Hà Nội giao quyền tự chủ cho trường phổ thông chất lượng cao

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong khi TP Hồ Chí Minh đang xây dựng đề án trình UBND TP về việc giao quyền tự chủ tài chính, nhân sự cho các trường phổ thông thì Hà Nội mới chỉ có đề án giao quyền tự chủ tài chính cho các trường chất lượng cao.
Hà Nội giao quyền tự chủ cho trường phổ thông chất lượng cao
Theo các chuyên gia, giao quyền tự chủ là xu hướng được áp dụng nhiều nơi trên thế giới.

Ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng Phòng Kế hoạch – Tài chính (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết, hiện nay Hà Nội mới chỉ có đề án giao quyền tự chủ tài chính cho các trường chất lượng cao.

Triển khai từ năm 2013, đến nay Hà Nội đang có 17 trường từ mầm non, tiểu học, THCS và THPT được công nhận trường chất lượng cao, trong đó 12 trường công lập và 5 trường ngoài công lập. Các trường khi đảm bảo được các tiêu chí gồm: Cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình giảng dạy…sẽ được thực hiện tự chủ tài chính theo Nghị quyết số 14 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội.

Theo đó, các trường thực hiện đề án chất lượng cao được nhà nước đầu tư cơ sở vật chất ban đầu theo tiêu chí cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao. Cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao (trừ đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên) được Ngân sách cấp kinh phí trong vòng 3 năm kể từ khi được công nhận theo lộ trình giảm dần.

Kết thúc giai đoạn 3 năm, các trường phải tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên. Các trường công lập chất lượng cao có trách nhiệm quản lý các nguồn kinh phí đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch và chịu sự quản lý của Nhà nước, sự giám sát của phụ huynh học sinh và xã hội. Đảm bảo tương xứng giữa chất lượng giáo dục với học phí do người học đóng góp và nguồn tài chính được đầu tư, sử dụng.

Mô hình này cũng được áp mức trần học phí từ năm học 2016-2017 đến năm 2019-2020 cụ thể. Đối với bậc mầm non, trường công chất lượng cao thu 3,9 triệu đồng năm 2016-2017 lên 5,1 triệu đồng năm 2019-2020. Bậc tiểu học thu 3,9 triệu đồng năm 2016-2017 lên 5,1 triệu đồng năm 2019-2020; Bậc THCS thu 4,1 triệu đồng năm 2016-2017 lên 5,3 triệu đồng năm 2019-2020 và THPT cũng có mức thu tương tự bậc THCS.

Theo quy định, tiền thu học phí của học sinh được chi cho các hoạt động bộ máy bao gồm: tiền lương, tiền công, các khoản phụ cấp lương, bảo hiểm, chi phí giảng dạy, văn phòng phẩm, điều hòa, điện nước, bảo trì trang thiết bị…

Tuy nhiên, theo ông Cẩn, hiện nay các trường công lập chất lượng cao tại Hà Nội mới chỉ được tự chủ tài chính mà chưa có cơ chế để tự chủ về tuyển chọn giáo viên. “Việc này phía Sở Nội vụ chưa có hướng dẫn”, ông Cẩn nói.

Trong khi đó, tại TP Hồ Chí Minh, Sở GD&DT thông tin, đơn vị đang xây dựng đề án trình UBND TP về việc giao quyền tự chủ cho các trường, trong đó một số trường đủ điều kiện được tự xây dựng mức thu đảm bảo thu đủ bù chi, không lợi nhuận.

Đặc biệt, từ năm học này, TP Hồ Chí Minh đã giao quyền tuyển dụng giáo viên cho một số trường như: THPT Chuyên Lê Hồng Phong; Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa.

Được biết, TP Hồ Chí Minh hiện có 5 đơn vị tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động và hơn 1.120 đơn vị tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật