Có đáng hay không?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chị dâu tôi mất tích. Một con người cứ thế biến mất như chưa từng tồn tại giữa lòng thành phố. Mặc cho anh tôi và mọi người đi tìm chị khắp nơi, nhưng vẫn không hề có dấu vết. Có lẽ ngay từ lúc chị ra đi, chúng tôi nên giữ chị ở lại thì mọi chuyện sẽ chẳng như bây giờ.
Có đáng hay không?
Ảnh minh họa

Tôi ngồi trên chiếc xe lăn, thẫn thờ nhìn quanh căn nhà vắng để tìm kiếm bóng hình chị. Từ cái ghế chị ngồi đọc báo đến gian bếp chị cặm cụi mỗi ngày, hay những hàng hoa bên hiên nhà chiều chiều chị tưới nước. Hình như ở đâu đó, tôi vẫn thấy thấp thoáng bóng chị đang cười hoặc cằn nhằn khi tôi đẩy xe lăn một mình ra ngoài sân. Nhưng, cuối cùng đọng lại vẫn là cái dáng liêu xiêu, gầy guộc của chị giữa dòng người tấp nập.

Ngày chị ra đi, trời kéo mây và mưa giăng đầy ngõ. Anh trai tôi và mọi người tiễn chị ra đến cửa, chúc chị thành công tại một chân trời mới. Tôi thấy chị cười thật rạng rỡ, nhưng lại có gì đó buồn buồn trên khóe mắt. Một cuộc chia tay chắc sẽ trọn vẹn nếu mẹ chị chẳng xuất hiện. Bác túm tóc, cào cấu và đánh đập chị. Miệng gào lên chửi:

– Có thằng chồng cũng đéo giữ được. Để nó theo trai, thì cái l*n của mày để làm gì? Hả! Cái... của mày để làm gì?

Chị không trả lời. Tôi thấy nước mắt chị lăn vệt dài, lẫn vào tóc mà dính vào miệng với những tiếng nức nở. Bố mẹ tôi chạy ra can ngăn mẹ chị, nhưng bà ấy vẫn đấm đá lên tấm thân gầy của chị. Thỉnh thoảng lại rủa xả:

– Không giữ được chồng, sao mày không chết quách đi? Chết... đi!

Bốn người rằng co mất một lúc, anh tôi mới kéo được chị ra. Hàng xóm xung quanh thì đứng chỉ trỏ nhưng chẳng ai giúp đỡ. Lúc ấy, tự nhiên tôi thấy mình thật bất lực, khi chẳng thể làm gì giúp chị. Dù đơn giản chỉ là giữ chị lại, ủi an cho vơi bớt những đớn đau thể xác và tinh thần. Nhưng, tôi đã không làm gì hết.

Chị cứ thế ra đi bằng hành trang là khuôn mặt bầm tím, mái tóc rối cùng cái vali hành lý nho nhỏ. Hòa vào dòng người trên phố, nhìn chị sải những bước chầm chậm, chẳng một lần lùi bước về phía sau. Bất chợt trong đầu tôi nảy ra một câu hỏi: "Chị làm vậy có đáng hay không?"

***

Anh trai tôi quyết định lấy vợ sau những thúc giục và cưỡng ép của bố mẹ. Trước đó, ngày nào bố tôi cũng cằn nhằn, còn mẹ thì thường lấy ví dụ con nhà ông nọ, bà kia bằng tuổi anh đã con mấy tuổi hay đẻ mấy đứa. Nhưng anh vẫn lẳng lặng mà coi như không.

Có một dạo, tôi cũng sốt ruột mà hỏi anh:

– Sao anh không lấy vợ đi?

– Thế tại sao cứ phải lấy vợ? – Anh hỏi ngược lại.

– Tuổi anh cũng còn nhỏ nữa đâu, lấy đi cho bố mẹ ôm cháu. – tôi tiếp tục khuyên nhủ.

– Con... có lúc nào chẳng được. Nhưng không nhất thiết phải lấy vợ. – anh hơi ngập ngừng.

– Tại sao?

– Haiz... Vì không hạnh phúc!

Anh thở dài rồi đáp. Mắt anh nhìn ra ngoài bầu trời, đêm đã buông một mảng màu đen kịt chỉ có vài ngôi sao lẻ loi đang tỏa sáng mờ mờ. Tôi chẳng biết vì sao anh lại trả lời như vậy. Trong đầu tôi lúc ấy luôn quẩn quanh những suy nghĩ về hạnh phúc, nhưng vẫn không tài nào lý giải được.

Rồi một ngày đầu Hạ, anh dẫn chị về ra mắt gia đình. Ấn tượng đầu tiên của tôi với chị đó là một cô gái thật hiền, mộc mạc và giản dị. Chị mặc cái áo màu thiên thanh, tóc xõa ngang vai, nắm tay anh tôi ngồi đối diện trước mặt bố mẹ tôi. Mọi cử chỉ, hành động của toát lên một sự dịu dàng khó thấy ở những cô gái trẻ bây giờ. Nhìn chị như thế, chẳng ai nghĩ chị là một cô gái thiếu thốn tình thương, chỉ có mình mẹ. Ấy vậy mà bố mẹ tôi vẫn rất hài lòng về chị, và đám cưới diễn ra như lẽ tất yếu để chị chính thức thành chị dâu tôi.

Vài tháng sau đó, anh tôi sắm vai chú rể trong bộ vest xanh da trời, tay cầm hoa cưới mà đứng lưỡng lự trước gương. Anh hỏi tôi một câu rất lạ:

– Anh làm vậy có đúng không?

– Cái gì mà đúng với sai?

– Đám... cưới. – anh thì thào.

– Nếu anh yêu chị ấy. – tôi khẳng định.

– Ừ! Có lẽ vậy. – anh lẩm bẩm rồi ra xe hoa.

Tôi không rõ ràng lắm về chuyện của anh, bởi anh chẳng tâm sự điều gì bao giờ. Nhưng với hai từ "có lẽ" thì tôi đoán chắc anh cũng không mong chờ đám cưới này lắm. Tuy nhiên, ngược lại với điều đó là hai người lại thành vợ chồng một cách yên ấm, hòa hợp đến lạ.

Chị đối xử với anh không quá nồng nhiệt như những cặp vợ chồng trẻ mới cưới, nhưng cũng không quá lạnh nhạt khiến bố mẹ tôi nghi ngờ. Theo cách nhìn của tôi họ giống như hai người bạn. Anh tôn trọng chị, chuyện gì cũng bàn bạc với chị và chị cũng lặp lại đối với anh như vậy. Thi thoảng tôi vẫn hay trêu chị, khi ngồi nhìn chị chăm sóc mấy khóm hồng.

– Hai anh chị trông cứ như vợ chồng già ấy.

– Cô thì biết cái gì là vợ chồng già. – chị cười rồi chỉ tay lên trán tôi.

– Thì anh chị chẳng show â‌ּn á‌ּi bao giờ. – tôi bĩu môi.

– Cô không hiểu đâu...

Chị cốc tôi một cái rồi đi vào trong nhà. Còn tôi thì vẫn u mê nhìn theo bóng chị. Có lẽ tình cảm là thứ khó hiểu nhất trên thế gian, vì mỗi người luôn có cách thể hiện của riêng mình. Dẫu là ích kỷ, hay bao dung thì tình yêu vẫn là tình yêu. Người ta yêu theo cách này hay cách khác, nhưng có lẽ mục đích đều giống nhau. Tất cả đều ước mong về hạnh phúc.

Tôi đã từng tự hỏi rằng anh tôi và chị, hai người có hạnh phúc không? Sau những nghi ngờ về biểu tình của anh ngày cưới và cái cách hai người sống chung. Thậm chí, âm thầm theo sát chị mỗi lúc anh ở nhà. Thế nhưng cái kết quả tôi nhìn thấy lại vô tình đạp đổ những suy nghĩ trước đây. Bởi anh tôi là Gay và anh không thích phụ nữ.

Đẩy xe lăn nép mình vào cánh cửa, cái khe nhỏ bé xẻ dọc phòng khách khiến tôi chỉ thấy bóng lưng anh chị. Bố tôi nghiêm mặt, mẹ thì khóc, nước mắt mẹ chảy ướt hai má và anh cúi đầu thật thấp. Tôi nghe tiếng chị trầm ổn vọng lại:

– Con xin lỗi bố mẹ! Đáng ra con và anh Hoàng không nên làm thế.

– Không! Thủy không có lỗi. Tất cả là tại con. Vì con sợ bố mẹ thúc giục mới cầu xin sự giúp đỡ của cô ấy. – Anh nghẹn ngào, chân anh quỳ trên sàn còn tay thì nắm chặt tay chị.

Tôi ngờ ngợ nhận ra điều gì đó từ cuộc hôn nhân kỳ quặc của anh chị. Phải chăng, cái sự ngăn cách giữa hai người mà tôi nhận thấy vốn là rào cản của tình cảm. Khi người ta vốn chỉ coi nhau là bạn, dẫu có cố thế nào cũng không thể thành yêu.

Bố tôi vẫn trầm mặc, ông phẩy tay ý bảo hai người lui ra rồi đi vào phòng. Tối ấy cả căn nhà bỗng nhiên vắng lạnh, không những tiếng cười đùa rộn rã. Cái không khí gia đình như được phủ một màu ảm đạm. Tôi một mình ngồi ngoài hiên, chợt anh tôi ngồi xuống bên cạnh. Tôi thấy má anh hằn mấy vết ngón tay, có lẽ bị bố đánh. Khẽ chạm lên đó, tôi hỏi anh:

– Đau không?

Anh lắc đầu, không đáp.

– Anh đáng bị như vậy.

Tôi nhìn anh mà khẳng định. Trong suy nghĩ của mình, với tất cả những việc anh đã làm thì như thế vẫn là quá nhẹ. Tôi không hiểu nhiều tình yêu, nhưng tôi cũng thấy tiếc cho chị. Thời gian là thứ chẳng phải cứ qua là có thể lấy lại. Và hơn hết anh ấy nợ chị một phần đời đã mất.

Anh kể cho tôi nghe ngày quen chị, đó là khi những căng thẳng trong nhà về chuyện vợ con của anh lên đến đỉnh điểm. Anh buồn, bỏ đi lên miền ngược đi bụi mấy tuần liền thì gặp chị cũng lên ấy du lịch. Họ trò chuyện với nhau, rồi về thành phố lại hẹn hò cà phê. Anh đem chuyện mình kể và chị ấy đề nghị giúp đỡ, hai người kết hôn cho đến khi anh có bạn trai sẽ ly hôn. Nghe đến đó, bỗng nhiên tôi nghĩ có lẽ anh không yêu chị nhưng chắc chị cũng yêu anh, dù ít hay nhiều thì mới hy sinh nhiều như vậy.

Giọng anh đều đều, tựa như đang kể một câu chuyện cổ tích cho tôi nghe vào lúc nhỏ. Đến cuối chỉ còn là những tiếng thở dài thườn thượt tan vào đêm tối. Chúng tôi cứ yên lặng sau câu chuyện của anh, cho đến cuối cùng tôi bỏ lại một câu rồi đẩy xe vào nhà.

– Anh phải may mắn lắm mới có một người bạn như thế.

Tôi không nghe thấy câu trả lời của anh, cũng chẳng biết anh vào nghỉ lúc nào. Sau đêm ấy, cuộc sống vẫn tiếp diễn. Bố mẹ cũng chấp nhận sự thật anh là gay, còn chị thành con gái nuôi. Từ chị dâu biến thành chị gái với tôi cũng không có gì thay đổi. Chị vẫn là chị, vẹn nguyên như cái thuở chị mới về làm dâu.

Nhiều ngày sau anh tôi cũng có bạn trai, biểu hiện rõ ràng nhất cho điều ấy là anh thường xuyên vắng nhà. Ít trở về mỗi tối, vắng những buổi cả gia đình quây quần bên mâm cơm, chị sẽ lặng lẽ nhìn anh và cười thật ấm áp. Bây giờ chị vẫn cười, nhưng cái nụ cười ấy thật gượng gạo. Có lúc chỉ còn hai chị em, tôi lại hỏi chị về những mối nghi ngờ giữa tình cảm của chị dành cho anh.

– Chị có từng yêu anh em không?

– Không yêu sao lại cười. – chị cười cười, giọng hệt như một câu nói đùa.

– Vậy chị có biết anh ấy không hề yêu chị không ? – tôi nghi hoặc

– Biết... – giọng chị khe khẽ.

– Thế sao chị vẫn chấp nhận anh ấy? – tôi vẫn hỏi.

– Vì chị yêu! – chị nhìn tôi khẳng định,

– Yêu mà chị lại để anh ấy đi tìm người khác. – tôi bĩu môi, lẩm bẩm.

– Cô không hiểu. Nhiều lúc... yêu là nên từ bỏ.

Vẫn là cái từ "không hiểu". Có lẽ tôi quả thật không thể hiểu nổi chị, cái gì là yêu nên từ bỏ. Tôi luôn hỏi chị tại sao phải làm thế. Theo suy nghĩ của mình, tôi luôn mặc định mọi thứ nên giành lấy, kể cả tình yêu. Chứ không phải là cái định lý sáo rỗng trên phim truyền hình rằng chỉ cần người mình hạnh phúc thì mình hạnh phúc. Nhưng lúc ấy tôi đã dao động, vì qua chị có lẽ tôi sẽ suy nghĩ lại.

Ngày bạn trai anh tôi cùng anh về ra mắt cũng là ngày chị lựa chọn ra đi. Bố mẹ tôi muốn giữ chị lại, nhưng chị chỉ lắc đầu. Tôi nghe chị kể về ước muốn của mình, một vùng trời khác, một người yêu mới. Chị đã mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ. Thế nên chị đã đi, nhưng đi mãi không về...

***

Người ta tìm thấy chị ven sông sau những ngày mất tích, chẳng gầy guộc mảnh mai như lúc đi. Người chị trương phồng giống quả bóng cao su và tim không còn đập. Kết quả khám nghiệm xác định chị nhả‌y cầ‌u t‌ּự sá‌ּt. Cái tin tức ấy đã khiến gia đình tôi chao đảo.

Anh luôn tự nhốt mình trong phòng dằn vặt, tự trách. Dù ai khuyên cũng không được. Mặc kệ bạn trai anh ấy vẫn luôn túc trực ngoài phòng. Còn bố mẹ, tôi thấy họ như già đi vài tuổi. Mẹ lại rửa mặt bằng nước mắt và bố nhìn xa xa, thở dài thườn thượt.

Tôi đã hình dung cho mình muôn vàn những kết quả khi chị đi và trở lại. Nhưng, chẳng bao giờ tôi mong cái kết quả như vậy. Đêm đó tôi mơ màng ngủ, đầu quay vòng với những câu hỏi liên tục "Tại sao chị ấy lại chết? Chị ấy là một cô gái tốt, người chăm sóc bố mẹ chồng như bố mẹ đẻ, chị ấy là người giúp anh có dũng khí sống thật với bản thân mình? Vậy tại sao chị ấy lại chết...?" Hoặc đôi lúc tôi muốn một lần gặp lại chị để hỏi về cái lý do cho sự lựa chọn kết thúc sinh mệnh sau tất cả mọi chuyện. Cứ thế giấc ngủ của tôi chập chờn trong đêm. Vào một phút giây nào đó, dường như tôi thấy mình gặp chị. Vẫn cái áo màu thiên thanh, mái tóc xõa ngang vai, tôi lại hỏi:

– Chị làm vậy có đáng hay không?

Chị đứng đó nhìn tôi, không trả lời mà chỉ mỉm cười bình thản. Tựa như những ngày chị vẫn ở nhà, đứng bên hiên ngâm nga đôi câu hát quen thuộc. Lúc đó tôi tự hỏi không biết chị có thấy hối hận cho tình yêu của mình không.

Sáng dậy, giấc mơ tan theo ánh nắng trên giàn thường xuân bên cửa sổ. Tôi không nhớ mình thiếp đi lúc nào, nhưng hình ảnh cuối cùng của chị trong giấc mơ ấy lại đeo bám tôi mãi. Chị lắc đầu, chắc chị nghe được tiếng lòng tôi nên mới hồi đáp như vậy. Hẳn là chị đã yêu, một tình yêu cho đi mà không cần nhận lại, và cũng chưa từng hối hận.

Đám tang chị, mẹ chị không đến. Bố mẹ tôi liên lạc được với bà, nhưng đáp lại là câu nó chết rồi à cùng những tiếng cười điên dại.

Còn tôi thì tìm cách bỏ trốn khỏi căn nhà ngập mùi nhang khói. Đơn giản, tôi không thể tiếp thu được cái cảnh người ta đưa chị về với đất, để mai này chị cũng hóa thành cát bụi. Lặng lẽ đẩy xe lăn ra đầu ngõ đón taxi, tự nhiên tôi lại muốn đến nhà chị. Căn nhà có người đàn bàn ngày ấy xỉ vả, đánh đập chị. Tôi muốn hỏi bà ấy thật nhiều, tại sao lại tàn nhẫn và lạnh lùng với con ruột mình như vậy. Nếu bà ấy bao dung hơn, hiểu cho chị thì có lẽ mọi chuyện sẽ khác.

Xe loanh quanh đi về đầu kia thành phố, rẽ vào một con ngõ nhỏ hoang vắng. Dừng nơi quán nước, tôi chưa sẵn sàng để bước vào đó. Từ phía xa trông lại, căn nhà nhỏ có người đàn bà ngồi đan len bên bậu cửa, lạnh lùng như một cái máy không cảm xúc.

– Cháu tìm nhà ai à? – cô hàng nước hỏi tôi.

– Vâng cháu tìm nhà chị Thủy. – tôi khẽ đáp.

– Haiz... Con bé ấy đi lấy chồng rồi. Từ ngày nó đi mẹ cứ khùng khùng sao ấy. Ghét đàn ông lắm! Ai đi qua cũng mắng, hình như bố con Thủy bỏ bà ấy theo gái nên cứ nhắc đến ngoại tình là lại điên điên dại dại. Rõ khổ!

Cô ấy thở dài và tôi như chết lặng. Con người vốn dĩ chẳng có ai tàn nhẫn với ai, chỉ khi đã nếm trải hết những đớn đau đến độ phát điên thì mới vậy. Có lẽ người đàn bà ấy cũng có một câu chuyện dài thật buồn khác, và ngày đó chắc cũng chỉ là cơn điên thường trực. Nhưng đem cách bà ấy lựa chọn để giải quyết câu chuyện so với chị thì tôi nghĩ hẳn chị đã triệt để hơn. Vì ít nhất đó sẽ là bi kịch của riêng chị mà thôi!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật