Còn đâu rừng thông

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày đó có đôi tình nhân nằm thong dong trên triền dốc, bãi cỏ bên dưới xanh rì, không gian im ắng, thỉnh thoảng nghe được cả tiếng lá rơi nhẹ. Mỗi cơn gió thổi qua, lá thông rì rào, rì rào như lời thì thầm câu chu‌yện tìn‌h yêu miên man...
Còn đâu rừng thông
Ảnh minh họa

Họ vừa trải qua ngày hôn lễ tưng bừng và đang trong thời gian trăng mật trên vùng đất mệnh danh là “Thiên đường tình yêu”. Những ngày ấy khắc sâu vào ký ức mãi mãi xanh tươi, nồng nàn của sự bắt đầu đời sống vợ chồng.

Rất nhiều năm về sau, bãi cỏ xanh mượt trên triền dốc, sắc nắng vàng rực rỡ, rừng thông xanh um với tiếng rì rào miên man đó đã thành kỷ niệm đẹp giúp họ vượt qua bao khó khăn gian khổ của cuộc sống đầy biến động, vô thường.

Vậy mà... thoáng một cái, cảnh vật đã đổi thay! Dọc con đường lên phố núi, những tấm nhà màng trắng toát, trắng đến rợn người. Mấy năm trước, sự phủ trắng này còn ở phía trong, phía xa. Mấy năm trước, ven đường còn những rừng thông xanh ngắt, còn những hàng thông cao ngất vốn là niềm tự hào của xứ sở ngàn hoa.

Giờ mọi thứ mất dần, ruột rừng trống hoác, nhìn hút tầm mắt vẫn trắng xóa những nhà màng nhô lên như những chiếc mùng khổng lồ. Đúng là người dân ở đây đã tận dụng mọi thứ để phục vụ cho sự phát triển kinh tế, du lịch của vùng đất này. Dĩ nhiên mọi thứ đều có cái giá của nó.

Những rừng thông bị đốt rụi, bị chặt bỏ tan hoang, khí hậu càng nóng dần, không gian ô nhiễm..., liệu vùng đất sương mù, hoa cỏ thiên nhiên đẹp đẽ này có còn phát triển bền vững và trong lành như mong muốn của người có công phát hiện ra nó năm xưa: một không gian sinh sống, nghỉ dưỡng trong lành! (1).

Mấy năm trước vào mùa mưa, bạn đi phố núi về nói chuyện vui. “Quý vị có tin không, trên đó mấy bữa trời mưa ngập đường đó. Đừng tưởng cao nguyên không ngập nghe!”. Thông tin xong bạn còn cười khà, khà. Đúng là mỉa mai mà! Còn nữa, mới hôm qua ngồi “tám” trong quán cà phê, có bạn mới đi tránh nóng trên đó về thông báo một chuyện khó tin. “Tụi mi biết không, giờ khách sạn trên đó có chỗ có máy lạnh trong phòng đó”.

Ngỡ như “Cá tháng tư” vậy! Hình ảnh những nhà màng trắng phếu hai bên đường, những lõm rừng trống phộc hiện ra... Hiệu ứng nhanh chóng vậy sao! Trái tim cô gái năm xưa từng vui cười, hạnh phúc trên triền cỏ xanh, dưới rặng thông già chợt đau nhói. Thôi rồi, thiên đường tình yêu! Tuần trăng mật nồng nàn! Còn không một chốn đi về, một vùng ký ức tươi xanh?

May mà hè vừa rồi lên phố núi, dài theo ngoại ô, mấy trang trại mênh mông trồng rau củ theo chuẩn VietGAP vẫn còn nắm níu bước chân. Không hề có màng bao phủ, những liếp artichaud, hương thảo, thì là, dâu tây, cà bi trải dài trước mắt, mấy cô công nhân ngồi thu hoạch dâu tây, cà chua nón lá che đầu, mặt quấn khăn kín mít, hai mắt sáng ngời khiến du khách ấm lòng. Lấy một trái dâu tây vừa hái chín mọng chùi vào áo rồi bỏ vào miệng, hương vị ngọt ngào lan ra... Chút gì còn lại của xứ sở ngàn hoa đó chăng?

Thôi thì tạm bằng lòng vậy, bởi làm sao tâm hồn ta nỡ bỏ nơi này! Huống chi còn đó những hàng mai anh đào rực hồng những nẻo đường ngày xuân, còn đó những chùm phượng tím trên con đường xuống chợ mùa hè, cả những chùm mimosa nhuộm vàng mấy ngọn đồi đưa hương thơm ngát kia nữa. Thành phố sương mù mộng mơ, xứ sở ngàn hoa, xứ sở ngàn thông trong lòng khách lãng du có bao điều diệu kỳ, đẹp đẽ mà cũng đầy hoài niệm như vậy.

Nghe nói để tôn vinh hoa cỏ, người phố núi còn có dự án tạo nên những con đường chuyên biệt về hoa như đường hoa hồng, đường hoa mimosa, hoa anh đào, hoa ban, hoa phượng... Đến nay một vài con đường đã bắt đầu hình thành điểm thêm vẻ rực rỡ cho thành phố du lịch này.

Hóa ra việc giữ được sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và sự trong lành xanh mát của thiên nhiên vẫn là một bài toán khó trong mắt người có “tâm”. Chỉ tiếc chữ “tâm” kia càng ngày càng phai nhạt trước sự lên ngôi của chữ “tài”! Nếu ngày nào đó phố núi không còn sương mù, du khách lên xứ hoa đào tuy có thể mang về “một cành hoa” nhưng không còn nghe được “thông reo bên suối vắng” (2) nữa thì...

Xuống khỏi đèo Prenn, nhìn những tấm màng trắng xóa dọc ven đường, nhìn những hàng thông đứng buồn rũ tít bên trong, chợt nhớ câu thơ của người xưa: Kiếp sau xin chớ làm người/Làm cây thông đứng giữa trời mà reo (Cây thông - Nguyễn Công Trứ).

Âm hưởng câu thơ cũ, sao khiến lòng ngậm ngùi.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật