Tre rừng về phố - Truyện ngắn của Nguyễn Trí

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ông và bà Hiệp Thúy là chủ nhân cà phê Tre Rừng. Phố lớn mà sân vườn thì không hề là chuyện nhỏ.
Tre rừng về phố - Truyện ngắn của Nguyễn Trí
Minh họa: Văn Nguyễn

Trên diện tích triệu đô cái quán rộng đúng hai trăm mét vuông. Vật liệu để dựng nó chỉ toàn tre. Vào quán chỉ ngắm thôi là choáng bởi nét uốn lượn mềm mại rất chi Á Đông, chưa nói đến cà phê cực chất. Bà chủ Thúy có trên hai chục năm nếm mật nằm sương với rú rừng nên gì chứ cà phê và trà vô cùng sành điệu.

Nhưng khách chỉ tọa quán khi trời mưa chứ thường thì họ ở vườn. Ngồi dưới một bụi tre hoặc đòng đưa trên cánh võng nghe những Trịnh, những không tên của Vũ thì thiên đường ở đâu hỡi các thánh? Nhìn hai ông bà già điều hành cái quán, thiên hạ nghiêng đầu bái phục. Hai nghìn mét vuông và ngoài một trăm cái bàn rải rác khắp nơi thì phục vụ là không ít. Ở phố thị màu xanh là hàng hiếm.

Cực hiếm. Tội chi ta không đến Tre Rừng để hưởng cái trong lành?

Ông và bà Hiệp Thúy bon chen chi nữa cho cực cái tuổi đáng ra phải hưởng nhàn vậy kìa? Ta bà nói:

- Bán quách. Tống vô ngân hàng rồi du lịch cho biết thế giới ra làm sao.

- Mỗi người một ý. Ở thành phố này có một khu cây xanh ai muốn bán? Với lại lợi nhuận ở đây là ao ước cháy bỏng của mấy cái bar. Đúng không? Vậy là hạnh phúc cho cặp già hoàn hảo này rồi.

- Ngó vậy chớ cũng tan đàn xẻ nghé ba bốn lần rồi đó du.

- Vậy sao?

Chớ sao. Để kể cho nghe. Ông Hiệp trước đây là giảng viên đại học. Ông ta giỏi lắm nên sau ngày thống nhất vẫn ung dung trên bục giảng truyền đạt kiến thức cho sinh viên. Nhưng cái thời bo bo độn mì thì lương giáo chức có ngày phải dứt cháo nói chi cơm. Bà Thúy phải chạy chợ trời nuôi đủ ba con với một chồng. Chạy chợ xổm không nói chi chứ chợ trời thì mang tiếng ông giảng sư lắm. Chợ trời thì không lậu là gì.

- Bà đừng chợ trời giùm tôi cái được không?

- Ông cứ đem tiền về đủ là tôi ở nhà chăn ba đứa nhỏ luôn. Còn không ông ở nhà tôi nuôi. Rách như tổ đỉa mà còn sĩ diện là sao?

- Tôi không sĩ gì hết nhưng lãnh đạo...

- Họ đòi đuổi ông chứ gì? Đuổi thì nghỉ.

Nhưng rồi bà Thúy nghĩ

đến cái nghiệp của chồng. Đã mang lấy nghiệp vào thân thì khó lắm. Thôi thì cũng không nên để chồng khó xử. Sau khi dặn dò con gái lớn đi học về phải lo cơm nước cho ba và em, bà lên xe xuống miền Đông kiếm cái làm ăn. Thuở nông nghiệp lên ngôi thì bazan đất đỏ là đất hứa.

Một tuần sau trở lại phố

bà Thúy quyết định bán lô

đất mà ba má đã hồi môn khi lấy ông Hiệp. Tức là cái hai nghìn mét vuông mà ngày nay ngự trị cà phê Tre Rừng. Ông chồng điềm đạm:

- Không được bán. Của cha má để lại cho bà thì bà phải để lại cho ba đứa nhỏ.

- Đất không nên ăn thì để làm chi? Bán hai sào này tôi dư sức mua năm mẫu ở Long Phước. Năm mẫu và hai sào cái nào nhiều hơn?

- Đất rừng đi sánh với đất phố là sao?

- Rừng bây giờ hơn phố một trăm lần. Tôi nói bán là bán.

Vậy là tranh cãi thiếu điều bỏ nhau dậy lên. Chuyện lọt đến tai em gái ông Hiệp. Cô này - may thay - có gia đình chồng dạng giàu có. Cô nói:

- Chị cần bao nhiêu em cho mượn. Đừng bán đất chị hai ơi.

Cô em cho bà chị mượn đủ để tậu năm mẫu đất. Mẹ cha ơi. Bà Thúy có điên hay không mà tậu nhiều dữ vậy kìa? Và đất hay bánh bèo mà mua dễ vậy? Xin thưa thập niên tám mươi của thế kỷ trước dân bỏ phố lên rừng rồi về lại phố cả đoàn thì đất đai nào có nghĩa chi. Cô em chồng đi với chị cho vui, thấy rẻ quá cũng mua hai mẫu. Ở phố không có chi làm thì ta về rừng làm rẫy gọi là vui thú điền viên.

Ruộng rẫy cũng có dăm ba loại. Đất cao là rẫy, thấp ta làm ruộng nhưng có một thứ tên là thấp dỡ. Tức nửa cao nửa thấp. Ta bà xứ rẫy sợ nhứt loại đất này. Mưa đổ xuống là lẹp xẹp suốt mùa. Cỏ tha hồ mọc. Xạc đằng trước nó đuổi theo đằng sau. Dân thuê mướn chả ai dám nhận làm khoán cỏ đất thấp dỡ. Chủ phải thuê công nhật. Mỗi mẫu một đợt cỏ là ba mươi công thì thấp dỡ năm chục công. Gặp loại đất này người ta bán gấp để cuốn xéo. Bà Thúy vớ trúng năm héc ta. Sau một vụ cô em chồng nói với chị:

- Thôi em về... chị coi có ai đắt rẻ bán tháo giùm em cái. Em sợ rồi.

Bà Thúy thở dài nhìn cỏ non cỏ già xanh rợn chân trời, nếu có thêm cành lê trắng nữa là ra mười lăm năm đoạn trường của cô Kiều liền. Đã thế bọn làm mướn còn rót chữ cho bà thêm đau lòng:

- Bị lừa rồi chị Hai ơi. Đất này chỉ có trồng nọc sắt với kẽm gai rồi nở ra lựu đạn để ôm mà chết chứ bắp đậu nào chịu nổi.

Đang thở thì bà Thúy thấy thiên hạ vô cắt cỏ. Bèn hỏi:

- Mấy chú cắt cỏ làm chi vậy?

- Dạ... cho bò. Chị cho em xin vài bao.

Bà Thúy đi quanh những trang trại bò xem chơi cho biết. Xem xong mới nhủ rằng tại sao ta có cỏ mà lại không bò bung như thiên hạ?

Nghĩ xong bà về nhà canh ke ông chồng lên giảng đường, mở tủ lấy cái bằng khoán đất đi cầm. Bà Thúy vốn dân chợ trời tính toán giỏi như thần, bà cho rằng ăn chắc vụ nuôi bò. Cỏ không mua thậm chí không trồng thì thắng lợi hết năm chục phần trăm. Dại làm sao khi lợi trước mắt mà bỏ qua? Không vốn thì vay chứ sợ chi. Sợ nó không chứ đã cho thì tội cha chi từ chối. Vậy rồi bà đủ tiền để tậu chục con bò thịt.

Trong chục con bò ấy có hai con cái. Năm đầu tiên nó đẻ hai con. Bò bê ngó vậy mà ngon phết chứ không hề là chuyện chơi. Trời ơi thật là tuyệt vời. Ai bảo đất thấp dỡ là đồ bỏ? Đất cũng như người khi đặt đúng chỗ thì tự khắc phát huy. Và đời sống này hay không bằng hên. Bà Thúy đúng là trời phù chính thống đất mở hoành mô. Được thể bà tới luôn bác tài bằng cách xây trang trại nuôi bò sữa.

Cô em chồng than trời:

- Biết ngon vầy tôi không để hai mẫu đất lại cho bà.

Nếu cô em chồng than trời thì năm sau bà Thúy than ôi. Đang yên đang lành thì xảy ra cái vụ mêlamin. Công ty không thèm mua sữa vì cả thế giới nó tẩy chay. Sữa không vắt bò nó phá chuồng vì tức v‌ú. Nhưng vắt rồi ta làm chi? Chục con bò sữa thì cả xã uống còn không hết. May quá, sau lưng đất của bà Thúy có con suối chảy qua, vậy là tôm cá tha hồ bơi trong sữa. Và đã vắt thì phải cho ăn.

Bò sữa đâu đơn thuần là cỏ, còn có thực phẩm đóng bao cao cấp. Kiểu này chục Thúy cũng chết nói chi một.

Vậy là bò lủ khủ ra lò sát sinh. Lò cũng chào thua vì chưa khi nào trong lịch sử bò bị bán tháo vì mêlamin khốn nạn này. Bò giống khi mua năm chỉ một con, nay một chỉ chủ lò còn miễn cưỡng. Và thịt bò rẻ đến thế là cùng. Thậm chí bà Thúy còn thuê người đến mổ, ra thịt rồi đem biếu bà con cô bác quanh xóm, ăn cho biết mùi bò sữa và bò thịt nó khác nhau ra làm sao.

Ông chồng giảng sư thân chinh xuống trang trại và vợ chồng cãi nhau một trận ra trò về cái chủ quyền hai sào đất. Chả là sau vụ bò bê bà lại cầm tiếp để mưu cầu cho việc lớn. Vợ mà qua mặt chồng là không xong. Không xong cái gì? Bà nạt lại. Chuyện làm ăn cũng như ra trận. Thắng thua là chuyện thường. Còn vũ khí mà không chiến đấu là hèn. Cũng như - bà nói - ông có viên phấn và bục giảng để chiến đấu thì tôi có cái bằng khoán. Giận quá ông đi một hơi về phố thề rằng, không mang bằng khoán về thì vợ chồng chia tay. Bà bảo chia thì chia.

Nhưng bà Thúy đâu phải cầm bằng khoán để chơi đâu. Thấy người ta cải tạo đất để làm đìa nuôi tôm bà cũng tôm. Suối sau nhà bơm lên là nuôi ngu sao không làm? Một đìa tôm có diện tích mặt nước là bảy nghìn mét vuông thì một vụ thu bốn tấn. Một ký năm chục ngàn, mười ký năm trăm. Trăm ký năm triệu... bốn tấn hai trăm triệu, trong khi vốn liếng bỏ ra có một trăm, lãi ròng trăm triệu trong thời gian hai tháng rưỡi.

Vậy là bà Thúy thuê máy cày máy ủi máy múc đất rồi thợ hồ thợ mộc đến để cho ra bằng được đìa. A lê hấp tôm giống xuống và thực phẩm cũng xuống luôn. Và kìa... chỉ với một đìa tôm sau hai vụ thu, bằng khoán đất ung dung hát bài Come back to Sorrento. Nắng lên máy móc lại tiếp tục. Bà Thúy cho rằng cơ hội đến là phải đánh cho nhanh cho mạnh. Vậy là bảy héc ta thấp dỡ hóa đìa hết ráo.

Nhưng than ôi!

***

Xưa cha ông có dạy làm nông nghiệp là đánh bạc với ông trời mà phần thua luôn về phía ông nông dân. Hết cày đến cấy, lúa vừa thòi đòng một cây bão đi qua là sạch bách. Để chống lại điều đó ta vét đất ra nước thay trời làm mưa bằng cách đào hồ thủy lợi. Năm ba vụ xem thử trời thua ông nông dân không cho biết? Và ta thắng, lúa xuất khẩu luôn chứ ăn thì miễn bàn. Con tôm cũng vậy. Muốn có nước sạch phải đào đìa để chứa. Nước dưới suối bơm lên phải có hàng chục thứ hó‌a chấ‌t để khử trùng. Khử xong lại cho nước chạy qua đìa, phơi nắng dăm ba bữa, rồi mới được thả cọng cỏ chỉ có chân có râu, tục gọi tôm xuống để nuôi. Ca dao có câu “nuôi con mới biết công lao mẹ thầy” nhưng nuôi tôm thì một mẹ một cha không ổn đâu, phải có thầy có thợ và dăm bảy em công nhân chăm sóc.

Tôm cũng đủ thứ bịnh. Nào nấm đen nấm trắng, nào đỏ mình bạc đít... có cả chục thứ thuốc mà ta phải bơi xuồng để rải... Mẹ cha ơi chục cái đìa trên bảy héc ta thì bao nhiêu thuốc hả đất trời bao la? Và nuôi được mười lăm ngày ta xả bỏ là chuyện thường ngày ở ấp.

Méo mặt vì con tôm ư? Chuyện nhỏ.

Ba cái chu‌yện ấ‌y nếu không khắc phục được thì nuôi làm chi cho rách việc? Thời khoa học kỹ thuật tiên tiến, tứ chứng nan y cho đến hát-i-vê-ết còn trị được nói chi ba cái bệnh vặt của tôm. Không trị được thì thuê thầy về. Mọi cái đúng quy trình của nó. Buộc xả bỏ thì ta xả bỏ, cái nào tốt ta phát huy. Chục cái đìa xả bỏ năm ta vẫn còn năm. Năm cái thì ta an toàn trên xa lộ và nay không tốt mai sẽ tốt. Nghề dạy nghề khi ta thực tế.

Con người thống trị thiên nhiên là chuyện miễn bàn. Nhưng có cái không trị được ấy là con người. Chuyện ghen ăn tức ở nhan nhản khắp thế gian này.

Như đã nói dân ở rẫy cũng ba que xỏ lá không thua ai nào. Tối mắt khi bà Thúy thu tôm. Chúng kéo đến xin vài ký nướng nhậu chơi.

Xin xong còn hôi thêm chục ký đem ra chợ bán kiếm tiền đánh số đề và mua rượu. Mẹ cha ơi... Tôm chứ đâu phải ruồi? Hết vụ bà Thúy bèn bỏ tiền xây tường vây bảy cái đìa lại. Lúc đầu bà cho vây lưới B.40 nhưng trộm nó tháo sạch nên phải lên tường.

Không vào được đìa, bọn tham ăn tức ở bèn chơi một đòn mà bà Thúy phải ôm đầu bỏ chạy. Ở bên ngoài tường chúng dùng ná thun bắn những túi nilon trong đó là bông gòn tẩm thuốc trừ sâu xuống đìa. Đến cái nước này thì voi chiến còn quỵ nói chi tôm. Chao ơi chúng ác đến độ là con tôm gần đến ngày thu. Một đìa thu xong là hai trăm triệu, mười cái bỏ đi năm mươi phần trăm vốn ta lãi một tỉ. Phải xả bỏ, không chạy mà được à?

Bà Thúy về phố chui vô hai sào đất đong đưa trên võng đọc Thiền là gì. Khi đói bà ăn chuối. Chả là hai sào đất tuy không nên ăn nhưng cũng còn có vài mươi bụi chuối. Đôi khi buồn bà buông sách rồi vác một quày ra chợ. Không bán thì ghé quán cầy tơ đổi chút mồi và mua chai rượu. Lại lên võng đòng đưa uống rượu rồi thơ rằng: Than ôi ngựa bốn chưn còn vấp nói chi ngươi chỉ có hai chưn...

Đùng một phát dự án sân bay quốc tế rầm rầm rộ rộ lên trang nhất của kính thưa các loại báo.

***

Suốt một thời gian dài võng thiền và đọc thiếu điều thuộc vài chục cuốn sách về đề tài này của các tác gia lớn, những tưởng bà Thúy đã đốn ngộ. Ngay cả ông chồng trí thức sau một thời gian giận vợ cũng phải xuống nước bởi ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần và trái nào ngọt mà không qua chua chát. Ba đứa con tuy tháng nào cũng phải gom tiền trả lãi cho bọn đen thiếu điều hộc máu cũng thôi đi má à. Của nả nay trong người này mai trong tay má cũng bình thường thôi. Má cứ thiền trong lúc uống rượu như thế này thì...

- Thì mau thành ma lắm đó - cô con dâu nói.

Tháng nào cũng hùn trả lãi như vầy dâu nào chả bực? Nó có nói nặng vài lời ta cũng nên cho qua. Nghĩ vậy nên bà Thúy lại vác quầy chuối ra cầy tơ đổi rượu thịt. Tình hình này chả chóng thì chầy bà đốn ngộ sớm là chắc nụi. Nhưng khi nghe nói sân bay quốc tế, bà bung người khỏi võng và chú mục vào tờ báo. Ngay lập tức thiền thung thịt chó và rượu ra khỏi người bà. Và cũng nhanh như sao xẹt bà bán thêm quầy chuối rồi khăn gói lên xe buýt vù một hơi xuống chục cái đìa đang buồn thỉu buồn thiu giữa trưa mùa hạ.

Bà Thúy đến một ông bạn để thăm dò. Bạn đang bên ngổn ngang sắt thép và vôi vữa:

- Làm chi đây anh Ba?

- Ái chà... chào chị Thúy. Lâu quá không gặp. Chuyến này bà vô mánh rồi đa nghe. Tôi vừa mới bán một mẫu được hai tỉ. Giờ xây phòng trọ cho công nhân kiếm sống qua ngày chị ơi. Chị bảy mẫu là mười bốn tỉ...

Bà Thúy rúng động toàn

thân. Trời ạ! Bà kêu lên liên tục trời ạ trời ạ.

Nhưng cơn sốt đất không chịu lùi. Một tuần sau bà Thúy trở lại và ông bạn đang xây phòng trọ vò đầu bứt tai:

- Thiệt là đau cho tôi quá. Nếu tôi đừng vội thì bây giờ là bốn tỉ một mẫu rồi chị ơi.

Bà Thúy tới lui ngang dọc xem xét tình hình. Người đã bán đang làm lại nhà kiên cố cho con cháu về sau. Kẻ mua đang cho thợ vây tường giữ đất. Trong quán cà phê cò đang huyên thuyên chuyện trên trời dưới biển. Gặp bà chúng vây lại:

- Đây là cạc vi dít của em. Cần chi chị cứ gọi.

- Muốn chuyển đổi nông nghiệp lên thổ cư thì gọi cho em nhé chị Thúy. Em lo cho. Sáng làm chiều xong liền.

- Nè bà Thúy... đất của bà ngon hơn thiên hạ ở chỗ là con suối Cả ở đằng sau. Năm tỉ một mẫu cũng khoan ừ nghe.

Bà thông báo tình hình cho cả nhà. Ba mươi lăm tỉ bán được rồi bà ơi, má ơi. Ừ thì bán. Nhưng mà bán cho ai? Ai dám bỏ ra ba mươi lăm tỉ bạc để trụm lùm lụm một lần bảy héc ta đất không ra đất đìa không ra đìa? Nói là một chuyện còn đến được hay không là một chuyện khác.

Nhưng không phải năm mà bà Thúy đã bán được những mười tỉ một héc ta đất. Bảy mẫu đất là bảy mươi tỉ bạc. Và người mua là tổng giám đốc của một tập đoàn trách nhiệm hữu hạn:

- Con suối Cả sau lưng bảy mẫu đất - Bà Thúy nói - quyết định tất cả. Khi triều lên nó dâng cao những bốn mét.

Khi ròng nó trơ đáy. Công ty

xả thải không qua xử lý thì có trời mới biết. Nhưng đó là chuyện của ông công nghiệp và công ty. Mặc kệ họ không việc chi đến mình.

Nói rồi bà ghé mắt qua một vườn tre tầm vông đang bị phá để chủ nhân lên cao tầng. Phá thì được nhưng gốc tầm vông biết đổ đi đâu? Chủ nhân mừng húm khi có người xin. Bà Thúy thuê xe cho về phố. Và cà phê Tre Rừng hiện diện.

Khách đến ngoại trừ cà phê sạch, nhạc hay ngắm nhìn nét mềm mại như rồng bay phụng múa của tre, còn được nghe bà chủ đọc thơ thiền của Nguyễn Bảo Sinh: “Khi mê bùn chỉ là bùn/Ngộ ra mới biết trong bùn có sen/Khi mê tiền chỉ là tiền/Ngộ ra mới biết trong tiền có tâm…”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật