Thiên truyện cổ

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày tôi chuẩn bị đi bộ đội, mẹ tôi dẫn tôi đi chào tất cả họ hàng. Dĩ nhiên không thể không tới nhà cô Đào. Đó cũng là lần đầu tiên tôi bước tới mái lều xiêu vẹo của cô tít sâu trong rừng Hom Giỏ. Tôi còn nhớ, hôm ấy đứng giữa nền nhà cô mà tóc gáy tôi dựng ngược cả lên...
Thiên truyện cổ
Minh họa: Lê Trí Dũng

Chiều hôm ấy tôi nhận được mẩu thư của cô Đào từ trong quê gửi ra.

"Gửi cháu Huy.

Nếu cháu chưa quên người cô họ khốn khó này thì chủ nhật tới cô mong cháu về quê và bớt chút thời gian đến nhà cô chơi. Cô có chuyện muốn nhờ đến cháu.

Cô Đào".

Cầm tờ giấy học sinh nham nhở bé bằng bàn tay với vài dòng ngắn ngủi, nguệch ngoạc mà lòng tôi cứ trăn trở mãi. Giá bức thư kia của một người họ hàng khác thì chỉ là một sự thường tình. Đằng này lại của cô Đào.

Hồi còn nhỏ ở trong quê, tuy là cháu họ nhưng tôi cũng không mấy khi được tiếp xúc với cô Đào. Lớn lên, tôi chỉ được hiểu sơ sơ về người cô họ ấy qua lời mẹ tôi kể. Cô có một lai lịch buồn thảm. Ba lần cô lấy chồng thì cả ba ông chồng thay nhau chết ngay trên chiếc giường tre của cô. Từ đấy, người làng kinh sợ và xa lánh cô. Những lời đồn về cô cũng bắt đầu nảy nở. Trước mắt dân làng, cô trở thành một người đàn bà quái dị. Người ta gán cô cho những cái tên khủng khiếp: ma cà rồng, yêu tinh, phù thuỷ...

Không chịu nổi sự miệt thị, xa lánh của mọi người, cô đã bỏ vào tận rừng Hom Giỏ dựng nhà sống một mình. Hom Giỏ là một khu rừng có nhiều hang ổ rắn rết, ít ai dám bén mảng đến. Chính vì thế mà đối với mọi người, cô càng trở nên đáng sợ hơn. Họ đặt thêm cho cô cái tên là "bạn của rắn độc". Có kẻ đồn đại hằng ngày cô vẫn chơi đùa với rắn, thậm chí còn ngủ với rắn.

Thi thoảng, gặp cô trên đường đi chợ huyện, lũ trẻ chúng tôi nhác trông thấy mái tóc xoăn tít, rối bù của cô từ xa đã vội trốn sạch.

Chúng tôi tưởng tượng trong cái bị rách của cô đeo trên vai là một lũ rắn lốc nhốc. Hồi ấy, đối với chúng tôi, hình ảnh cô đúng là hình ảnh của một mụ phù thuỷ bằng xương bằng thịt chui ra từ những câu chuyện cổ tích.

Ngày tôi chuẩn bị đi bộ đội, mẹ tôi dẫn tôi đi chào tất cả họ hàng. Dĩ nhiên không thể không tới nhà cô Đào. Đó cũng là lần đầu tiên tôi bước tới mái lều xiêu vẹo của cô tít sâu trong rừng Hom Giỏ. Tôi còn nhớ, hôm ấy đứng giữa nền nhà cô mà tóc gáy tôi dựng ngược cả lên.

Vì thế, tuy là cháu, nhưng cũng có tới hơn một chục năm nay tôi không gặp lại cô.

Bọn trẻ chúng tôi lớn lên, được học hành đầy đủ chắc ai cũng hiểu những chuyện yêu tinh, ma quỉ đều do bịa đặt. Nhưng không hiểu sao những ấn tượng quái dị về cô vẫn không thể phai mờ. Nếu một ai đó đã lãng quên cô thì cũng chỉ giống như sự lãng quên một mụ phù thuỷ trong câu chuyện cổ nào đó. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn dám quả quyết rằng, nếu bất thần gặp cô Đào từ rừng Hom Giỏ đi ra với cái bị trên vai thì bất cứ một kẻ yếu bóng vía nào cũng phải ớn lạnh sống lưng. Cái định kiến trong con người nó vẫn dai dẳng lắm.

Thế mà hôm nay, lí do gì mà cô Đào viết thư hẹn gặp tôi. Có chuyện gì nhỉ? Giải quyết những khúc mắc về họ mạc ư? Không phải.

Mấy chục năm nay, kể từ ngày vào Hom Giỏ, cô Đào dường như đã "quên" tất cả mọi người, và mọi người cũng đã "quên" cô rồi, chẳng có quan hệ gì mà phải sinh ra mâu thuẫn. Hay là vì cô nghèo túng, cùng quẫn quá mà phải nhờ vả? Cũng không phải. Người như cô có lẽ đến chết đói cũng không thèm cầu cạnh ai. Tôi còn nhớ cái lần cô bị ốm, mẹ tôi mang đến mấy trăm nghìn để cô thuốc men, bồi dưỡng, thế mà cuối cùng mẹ tôi phải gạt nước mắt cầm tiền về. Thế thì có điều gì mà cô phải nhờ đến một nhà văn quèn như tôi?

Sáng chủ nhật, lòng đầy nghi hoặc, tôi tất tưởi về quê.

Mẹ tôi cũng lấy làm ngạc nhiên:

- Cái thư của cô Đào gửi cho con, mẹ cũng thấy lạ lắm. Nhưng thôi, là phận con cháu trong nhà, con cứ phải đến gặp cô xem sao.

Nhưng khi đi, nhớ mang theo cái gậy gỗ nghiến mẹ để ở góc nhà kia. Là vì đường vào Hom Giỏ nhiều dốc đèo, lại còn rắn rết nữa.

Tôi hiểu là mẹ cũng lo lắng lắm.

Tôi mạnh dạn lặn lội về phía rừng Hom Giỏ. Đường rậm rịt. Mấy chục năm nay người ta tàn phá rừng ghê gớm. Khắp nơi trọc lốc. Nhưng khu rừng Hom Giỏ thì vẫn tốt um. Hình như vì sợ rắn rết nên ít ai dám bén mảng đến để kiếm củi, lấy gỗ.

Tôi phải tìm một cách khó nhọc mới đến được căn lều nhỏ rách bươm như cái lán coi nương của cô Đào.

Từ cổng nhìn vào, tôi thấy một bà già gầy guộc, tóc bạc phơ đang ngồi tách từng quả trám đen bầm. Trong lòng tôi bỗng dấy lên một nỗi cảm thương vô hạn. Sao sự khắc nghiệt của cuộc đời vẫn không chịu buông tha cô?

Mấy chục năm nay, người đời nguyền rủa cô là yêu tinh, ma quái nhưng cho đến tận bây giờ đã có kẻ nào nhìn thấy cô ăn thịt ai đâu. Đúng hơn, thì chính loài người đã "ăn thịt" cô bằng những lời nói và cử chỉ nanh nọc, phũ phàng, để đến nỗi cô vào con đường cùng thế này. Nhìn cô Đào tiều tụy ngồi trên sân, tôi thấy mình có lỗi vô cùng. Tôi đã viết bao nhiêu trang sách, nói bao nhiêu lời nhân nghĩa, đạo đức, cảm thông với biết bao nhiêu số phận, thế mà bao năm tháng nay tâm hồn tôi đã bỏ trống một con người cần được cứu vớt nhất.

- Chào cô ạ! - Tôi tiến lại gần.

Cô Đào từ từ ngẩng lên. Nhận ra tôi, cô mừng rỡ hẳn:

- Trời ơi! Thế ra cháu dám đến thăm cô thật hả cháu?

- Thưa cô, cháu có lỗi với cô nhiều. Cũng vì bận công việc...

- Không, không, là tại cô cả thôi. Vào nhà đi cháu. Dựng cái gậy vào gốc cây này.

Đây là lần thứ hai tôi bước vào căn lều của cô. Nhưng nói đúng ra tới lần này tôi mới có đủ độ bình tĩnh để nhìn ngắm nó. Lần trước, theo mẹ đến chào cô để đi nhập ngũ, tôi chỉ mắt trước mắt sau đề phòng một con rắn bất ngờ từ góc nhà trườn ra.

Lòng tôi quặn đau khi nhìn thấy nơi ăn nghỉ của cô cùng những vật dụng trong nhà chẳng khác gì thời nguyên thuỷ là mấy.

Cô Đào vừa rót một thứ nước nhờ nhờ đục vào hai cái chén sứt mẻ, đen đúa, vừa nói:

- Cái lũ trong làng ghê sợ cô, không đứa nào dám bén mảng tới đây. Thế mà cô vừa nhắn, cháu đã đến ngay thế này là cô mừng lắm.

Có chết cô cũng mát mẻ.

- Ấy chết! Cô gọi là cháu phải đến ngay chứ. Thế cô gặp cháu để bảo ban điều gì ạ?

- Cháu cứ uống nước đi. Chuyện này là phải dài dòng. À! Thế ở trên tỉnh bây giờ cháu làm đến ông bà gì rồi?

Tôi cười:

- Thưa cô, cháu không làm ông bà gì cả. Cháu chỉ viết văn thôi.

- Phải! Tháng trước đi chợ huyện, cô thấy người ta bày bán một cuốn sách thấy ghi tên cháu là người viết ra nó. Rồi nhìn cái ảnh in ở phía sau, cô nhận ra đúng là cháu. Thật phúc đức họ hàng nhà ta có một người được in cả ảnh cho thiên hạ ngắm.

Tôi ngượng ngùng:

- Có gì đâu cô. Chẳng qua là vì...

- Hôm nay cô nhắn cháu đến là muốn nhờ cháu một việc, không hiểu cháu có giúp được cô không?

- Dạ! Việc gì cháu cũng sẽ cố gắng ạ.

Giọng cô Đào bỗng trầm hẳn xuống:

- Chắc cháu chẳng lạ gì chuyện của cô. Nhưng cô chẳng dám oán trách ai đâu.

- Dạ thưa cô, miệng thiên hạ nhiều khi khủng khiếp, đê tiện lắm. Cháu nghĩ đời cô hình như có điều gì oan khuất.

Cô Đào lắc lắc đầu:

- Không! Cũng chẳng có oan ức gì. Tất cả là do cô thôi. Nhưng hôm nay cô muốn kể lại toàn bộ đầu đuôi mọi chuyện cho cháu nghe.

Ngoài cháu ra chưa ai được biết bí mật này đâu.

Sau đó, cô kể lại tất cả với tôi.

Năm hai mươi tuổi cô Đào lấy chồng. Có thể nói đấy là một cặp vợ chồng rất xứng đôi. Cô đẹp nhất làng. Chồng cô là một công nhân địa chất khoẻ mạnh, hiền lành. Ai ngờ, ngay sau đêm tân hôn, người chồng cô chết thảm chết thương ngay trên chiếc giường tre mới đóng mấy hôm trước ngày cưới. Cô gào khóc hết nước mắt. Dân làng nhiều người thương xót thay cho cô. Nhưng đây đó cũng có những lời bàn tán, dị nghị: "Coi chừng! Con Đào đẹp thật nhưng có tướng sát chồng".

Năm sau, cô xây dựng lại với một ông bỏ vợ ở tận miền xuôi lên đây đóng gạch thuê. Và thật khủng khiếp làm sao, cũng chỉ dăm hôm sau khi cưới, ông chồng thứ hai cũng lại lăn ra chết. Mà cũng chết ngay trên chiếc giường tre nọ. Nỗi đau lần này đã biến cô thành một kẻ như dở người. Còn thiên hạ thì bắt đầu đồn thổi dữ dội về hiện tượng khủng khiếp ấy. Những cái tên "phù thủy", "yêu tinh" người ta gán cho cô lan truyền khắp vùng.

Vì quá thương cảm hai người chồng đã chết, cô quyết định không lấy chồng nữa. Cô cuộn chiếc chăn dạ đặt vào chỗ của hai vị lang quân hồi còn sống vẫn nằm. Cô nghĩ, thiếu vắng chồng, có cái chăn dạ "nằm" bên cũng đỡ lạnh lùng. Chiếc chăn sẽ là người chồng không bao giờ chết của cô.

Dăm năm sau đó, có một ông vợ chết ở làng bên, tuổi đã lục tuần, vì quá mê mẩn sắc đẹp của cô nên đến xin kết tóc xe tơ với cô và cũng sẵn sàng tình nguyện "ở rể" như hai ông chồng trước của cô. Ông ta nói rất thảm thiết:

- Được sống với cô Đào một ngày rồi chết tôi cũng mãn nguyện.

Năm ấy cô đã luống tuổi, nhà lại nghèo xơ xác, cũng thấy cần một nơi nương tựa nên cô bằng lòng lấy ông lục tuần kia. Cô nghĩ, chắc trời cũng chẳng bắt tội mình đến lần thứ ba. Nào ngờ, chỉ một tuần sau, ông chồng cô lại lăn đùng ra chết. Dân làng ồn ỹ. Mọi người hoảng sợ đến nỗi chỉ khoảng hơn chục người dám đến đưa tang người chồng xấu số thứ ba của cô. Có người còn định đưa cô Đào ra Pháp Luật xem có phải là chuyện mưu sát không. Nhưng rồi sau ai cũng thấy rằng xưa nay cô chẳng có chuyện thù oán gì nên thôi không rũ rối ra nữa. Nhưng rồi từ đấy, mọi người trong làng tránh cô như tránh hủi.

Nhân lúc cô Đào ngừng kể, tôi vội hỏi:

- Thưa cô, chẳng lẽ cả ba lần chết như vậy, cô không tìm được nguyên nhân hay sao? Cháu nghĩ chắc phải có điều gì bí ẩn.

- Chuyện là ở ch‌ỗ ấ‌y đấy cháu ạ. Cho đến tận bây giờ vẫn chưa ai biết nguyên nhân vì sao mà cả ba người chồng của cô chịu chết thảm như thế. Chỉ có cô...

Tôi nôn nóng:

- Cô kể tiếp đi!

Cô Đào uống ừng ực một chén nước đầy, đặt "cạch" chiếc chén xuống mặt bàn ghép bằng gỗ rừng:

- Sau lần thứ ba chôn cất chồng, cô hận lắm. Cô mang chiếc giường tre ra vườn chém tan ra cho bớt phiền muội - cái giường mà cả ba người chồng của cô đã chết trên đó. Khi cô phá đến cái ống tre thành giường thì trời ơi! Một con rắn khô mộc ngóc đầu dậy và trườn ra. Cô rụng rời chân tay. Khi trấn tĩnh lại thì con rắn đã bò đi được một đoạn. Cô cầm dao đuổi theo và ché‌m đứ‌t một mẩu đuôi nhưng nó đã chạy thoát. Ngay sau đó cô phát quang cả mảnh vườn nhưng vẫn không tìm thấy kẻ thù đã giết chết ba người chồng của mình.

Tôi lạnh người, khẽ hỏi:

- Nhưng tại sao hồi đó cô lại giấu kín chuyện này để đến nỗi mắc bao nhiêu tai tiếng?

Cô cười rầu rĩ:

- Không dễ như vậy đâu cháu ơi. Nếu như hồi đó người ta tin ngay được chuyện rắn giấu mình trong ống tre thành giường để đêm đêm thò cổ ra cắn chết người thì chắc là nhiều kẻ làm việc xấu xa bỉ ổi nhưng giấu mặt cũng sẽ bị lôi ra ánh sáng dễ dàng. Nhưng ở đời đâu có đơn giản thế hả cháu. Nhiều chuyện phải trả giá bằng cả một kiếp người ấy chứ.

Tôi lặng người đi. Vài lời "triết lí" ngắn ngủi và rất hiển nhiên ấy hẳn là cô phải chiêm nghiệm suốt đời mới rút ra được.

Cô Đào nhăn nhăn vầng trán vẩy nến, nói tiếp:

- Từ đấy, cô quyết định vào sống cùng với loài rắn ở khu rừng Hom Giỏ này. Cô tự thề với lòng mình là phải lùng tìm để giết bằng được con rắn khô mộc ấy. Nhất định cô phải giết chết nó!

Đáng sợ quá! Giống như một câu chuyện thần thoại Ấn Độ mà tôi đã đọc ở đâu đó về sự thù nghịch giữa rắn và người. Nhưng nhân vật chính của câu chuyện thần thoại này lại là bà cô họ của tôi.

Tôi thật sự bị cuốn vào câu chuyện nửa thật, nửa hoang đường này.

- Sau đó cô có tìm thấy nó không?

Cô Đào ủ rũ:

- Đáng tiếc là cô chưa giết được nó. Có một lần đang hái củi, cô chợt nhìn thấy con rắn khô mộc vắt người trên chiếc dây leo. Cái đuôi cộc. Đúng là nó. Cô xông tới chém nhưng lại trượt. Loài rắn nó nhanh và hiểm độc hơn loài người nhiều lắm cháu ạ.

Tôi tiếc rẻ, thốt lên:

- Giá như vào tay cháu thì nó đã đứt đôi người ra rồi. Thế bây giờ cô định tính sao?

Cô thở dài:

- Còn tính sao được nữa hả cháu. Cô già rồi, chắc chắn là không còn đủ sức để giết nó nữa. Vì thế cô muốn nhờ cháu...

Tôi hăng hái:

- Được! Cháu sẽ xin nghỉ phép về đây tìm giết con rắn hiểm độc ấy.

Cô cười:

- Ai lại làm thế. Là ý cô muốn thế này. Cháu là nhà văn, nhà báo, một lời cháu nói là hàng ngàn, hàng vạn người đều biết. Cho nên cô muốn nhờ cháu viết một cái gì đó để báo cho mọi người biết rằng con rắn khô mộc ấy vẫn còn sống. Ai cũng biết trời đất sinh ra muôn loài. Có loài hiền, có loài dữ, nhưng chẳng loài nào đáng sợ bằng con rắn giấu mặt vào cái ống tre ngay trên giường ngủ của mình. Cháu ạ, năm nay cô thấy người yếu lắm rồi, nay sống, mai thác chẳng biết đâu mà lường. Lúc đầu cô định sẽ đem theo mọi bí mật xuống mồ. Nhưng rồi cô lại nghĩ, nếu không kể lại cái chuyện kì dị và khó tin ấy biết đâu sẽ có người lại phải chết hoặc chết dở sống dở như cô.

Tôi gật gù, nói với cô:

- Cháu nghe lời cô. Nhất định cháu sẽ làm theo lời cô dặn.

- Nhưng cháu phải viết cho thật khéo không người ta lại bảo cô cháu mình bịa chuyện, không tin. Không tin thì rồi lại chết. Cứ truyền kiếp mãi cái khổ.

Cuối cùng, cô nói với tôi hãy coi đó là lời trăng trối của cô. Giọng cô nửa buồn, nửa vui:

- Chỉ xin cháu một điều là đợi đến khi cô chết rồi hãy viết. Cháu còn nhớ cái hôm giỗ cụ ngoại, ngày cháu còn bé tí ấy, cô có giảng giải cho cháu nghe rằng chuyện cổ tích là những chuyện kể về những người đã chết không? Vậy, cái chuyện cô vừa kể, cháu cứ cho nó là chuyện cổ tích nhé. Ai muốn tin thì tin. Không tin cũng đành chịu.

Tối mịt, tôi mới từ biệt cô.

*

Sau giỗ bốn chín ngày cô Đào, giữ lời hứa với cô, tôi viết lại chuyện này. Và, đúng như cô nói, vì nó là truyền thuyết nên tôi đặt cái tên là: Thiên truyện cổ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật