã mất
Minh họa: Đào Quốc Huy

Hơn 10 năm nai lưng để trả xong món nợ hai mươi ba cây, mua một mảnh đất với giá vàng tăng phi mã là vô cùng mồ hôi và nước mắt, cộng với rất nhiều bất hạnh nữa. Vì chỉ tính từ lúc vay có bảy trăm ngàn đồng 1 chỉ, tới năm phải trả, vàng lên tới 4,8 triệu một chỉ, Thuỷ đã phải mất đến bảy, tám trăm triệu đồng tích góp công lao động của cả gia đình cùng những chỉ vàng hồi môn cuối cùng của mẹ cho. Song tâm hồn cô trong những năm tháng nợ nần chồng chất ấy luôn phơi phới vì lúc nào cũng thầm tự hào: Ta cũng có một mảnh đất 600 mét vuông. 600 mét vuông! Gấp 30 lần căn phòng 20 mét vuông chật chội của gia đình cô hiện tại!

Chao ơi ở cái ngõ Hồ Cát Dài bé tí với những căn hộ tí xíu, chen chúc không có chỗ len chân giữa phố Khâm Thiên này, khao khát có một cái nhà có cổng và chỉ cần dẻo sân rộng một mét chạy dài ngang cửa ra vào thôi, để khỏi phải 1 bước thẳng từ lòng nhà ra đường đi lối ngõ; đã là một niềm khát vọng không tưởng rồi. Vậy mà Thủy đang có một mảnh đất 600 mét vuông ở "Hà Nội 2", cách Hồ Gươm có 30km! Cả nhà Thủy đặt tên cho mảnh đất ấy là "Thiên đường bé nhỏ".

Sau này nghỉ hưu, hai vợ chồng cô sẽ xây ở đó một cái nhà cấp 4 con con; có vườn rau tươi, quả sạch, có đàn gà con chạy vui tíu tít trong sân, rồi có cả dăm cây ăn quả lâu năm như bưởi, nhãn, sấu. Còn cây cảnh nho nhỏ, những luống hoa be bé cho thỏa thú vui lãng mạn thường xuyên của cô và con gái là chuyện đương nhiên rồi… Giấc mơ có một "Thiên đường bé nhỏ" ấy đã động viên Thủy và gia đình thắt lưng buộc bụng bất quản khó khăn suốt hơn mười năm trời trả nợ lần hồi.

Nhưng suốt mười năm cõng vàng tăng phi mã thì giá đất lại tụt thảm hại. Kệ! Tụt thì tụt, đất vẫn là mảnh đất đó. Vẫn 600 mét vuông có mất mát đi mét vuông nào! Thủy vẫn hài lòng vô cùng vì có "Thiên đường bé nhỏ".

Chỉ có điều, vừa mới trả nợ xong, đang mon men nghĩ đến chuyện kiếm thêm món tiền tách sổ đỏ để làm sổ riêng, thì cậu con trai út của Thủy học Đại học Kinh tế chuẩn bị ra trường lại cần tiền để chạy xin việc. Động hỏi đến công sở nào là y rằng ở đó người ta tế nhị đề nghị hai đến ba năm đi làm sẽ là không công! (tức là một món tiền khoảng từ năm đến bảy trăm triệu đồng là tổng tiền lương sẽ phải ứng nộp trước cho họ). Nhưng cả đời công chức đi làm của cả hai vợ chồng Thủy đã dồn tất cả vào miếng đất 600 mét vuông kia rồi. Còn bòn đâu cho ra tiền nữa được đây?

Song, con mình mà không có việc làm tử tế, nó lông bông rồi chán đời sinh ra nghiện ngập hút hít thì đời có vàng, có đất cũng chỉ còn là địa ngục! Đến mức này thì rõ là có phải bán "Thiên đường" cũng phải bán để chạy việc cho con thôi. Nhưng lại phải sang tên sổ đỏ rồi mới bán được đất. Cái miếng đất trên giấy Thủy mua bằng niềm tin - một chữ ký viết tay của một người suốt 10 năm ấy chưa hề có sổ đỏ.

À quên, phải gọi người ký ấy là chị Thường chí thiết mới phải. Là chị bởi Thường hơn Thuỷ 3 tuổi. Chí thiết vì chẳng những họ cùng làm ở một cơ quan là tạp chí "Tuổi hồn nhiên", mà còn bởi chồng Thường là ông anh họ xa của Thủy, nhưng nhà lại rất gần nhà cô - ở ngay bên kia mặt ngõ Hồ Cát Dài phố Khâm Thiên, đối diện mặt nhà Thuỷ. Hai cửa ra vào của hai nhà cách nhau chưa đầy ba mét.

Mở cửa là nhìn thông thống sang nhau. Trẻ con chạy đùa quá trớn là có thể lao thẳng từ nhà này sang nhà kia vô tư như đang trong một nhà.

Chí thiết bởi chị Thường hay nhức đầu sổ mũi, mà Thủy có tài đánh gió nên những lúc chị Thường đau ốm dù là đêm hôm khuya khắt, Thủy vẫn luôn luôn có mặt để phục vụ kịp thời. Chí thiết bởi chị hay đi đâu đó, mà anh hay ghen, nên có lần anh mang dao ra cắm xuống mặt bàn khiến chị phải ba chân, bốn cẳng chạy thẳng sang nhà, nấp vào lưng Thủy xin cứu mạng. Còn nhiều điều có thể nói là hơn chí thiết…

Hồi mới về Tạp chí ít lâu, ngưỡng mộ gia thế phủ bóng hào quang trí thức Tây học của nhà Thường nên Thủy hay thân cận với chị.

Thủy tiếc cho một gia đình nền nếp trí thức cao thế mà năm cô con gái đều ế, chưa chồng. Các chị toàn là những người được ăn học tử tế, lại được bố mẹ đôn lên như là công nương, cách cách - là mác cao cấp nên càng khó lấy được chồng xứng tầm. Riêng cô út là chị Thường, năm ấy cũng đã ba mươi ba tuổi. Ba mươi ba tuổi mà chưa lấy chồng cũng chẳng sao, vì Thủy kém chị 3 tuổi cũng vậy.

Cô chưa chọn được người mình ưng ý. Nhưng cái đáng ngại hơn ở chị Thường là những dư luận, đồn thổi về chị.

Tiếng hay rằng: xinh đẹp, con nhà gia thế, học ở nước ngoài về bay xa; tiếng không hay rằng đi đến đâu là dính nghi án bồ bịch nhân tình, nhân ngãi với Giám đốc, Phó Giám đốc đến đấy, còn bay xa hơn. Nhưng đó là những chuyện chẳng hiểu sao lại không lọt vào tai Thủy.

Có lẽ vì vậy, nên Thủy mới rước Thường về làm vợ cho anh họ xa của mình. Thủy chỉ biết mỗi chuyện gần nhất. Đó là chuyện anh trai cái cô đang là nhân tình chưa hề bỏ của người yêu mới chị Thường - một ông hói đầu cũng là họa sĩ, bạn của bố chị Thường - đến tận nhà đòi thùng hàng của em gái ông ấy từ nước ngoài gửi về cho ông người yêu. Họ đã dự định: sau khi cô ấy đi học ở Nga trở về, và anh hói ở nhà đã li dị xong được cô vợ ở quê đã có bốn con, thì thùng hàng ấy bán đi sẽ là dấn vốn để họ cưới nhau và gây dựng tổ ấm mới.

Ông anh cô kia nhất định đòi gia đình nhà chị Thường phải trả thùng hàng có 15 chiếc áo Nato, cả chục kg thuốc kháng sinh, cả chục cân len Pháp… Bởi lão hói, trước khi cao chạy xa bay vào Tây Nguyên "đi biệt phái dài hạn", đã ân hận với người yêu cũ mà viết thư khai báo thành khẩn rằng: "Anh đã chuyển cả thùng hàng của em cho cô Thường con cụ Ngô. Vì em Thường nói đã ngọt, người lại ngon quá, ngon hơn em, nên anh không cầm lòng được".

Bố con nhà chị Thường ra sức thanh minh rằng chị Thường chỉ xin cái thùng gỗ thông đem về để làm khung treo tranh cho bố chị. Chị chỉ được anh tặng nửa cân len và chị đã đan thành chiếc áo rất mốt đang mặc trên người. Nhưng ông kia dứt khoát không tin.

Ông cho rằng gia đình nhà chị Thường có mưu đồ thâm độc chiếm đoạt của cải của em gái ông ấy. Ông ấy đến tận Tạp chí thông báo với Tổng biên tập rằng: ông ta sẽ đưa vụ kiện lên tận Trung ương, tận Ban Văn hóa tư tưởng nếu Giám đốc không xử lý nhân viên của mình cho ra ngô ra khoai: "Thùng hàng chỉ là chuyện nhỏ. Chuyện tư cách đạo đức cán bộ mới là chuyện lớn!".

Ông Tổng biên tập của cơ quan Thủy, vốn là một ông ba phải, nhưng trước sức ép của một vụ xì-căng-đan tình - tiền đành phải triệu tập họp cơ quan: "Thực hư chẳng biết thế nào, nhưng đây là chuyện làm ảnh hưởng lớn đến danh dự của hai đồng chí trong cơ quan ta. Thôi thì ta cứ chuyện tốt phô ra, xấu xa đậy lại. Chuyện to thì ta vo viên cho nhỏ. Chuyện nhỏ ta coi như không có. Ta cứ làm một cái biên bản cuộc họp đại khái: Chúng tôi đã nghiêm khắc kiểm điểm và đã xử lý đúng người, đúng tội… vân vân để cho gia đình người ta yên lòng thôi. Chứ chúng mình tốt cả ấy mà. Chuyện có êm thì sau này em Thường con gái đồng chí Ngô mới còn cửa mà lấy chồng được. Phải không đồng chí Ngô?".

Ông Ngô vội xoa xoa hai tay vào nhau, khúm núm kính cẩn: "Dạ! Dạ! …". Cái tiếng "Dạ" miền trong chẳng biết có "Vâng, vâng" phục tùng thật bụng không, hay chỉ là một từ đệm vô nghĩa. Nhưng sao mà ngọt, mà thương. Thế là Thủy chúa hay thương vay khóc mướn cũng thấy thương, thương quá. Cần phải giúp đỡ chị Thường.

Cách giúp hay nhất là kiếm cho chị Thường 1 người chồng thật tốt để chị ấy tránh xa được cái anh chàng họ Mã kia. "Đúng là một con sâu bự nhé", có lần Thuỷ nói đùa về người anh họ xa của mình như vậy. Cô liền bị chị Thường nghiêm mặt dằn giọng là không thích đùa bỡn kiểu cà giỡn cá mè một lứa thiếu tôn kính. Chẳng gì anh ấy cũng là chồng của một người danh giá là chị. Hôm đó Thuỷ phải xin lỗi: "Hi hi, em đã phạm lỗi kiểu cưng quá chó liếm mặt... ".

Thế là chị Thường lại té tát thêm cho Thủy một hồi nữa: "Đã chơi với chị là phải ăn nói đàng hoàng, đứng đắn. Vì gia phong nhà chị chẳng bao giờ cho phép nghe những câu, từ thấp kém, thô tục. Nói thế chẳng hoá ra chị bị chó liếm mặt à? Mất vệ sinh quá! Ở nhà chị, sáng ra ngủ dậy, xuống giường một cái là bố chị đã đến bên giường bắt tay mẹ chị "phu thê tương kính như tân".

Còn mẹ chị ngay lúc ấy liền ngửa mặt đón một nụ hôn nồng thắm của bố chị trước mặt mấy đứa con gái yêu và nhận thêm một con chim bồ câu giấy xinh xinh mà sáng nào bố chị cũng gấp bằng tờ lịch ngày treo tường". Ông Ngô, bố chị Thường vốn là họa sĩ chuyên vẽ tranh minh họa cho Tạp chí "Tuổi hồn nhiên".

Hồi những năm 79 - 80 ông đã xin được xuất đi Nga một năm làm chân sửa morat tiếng Việt cho những cuốn truyện tranh nước Nga in tài trợ cho Việt Nam. Mẹ chị ở nhà làm chân đánh máy chữ cho Tạp chí Văn học Phương Tây. Thế là với vốn sống ở Tây 12 tháng của ông chồng và bà vợ thợ mổ chữ Việt dịch từ tiếng Tây mà nhà chị Thường ảnh hưởng nặng phong cách Tây. Chị Thường hay kể: "Bố chị bảo một gia đình có đẳng cấp cao về văn hoá thì phải giữ gìn danh giá".

Ừ, gia đình chị danh giá thế nên cách đối xử với nhau cũng bặt thiệp khác thường. Thủy đã chứng kiến cảnh hai bố con chị gặp nhau ở cơ quan hồi chị Thường chưa đi ở riêng. Ông Ngô giơ tay ra bắt tay con gái long trọng như thủ trưởng cơ quan bắt tay đối tác đến bàn công việc: "Bố chào con! Con có khỏe không?". Giọng ông mới ngọt ngào làm sao. Ngọt như giọng gái Huế. Cũng cái giọng ấy, Thủy đã chứng kiến ông kính cẩn cúi đầu: "Dạ! Dạ...! " với thủ trưởng mới của cơ quan mình - cái ông thủ trưởng mới còn kém ông đến gần hai chục tuổi. Và Thường cũng đáp lại bố lịch sự không kém: "Con chào bố! Bố có khỏe không!", mặc dù buổi sáng họ vừa cùng nhau từ nhà đến cơ quan.

Vậy mà Thuỷ lại dám gọi chồng chị là "Sâu bự". "Sâu bự" là anh chàng to cao đến tận 1 mét 78, trắng trẻo, mũi cao như Tây, lại còn là trưởng phòng máy tính có tận hai ngoại ngữ - người Thủy đã mang về để cứu vớt danh giá cho chị Thường. Thủy sựng người, thoáng nghĩ "Hình như bà này đã quên mất: Bà có được "con sâu béo" đó là nhờ ai! Nhưng rồi vì tình đồng nghiệp, tình chị em thân thiết có tí họ hàng dây mơ rễ má, tình hàng xóm tắt lửa tối đèn nên Thủy thôi không để tâm đến cái chuyện dễ quên quá khứ của chị.

Thậm chí lại còn nghe chị ngọt ngào: "Đất của em nuôi chị có đến 40 héc ta. Đất của chị chỉ là vẹo thừa của nhà nó thí cho. Có để lại cho em một nửa thì cũng chỉ là cái véo. Sau này chúng mình cùng xây nhà vườn, cùng trồng rau, cùng nuôi gà sạch". Bùi tai, Thủy đi vay vàng mua lại "cái véo đất" của chị. Rồi vì quá tin vào tình thâm, nghĩa nặng với chị, Thủy đã vô tư bán hai mươi ba cây vàng lấy 150 triệu đồng đưa hết cho Thường, không hề có kè bớt một thêm hai, không để lại một hào, dù chị Thường chỉ đưa Thủy có 1 cái giấy viết tay có chữ ký của chị, chưa hề có sổ đỏ.

*

Vậy là người chị chí thiết ấy đã muốn đứng ra làm trung gian để giúp Thủy bán đất cho gã liền kề mảnh đất đó - gã khá thân thiết với chị - với giá 54 triệu phần đất 600m2 của Thủy. Tất nhiên là Thuỷ không thể chấp nhận giá bèo đó. Tới thời điểm năm 2015 này, số tiền ấy chỉ còn giá trị hơn một cây rưỡi vàng! Rẻ mạt quá! Thủy đành tự đôn đáo tìm mối.

Và rồi cuối cùng cũng đã có người đồng ý mua với giá 300 triệu cả phần của Thường, với điều kiện miếng đất đó có sổ đỏ. "Đương nhiên là có sổ đỏ, chỉ có điều nó nằm trong một sổ lớn 10 ngàn mét với 4 người chung nhau. Em nuôi chị có mảnh to nhất hơn 4 ngàn mét nên mới được cầm sổ". "Thế thì tốt rồi! Tôi chỉ cần xem tận mắt cái sổ đỏ ấy xem miếng đất ấy có thật hay không. Hay đã bị người ta thế chấp, hoặc bán mất rồi thôi!" - Người đàn ông định mua đất nhắn đến. Nhưng Thường luôn tránh né: "Em nuôi chị đang bận đi công tác nước ngoài nên không mượn sổ được!".

Thuỷ nôn nóng hỏi chị: "Bao giờ anh ấy về?". Thường thờ ơ: "Chẳng biết bao giờ về!". "Thế còn vợ anh ấy?". "Cũng đi nước ngoài cùng luôn". "Nhưng thằng con anh chị ấy đang chuẩn bị thi Tốt nghiệp lớp 12 cơ mà. Anh chị ấy dám để nó ở nhà một mình trong tình trạng nước sôi lửa bỏng thế à?". "Gửi nó ở nhà bác rồi"… Vậy là chặn hết các cửa mượn sổ đỏ.

Thế rồi Thủy lại qua các bạn bè tìm được một người mua đất không cần sổ đỏ, chỉ cần ra xã viết giấy, rồi lấy dấu chứng nhận của xã cũng được. Nhưng Thường lại gọi điện thoại đến cơ quan giao hẹn: "Họ phải đến nhà trả tiền cho chị trước rồi chị mới đi lên Phùng ký giấy cho người ta!". Thủy thở dài cay đắng: "Không có chuyện đó nữa đâu! Trên đời này chỉ có một con Thủy điên dại thôi! Cháo có múc thì tiền mới trao chị ạ! Không ai thả gà ra để đuổi như Thủy đâu".

Thường liền lắc đầu mà rằng: "Không được! Thế nhỡ người ta trả tiền giả ở đó thì làm sao mà kiểm được!... Vả lại bây giờ đang là tháng 7 Âm lịch! Ai lại bán đất vào tháng cô hồn! Chị dứt khoát không bán bây giờ!". Thủy ngỡ ngàng: "Ơ! Mình là người bán cơ mà! Có phải là người mua đâu mà sợ?". Thường cao giọng: "Nhưng bao giờ làm cái gì chị cũng phải nghĩ, phải lo cho người khác đã".

"Ô! Đạo đức giả!". Thủy uất run người muốn quát vào điện thoại, nhưng lại cố nén rồi hỏi nhạt: "Vậy sao chị lại không nghĩ cho em - kẻ đã tin trọng nhân phẩm của chị và gia đình chị đến mức chỉ cầm một tờ giấy viết tay mà trao cho chị cả một gia sản cách đây mười mấy năm mà không bớt một đồng? Giờ đây chị phải có trách nhiệm với chữ ký của chị chứ! Chị phải trả lại tiền cho em!". Từ bên kia ống nghe, Thủy nghe thấy một tiếng cười khẩy khinh thị xuyên đường dây: "Chị về hưu rồi, làm gì còn tiền nữa! Ai bảo Thủy tin chị!". Thủy choáng váng: "Sao? Chị bảo sao cơ? Ai bảo tôi tin chị ấy à? - Thủy thốt lên cay đắng - Tôi tin chị vì chị luôn tự hào mình là con dòng, cháu giống. Chị là con của một ông luôn vỗ ngực mình là nhà trí thức danh giá. Tôi tin chị tôn trọng cái nhân phẩm cao quý của chị! Chị lại còn là đồng nghiệp của tôi. Tôi tin vì tôi là người mai mối cho chị tấm chồng như ý. Tôi tin vì đêm hôm chị bị đau ốm, cảm mạo thì chị gọi tôi sang đấm bóp, đánh cảm. Tôi tin vì khi chồng chị cắm dao xuống giữa mặt bàn thì chị nhớ ngay ra tôi sẽ là người sang cứu mạng. Tôi tin nhiều thứ, trong đó có thứ nữa là chị không phải là một con cò mồi buôn đất đầu đường xó chợ...". "A bây giờ Thủy ăn nói láo xược lắm. Chị không nói chuyện với Thủy nữa...". Ả dập máy.

Thủy lảo đảo thả người xuống chiếc ghế tựa, nhủn hết cả người. Kìa! Toàn bộ tài sản bao năm đổ mồ hôi, công sức gom góp của gia đình cô đã tan thành mây khói! Con trai cô sẽ không còn có cơ hội có công ăn việc làm tốt đẹp sau khi ra trường. Rồi sau này hai vợ chồng già cả, đau ốm biết trông vào đâu, khi chẳng còn đồng nào giắt lưng? Cô cứ lặng đi chìm đắm trong nỗi đau tan nát của cõi lòng…

Hôm nay về cô biết nói sao với chồng cô, nói sao với con cô đây? Cô có nên đi đâm đầu xuống sông, hay chạy ra đường lao vào gầm ô tô không? Nếu chết thì xong? Nhưng không chết thì sao? Mọi người sẽ đưa mình vào bệnh viện cấp cứu à? Vào bệnh viện thì tiền đâu? Lại mất thêm tiền à? Mình lại gây thêm hoạn nạn khốn khó nữa cho gia đình hay sao?.

"Ôi! Ta đã hiền quá hóa ngu hay ta đã quá tin vào một kẻ đạo đức giả; xảo trá đến mức tinh vi, tham lam đến mức từ chối cả phẩm cách làm người? Khốn nạn! Khốn nạn! Từ chối nhân cách thì mi chỉ còn là đê tiện! Đê tiện mà thôi!". Khi buông ra mấy từ đó khỏi miệng, Thủy trào nước mắt. Bên hàng xóm, cạnh tường cơ quan bỗng vẳng sang một giọng hát đàn ông nồng ấm:

"Sống trên đời sống cần có một tấm lòng

Để làm gì em có biết không? Để gió cuốn đi"...

Những ca từ của Trịnh Công Sơn! Đã bao nhiêu năm, mỗi lần nghe những ca từ trong bài hát này, không hiểu sao Thuỷ cứ băn khoăn: Tại sao nhạc sĩ lại hạ câu kết "Để gió cuốn đi"? Không biết khi buông câu kết này ông vui hay buồn? Ông đang khuyên ta làm theo? Hay ông đang giễu cợt lòng tốt mà ta để bị lợi dụng thì rồi cũng như vứt vào thinh không - để gió cuốn đi mà thôi?

*

Giờ thì Thuỷ không còn muốn "dây" với Thường nữa. Vừa về đến nhà, cô đến ngay bên bàn làm việc, nhấc điện thoại gọi cho Thường. Từ bên này đường, nhìn qua khung cửa sổ, Thủy đợi Thường đến bên điện thoại nhấc ống nghe lên áp vào tai, cô mới thả từng câu vô biểu cảm vào bộ đàm: "Thôi, tôi hiểu rồi! Tiền rất quan trọng, nhưng cũng chẳng nghĩa lý gì, vì chẳng bao giờ mua nổi nhân phẩm của một con người. Tiền quá đắt, mà cũng quá rẻ! Giờ thì chị muốn trả tôi bao nhiêu cũng được. Kể cả giả tiền Âm phủ tôi cũng nhận. Vì cầm rồi tôi sẽ hoá nó ngay trước mặt chị. Bởi tôi đã ngấy chị đến tận cổ. Từ giờ phút này tôi không còn muốn dính líu bất cứ thứ gì với chị nữa". Nói xong, Thủy nhếch mép cười khẩy. Chẳng hiểu sao nước mắt từ đâu cứ ùa về nhòa mờ rồi chan chứa khắp mặt. Thủy nhắm mắt lại, ngồi xuống ghế, lặng đi tê tái…

Vừa lúc ấy, một vòng tay ấm áp bất ngờ ôm Thủy vào một vồng ngực rộng lớn. Hóa ra Quang, con trai cô đã đi học về từ lúc nào. Cậu không muốn cắt ngang cuộc điện thoại của mẹ nên chỉ lặng lẽ đến bên định ôm mẹ nhấc lên đùa giỡn rồi dúi đầu vào ngực mẹ một cái âu yếm thay câu chào như thường khi. Vậy là con trai Thuỷ đã nghe thấy tương lai của nó bị hủy diệt. Thủy gục vào ngực con trai nức nở đau đớn: "Con yêu ơi! Mẹ làm mất hết tiền chạy việc của con rồi!".

Quang hôn lên cái đỉnh đầu thoáng mùi bồ kết lá chanh cổ lỗ của mẹ. Cậu ôm chặt, xiết mẹ hơn vào lòng, cố ngăn nỗi đau đớn đang rung chuyển khắp cái c‌ơ th‌ể nhỏ bé ấy: "Con tình cờ đã nghe thấy hết rồi! Con đã thấy mẹ có một tấm lòng quá bao dung, nhân hậu! Họ càng nham hiểm, thấp hèn thì mẹ càng cao thượng.

Con tự hào được làm con của mẹ! Mẹ đừng lo! Con sẽ tự tìm được việc làm! Con sẽ kiếm những đồng tiền mới, sạch sẽ mang về cho mẹ. Mẹ hãy quên những đồng tiền bạc bẽo kia đi! Cứ coi như gió đã cuốn nó đi!...". Quang xoa xoa vào lưng bà mẹ bé xíu của cậu an ủi.

Thuỷ bừng ngộ. Hoá ra đó là triết lý mà Trịnh tiên sinh muốn gửi gắm vào ca từ. Những tưởng rằng cô đã mất hết: Toàn bộ tiền bạc gom góp cả đời và tất cả niềm tin vào con người. Nhưng không! Nhờ sự mất mát kinh khủng ấy, giờ đây cô lại có được hai niềm hạnh phúc to lớn bất ngờ liền một lúc. Ấy là được sống thấm đẫm trong tấm lòng yêu thương kính mến vô bờ của con trai, và được thấy con trai mình đã trưởng thành, đã vững chãi. Qua mất mát đổ vỡ, hạnh phúc lại ùa về với Thủy…

*

Vĩ thanh

Chuyện tưởng đã qua rồi! Nỗi đau nào rồi lâu dần cũng nguôi ngoai. Nhưng "Thiên đường bé nhỏ" mới bán được hai ngày, vết thương lòng còn đang toang hoác, chưa kịp liền da, thì bà Vọng, người đàn bà quê mùa ở Phùng, được Thủy cho trồng ngô miễn phí suốt hơn mười năm chỉ để trông hộ những bức tường để đừng bị trẻ con phá phách, đã gọi điện đến phòng làm việc của cô, giọng đầy hốt hoảng:

- Ôi cô Thủy ơi! Người ta đang nhổ hết cả ruộng ngô non của tôi vứt đi!

- Chị Vọng ơi, em không còn là chủ của mảnh đất đó nữa rồi ạ! - Thủy buồn bã trả lời - Chủ bây giờ lại là chị Thường rồi.

- Vậy cô bán từ bao giờ? - Giọng bà Vọng đầy thất vọng - Bán được bao nhiêu?

- Em bán hôm kia, thứ năm. Được 95 triệu ạ!

- Trời ơi! Nó bán hơn ba trăm triệu cả mảnh cho thằng trông nhà của em nuôi nó cách đây hơn một tuần rồi! Cô bị con mụ ấy lừa rồi! - Bà Vọng rú lên ai oán thay cho Thủy rồi dập máy .

Thuỷ sững sờ, rụng rời buông người xuống ghế. Hoá ra vụ cướp cạn này đã được toan tính từ xa, rất xa rồi: "Đất của em nuôi chị có đến 40 hécta. Đất của chị chỉ là vẹo thừa của nhà nó thí cho. Có để lại cho em một nửa thì cũng chỉ là cái véo". Một cái véo nên mới bán giấy viết tay! Một cái véo thì có gì mà phải nhặng lên! Nhặng lên làm gì! Hãy để gió cuốn đi!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật