Hiệp định EVFTA: Những ngành nào hưởng lợi?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, Hiệp định EVFTA sẽ giúp cho tăng trưởng GDP của Việt Nam tăng thêm 0,48% điểm. Các ngành như dệt may và giày dép là ngành được hưởng lợi nhiều nhất với tăng trưởng xuất khẩu đến năm 2035 đạt thêm 13,49 tỉ Euro.
Hiệp định EVFTA: Những ngành nào hưởng lợi?
Ảnh minh họa

2 điều kiện để dệt may hưởng lợi từ EU

Để có thể được giảm thuế theo quy định tại hiệp định, các sản phẩm phải tuân thủ chặt chẽ các quy tắc về xuất xứ. Cụ thể, để sản phẩm may mặc được miễn thuế thì phải thỏ‌a mã‌n 2 điều kiện sau: thứ nhất là vải sử dụng để tạo ra thành phẩm phải có xuất xứ từ Việt Nam hoặc EU; thứ hai là việc cắt và may phải được thực hiện tại Việt Nam hoặc EU.

Tuy nhiên, EVFTA cũng có cam kết linh hoạt về quy tắc xuất xứ cộng gộp. Tiêu biểu là đối với trường hợp nếu vải được doanh nghiệp sử dụng có xuất xứ từ nước có FTA với EU và cả Việt Nam (như Hàn Quốc) thì sản phẩm của doanh nghiệp cũng được coi là xuất xứ hợp lệ để được hưởng ưu đãi thuế theo quy định tại hiệp định EVFTA.

Thách thức là phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang chỉ thực hiện công đoạn may cắt chứ chưa sản xuất vải và sợi. Thêm vào đó, nguyên liệu (vải) mà các doanh nghiệp dệt may Việt sử dụng đa phần có xuất xứ từ Trung Quốc, Đài Loan vốn chưa có hiệp định FTA với EU.

Do vậy, Việt Nam cần chú trọng phát triển ngành công nghiệp dệt và công nghiệp phụ trợ ngành dệt may nhằm cung cấp nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp may - cắt; tăng cường việc sử dụng vải có xuất xứ từ Hàn Quốc sớm để có thể tận dụng được lợi ích từ hiệp định EVFTA trong khi ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển kịp.

Về xuất khẩu, nhóm sản phẩm dệt may được EU cam kết loại bỏ thuế ngay là các sản phẩm mà Việt Nam hiện ít gia công hoặc xuất khẩu vào EU. Việt Nam sẽ ít được hưởng lợi từ nhóm cam kết này. Cơ hội trong ngắn hạn sẽ đến với các doanh nghiệp đang xuất khẩu xơ sợi, nếu tìm kiếm được khách hàng EU sẽ được hưởng lợi từ các cam kết này (bởi mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi thông thường (MFN) mà EU đang áp dụng là khoảng 6-8%).

Bên cạnh đó, phần lớn các nước xuất khẩu dệt may vào EU đều chưa có FTA với EU do vậy nếu các doanh nghiệp Việt đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ thì EVFTA mở ra cơ hội rất lớn cho xuất khẩu dệt may Việt Nam.

Rau, củ, quả sẽ hưởng lợi lớn

Đối với ngành giày dép, EU cam kết loại bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực cho 37% số dòng thuế ngành giày dép. Số còn lại sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình từ 3-7 năm (phần lớn các loại giầy dép mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu thuộc nhóm này).

Tuy nhiên, tương tự như nhóm ngành dệt may, nhóm sản phẩm giày dép được EU cam kết loại bỏ thuế ngay là các sản phẩm mà Việt Nam ít gia công hoặc xuất khẩu vào EU. Do đó Việt Nam có thể sẽ ít được hưởng lợi từ nhóm này.

Trong một vài năm đầu thực hiện EVFTA, phần lớn các sản phẩm giầy da sẽ không được hưởng lợi từ EVFTA, thậm chí là bị ảnh hưởng bất lợi (do mức thuế giảm dần đều từ mức 12,4% vẫn sẽ cao hơn mức 3-4% theo GSP).

Đối với ngành rau quả, EU cam kết mở cửa rất mạnh cho rau quả Việt Nam trong EVFTA. Theo đó, EU sẽ xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả (trong đó có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa…).

Phần lớn các dòng thuế EU cam kết xóa bỏ ngay hiện đều đang có mức thuế trung bình là trên 10%, cá biệt có những sản phẩm rau quả đang chịu thuế trên 20%. Như vậy, mức cam kết này của EU được đánh giá là sẽ tạo ra lợi thế lớn về giá cho rau quả Việt Nam (đặc biệt trong cạnh tranh nhập khẩu vào EU với các nước có thế mạnh về rau quả chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc…).

Với lộ trình loại bỏ thuế tương đối dài áp dụng cho phần lớn các sản phẩm rau quả, dự kiến EVFTA sẽ tạo ra khoảng thời gian tương đối để người sản xuất, kinh doanh rau quả Việt Nam thích ứng với việc không còn hàng rào thuế.

Bên cạnh đó, sản phẩm mà EU có thế mạnh phần lớn là các loại rau quả ôn đới, ít cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam. Vì vậy, mặc dù cắt giảm, tiến tới loại bỏ thuế đối với rau quả từ mức 10-40% hiện nay với các sản phẩm từ EU nhưng dự kiến, EVFTA sẽ không tạo ra sức ép cạnh tranh quá lớn cho rau quả Việt Nam trên thị trường nội địa.

Ngành chăn nuôi cần thích ứng với cạnh tranh

Đối với các sản phẩm thịt, trước năm 2007, Việt Nam có xuất siêu dù mức suất siêu không lớn, nhưng sau 2007, Việt Nam liên tục nhập siêu các sản phẩm ngành chăn nuôi, với mức thâm hụt tăng lên liên tục.

Theo Hiệp định, EU có cam kết mở cửa mạnh cho các sản phẩm chăn nuôi từ Việt Nam, loại bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với các dòng thuế đối với động vật sống, thịt trâu bò, thịt lợn. Loại bỏ thuế trong vòng 7 năm (một vài trường hợp là 5 năm) đối với các sản phẩm từ gia cầm và một vài sản phẩm chế biến từ bò và lợn.

Mức cắt giảm này được xem là tương đối lớn (bởi mức thuế MFN hiện tại mà EU đang áp dụng là khá cao). Tuy nhiên, do Việt Nam hiện chủ yếu xuất khẩu các loại trâu, bò, lợn, gà sống trong khi EU chủ yếu nhập khẩu các sản phẩm thịt nên cơ hội thuế quan từ EU chỉ trở thành hiện thực nếu các doanh nghiệp Việt Nam chuyển hướng sang xuất khẩu các sản phẩm mà EU quan tâm.

Việt Nam cam kết mở cửa rất dè dặt đối với nhóm sản phẩm này, theo đó Việt Nam sẽ loại bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với bò, lợn, gà sống nhập khẩu từ EU. Loại bỏ thuế theo lộ trình dài 7-10 năm đối với tất cả các loại thịt bò, lợn, gà tươi hoặc đông lạnh.

Với mức bảo hộ khá kỹ này, tác động của EVFTA đối với ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ được cho là sẽ không quá đột ngột, và ngành sẽ có khoảng thời gian tương đối dài để điều chỉnh, thích ứng với cạnh tranh.

Nhập khẩu các sản phẩm thịt từ EU vào Việt Nam hiện còn tương đối nhỏ, tuy nhiên khi các mức thuế MFN rất cao hiện nay (10-40%) được cắt giảm dần và loại bỏ khi hết lộ trình, rất có thể tỷ trọng và kim ngạch nhập khẩu từ EU sẽ tăng đáng kể.

Cùng với sự cắt giảm về thuế, các yếu tố khác như tâm lý người tiêu dùng (muốn sử dụng sản phẩm bảo đảm vệ sinh, chất lượng) sẽ làm gia tăng cạnh tranh đáng kể cho ngành chăn nuôi Việt Nam tại thị trường nội địa. Đây là áp lực đối với những doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi, chế biến thực phẩm khi lộ trình cắt giảm thuế hoàn thành.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật