Khi thời gian co giãn…

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thầy tôi kể chuyện hồi đầu thập niên 1990, sau khi Liên bang Xô Viết tan rã, ông đi từ Nga sang Đức bằng tàu hỏa. Ông không biết tiếng Đức mà vốn tiếng Nga của ông thì không thể sử dụng trước tình hình chính trị hết sức nhạ‌y cả‌m lúc bấy giờ.
Khi thời gian co giãn…
Ảnh minh họa

Nói chung, cuộc hành trình ấy đầy mạo hiểm, rủi ro, và ông chẳng biết lúc nào tàu sẽ tới Đức. Tất cả đều dựa vào dự cảm, nói cách khác, nhờ giác quan thứ sáu!

Một buổi chiều, khi chiếc kim phút trên đồng hồ treo ở sân ga chạy hết vòng quay đến giây cuối cùng đúng vào lúc 6 giờ thì đoàn tàu dừng bánh. Linh cảm của thầy tôi mách bảo ông nước Đức đây rồi. Chỉ có nước Đức mới chính xác đến thế! Sau chuyến hành trình dài như vô tận, đoàn tàu vẫn tới ga đúng giờ.

Nghe câu chuyện, tôi hoài nghi người Đức không thể sinh ra đã đúng giờ! Nói cách khác, đúng giờ không phải thuộc tính bẩm sinh, hay gen di truyền, mà có lẽ nó ẩn náu trong văn hóa. Cuốn sách “Toàn cầu hóa và tái thiết đạo đức” của chính trị gia Helmut Schmidt, nguyên Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức, đã trả lời cho câu hỏi này.

Đằng sau những giá trị tự do, công chính và đoàn kết, tác phong đúng giờ là một trong những chuẩn mực được người Đức tôn trọng. Kỷ luật, tuân thủ giờ giấc một cách nghiêm khắc là đức tính được dạy ở nhà trường, được mọi người vận dụng vào cuộc sống, từ đó trở thành văn hóa. Và khi một giá trị tham gia vào hệ thống văn hóa, nó trở thành sức mạnh chi phối mọi hành vi. Bởi vậy, tác phong đúng giờ rất phổ biến trong xã hội Đức.

Xét nội hàm các định nghĩa về văn hóa, người ta có thể chia làm ba tầng nghĩa. Tầng dưới cùng là tầng ứng xử với những vấn đề cơ bản trong cuộc sống, như văn hóa ăn, mặc, ở, đi lại... Tầng trên cùng là các hiện tượng văn hóa triết học, tôn giáo, nghệ thuật... Còn tầng giữa nhằm chỉ cách thức con người lựa chọn lối sống.

Ở tầng giữa này, phẩm chất từng tộc người bộc lộ một cách rõ rệt, khác biệt, giúp lý giải vì sao dân tộc này ưu việt, dân tộc kia lạc hậu. Người Đức, người Israel, người Nhật... đã tạo nên văn hóa - kỷ luật, từ đó dẫn dắt dân tộc họ đi trên con đường tiến bộ vượt bậc. Thời gian đối với con người là một giá trị bình đẳng, nhưng khác nhau về cách sử dụng. Điểm gặp gỡ của các dân tộc có sự phát triển cao về khoa học, kỹ thuật, công nghệ... đều nằm ở khả năng sử dụng thời gian một cách hiệu quả.

Nhìn chung, người Việt chúng ta lại coi thời gian là một thứ... co giãn. Trong quá khứ, giờ Ngọ (chẳng hạn) là khoảng thời gian từ 11 giờ sáng đến 1 giờ trưa. Như vậy, trong khoảng từ 11 giờ đến 12 giờ 59 phút là thuộc giờ Ngọ. Nếu hai người hẹn nhau vào giờ Ngọ, người tới trước có thể phải đợi người đến sau trong gần hai tiếng đồng hồ, tức khoảng 120 phút! Hiện tại, chúng ta đã tính thời gian bằng giờ, phút, giây theo chiếc đồng hồ. Tuy vậy, tính sai số trong áp dụng một chuẩn chung vẫn xảy ra khiến cho thời gian bị trôi đi một cách lãng phí.

Trong thực tiễn, khả năng hợp tác của con người bị suy giảm đáng kể nếu thiếu ý thức chấp hành nghiêm túc về thời gian. Người Việt bên Mỹ có câu: “Không ăn đậu không phải người Mễ. Không đến trễ không phải Việt Nam” để chỉ thói xài “giờ dây thun” của người Việt, ngay cả người Việt ở hải ngoại.

Sự thiếu đồng bộ, nhịp nhàng trong quá trình hợp tác có liên quan trực tiếp với yếu tố thời gian. Có thể hình dung điều này như trong một dàn nhạc. Thử tưởng tượng nếu các nhạc công không nhất quán về tốc độ, nhịp điệu thì tác phẩm hòa tấu sẽ lộn xộn và không làm nên một chỉnh thể âm nhạc. Âm nhạc là loại hình nghệ thuật thời gian. Việc thống nhất đơn vị đo lường bằng thời gian đặc biệt quan trọng. Nó quy mọi thành viên vào một nguyên tắc chung nhằm triển khai tác phẩm, phối hợp nhịp nhàng, trật tự, từ chính xác đến ăn ý, hài hòa.

Đối với người Đức hay người Nhật, thời gian là tài sản mà vàng không thể đánh đổi. Sứ mệnh nền giáo dục của họ là dạy con người biết quý trọng thời gian. Học sinh Việt Nam học nhiều giá trị nhưng dường như ít được dạy ý nghĩa của việc tuân thủ nghiêm ngặt về thời gian cũng như ít được rèn luyện việc tuân thủ.

Xuất phát từ sự khiếm khuyết đó, thời gian bị sử dụng lãng phí, sai lệch, kém hiệu quả... Không có tư duy chính xác về thời gian, khả năng dự liệu khoảng thời gian hoàn thành công việc cũng như năng lực kiểm soát tiến độ theo khung thời gian đã định không thể tốt được.

Chúng ta vẫn tự hào có mấy ngàn năm lịch sử nhưng đã có bao nhiêu thời gian trong đó trôi qua một cách hững hờ? Ngay cả các văn kiện trong thời đại hôm nay, người ta vẫn hay dùng cụm từ “sớm đưa đất nước (hay công ty, tổ chức)” đến một bến bờ nào đó, hay “sớm giải quyết” một vấn đề nào đó. Nhưng nếu có ai đó hỏi: “Sớm là khi nào?”, dễ thấy câu trả lời là: “Khi có thể”! Bởi vậy, có người từng khuyến cáo nên thay từ “sớm” bằng từ “sắp” để thể hiện một quyết tâm cao hơn. Nhưng “sớm” hay “sắp” xem chừng cũng vẫn là tư duy về một thứ thời gian co giãn!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật